Banner trang chủ

Xây dựng vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt: “Góc nhìn từ mô hình bảo vệ nguồn cấp nước sinh hoạt cho Thành phố Đà Nẵng trên sông Cu Đê”

21/06/2023

    Sông Cu Đê  nằm ở phía Bắc của TP. Đà Nẵng, được hợp thành từ sông Nam và sông Bắc, với chiều dài tính từ xã Hòa Bắc ra tới biển là 38 km. Là dòng sông có lưu vực nằm hoàn toàn trên địa bàn TP. Đà Nẵng, sông Cu Đê là sông nội tỉnh có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an ninh nguồn nước cho toàn TP. Đà Nẵng. Do đó, để khai thác, sử dụng hiệu quả và “đánh thức” tối đa các tiềm năng của dòng Cu Đê, việc bảo vệ sông Cu Đê là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài và vô cùng cấp bách.

    Trong Chiến lược đảm bảo an ninh nguồn nước, Đà Nẵng đã đặt ra mục tiêu phải bảo đảm số lượng, chất lượng nước phục vụ dân sinh trong mọi tình huống; đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất, kinh doanh của các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là ngành kinh tế quan trọng, thiết yếu; mọi người dân, mọi đối tượng được tiếp cận, sử dụng nước công bằng, hợp lý. Chủ động tích trữ, điều hòa nguồn nước, khai thác, sử dụng hiệu quả đi đôi với bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước; ứng phó hiệu quả với các thảm họa, thiên tai liên quan đến nước, thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo vệ và nâng cao chất lượng rừng, tỷ lệ che phủ rừng đạt từ 45 - 47%; BVMT, khắc phục tình trạng suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước. Đồng thời, tăng cường hợp tác với tỉnh Quảng Nam trong việc quản lý tổng hợp tài nguyên và BVMT, đặc biệt là môi trường nước trên lưu vực sông (LVS) Vu Gia - Thu Bồn để đảm bảo an ninh nguồn nước và đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững.

    Để tổ chức thực hiện hiệu quả Chiến lược nêu trên, Đà Nẵng ưu tiên hàng đầu cho việc phát triển và bảo vệ TNN sông Cu Đê. Theo quy hoạch, nguồn nước sông Cu Đê sẽ được khai thác, phát triển từ 120.000 m3/ngày, đêm tại thời điểm hiện nay (năm 2023) lên đến 240.000 m3/ngày, đêm vào năm 2030 và lớn nhất có thể đạt 400.000 m3/ngày, đêm vào năm 2050, đảm bảo cung cấp đến 40% nhu cầu dùng nước của toàn TP. Theo đó, hồ sông Bắc sẽ được hình thành trên dòng Cu Đê ở khu vực thượng nguồn, được tính toán thiết kế với dung tích hữu ích lên đến 50 triệu m3, đóng vai trò là kho báu dự trữ nước của toàn TP.

Hình 1. Sơ đồ Lưu vực sông Cu Đê

    Việc phát triển nguồn nước sông Cu Đê sẽ giúp Đà Nẵng giảm phụ thuộc vào nguồn nước sông Vu Gia (sông Liên Tinh). Điều đó đồng nghĩa với việc Đà Nẵng sẽ giảm đối mặt với những thách thức liên quan đến hạn hán, xâm nhập mặn, vận hành của các nhà máy thủy điện trên thượng nguồn LVS Vu Gia - Thu Bồn và ô nhiễm nguồn nước do các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trên LVS Vu Gia - Thu Bồn. Tuy nhiên, theo quy hoạch phát triển hiện trạng và tương lai, nhiều khu dân cư, khu đô thị mới sẽ mọc lên hai bên bờ sông; cùng với đó là nước thải từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ xả vào sông Cu Đê, tiềm ẩn các nguy cơ ô nhiễm nguồn nước. Trong khi đó, hạ tầng thu gom, xử lý nước thải tại khu vực chưa hoàn chỉnh là những khó khăn, thách thức lớn đối với nhiệm vụ bảo vệ TNN lưu vực sông Cu Đê. Ngoài ra, hạ lưu sông Cu Đê là đoạn sông bị ảnh hưởng bởi triều, nhiễm mặn trong mùa kiệt, do đó, việc bảo vệ nguồn nước sông Cu Đê có ý nghĩa vô vùng quan trọng.

    Xây dựng vùng bảo hộ vệ sinh khu vực cấp nước sinh hoạt trên sông Cu Đê: Từ quy định đến thực tiễn!

