Banner trang chủ

Tăng cường trồng và bảo vệ hệ thống cây xanh để cải thiện chất lượng không khí, đảm bảo an toàn mùa mưa bão

09/09/2024

    Là “Thành phố xanh quốc gia”, Huế có mật độ cây xanh dày đặc, trong đó, có nhiều cây cổ thụ, cây lâu năm cũng như nhiều tuyến đường được quy hoạch “đường nào cây ấy” vừa tạo không gian xanh, vừa che bóng mát và làm đẹp phố phường, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí. Tuy nhiên, khi cây phát triển nhanh với nhiều cành phủ rộng, dễ gây mất an toàn mùa mưa bão, vì vậy, trước mỗi mùa mưa bão hàng năm, UBND Thành phố Huế giao Trung tâm Công viên cây xanh Huế khảo sát, thống kê hiện trạng cây xanh tại các tuyến đường để lên phương án cắt tỉa, hạ độ cao… nhằm bảo vệ hệ thống cây xanh, cũng như đảm bảo an toàn cho người dân và các phương tiện tham gia giao thông.

    Tăng cường trồng cây xanh để giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí

    Thời gian qua, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại nhiều địa phương trên toàn quốc đang có chiều hướng gia tăng về quy mô, mức độ, nhất là các thành phố lớn. Triển khai Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 08/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, nhằm phát triển nền kinh tế - xã hội theo hướng bền vững và bảo vệ sức khỏe cộng đồng cũng như giữ vững danh hiệu “Thành phố xanh”, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, chế tài nhằm kiểm soát tốt ô nhiễm môi trường không khí phát sinh do các nguyên nhân khách quan và chủ quan. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu UBND các huyện, thị xã, TP. Huế thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; vận động, hướng dẫn người dân không đốt rơm rạ trên đồng ruộng nhằm bảo vệ môi trường không khí. Tổ chức nông dân ký cam kết không đốt rơm rạ, không xả rơm rạ bừa bãi xuống kênh tưới, tiêu thủy lợi; không phơi thóc, rơm rạ, tuốt lúa, đốt rơm rạ trên đường giao thông. Xử lý nghiêm các trường hợp đốt chất thải không đúng quy định, gây ảnh hưởng cảnh quan và ô nhiễm môi trường.

Cán bộ và sinh viên Đại học Huế tham gia trồng rừng đầu xuân 2024

    Bên cạnh đó, địa phương cũng tăng cường công tác trồng cây xanh tại các khu vực đô thị, các tuyến đường chính, công viên khu tái định cư, khu dân cư mới; vận động, huy động từ các nguồn xã hội hóa (bằng nhiều hình thức như ủng hộ tiền, cây xanh, ngày công...) để trồng cây xanh dọc các tuyến đường, công viên thuộc phạm vi quản lý; khuyến khích trồng cây xanh tại các tuyến đường theo quy hoạch nhằm tạo cảnh quan, thuận lợi cho công tác quản lý, giám sát và hạn chế việc lấn chiếm mặt bằng. Đặc biệt, Thừa Thiên - Huế cũng là một trong những địa phương triển khai nhiều hoạt động thiết thực hưởng ứng “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, với mục tiêu cùng cả nước hoàn thành Chương trình “Trồng mới 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025” do Chính phủ phát động. Đồng thời, đây  cũng là hoạt động nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, làm cho môi trường ngày càng sạch đẹp theo tinh thần của Phong trào “Xanh - Sạch - Sáng”, qua đó tạo thêm nhiều mảng xanh cho đô thị Huế, giúp không khí ngày càng trong lành hơn, đảm bảo sức khỏe cho người dân. Riêng năm 2024, ngoài kế hoạch trồng rừng kinh tế, rừng tự nhiên, các xã, thị trấn trên địa bàn tiếp tục gia tăng trồng cây xanh đô thị, góp phần tạo cảnh quan xanh trên các tuyến đường, tuyến phố, bảo vệ môi trường sạch đẹp…

    Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 12.400 ha rừng trồng gỗ lớn là các loài keo và bản địa, có hơn 11.920 ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, trong đó có khoảng 940 ha rừng tự nhiên. Riêng năm 2023, toàn tỉnh đã trồng hơn 6.311 ha rừng (tăng 7,6% so với năm 2022); trong đó, trồng mới hơn 1,8 triệu cây xanh, đạt hơn 128% kế hoạch. Ngoài ra, địa phương còn huy động nguồn lực từ các chương trình, dự án, trồng hơn 260 ha rừng ngập mặn nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển sinh kế cho cư dân vùng đầm phá, ven biển… nhằm duy trì, nâng tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh ở mức hơn 57% (năm 2024) và các năm tiếp theo.

