07/10/2015
Từ những đòi hỏi thực tiễn trong công tác BVMT của Thủ đô thời gian qua, Công ty CPDV Môi trường Thăng Long đã nghiên cứu phát triển công nghệ mới, đồng bộ cho các hoạt động thu gom - vận chuyển - xử lý rác thải, nhằm giải quyết triệt để những tồn tại, thách thức trong công tác quản lý rác thải trên địa bàn TP.
Với nghiên cứu “Giải pháp công nghệ tổng thể quản lý rác sinh hoạt” tạo ra dòng vật chất tuần hoàn từ chất thải của hoạt động tiêu dùng trở lại thành nguyên liệu cho các hoạt động sản xuất khác. Đây là một sản phẩm công nghệ khung quan trọng, mang tính vĩ mô, có tính kế thừa và tương hỗ nhau sẽ tạo ra một chất lượng môi trường cao mang tính bền vững.
Sau khi hoàn thành sản phẩm công nghệ khung, Công ty đã tập trung cho nghiên cứu sản phẩm “Công nghệ đốt rác có thu hồi nhiệt”. Đây là công nghệ tiên tiến, đòi hỏi trình độ cao trong nghiên cứu - ứng dụng, cũng như quản lý vận hành sau đầu tư, đồng thời đây cũng là một công nghệ chủ lực xử lý rác của đa số các quốc gia có trình độ phát triển trên thế giới.
Khó khăn lớn nhất trong việc nghiên cứu - ứng dụng công nghệ đốt rác tại Việt Nam là các tài liệu kỹ thuật, sản phẩm công nghiệp phụ trợ của ngành này gần như không có. Các cán bộ làm công tác kỹ thuật của Công ty phải tự biên dịch tài liệu nước ngoài, tự thiết kế, chế tạo các thiết bị phụ trợ sản xuất vật liệu chuyên dụng để hoàn thành được sản phẩm công nghệ mới đưa vào sản xuất.
Qua hơn 3 năm vừa nghiên cứu thực nghiệm và ứng dụng đầu tư, tháng 1/2012 sản phẩm “Công nghệ đốt rác có thu hồi nhiệt thế hệ 1 của Công ty ra đời và đi vào khai thác với nhiều tính năng kỹ thuật vượt trội. Sản phẩm này đã giành được 4 giải thưởng lớn do Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam trao tặng; Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) trao tặng cho doanh nghiệp ứng dụng xuất sắc nhất hệ thống sở hữu trí tuệ vào sản xuất đời sống; Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam trao giấy chứng nhận Giải thưởng Cúp vàng sở hữu trí tuệ Việt Nam năm 2012; Giải thưởng Môi trường Việt Nam 2013 do Bộ TN&MT trao tặng.
Sau thành công sản phẩm công nghệ đốt rác thế hệ 1, Công ty đã bắt tay vào và nghiên cứu sản phẩm công nghệ đốt rác thế hệ 2. Đây là sản phẩm công nghệ mang tính đột phá trong công nghệ xử lý rác, sản phẩm công nghệ này được ứng dụng cho một dự án xử lý rác có công suất 400 tấn/ngày, hoàn thành vào đúng dịp lễ Kỷ niệm giải phóng Thủ đô 10/10/2014 và được Thành ủy - UBND TP. Hà Nội chọn là 1 trong 23 sự kiện quan trọng chào mừng Ngày giải phóng Thủ đô. Công trình đã được gắn biển là công trình chào mừng 60 năm giải phóng Thủ đô Hà Nội
Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Hà Nội Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch HĐND TP Lê Văn Hoạt gắn biến công trình Chào mừng 60 năm ngày giải phóng Thủ đô cho Công trình Nhà máy XLCT Sơn Tây của Công ty ngày 4/10/2015 |
Đánh giá cao năng lực nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ lĩnh vực môi trường của Công ty, ngày 27/5/2015 Chính phủ đã chính thức giao Công ty thực hiện Đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ cấp quốc gia, với nhiệm vụ “Nghiên cứu phát triển và hoàn thiện công nghệ đốt rác có thu hồi nhiệt” với mục tiêu đưa công nghệ đốt rác trở thành công nghệ phổ biến trong nước nhằm giải quyết có hiệu quả vấn nạn rác tại các đô thị lớn và vùng kinh tế trọng điểm…Đề tài sẽ được nghiên cứu trong 2 năm, với sự tham gia của các nhà khoa học 3 Bộ: Xây dựng, TN&MT, KH&CN và sự cộng tác của các chuyên gia đến từ Nhật Bản, Đức, Mỹ. Sự thành công của Đề tài góp phần cải thiện rất cơ bản chất lượng môi trường của Hà Nội cũng như nhiều tỉnh/TP lớn khác trong cả nước, đồng thời là điều kiện để Công ty trở thành doanh nghiệp công nghiệp tiên phong trong lĩnh vực BVMT.