    Theo Thông tư số 24/2016/TT-BTNMT ngày 9/9/2016 của Bộ trưởng Bộ TN&MT quy định việc xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt, được sự hỗ trợ của Dự án “Chung tay hành động bảo vệ nguồn nước” do Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) phối hợp thực hiện, dưới sự tài trợ bởi USAID tại Việt Nam, Đà Nẵng đã xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của công trình khai thác nước mặt trên sông Cu Đê theo Quyết định số 103/QĐ-UBND ngày 16/1/2023 của UBND TP. Đà Nẵng. Phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của công trình khai thác nước mặt trên sông Cu Đê thuộc Dự án Nhà máy nước Hòa Liên là toàn bộ khu vực lòng hồ trùng với hành lang bảo vệ nguồn nước hồ chứa (tương ứng với cao trình đỉnh đập).

Hình 2. Vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt trên sông Cu Đê

    Trong quá trình triển khai lấy ý kiến của các bên liên quan để tham mưu UBND TP. Đà Nẵng phê duyệt phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt, Sở TN&MT nhận thấy rằng, “cộng đồng dân cư”, các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sinh sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ nguồn nước sông Cu Đê. Theo quy định, các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sinh sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải phải tuân thủ các quy định về hành lang bảo vệ nguồn nước, bảo vệ nguồn nước dưới đất và tuân thủ các yêu cầu khác về bảo vệ TNN theo quy định của pháp luật về TNN. Như vậy, việc cụ thể hóa các yêu cầu khác về bảo vệ TNN theo quy định của pháp luật về TNN là rất cần thiết, để có thể huy động sự quan tâm, phát huy tối đa các sáng kiến, vai trò, nhiệt huyết, trách nhiệm của các bên liên quan, đặc biệt là “cộng đồng dân cư” sống ven nguồn nước.

    Xây dựng mô hình “cộng đồng dân cư bảo vệ nguồn nước sông Cu Đê - TP. Đà Nẵng”: Mỗi người dân là một đại sứ bảo vệ nguồn nước!

    Thực tiễn đã chứng minh, từ bao đời nay, sức mạnh của lòng dân là nguồn sức mạnh vô biên. Chính vì vậy, trong việc bảo vệ nguồn cấp nước sinh hoạt trên sông Cu Đê, việc huy động sự tham gia của “cộng đồng dân cư” được xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Được mệnh danh là một trong những dòng sông vô vùng xinh đẹp và bí ẩn bậc nhất của Việt Nam, sông Cu Đê bắt nguồn từ dãy Trường Sơn hùng vĩ rồi đổ ra vịnh Đà Nẵng dưới chân núi Hải Vân, bao đời nay cuộc sống của người dân nơi đây gắn bó mật thiết với bản làng sông nước. Đối với “cộng đồng dân cư”, đa số là cộng đồng người Cơ Tu (với khoảng 240 hộ với hơn 740 nhân khẩu) sinh sống chủ yếu tại các thôn Tà Lang, Giàn Bí, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang thì việc tham gia bảo vệ nguồn nước sông Cu Đê còn là bảo vệ nguồn sống, bảo tồn, phát triển văn hóa nghìn đời của tổ tiên, ông cha để lại. Đó là sứ mệnh vô vùng vinh quý và thiêng liêng, đã hiện rõ trên ánh mắt và khuôn mặt rạng ngời của người dân nơi đây, khi lần đầu tiên chúng tôi có buổi nói chuyện về vùng bảo hộ vệ sinh khu vực cấp nước sinh hoạt trên sông Cu Đê, về câu chuyện có một hồ Báu sông Bắc trên dòng Cu Đê và mỗi người dân nơi đây phải là một đại sứ về nguồn nước, với sứ mệnh thiêng liêng là gìn giữ kho báu dự trự nước vô giá của TP. Đà Nẵng. Vì vậy, bài toán bảo vệ và phát triển TNN sông Cu Đê phải được gắn bó mật thiết với bài toán sinh kế của cộng đồng bản địa thông qua phát triển du lịch sông nước bền vững dựa vào cộng đồng, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển nguồn sinh thủy.

    Chúng ta hiểu rằng, việc thực hiện đảm bảo đầy đủ các quy định trong vùng bảo hộ vệ sinh khu vực cấp nước sinh hoạt chỉ thật sự có ý nghĩa khi tất cả mọi người dân, các tổ chức, cá nhân và các bên liên quan đều hiểu tầm quan trọng và chung tay, góp sức vì mục tiêu chung. Vì vậy, sau khi thiết lập và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt trên sông Cu Đê, Đà Nẵng đã lập kế hoạch huy động sự tham gia của tất cả các bên liên quan để chung tay hành động bảo vệ nguồn nước, trong đó “Cộng đồng dân cư” là nòng cốt của mô hình. Các nhiệm vụ chính để xây dựng mô hình cộng đồng dân cư bảo vệ nguồn cấp nước sinh hoạt trên dòng Cu Đê bao gồm:

    Xác định các bên liên quan và vai trò, trách nhiệm, khả năng đóng góp của mỗi bên trong việc bảo vệ TNN sông Cu Đê. Trong đó, ngoài vai trò trách nhiệm của mỗi bên theo quy định, theo khả năng đóng góp, mô hình chú trọng đến sự tương tác của các bên liên quan nhằm hỗ trợ, thúc đẩy các sáng kiến của cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ TNN, gắn với sinh kế và bảo tồn văn hóa bản địa.