    Thực hiện cắt tỉa, hạ độ cao, nhằm bảo vệ hệ thống cây xanh

    Ông Đặng Ngọc Quý, Phó Giám đốc Trung tâm công viên cây xanh Huế cho biết, trước mùa mưa bão hàng năm, Trung tâm tiến hành khảo sát thực tế hệ thống cây xanh toàn địa bàn Thành phố để thống kê những cây cao to, cành tán vươn xa dễ gãy đổ để xây dựng kế hoạch cắt mé tạo tán, hạ độ cao. Đồng thời, thống kê những cây già cỗi, hư mục, gốc rễ nguy hiểm dễ ngã đổ đề xuất UBND thành phố Huế phê duyệt phương án chặt hạ.

    Theo đó, bắt đầu từ tháng 7/2024, dựa trên số liệu điều tra khảo sát hệ thống cây xanh ở các tuyến đường, trong đó ưu tiên những tuyến đường trung tâm thành phố, Trung tâm huy động nhân lực và phương tiện tiến hành cắt tỉa cây, hạ độ cao, tạo thông thoáng, tạo độ nhẹ cho cây đảm bảo an toàn và tránh gãy đổ, kết hợp việc chăm sóc, bảo vệ cây. Đối với những tuyến đường xa, Trung tâm triển khai cắt tỉa tạo sự cân đối, hạ độ cao theo tiêu chí vừa đảm bảo an toàn, vừa tạo sự đồng đều và làm đẹp cho thành phố.

    Để đảm bảo an toàn, giảm thiểu sự cố cây xanh, Trung tâm thường xuyên thực hiện công tác chăm sóc, bảo dưỡng. Trong đó, duy trì cây xanh hiện hữu và thực hiện công tác cắt tỉa chăm sóc theo quy trình kỹ thuật để đảm bảo mỹ quan, cảnh quan và an toàn cho đường phố. Ngoài ra, đơn vị còn thay thế cây xanh mất an toàn hoặc có nguy cơ mất an toàn thông qua việc kiểm tra thường xuyên để kịp thời ghi nhận, phát hiện cây xanh bị chết, suy giảm sức sống và cây bị sâu bệnh, hư hại... tránh gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của Nhân dân trong mùa mưa bão. Công tác cắt mé cây xanh hàng năm khoảng 4.500 - 5.000 cây. Trong quá trình thực hiện cắt mé, Trung tâm chú trọng đến công tác kỹ, mỹ thuật, tạo tán cân đối, đồng đều cho cây xanh, bôi keo vào các vết cắt để cây khỏi bị nấm, mối, sâu bệnh xâm nhập, đồng thời đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, tài sản và các công trình hạ tầng lân cận.

    Việc cắt tỉa cây xanh năm 2024 đã được Trung tâm Công viên Cây xanh Huế chủ động hơn về mặt thời gian và triển khai từ sớm. Trong đó, người dân đều nhận thức rõ việc cần thiết phải cắt tỉa, hạ độ cao cây xanh trước mùa mưa bão nên rất ủng hộ. Trong quá trình thi công, việc đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông và vệ sinh đường phố luôn được Trung tâm chú trọng.

