19/11/2015
FrieslandCampina Việt Nam là Công ty liên doanh thành lập năm 1995 giữa Công ty Xuất nhập khẩu tỉnh Bình Dương (Protrade) và Royal FrieslandCampina, Tập đoàn sữa hàng đầu của Hà Lan với hơn 140 năm kinh nghiệm hoạt động trên toàn thế giới. Trong 20 năm qua, FrieslandCampina Việt Nam cung cấp mỗi năm trên 1,5 tỷ khẩu phần sữa chất lượng cao với nhiều nhãn hàng nổi tiếng được ưa chuộng tại Việt Nam như Cô gái Hà Lan, Friso, YoMost, Fristi. Các nhà máy FrieslandCampina Việt Nam tại Bình Dương và Hà Nội được xây dựng với trang thiết bị và hệ thống quản lý hiện đại gần như tự động hoàn toàn, có hệ thống xử lý nước thải hoàn chỉnh, sử dụng các nguồn năng lượng sạch, góp phần BVMT.
Trong 20 năm hoạt động và kinh doanh, Công ty đã góp phần không nhỏ trong việc hỗ trợ cộng đồng bằng các hoạt động xã hội như thành lập Quỹ khuyến học "Đèn đom đóm" nhằm nâng cao nhận thức về dinh dưỡng, xây dựng sự nghiệp giáo dục cho thế hệ tương lai…
Là một trong những đơn vị được Bộ TN&MT trao giải thưởng điển hình tiên tiến về môi trường, Tạp chí Môi trường có cuộc trò chuyện với ông Arnoud van den Berg - Tổng Giám đốc Công ty FrieslandCampina Việt Nam về hoạt động sản xuất kinh doanh gắn liền với công tác BVMT.
Ông Arnoud van den Berg - Tổng Giám đốc Công ty nhận Giải thưởng điển hình tiên tiến về môi trường do Bộ TN&MT trao tặng |
Xin chúc mừng Công ty được vinh danh Top 50 tập thể điển hình tiên tiến về BVMT giai đoạn 2011 - 2015 do Bộ TN&MT trao tặng nhân sự kiện Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ IV. Giải thưởng này có ý nghĩa như thế nào đối hoạt động với Công ty, thưa ông?
Ông Arnoud van den Berg: Giải thưởng điển hình tiên tiến về môi trường có ý nghĩa rất lớn đối với tập thể Công ty FrieslandCampina Việt Nam. Đồng thời là minh chứng cho cách làm đúng đắn của Công ty luôn hướng đến sự phát triển bền vững cùng cộng đồng, đây là nguồn động viên khích lệ tinh thần cho các hoạt động BVMT của chúng tôi trong suốt những năm qua. FrieslandCampina Việt Nam luôn đặt công tác BVMT lên hàng đầu khi đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam.
Trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế về môi trường, Tổng cục Môi trường và Công ty ký kết Chương trình “Vì Môi trường Việt Nam xanh”, vậy ông cho biết mục đích, ý nghĩa của Chương trình này?
Ông Arnoud van den Berg: Trong xu thế đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu kinh tế - xã hội quan trọng. Cùng với quá trình phát triển kinh tế, xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã gây ra nhiều sức ép lên tài nguyên và môi trường. Do đó, công tác BVMT đối với sự phát triển bền vững ngày càng cần được xã hội nhìn nhận đầy đủ và đúng mức hơn. Xuất phát từ thực tế trên, với mong muốn được chung tay cùng với cộng đồng xã hội cải thiện môi trường sống xung quanh và thế hệ tương lai, Tổng cục Môi trường phối hợp với Công ty FrieslandCampina Việt Nam tổ chức buổi lễ ký thỏa thuận hợp tác chương trình “Vì Môi trường Việt Nam xanh”. Thỏa thuận hợp tác tập trung vào việc giáo dục nâng cao nhận thức về BVMT tại Việt Nam thông qua các cuộc thi, giáo dục ngoại khóa (đặc biệt là giới trẻ); hỗ trợ thực hiện các hoạt động tuyên truyền, khuyến khích, động viên các tổ chức, cá nhân có những đóng góp tích cực trong công tác BVMT; chú trọng đầu tư cho các hoạt động, sự kiện, cuộc thi về môi trường tại Việt Nam; tổ chức và thực hiện các hoạt động làm giảm thiểu và ngăn chặn các vấn đề về ô nhiễm môi trường tại Việt Nam.
Thông qua việc ký kết với Tổng cục Môi trường, FrieslandCampina Việt Nam mong muốn hướng đến các hoạt động nhằm kết nối với các đối tác, các thành phần trong chuỗi giá trị và trong cộng đồng, để cùng nhau thực hiện các chương trình bền vững, làm giảm các tác động tiêu cực đến môi trường trên diện rộng, đồng thời đem lại lợi ích kinh tế, tăng tính cạnh tranh cho tất cả và cho từng thành phần trong cộng đồng, theo tinh thần tạo lập giá trị chung.
