20/04/2023
Cách TP. Mỹ Tho khoảng 30 km về hướng Tây Bắc, Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười (thuộc xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang), được thành lập từ năm 2000 với diện tích khoảng 100 ha, gồm 40 ha rừng tràm nguyên sinh, 40 ha mặt nước. Vùng đệm xung quanh khu bảo tồn được xác định có diện tích 1.800 ha, chủ yếu là rừng tràm.
Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười có khoảng 156 loài thực vật, lớp chim 147 loài, lớp cá 34 loài, lớp lưỡng thê 8 loài, lớp côn trùng 30 loài sinh sống và phát triển. Số lượng các loài chim đã có hàng vạn cá thể. Thông qua việc bảo vệ nghiêm ngặt, môi trường sống thuận lợi, yên bình và an toàn là những yếu tố thu hút các loài chim nước về sinh sống tại Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười ngày càng nhiều. Trung bình mỗi năm, ở đây còn có thêm khoảng 1.000 chim thú sinh sôi và được dẫn dụ từ các nơi khác đến. Trong đó, nhiều nhất là họ hàng các loài cò. Gần đây, Khu Bảo tồn có thêm nhiều loài chim quý hiếm có trong Sách đỏ Việt Nam. Đặc biệt, dang sen - loài chim nước rất to đã về sống, làm tổ, đẻ con tại Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười. Ngoài việc thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, bảo tồn, nuôi dưỡng, chăm sóc các loài động, thực vật thiên nhiên thì Khu bảo tồn sinh thái còn là nơi tham quan du lịch Tiền Giang lý tưởng cho du khách.
Để bảo vệ, phát triển rừng và bảo tồn giá trị sinh học, ngày 29/12/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang đã ban hành Quyết định số 3786/QĐ-UBND về việc phê duyệt Phương án Quản lý rừng bền vững giai đoạn 2021 - 2030 đối với Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười, trong đó giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, Ủy ban nhân dân huyện Tân Phước chỉ đạo thực hiện Phương án, xem đây là nhiệm vụ phải thực hiện hàng năm, theo lộ trình, kế hoạch đã định sẵn. Ban Quản lý Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười là đơn vị trực tiếp thực hiện các nội dung của Phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2021 - 2030. Đồng thời, Ủy ban nhân dân tỉnh cũng giao nhiệm vụ đối với các Sở, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Ủy ban nhân dân huyện Tân Phước phối hợp tổ chức thực hiện Phương án theo chức năng nhiệm vụ của từng ngành, địa phương.
Bên cạnh đó, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chính quyền các cấp và tầng lớp nhân dân trong huyện về vai trò, tác dụng của việc trồng cây xanh không chỉ bảo vệ môi trường sinh thái mà còn góp phần làm giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, đặc biệt là việc trồng cây tràm ven các tuyến sông, kênh, rạch sẽ có lợi ích rất lớn trong việc giữ phù sa, chống xói mòn, bảo vệ được tuyến lộ giao thông nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa của bà con, ngày 13/4/2023 vừa qua, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng Panasonic Việt Nam, Ban Quản lý Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười thực hiện Chương trình trồng cây hưởng ứng Lễ phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ, Xuân Quý Mão năm 2023. Chương trình đã tiến hành trồng hơn 110.700 cây tràm trên diện tích 6 ha tại ô số 4, cặp theo kinh Chữ Thập hướng về kinh Lâm Nghiệp. Qua đó, chương trình đóng góp vào công tác trồng và chăm sóc rừng tràm để nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần thực hiện các mục tiêu theo Phương án Quản lý rừng bền vững giai đoạn năm 2021 - 2030 của Ban Quản lý Khu Bảo tồn.
Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, Bộ TN&MT, hoạt động trồng cây tại Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười nằm trong Chương trình “Sống khỏe góp xanh cùng Panasonic” được Panasonic Việt Nam và Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường phối hợp triển khai thực hiện trong năm 2022 - 2023. Chương trình hướng đến mục tiêu bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu bằng việc trồng hàng trăm nghìn cây xanh trên quy mô toàn quốc, tập trung vào các KBTTN quốc gia tại 3 miền Bắc, Trung, Nam. Với thông điệp “Vì một Việt Nam xanh khỏe mạnh”, Chương trình nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng nhận thức và tạo sự lan tỏa về vấn đề bảo vệ môi trường, giảm biến đổi khí hậu đến tới mọi miền của Tổ quốc Việt Nam, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050 tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).
Trần Hương