12/12/2022
Xã Kim Liên, huyện Nam Đàn là quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh có bề dày truyền thống lịch sử, cách mạng và văn hóa, có hệ thống cảnh quan tươi đẹp và đa dạng, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, nông thôn và du lịch dịch vụ, với tổng số hộ dân là 3.412 hộ. Trong thời gian qua, xã Kim Liên đã đạt được nhiều thành tựu trong công cuộc xây dựng xã nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu. Kinh tế địa phương phát triển mạnh mẽ, chủ yếu là những hoạt động du lịch. Bên cạnh những kết quả đạt được, trên địa bàn cũng phải đối mặt nhiều vấn đề môi trường phát sinh là hệ quả của quá trình phát triển như: Lượng chất thải gia tăng (nước thải, khí thải và chất thải rắn - CTR); trong đó vấn đề quản lý CTR ngày càng trở nên bức xúc, đặc biệt là CTR sinh hoạt. Nguồn phát sinh CTR chủ yếu từ sinh hoạt của các hộ gia đình, trường học, văn phòng và hoạt động du lịch… CTR có thành phần phức tạp và hầu hết chưa được phân loại tại nguồn đã gây khó khăn trong việc thu gom, vận chuyển và lựa chọn công nghệ xử lý phù hợp đồng thời gây nhiều nguy cơ đối với môi trường và xã hội. Điều này cũng dẫn đến chi phí thu gom và xử lý CTR tăng cao, đặc biệt là chi phí cho việc xử lý CTR thứ cấp (do tăng lượng nước rỉ rác, khí thải phát sinh từ các ô chôn lấp…).
Hiện trạng thu gom, vận chuyển xử lý CTR sinh hoạt trên địa bàn xã Kim Liên
Huyện Nam Đàn đã được Chính phủ cấp bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới, hiện nay toàn huyện nói chung và xã Kim Liên nói riêng đang tập trung xây dựng NTM kiểu mẫu, theo quyết định số 17-QĐ/TTg ngày 4/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án thí điểm xây dựng huyện Nam Đàn trở thành huyện NTM kiễu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch giai đoạn 2018 - 2025. Trong đó công tác BVMT là một trong những tiêu chí cần đạt được khi xây dựng NTM kiểu mẫu, cụ thể: Tỷ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại CTR tại nguồn phải lớn hơn 40%, tỷ lệ CTR sinh hoạt (CTRSH) được phân loại, áp dụng biện pháp xử lý phù hợp đạt từ 50% trở lên.
Một số hình ảnh bàn giao thùng rác 3 ngăn cho các hộ dân tại xã Kim Liên
Hiện nay, CTR phát sinh trên địa bàn xã chủ yếu là rác thải sinh hoạt từ các khu dân cư, hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh và dịch vụ, CTRSH đang được thu gom với tần suất 3 lần/tháng vào các ngày 5, 16, 26 hàng tháng, CTRSH không được phân loại và công tác thu gom chưa đồng bộ. Với tần suất thu gom trên chưa đáp ứng được nhu cầu thu gom cần thiết với khối lượng rác tương đối lớn khoảng 8,4 tấn/ngày tại địa bàn xã. Việc phân loại chủ yếu được tiến hành tự phát tại hộ gia đình đối với một số loại chất thải để bán như giấy, bìa các tông, kim loại. Chất thải thực phẩm (sử dụng cho chăn nuôi) để đáp ứng chỉ tiêu môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Các thành phần khác không được phân loại chủ yếu là túi ni lông, thủy tinh, cành cây, lá cây, hoa quả, xác động vật chết… Hầu hết lượng chất thải chưa được thu gom theo các ngày quy định và phân loại do nguồn kinh phí còn hạn chế. Tần suất thu gom chưa cao, tần suất thu gom 10 ngày/lần dẫn đến chất thải vẫn còn tồn đọng tại các hộ gia đình, vị trí tập kết rác gây ô nhiễm môi trường.
Kết quả bước đầu mô hình thí điểm thu gom, phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn xã Kim Liên
Để đẩy mạnh công tác phân loại rác sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn xã Kim Liên, trong năm qua, Tổng cục Môi trường đã giao Trung tâm Tư vấn và Công nghệ môi trường triển khai thực hiện Dự án “Xây dựng thí điểm mô hình thu gom, phân loại rác tại nguồn và xử lý, cải tạo, phục hồi môi trường bãi rác gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại xã Nam Thái, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An”. Theo quy định tại khoản 7 Điều 79 Luật BVMT năm 2020, chậm nhất là ngày 31/12/2024 hộ gia đình, cá nhân phải thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn. Nhằm giúp người dân hiểu rõ hơn về cách phân loại rác sinh hoạt tại nguồn, Trung tâm Tư vấn và Công nghệ môi trường đã phối hợp với Chi cục BVMT tỉnh Nghệ An, UBND huyện Nam Đàn, UBND xã Kim Liên tổ chức các lớp tập huấn cho các đơn vị quản lý, cán bộ và toàn bộ các hộ gia đình trên địa bàn xã Kim Liên thực hiện phân loại và giám sát về phân loại CTRSH tại nguồn theo Luật BVMT năm 2020.