    Tại cộng đồng dân cư, dự kiến sẽ khảo sát, lấy ý kiến của người dân để thành lập các nhóm cộng đồng dân cư bảo vệ nguồn nước sông Cu Đê, trên tinh thần tự nguyện, không hạn chế về số lượng. Các nội dung này sẽ được triển khai trong năm 2023 cùng với thời điểm dự án Nhà máy nước Hòa Liên chính thức đi vào vận hành. “Cộng đồng dân cư” sẽ được chia thành các nhóm sống ven nguồn nước và vùng phụ cận, tại các khu vực có nguồn xả thải nguy hại cần đặc biệt giám sát (là các khu vực có khả năng phát sinh các hoạt động khai thác vàng trái phép khu vực thượng nguồn) và khu vực có hoạt động du lịch dã ngoại đang phát triển hết sức sôi động trong thời gian gần đây.

Hình 3. Các bên liên quan trong mô hình cộng đồng dân cư bảo vệ TNN lưu vực sông Cu Đê - TP. Đà Nẵng

    Trong mô hình cộng đồng dân cư bảo vệ TNN, đại diện cộng đồng dân cư và các đơn vị khai thác, sử dụng TNN là các đối tượng trọng tâm. Trong đó, các đơn vị khai thác, sử dụng TNN sẽ gắn kết chặt chẽ với cộng đồng dân cư trong việc thực thi vai trò trách nhiệm của mình về bảo vệ TNN thông qua các hoạt động: công khai thông tin về kế hoạch, phương án khai thác TNN, chất lượng nguồn nước; hỗ trợ và gắn kết các hoạt động bảo vệ nguồn nước thông qua tài trợ tài chính cho các hoạt động bảo vệ TNN tại địa phương. Chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn của TP có trách nhiệm trong việc nâng cao năng lực và công khai thông tin để cộng đồng dân cư ven sông thực thi hiệu quả quyền giám sát chất lượng nước, các hoạt động xả thải vào vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt, thúc đẩy du lịch sông nước gắn với công tác giáo dục, tuyên truyền bảo vệ TNN và du lịch có trách nhiệm; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông bảo vệ TNN và bảo vệ rừng đầu nguồn. Ngoài ra, cộng đồng dân cư còn phát huy quyền và trách nhiệm, vai trò của mình thông qua việc đề nghị, yêu cầu, đề xuất, phản ảnh ý kiến của mình đến đơn vị khai thác, sử dụng nước, chính quyền địa phương, cơ quan truyền thông, tổ chức phi chính phủ để nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về TNN; thúc đẩy việc thực thi các hoạt động bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư một cách thiết thực, hiệu quả.

    Nhằm nâng cao năng lực cho cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ TNN, Sở TN&MT tổ chức các hoạt động truyền thông như nói chuyện tuyên truyền, hội thảo - tập huấn, tọa đàm, trao đổi, chia sẻ thông tin liên quan đến phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ TNN và BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu, lũ lụt, hạn hán, sạt lở LVS Cu Đê. Nội dung truyền thông tập trung vào việc cung cấp thông tin cho bà con vùng bảo hộ vệ sinh khu vực cấp nước sinh hoạt của Nhà máy nước Hòa Liên trên sông Cu Đê về: Hiện trạng và đinh hướng khai thác, sử dụng nước trên sông Cu Đê trong tương lai; các thách thức trong công tác khai thác, sử dụng, bảo vệ TNN sông Cu Đê (hạn hán, xâm nhập mặn; lũ lụt; ô nhiễm, suy thoái nguồn nước). Đồng thời, giới thiệu cho bà con, các hộ kinh doanh homestay mô hình xử lý nước thải sinh hoạt phù hợp với các homestay và chống xói mòn, sạt lở bờ sông bằng cỏ Vetier.

Hình 4. Tọa đàm - Tập huấn “Bảo vệ TNN lưu vực sông Cu Đê, tháng 12/2022”

    Xây dựng Kế hoạch phối hợp bảo vệ chất lượng nguồn nước sông Cu Đê và giám sát các các nguồn thải nguy hại có thể phát sinh từ hoạt động khai thác vàng trái phép phía thượng lưu.

