Banner trang chủ

Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt

13/10/2023

    Hiện nay, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng, lượng chất thải sinh hoạt (CTRSH) theo đó cũng phát sinh ngày càng nhiều, tạo gánh nặng cho ngành môi trường và chính quyền địa phương các cấp. Vì vậy, bên cạnh việc cần thiết sớm ban hành Thông tư định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH để các địa phương bám sát thực hiện, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hạn chế tối đa lượng chất thải rắn mới phát sinh. Để giải được bài toán này, cần sự chung tay của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương cũng như toàn thể cộng đồng.

    Sớm ban hành Thông tư định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH

    Theo quy định tại khoản 5, Điều 79, Luật BVMT năm 2020, Bộ trưởng Bộ TN&MT có trách nhiệm xây dựng hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ xử lý CTRSH; quy định định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ TN&MT đã ban hành Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT BTNMT ngày 10/1/2022 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật BVMT, trong đó quy định về giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH. Bên cạnh đó, Bộ TN&MT đã ban hành Quyết định số 948/QĐ-BTNMT năm 2023 về việc thành lập Tổ soạn thảo Thông tư ban hành định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH. Tuy nhiên, việc xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật đối với hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH, trong đó có thu gom, vận chuyển CTRSH sau phân loại tại nguồn, CTRSH đặc thù (trên sông, kênh, rạch, mặt biển, bãi biển; CTRSH cồng kềnh;…); xử lý bằng công nghệ đốt, đốt có thu hồi năng lượng là các định mức mới nên cần phải đánh giá cẩn trọng, khách quan để đảm bảo tính đại diện cao, phù hợp với điều kiện thực tế. Vì vậy, để đảm bảo tính khách quan, đầy đủ, rõ ràng cũng như đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật, Bộ TN&MT đã gấp rút xây dựng Dự thảo Thông tư quy định định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH và tổ chức lấy ý kiến của các chuyên gia, các đơn vị liên quan. Trong thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ tiếp tục đẩy nhanh việc lấy ý kiến của các tỉnh, thành phố để hoàn thiện, xem xét và ban hành Thông tư vào quý I/2024. Về vấn đề này, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ TN&MT) đã có Công văn số 287/KSONMT-CTRSH ngày 20/2/2023 gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để thông báo.

    Bên cạnh đó, để triển khai hiệu quả quy định phân loại CTRSH, Bộ TN&MT đã xây dựng Dự thảo Hướng dẫn kỹ thuật phân loại CTRSH, lấy ý kiến các địa phương và dự kiến ban hành trong năm 2023 trước thời điểm các địa phương bắt buộc phải thực hiện phân loại CTRSH (31/12/2024). Khi Hướng dẫn được triển khai, CTRSH phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại thành chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; CTRSH khác. Từ việc phân loại này, hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH sẽ thuận lợi và hiệu quả hơn, tạo tiền đề cho việc áp dụng quy định định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH vào thực tế.

    Hạn chế tối đa lượng CTRSH phát sinh

    Thời gian qua, Bộ TN&MT đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức rà soát, đánh giá, đề xuất lựa chọn công nghệ xử lý CTRSH phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam theo hướng giảm tỷ lệ chất thải phải chôn lấp, tăng tỷ lệ chất thải được tái chế, tái sử dụng. Kết quả rà soát năm 2019 của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ TN&MT) cho thấy, trong số 381 lò đốt CTRSH, chỉ có 294 lò đốt (khoảng 77%) có công suất trên 300 kg/h, đáp ứng yêu cầu của QCVN 61-MT:2016/BTNMT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt CTRSH). Song song với định hướng xử lý CTRSH tập trung quy mô lớn, nhiều địa phương đã đầu tư hệ thống xử lý quy mô cấp huyện, liên huyện, như: Nghĩa Đàn (tỉnh Nghệ An), Cẩm Xuyên, Can Lộc (tỉnh Hà Tĩnh), Hưng Yên, Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh), Tam Điệp (tỉnh Ninh Bình), Thanh Liêm (tỉnh Hà Nam)...

    Cùng với đó, để giải quyết tình trạng xử lý CTRSH bằng hình thức chôn lấp, Luật BVMT năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP đã đưa ra quy định về nguyên tắc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khi đầu tư mới hoặc đưa vào vận hành các cơ sở xử lý CTRSH phải ưu tiên đầu tư công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; bảo đảm giảm dần tỷ lệ CTRSH được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp, đáp ứng mục tiêu về quản lý tổng hợp chất thải rắn do Thủ tướng Chính phủ quy định trong từng thời kỳ phát triển. Ngoài ra, Luật BVMT năm 2020 còn quy định, không khuyến khích xây dựng cơ sở xử lý CTRSH chỉ có phạm vi phục vụ trên địa bàn một đơn vị hành chính cấp xã.

    Về phía Bộ TN&MT, Bộ đã tham mưu nhiều cơ chế chính sách để thúc đẩy việc xử lý chất thỉa rắn sinh hoạt bằng phương pháp đốt có thu hồi năng lượng để phát điện, tiêu biểu như Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết đã nêu rõ, cần tăng cường phát triển các nguồn điện từ rác thải đô thị và chất thải rắn; Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 1/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn, yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, khu vực phía Bắc có TP. Hà Nội khẩn trương đầu tư hoặc đưa vào vận hành các nhà máy xử lý rác thải theo hướng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, phấn đấu đến hết năm 2025, giảm tỷ lệ rác thải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp xuống dưới 20%... Ngoài ra, Bộ TN&MT đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất tại Quyết định số 13/2023/QĐ- TTg ngày 22/5/2023; xây dựng Dự thảo Thông tư ban hành 5 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, hiện nay đang rà soát, hoàn thiện.

    Ở cấp địa phương, 26/28 tỉnh phía Bắc đã có quy hoạch chất thải rắn; 2 tỉnh Bắc Ninh, Yên Bái chưa phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải riêng mà lồng ghép vào nội dung quy hoạch tỉnh; gần 100% xã hoàn thành việc lập, phê duyệt quy hoạch nông thôn mới, trong đó đều đã xác định vị trí điểm trung chuyển/điểm tập kết rác hoặc bãi chôn lấp quy mô nhỏ.

    Hiện các Bộ, ngành, địa phương cũng đang tiếp tục triển khai thực hiện Chiến lược Quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, với các giải pháp đồng bộ về quản lý chất thải, từng bước thực hiện tái chế, tái sử dụng rác thải thay cho biện pháp chôn lấp. Đồng thời, thúc đẩy triển khai hiệu quả Chương trình đối tác hành động quốc gia về chất thải nhựa.

Hoàng Đàn

Ý kiến của bạn