    Cùng với việc cắt tỉa, hạ độ cao nhằm bảo vệ hệ thống cây xanh trong mùa mưa bão cũng được quan tâm, thời gian qua Trung tâm công viên cây xanh Huế thường xuyên bổ sung, chỉnh trang hệ thống cây xanh tại các tuyến đường khu vực trung tâm thành phố và các công viên, điểm xanh trên địa bàn. Trong đó, công tác quy hoạch cây xanh tại 189 tuyến đường đã và đang triển khai theo tiêu chí 1 tuyến đường dài 2 km trồng không quá 2 chủng loại cây, như: Đường Lê Lợi gắn với cây long não, phượng vàng; Đống Đa trồng me tây; Nguyễn Huệ phượng đỏ, phượng vàng; Lý Thường Kiệt tăng cường cây muối (nhội); Hai Bà Trưng trồng bàng Đài Loan… Trong đó, các loại cây chủ đạo được trồng trên các tuyến phố là bằng lăng, phượng. Trung tâm cũng đưa ra nhiều tiêu chí để lựa chọn xây dựng quy hoạch cây xanh thành phố, chọn chủng loại thích hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu địa phương nhằm làm đa dạng, phong phú chủng loại cây trồng, như cây trồng phù hợp với cảnh quan đô thị; cây được chọn có hoa, tán đẹp, độ phân cành cao, thường xanh quanh năm, ít rụng lá; cây không thuộc dạng thân giòn, dễ gãy, hệ rễ không thuộc dạng ăn ngang trên mặt đất, không phá vỡ công trình hiện có; hoa không phát mùi gây ô nhiễm không khí, quả khi chín rơi rụng không thu hút ruồi muỗi, không làm mất vệ sinh môi trường, không gây tai nạn cho người đi đường… Ngoài ra, Trung tâm cũng nghiên cứu, lựa chọn cây có giá trị về văn hóa, lịch sử; cây có khả năng lọc được bụi và giảm tiếng ồn; cây có bộ rễ phát triển ăn sâu để hạn chế đổ ngã khi mưa bão; cây có sức sống cao chịu được tác động bất lợi của đô thị…

    Trung tâm Công viên Cây xanh Huế hiện đang quản lý gần 70.000 cây xanh với hơn 60 loài cây, như bằng lăng, phượng vàng, phượng đỏ, muối, long não… Trong đó, Trung tâm đã đưa ra nhiều tiêu chí để lựa chọn xây dựng quy hoạch cây xanh thành phố, chọn chủng loại thích hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu địa phương nhằm làm đa dạng, phong phú chủng loại cây trồng, như cây trồng phù hợp với cảnh quan đô thị; cây được chọn có hoa, tán đẹp, độ phân cành cao, thường xanh quanh năm, ít rụng lá; cây không thuộc dạng thân giòn, dễ gãy, hệ rễ không thuộc dạng ăn ngang trên mặt đất, không phá vỡ công trình hiện có; hoa không phát mùi gây ô nhiễm không khí, quả khi chín rơi rụng không thu hút ruồi muỗi, không làm mất vệ sinh môi trường, không gây tai nạn cho người đi đường… Ngoài ra, Trung tâm cũng nghiên cứu, lựa chọn cây có giá trị về văn hóa, lịch sử; cây có khả năng lọc được bụi và giảm tiếng ồn; cây có bộ rễ phát triển ăn sâu để hạn chế đổ ngã khi mưa bão; cây có sức sống cao chịu được tác động bất lợi của đô thị…

    Với mục tiêu giữ vững thương hiệu “Thành phố xanh quốc gia”, thời gian tới, Trung tâm Công viên Cây xanh Huế tiếp tục công tác sưu tầm, chọn lọc, nhân giống những chủng loại cây phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu tại địa phương để đề xuất trồng mới, trồng thay thế các chủng loại không phù hợp trên các đường phố, công viên, điểm xanh, khu định cư mới nhằm làm phong phú đa dạng, phát triển bền vững hệ thống cây xanh trên địa bàn. Ngoài ra, tăng cường công tác quản lý và phát triển cây xanh đường phố theo đúng quy hoạch, gắn bảng tên và số cây xanh đường phố, cây xanh trong công viên. Đồng thời, thay thế, trồng mới, trồng dặm cây xanh không đúng chủng loại, cây tạp, cây sâu bệnh, già cỗi trên các tuyến đường toàn thành phố... góp phần phát huy danh hiệu “Thành phố Xanh quốc gia”, quy hoạch đô thị trên địa bàn...

Bùi Hằng

 

Ý kiến của bạn