27/06/2022
TP. Hồ Chí Minh là một trong những đô thị lớn của thế giới, có lượng phát thải khí nhà kính cao. Nguyên nhân chính của hiện tượng này là do khí thải từ phương tiện giao thông. Trong khi đó, TP có nhiều cơ hội để thực hiện kế hoạch phát triển giao thông điện như: Ban hành đề án phát triển giao thông công cộng và hạn chế xe cá nhân, đề án thu phí ôtô vào trung tâm thành phố hay chương trình hành động chống biến đổi khí hậu… Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước bắt đầu sản xuất các dòng phương tiện điện, khuyến khích người tiêu dùng trải nghiệm. Hiện nay, tại TP đã có gần 500 xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch (CNG) và nhiều người dân chuyển sang sử dụng xe máy điện, ôtô điện.
Xe buýt điện ngày càng thu hút khách
Theo kết quả khảo sát tại 13 quận tại TP. Hồ Chí Minh của nhóm tư vấn với trên 3.000 phiếu, khoảng 44% DN vận tải có nhu cầu chuyển sang phương tiện điện và 13,2% người dân có nhu cầu chuyển từ xe máy thường sang xe máy điện. Từ thực tế này, nhóm tư vấn đề xuất kịch bản phát triển giao thông điện cho TP theo 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn khởi động (2022 - 2030) sẽ phát triển 20% xe máy điện, 20% ôtô cá nhân, 50% xe buýt và 10% taxi điện; giai đoạn tăng trưởng (2030 - 2040) phát triển 50% xe máy, 60% ôtô con, 100% xe buýt và 20% taxi điện, tỷ lệ này sẽ tăng tương ứng 90% - 100% đến năm 2050 (giai đoạn tăng trưởng ổn định). Đồng thời, cũng đề ra các giải pháp như: Nhà nước tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, tuyên truyền vận động người dân, DN; kiểm soát phương tiện giao thông cơ giới; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và hạ tầng lưới điện… Đến năm 2025, xây dựng và ban hành định mức kỹ thuật; đến năm 2030, xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách, thống nhất tiêu chí trạm sạc; đến năm 2035, dừng đăng ký mới với xe buýt sử dụng động cơ đốt trong; đến năm 2040, dừng cấp mới với xe dùng động cơ diesel, xe máy dùng động cơ đốt trong; đến năm 2050, dừng đăng ký mới với tất cả xe sử dụng động cơ đốt trong.
Đức Anh