Thông qua hình thức loa phát thanh, băng rôn, tờ rơi tuyên truyền cũng như tổ chức các buổi tập huấn trực tiếp cho chính quyền địa phương và người dân về công tác thu gom, phân loại CTRSH tại nguồn. Tham gia các buổi tập huấn có đại diện các cơ quan, đoàn thể địa phương và đại diện của 3412 hộ gia đình tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Tại các buổi tập huấn, các hộ dân cũng như các cơ quan, đoàn thể ở địa phương đã được các chuyên gia của Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường tập huấn, hướng dẫn nhờ đó các hộ dân cũng như chính quyền địa phương đã từng bước nắm rõ hơn những quy định mới của Luật Bảo vệ môi trường, cách thức và quy định về phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, cũng như lợi ích của việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn sẽ giúp góp phần làm giảm khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh phải thu gom, vận chuyển và xử lý, tạo nguồn phân bón sạch cho cây trồng, giảm chi phí trong sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu ô nhiễm và các dịch bệnh từ rác thải gây ra.
Tại lớp tập huấn, người dân đã được các báo cáo viên hướng dẫn cách nhận biết và phân loại, thu gom rác thải sinh hoạt, kỹ thuật xử lý chất thải sinh hoạt tại hộ gia đình; quy trình kỹ thuật xử lý rác thải sinh hoạt. Ngoài ra, để hỗ trợ cho chính quyền địa phương cũng như người dân xã Kim Liên thực hiện tốt công tác phân loại CTRSH tại nguồn, trong trong khuôn khổ dự án, Tổng cục Môi trường đã triển khai hỗ trợ địa phương một số các phương tiện xe gom rác đẩy tay, thùng đựng rác 660 lít đặt tại các địa điểm công cộng và hỗ trợ cho 3412 hộ dân thùng phân loại rác 3 ngăn để phân loại và đựng từng loại chất thải tại gia đình gồm: thùng đựng chất thải thực phẩm, thùng đựng chất thải tái sử dụng, tái chế và thùng đựng chất thải rắn sinh hoạt khác.
Sau khi đã tập huấn đầy đủ các nội dung về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đến các đơn vị quản lý và người dân, UBND xã Kim Liên đã tổ chức phát động thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Tại đây đại diện người dân, đại diện các cơ quan, đoàn thể địa phương đã ký vào bản cam kết thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn. Kết quả triển khai Dự án cho thấy, công tác BVMT nói chung và phân loại CTRSH tại nguồn ở Kim Liên bước đầu đã có nhiều chuyển biến tích cực. Thay vì bỏ chất thải rắn hỗn hợp như trước, giờ đây nhiều hộ dân tại xã Kim Liên đang thực hiện nghiêm túc phân loại CTRSH thành 3 loại theo quy định mới của Luật BVMT năm 2020 gồm: Chất thải thực phẩm, Chất thải có khả năng tái chế, tái sử dụng và chất thải khác. Công tác phân loại CTRSH tại nguồn đã góp phần đáng kể làm giảm thiểu CTRSH phải mang đi xử lý. Bởi vậy, việc thực hành phân loại rác thải tại nguồn đã góp phần đem lại một diện mạo mới cho vùng quê Kim Liên, khi các con đường làng đã trở nên xanh, sạch, đẹp hơn.
Thùng chứa rác 3 ngăn góp phần phân loại rác hiệu quả
Hầu hết chi phí cho việc xử lý rác thải sinh hoạt hiện nay đều do ngân sách nhà nước đảm bảo. Do đó, việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương sẽ góp phần tăng cường công tác quản lý chất thải nói chung trên quy mô toàn quốc. Sau một thời gian triển khai mô hình thu gom, phân loại CTRSH tại nguồn bước đầu đã có một số kết quả nhất định, chẳng hạn: Giảm bớt khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh từ các hộ gia đình phải thu gom, vận chuyển và xử lý; chất thải thực phẩm đều được người dân tận dụng để chăn nuôi, lượng chất thải thực phẩm phát sinh phải thu gom đem đi xử lý rất ít. Đồng thời, tăng cường tái sử dụng chất thải hữu cơ, tạo nguồn phân bón cho cây trồng, giảm chi phí trong sản xuất nông nghiệp, giảm ô nhiễm môi trường và các dịch bệnh từ chất thải gây ra; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường.
ThS. Đàm Văn Vệ, ThS. Tạ Văn Trung, ThS. Phạm Thị Phương
Trung tâm Tư vấn và Công nghệ môi trường, Tổng cục Môi trường
Châu Loan
Tạp chí Môi trường