05/04/2023
Cây tràm (tên khoa học Melaleuca) còn được gọi với tên khác là cây khuynh diệp. Đây là một loại cây thường xanh, lâm nghiệp loại thân gỗ trung bình, có thể đạt được chiều cao từ 15m - 25m trong môi trường đất chuẩn. Thân cây được sử dụng làm cừ tràm trong trong lĩnh vực xây dựng. Những cây cừ tràm to còn dùng để sản xuất gỗ cung cấp cho ngành giấy, đồ thủ công mỹ nghệ hay phục vụ cho các xưởng mộc. Lá dùng nhiều trong chiết suất tinh dầu giúp hoạt huyết, giảm đau, sát trùng. Ngoài ra, cây tràm là nơi hình thành hệ sinh thái của hàng trăm loài động vật và thực vật. Các rừng tràm giúp chống gió, ngăn tốc độ lũ quét, ứng phó với biến đổi khí hậu, cải tạo môi sinh rất quan trọng, góp phần bảo vệ người dân và đất nơi gần biển, hòa hợp giữa con người và thiên nhiên.
Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười với diện tích khoảng 100 ha, gồm 40 ha rừng tràm nguyên sinh, 40 ha mặt nước
Nhận thức được giá trị to lớn của cây tràm, trong khuôn khổ của Chương trình trồng rừng “Sống khỏe góp xanh cùng Panasonic” do Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Công ty Panasonic Việt Nam đã lựa chọn Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười (tỉnh Tiền Giang) thực hiện chương trình. Theo đó, tại Khu Bảo tồn, Chương trình đã trồng hơn 110.700 cây tràm trên diện tích 6 ha tại ô số 4, cặp theo kinh Chữ Thập hướng về kinh Lâm Nghiệp. Qua đó, chương trình đóng góp vào công tác trồng và chăm sóc rừng tràm để nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần thực hiện các mục tiêu theo Phương án Quản lý rừng bền vững giai đoạn năm 2021 - 2030 của Ban Quản lý Khu Bảo tồn.
Mục tiêu của Chương trình nhằm nâng cao ý thức bảo vệ rừng, lan tỏa lối sống xanh - khỏe - mạnh tới đông đảo người dân Việt Nam; đồng thời, hưởng ứng lời kêu gọi trồng 1 tỷ cây xanh theo Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 01 tháng 4 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025”.
Châu Long