    Tổ chức các hoạt động truyền thông, huy động các sáng kiến, đóng góp của cộng đồng để bảo vệ nguồn nước sông Cu Đê thông qua việc: Cắm các bảng hiệu, biển báo tuyên truyền bảo vệ nguồn nước, gắn với định vị các điểm du lịch sinh thái gắn với nguồn nước; Chung tay bảo vệ nguồn sinh thủy khu vực miền núi xã Hòa Bắc, tạo cảnh quan mát mẻ, Xanh - Sạch - Đẹp tại khu vực đập dâng Nam Mỹ và Nhà máy nước Hòa Liên; Giám sát nghiêm ngặt việc xả nước thải, đưa các chất thải vào vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt.

    Để cộng đồng dân cư phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ nguồn nước, Sở TN&MT đang Dự thảo quy chế giám sát các nguồn xả thải vào sông Cu Đê, trong đó sẽ yêu cầu các tổ chức, cá nhân khai thác nước để cấp nước cho sinh hoạt, xả nước thải vào nguồn nước tự nguyện công bố thông tin chất lượng nguồn nước sinh hoạt, chất lượng nước thải sau xử lý, cảnh báo hiện tượng bất thường về chất lượng của nguồn nước sinh hoạt đối với các nguồn nước do mình khai thác, sử dụng. Ngoài ra, việc nâng cao năng lực cho cộng đồng dân cư sẽ được thực hiện thường xuyên với việc công khai, minh bạch thông tin đầy đủ về TNN để thát huy tinh thần cảnh giác, trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong việc phát hiện, tố giác các hành vi gây hủy hoại, ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt có trách nhiệm ngăn chặn và kịp thời báo ngay cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý.

    Đồng thời, thông qua mô hình cộng đồng dân cư bảo vệ vùng cấp nước sinh hoạt, Đà Nẵng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ việc tham vấn ý kiến của người dân đối với các dự án khai thác, sử dụng TNN, xả nước thải vào nguồn nước trên lưu vực để đảm bảo đời sống của nhân dân, khai thác tài nguyên bền vững và an sinh xã hội. Tăng cường công khai thông tin và tham vấn ý kiến người dân đối với những chủ trương, chính sách lớn về TNN, chẳng hạn về việc lấy ý kiến sửa đổi Luật TNN để đảm bảo việc thực thi Luật phù hợp với thực tiễn.

    Để thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng trong quản lý TNN, thiết nghĩ tại lần sửa đổi Luật TNN lần này, cơ quan soạn thảo cần bổ sung vào quy định các vấn đề sau:

    Thứ nhất, về việc cộng đồng dân cư có quyền thành lập các hội, nhóm, tổ cộng đồng bảo vệ TNN, làm cơ sở và và tạo điều kiện pháp lý cho việc thành lập và hoạt động của các “tổ chức cộng đồng dân cư” ở cấp độ địa phương. Đây là quy định quan trọng để cộng đồng dân cư có thể tham gia một cách hợp pháp trong việc bảo vệ TNN, đặc biệt là trên các đoạn sông, suối là nguồn lấy nước sinh hoạt.

    Thứ hai, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ, thúc đẩy các sáng kiến của cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ TNN, cũng như việc xây dựng và duy trì các mô hình cộng đồng bảo vệ TNN.

    Thứ ba, nguồn tài chính từ Ngân sách và đóng góp của cộng đồng dân cư, các tổ chức, cá nhân liên quan để thành lập, duy trì hoạt động của các mô hình cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ các nguồn nước có chức năng quan trọng như cấp nước sinh hoạt, bảo tồn nguồn nước gắn với sinh kế cộng đồng...

    Thứ tư, công khai, minh bạch thông tin TNN để cộng đồng dân cư phát huy tốt nhất vai trò và trách nhiệm trong việc thực hiện các biện pháp chủ động phòng ngừa, ứng phó với thiên tai liên quan đến nước như hạn hán, xâm nhập mặn, mưa lớn, lũ lụt.

    Thứ năm, chú trọng gắn kết giữa giáo dục với thực hành bảo vệ TNN thông qua việc thúc đẩy các hoạt động bảo vệ TNN của cộng đồng dân cư tại địa phương. Trong đó, cần giao trách nhiệm cụ thể trong việc xây dựng các chương trình truyền thông, giáo dục về bảo vệ nguồn nước cho trẻ em gắn với các hoạt động thực tế tại cộng đồng dân cư.

Đặng Nguyễn Thục Anh

                                                                           Sở TN&MT TP. Đà Nẵng

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 3/2023)

Ý kiến của bạn