20/09/2022
Nhằm xây dựng, thử nghiệm và nhân rộng các gói công nghệ, công cụ và cách tiếp cận mới theo hướng giảm phát thải khí nhà kính, BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu, giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm lúa gạo và thu nhập cho người nông dân, năm 2017, Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) phối hợp UBND tỉnh Thái Bình đã khởi động Dự án “Sản xuất lúa bền vững và giảm phát thải khí nhà kính AgResults tại Việt Nam” (AVERP). Đến nay, sau 5 năm triển khai thực hiện tại tỉnh Thái Bình, Dự án đã tiếp cận hơn 25.000 nông hộ, giúp tăng trung bình 8,25% năng suất và giảm trung bình 9,74% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa theo tập quán cũ. Thành công của Dự án ở Thái Bình góp phần mở đường cho việc nhân rộng ra các vùng khác của Việt Nam.
Dự án AVERP do Tổ chức SNV quản lý, được thực hiện trên địa bàn tỉnh Thái Bình trong giai đoạn từ năm 2016 - 2021, với mục tiêu chính là xây dựng, thử nghiệm và nhân rộng các gói công nghệ canh tác lúa tiên tiến nhằm giảm phát thải khí nhà kính, góp phần nâng cao sinh kế và BVMT. Dự án đồng tài trợ bởi Chính phủ các nước Mỹ, Anh, Úc, Canada và Quỹ Bill & Melinda Gates, hoạt động với cách thức hoàn toàn mới, theo “cơ chế kéo”, đó là không hỗ trợ kinh phí trước cho tổ chức, cá nhân mà tiến hành lựa chọn, thẩm định các giải pháp, công nghệ sáng tạo xuất sắc, đáp ứng tiêu chí giảm phát thải khí nhà kính và nâng cao sinh kế cho người dân trồng lúa để trao giải thưởng. Để giành được giải thưởng, các công nghệ cần chứng minh được hiệu quả về số lượng nông hộ sử dụng công nghệ, tiềm năng sử dụng lặp lại công nghệ, tổng lượng khí nhà kính được cắt giảm và mức tăng năng suất. Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) là cơ quan Nhà nước hoạt động với vai trò quản lý, giám sát và hỗ trợ triển khai Dự án.
Thái Bình là tỉnh sản xuất lúa lớn thứ 2 ở khu vực đồng bằng sông Hồng
Thái Bình hiện có gần 80.000 ha lúa, năng suất trên 1 triệu tấn/năm, là tỉnh sản xuất lúa lớn thứ 2 ở khu vực đồng bằng sông Hồng. Tuy nhiên, việc sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn đồng nghĩa với việc đưa ra môi trường lượng khí phát thải nhà kính lớn. Để góp phần giải quyết thách thức này, hướng đến sản xuất lúa bền vững, Thái Bình được lựa chọn tham gia dự án với hai giai đoạn. Giai đoạn I bắt đầu từ vụ mùa năm 2017, kéo dài trong hai vụ thử nghiệm, trong đó các đơn vị tham gia thử nghiệm các giải pháp công nghệ do họ đề xuất. Giai đoạn II bắt đầu vào vụ Xuân năm 2019, bao gồm 4 vụ liên tiếp, trong đó các đơn vị tham gia có những công nghệ hoặc phương pháp canh tác lúa được kiểm chứng và đạt kết quả cao nhất trong Giai đoạn I sẽ áp dụng, nhân rộng tại các nông hộ.
Cơ quan Quản lý dự án AVERP (SNV) và các Cơ quan Kiểm định (Cty Applied Geo Solutions AGS/Viện Môi trường Nông nghiệp) đã phối hợp chặt chẽ với Cục Trồng trọt và Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Bình thu thập dữ liệu về các chỉ tiêu nông học cũng như đo đạc phát thải khí nhà kính. Tất cả dữ liệu đã được phân tích để tính năng suất và lượng phát thải khí nhà kính so với dữ liệu cơ sở của phương thức canh tác truyền thống với các mô hình đối chứng tương ứng. Theo đó, trong giai đoạn I, 11 đơn vị tham gia tranh giải đã được lựa chọn tiến hành thử nghiệm vụ đầu tiên trong điều kiện thực địa của tỉnh Thái Bình. Ban Tổ chức chọn được 9 đơn vị đã thành công trong việc tăng năng suất và giảm phát thải khí nhà kính. Các đơn vị này nhận được giải thưởng dựa trên tỷ lệ tương ứng với kết quả của họ trong tổng số tiền trao thưởng là 55.000 USD cho vụ thử nghiệm đầu tiên. Kết quả cho thấy, 9 gói công nghệ có tỷ lệ tăng năng suất trung bình là 26% và tỷ lệ giảm phát thải khí nhà kính là 12,5% so với dữ liệu cơ sở ban đầu. Trong giai đoạn II, kết thúc 4 vụ, đã có 47,762 lượt nông hộ từ 85 Hợp tác xã trên tổng diện tích 4,937 ha đã tham gia ứng dụng 4 gói công nghệ sản xuất lúa bền vững đã được Dự án kiểm chứng và cho phép triển khai trên quy mô lớn. Kết quả kiểm định cho thấy, các gói công nghệ được thực hiện trong điều kiện thời tiết thực tế của hai vụ Xuân và Hè đã giảm khí thải nhà kính trung bình 0,5 tấn/ha, tăng năng suất trung bình 0,2 tấn/ha so với canh tác lúa truyền thống. Các gói công nghệ này cũng giảm khoảng 15% chi phí vật tư cho các nông hộ do sử dụng hiệu quả vật tư đầu vào. Tổng kết Dự án, Ban Tổ chức đã trao Giải nhất cho Tập đoàn ThaiBinh Seed với giải thưởng trị giá 750 nghìn USD; Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển công nghệ An Đình đoạt Giải nhì với phần thưởng 400 nghìn USD; Công ty cổ phần Giống cây lương thực và thực phẩm đoạt Giải ba, nhận số tiền thưởng 200 nghìn USD.