FrieslandCampina Việt Nam được đánh giá cao với chiến lược sản xuất kinh doanh gắn liền với hoạt động BVMT. Xin ông cho biết rõ hơn về những giải pháp nhằm BVMT của Công ty thời gian qua?
Ông Arnoud van den Berg: FrieslandCampina Việt Nam được đánh giá cao với chiến lược sản xuất kinh doanh gắn liền với hoạt động BVMT; các nhà máy đều có hệ thống xử lý chất thải (nước thải, bụi, khí thải, tiếng ồn) đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường cho phép thực hiện xử lý chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp và chất thải nguy hại theo đúng quy định. Hệ thống xử lý nước thải của FrieslandCampina Việt Nam được xây dựng và thiết kế theo công nghệ tiên tiến (công nghệ vi sinh) với công suất 2.400m3/ngày đêm. Nhà máy cũng thiết kế và xây dựng tách riêng hệ thống thoát nước mưa, còn nước thải sản xuất, nước thải sinh hoạt được thu gom và đưa về hệ thống xử lý nước thải để xử lý trước khi thải ra môi trường. Nhờ vậy, nước thải từ nhà máy luôn nằm trong tiêu chuẩn cho phép và đã đạt tiêu chuẩn loại A - QCVN 40:2011 (loại cho phép nước xả được xả vào các nguồn tiếp nhận là các nguồn nước dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt) của Bộ TN&MT.
Xuất phát từ nhận thức của doanh nghiệp về trách nhiệm xã hội, FrieslandCampina Việt Nam không chỉ thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và tự giác các quy định, luật pháp về BVMT mà trong nhiều lĩnh vực khác.
Hồ nuôi cá thí điểm bằng nước thải sau khi xử lý |
Bên cạnh đó, FrieslandCampina Việt Nam cũng luôn quan tâm đến nông dân - người bạn đồng hành cùng Công ty, vậy cụ thể của hoạt động này là gì, thưa ông?
Ông Arnoud van den Berg: Là Công ty sữa nên chúng tôi chọn cách cùng đồng hành với nông dân thiết lập một quan hệ đối tác, hỗ trợ nông dân kết nối với các đối tác cung ứng đầu vào về nguyên liệu thức ăn và dịch vụ kỹ thuật, tiếp cận nguồn vốn vay phù hợp, kiến thức khoa học kỹ thuật… Nhờ cách làm đó đã tối đa hóa giá trị mang lại cho người chăn nuôi trong chuỗi giá trị chung, vừa làm tăng thu nhập cho người nông dân vừa đảm bảo nâng cao chất lượng sữa tươi nguyên liệu, tăng hiệu quả sản xuất cho cả người dân và cả chuỗi giá trị.
Muốn bền vững phải đạt hiệu quả kinh tế cho cả người chăn nuôi lẫn người thu mua. Vì chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán thì người dân gặp bất lợi về giá cả và sự quan tâm chăm sóc trong các dịch vụ về thức ăn chăn nuôi, thú y, quản lý chất lượng… từ đó làm đội giá thành và giảm thu nhập. Do đó, chúng tôi chuyển từ quy mô nhỏ lẻ, phân tán, cá thể lên quy mô lớn, tập trung, đây là quy luật vàng của nông nghiệp.FrieslandCampina Việt Nam giúp các hộ nông dân liên kết lại với nhau thành từng nhóm liên cư, liên địa. Tại nhà nhóm trưởng, các thiết bị làm lạnh được Công ty đầu tư lắp đặt. Nhóm viên vắt sữa tại nhà theo giờ quy định và đem đến đổ vào bồn làm lạnh trong vòng 45 phút. Với thiết bị kiểm tra chất lượng tại chỗ, chất lượng sữa của từng đàn bò một được kiểm tra trước khi đổ vào bồn chung, từ đó mỗi hộ nông dân hoàn toàn chịu trách nhiệm về chất lượng sữa của mình. Đồng thời, Công ty cũng kết nối các nhóm nông dân chăn nuôi bò sữa với những dịch vụ kỹ thuật chăn nuôi, thú y và với các đại lý thức ăn chăn nuôi để mua theo nhóm với giá thấp hơn. Đây chính là tiền đề cho việc hợp tác hóa trong nông nghiệp để tiến lên sản xuất lớn, một cuộc vận động hợp tác hóa theo kiểu mới trên cơ sở tự nguyện và dựa trên tiêu chí duy nhất là hiệu quả và minh bạch.
Xin cảm ơn ông.
Đức Trí (Thực hiện)
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 10 - 2015)