Điểm mấu chốt thứ 2 trong sơ đồ công nghệ tổng thể quản lý chất thải rắn là công tác thu gom rác. Công tác này trong nhiều năm qua chưa được quan tâm đầu tư thích đáng về công nghệ và thiết bị chuyên dùng tiên tiến, do vậy chủ yếu vẫn hoạt động bằng các phương pháp và dụng cụ thủ công. Rác được thu gom theo quy trình hở, gián đoạn, do vậy bị lẫn nhiều chất tạp như bùn, đất, nước mưa, xỉ than… khiến cho công tác xử lý rác gặp rất nhiều trở ngại đồng thời gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến giao thông và gây mất mỹ quan đô thị. Để giải quyết những vấn đề tồn tại trong công tác thu gom đồng thời ổn định chất lượng rác đầu vào cho các công nghệ xử lý rác, Công ty CPDV Môi trường Thăng Long chọn khâu nghiên cứu công nghệ và thiết bị thu gom rác cơ giới thay thế công nghệ thu gom rác thủ công. Đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ “Quy trình công nghệ và thiết bị cơ giới thu gom rác đô thị” của Công ty đã hoàn thành các nhiệm vụ nghiên cứu quy trình định mức, thiết kế chế tạo 9 loại xe chuyên dùng và các thiết bị bốc xếp rác, triển khai hoạt động thử nghiệm tại một số địa bàn điển hình của TP, cho kết quả khả quan.
Theo đánh giá của các chuyên gia, đề tài này khi được ứng dụng đại trà toàn TP sẽ giảm được 1.000 điểm tập kết rác trên đường phố, năng suất lao động tăng từ 2 - 3 lần so với thu gom thủ công, điều kiện làm việc của công nhân được cải thiện, chất lượng dịch vụ được nâng cao. Theo tiến độ triển khai thực hiện đề tài này, từ quý IV/2015 sẽ ứng dụng thực nghiệm tại 3 quận nội thành, đến quý II/2016 sẽ mở rộng ra các quận khác, từ năm 2017, dịch vụ thu gom rác sẽ nhân rộng trên toàn TP, chắc chắn chất lượng vệ sinh môi trường sẽ tốt hơn.
Với phương châm “Bám sát các nhu cầu thực tế để nghiên cứu, đồng thời nghiên cứu tới đâu ứng dụng ngay tới đó” nhiều năm qua, Công ty đã liên tục ứng dụng nhiều sản phẩm công nghệ mới có tính sáng tạo, đạt trình độ tiên tiến vào đời sóng và đã được các Bộ/ngành, các tổ chức quốc tế Jica (Nhật Bản) tổ chức hợp tác phát triển Giz (CHLB Đức), các trường đại học… đánh giá cao.
Tuy nhiên, để tạo điều kiện, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xã hội hóa công tác BVMT, Nhà nước cần quy định điều kiện các đơn vị xử lý rác được thu gom trực tiếp nhằm tạo ra chuỗi liên kết ứng dụng công nghệ đồng bộ trong công tác thu gom - vận chuyển - xử lý rác nhằm loại bỏ các yếu tố ảnh hưởng đến thành phần và trọng lượng rác như bùn, đất, phế thải xây dựng, nước mưa... tiến tới phân loại rác tại nguồn. Nên có quy định cụ thể phương pháp tính chi phí xử lý rác theo phương pháp công nghiệp và các cơ chế tài chính, thể hiện được chính sách ưu đãi vào giá xử lý rác. Đồng thời, hỗ trợ vốn đối ứng từ ngân sách địa phương cho các dự án đầu tư nhà máy xử lý rác giúp doanh nghiệp có nguồn tài chính thực hiện.
Nguyễn Phúc Thành
Công ty CPDV Môi trường Thăng Long
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 9 - 2015)