Bên cạnh kết quả đã được, trong quá trình thực hiện Dự án cũng gặp một số khó khăn trong việc thuyết phục người dân mở rộng vùng sản xuất. Ví dụ như cách thức bón phân 1 lần/vụ theo quy trình của dự án giúp giảm lượng phân bón hơn so với trước đây (3 lần/vụ), nhưng nông dân ban đầu lại rất lo lắng sợ lúa không đủ dinh dưỡng cho cây sinh trưởng, năng suất sẽ thấp. Hay quy trình mới yêu cầu xiết nước 3 lần/vụ, trong khi tập quán canh tác trước đây của nông dân là không xiết nước (có một số vùng khô tự nhiên, nhiều vùng để nước ngập trong cả vụ). Do đó, khi áp dụng quy trình mới rất khó đôn đốc nông dân xiết nước. Bên cạnh đó, hệ thống thủy lợi tại các hợp tác xã còn chưa hợp lý giữa hệ thống tưới và tiêu nước, mặt ruộng không bằng phẳng làm quá trình xiết nước không phủ hết diện tích. Các vùng sản xuất theo quy trình của Dự án còn xen kẽ với các vùng không thực hiện Dự án, nên việc xiết nước gặp nhiều khó khăn…
Sau 5 năm triển khai, Dự án AVERP đã lựa chọn được một số gói công nghệ tiên tiến trong canh tác lúa để áp dụng mở rộng ở tỉnh Thái Bình, đã và đang góp phần vào thực hiện các mục tiêu chung của ngành Nông nghiệp. Tính đến thời điểm hiện tại, Dự án đã giảm được trung bình 2 tấn CO2/ha, với tổng diện tích gần 10.000 ha và thu hút sự tham gia của hơn 25.000 hộ nông dân sản xuất lúa của tỉnh Thái Bình. Đặc biệt, Dự án cũng cho thấy, các gói công nghệ lần này dù không được lựa chọn nhưng có nhiều nhiều ưu điểm tốt và sẽ được tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, lồng ghép để nhân rộng trong quá trình sản xuất, bởi không có công nghệ nào phù hợp với tất cả các vùng sản xuất. Ngoài các lợi ích kép về phát triển kinh tế, BVMT và tăng cường liên kết trong chuỗi giá trị lúa gạo, Dự án đã xây dựng được ba trụ cột chính nhằm đảm bảo tính bền vững sau khi Dự án kết thúc tại Thái Bình. Thứ nhất: Tuân thủ, đi đúng các định hướng chính sách và đóng góp vào quá trình tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo và Chiến lược ngành Trồng trọt giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn 2030 và các cam kết quốc gia về cắt giảm khí nhà kính (NDC). Thứ hai: Thử nghiệm và minh chứng vai trò cũng như sự sẵn sàng của khối kinh tế tư nhân trong phát triển các công nghệ canh tác và đưa vào sản xuất quy mô lớn. Thứ ba: Tạo ra các cơ hội mới cho việc tiếp cận các chương trình tín dụng xanh và tài chính các-bon. Các cơ hội này chính là chất xúc tác để các doanh nghiệp và nông hộ cùng hợp tác sản xuất nông nghiệp phát thải thấp trên quy mô lớn sau khi Dự án kết thúc. Từ các kết quả của Dự án, việc chia sẻ kinh nghiệm tổ chức thực hiện Dự án cũng như tuyên truyền sâu rộng về các gói công nghệ tiến tiến của Dự án trên phạm vi cả nước là thực sự cần thiết, đồng thời là căn cứ để Cục Trồng trọt tiếp tục đề xuất với Bộ NN&PTNT hoàn thiện các phương pháp canh tác trong sản xuất lúa để giảm phát thải khí nhà kính, góp phần vào thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Nguyễn Văn Lãm
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số Chuyên đề Môi trường không khí năm 2022)