Banner trang chủ

PGS. TS Hồ Thị Thanh Vân: Tôi mong muốn nghiên cứu về năng lượng xanh sẽ được ứng dụng rộng rãi để góp phần giải quyết các vấn đề toàn cầu

01/08/2022

    Ngày 22/6/2022, tại trụ sở Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) ở Thủ đô Paris, Pháp, Hội đồng giám khảo UNESCO và Quỹ L’Oréal đã trao Giải thưởng Nhà khoa học nữ trẻ tài năng thế giới năm 2022 cho PGS. TS Hồ Thị Thanh Vân, Trường Đại học TN&MT TP. Hồ Chí Minh. Việc PGS. TS Hồ Thị Thanh Vân được vinh danh đã thể hiện vai trò và đóng góp to lớn của các nhà khoa học nữ ở nước ta trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học ứng dụng. Để tìm hiểu rõ hơn về những đóng góp của bà trong lĩnh vực môi trường, Tạp chí Môi trường đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Hồ Thị Thanh Vân.

PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân - Trường Đại học TN&MT TP. Hồ Chí Minh

PV: Xin chúc mừng PGS.TS đã được bình chọn là 1 trong 15 gương mặt nữ khoa học trẻ tài năng thế giới năm 2022. Giải thưởng này có ý nghĩa như thế nào đối với hoạt động nghiên cứu khoa học và giảng dạy mà bà đang theo đuổi?

PGS. TS Hồ Thị Thanh Vân: Để có được thành công này, tôi đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ và đồng hành của các cộng sự trong nhóm nghiên cứu, của gia đình, cơ quan và cả tổ chức UNESCO, Quỹ L’Oréal, những người đã tạo cơ hội, động viên khích lệ, để các nhà khoa học nữ như tôi có thể cống hiến hết mình cho khoa học. Tôi nghĩ, Giải thưởng này là một vinh dự lớn lao, là niềm tự hào không chỉ với cá nhân tôi mà với cả đội ngũ nữ trí thức trẻ làm nghiên cứu khoa học trên đất nước Việt Nam. Tôi rất hạnh phúc khi tên Việt Nam được xướng lên trong đêm trao giải và mong là các nhà khoa học nước nhà sẽ tiếp tục có những đóng góp nhiều hơn nữa cho đào tạo và nghiên cứu khoa học.

PV: PGS. TS có thể chia sẻ về công trình nghiên cứu mà bà thực hiện đã được Hội đồng bình chọn, trao giải, cũng như tính ứng dụng của nghiên cứu trong thực tiễn hiện nay?

PGS. TS Hồ Thị Thanh Vân: Công trình "Nghiên cứu phát triển pin nhiên liệu và năng lượng hydro xanh - thiết lập chu trình tuần hoàn năng lượng xanh, tái tạo và bền vững” của tôi đã được Hội đồng giám khảo Giải thưởng Nhà khoa học trẻ tài năng thế giới đánh giá rất cao. Công trình nhằm tiếp cận và giải quyết những vấn đề mang tính cấp thiết, thách thức toàn cầu về an ninh năng lượng, BVMT hướng đến phát triển bền vững bằng việc thiết lập vòng tuần hoàn năng lượng sạch, trong đó tập trung vào việc nghiên cứu và sản xuất năng lượng hydro xanh, pin nhiên liệu, tạo ra một vòng tuần hoàn năng lượng xanh, sạch, bền vững có khả năng tái tạo, thân thiện với môi trường nhằm thay thế các loại nhiên liệu hóa thạch.

    Hiện nay, pin nhiên liệu, năng lượng hydro xanh đã được ứng dụng rộng rãi trên thế giới, được đánh gia và dự đoán sẽ là 1 trong các nguồn năng lượng chủ yếu trong tương lai. Tuy nhiên, đây là các dạng năng lượng tái tạo nên giá thành của chúng còn khá cao. Nghiên cứu của tôi và các nhà khoa học trên thế giới đang hướng đến việc giảm giá thành của các dạng năng lượng này để có thể sử dụng và ứng dụng rộng rãi trong cuộc sống, đảm bảo vấn đề an ninh năng lượng, góp phần giảm sức nóng lên toàn cầu do sử dụng các dạng năng lượng hóa thạch.

    Tại Hội nghị COP 26 được tổ chức tại Glasgow (Scotland, Vương quốc Anh) vào tháng 11/2021, Việt Nam đã cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ; cùng với hơn 100 quốc gia đã tham gia Cam kết giảm phát thải metan toàn cầu vào năm 2030; cùng 140 quốc gia tham gia Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất; cùng 48 quốc gia tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; cùng 150 quốc gia tham gia Liên minh hành động thích ứng toàn cầu… Công trình này có ý nghĩa quan trọng trong việc chung tay đóng góp vào cam kết giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam nói riêng và các nước trên thế giới nói chung tại Hội nghị COP 26.

PV: Trong quá trình nghiên cứu Đề tài này, PGS.TS có gặp khó khăn, thách thức gì và đã vượt qua như thế nào?

PGS. TS Hồ Thị Thanh Vân: Nếu môi trường nghiên cứu ở các nước phát triển được ví như mảnh đất màu mỡ, hạt giống đưa vào là nảy mầm, thì ở Việt Nam, hạt giống muốn nảy mầm phải kiên cường, nỗ lực tìm độ ẩm, dinh dưỡng, ánh sáng để vươn lên, đâm hoa, kết trái. Thời điểm sau khi học tập và làm việc ở nước ngoài về, đặc biệt với việc tiếp cận hướng nghiên cứu về năng lượng tái tạo - một hướng nghiên cứu khá mới mẻ ở Việt Nam cách đây 10 năm, tôi đã gặp không ít khó khăn, đôi lúc tưởng chừng không thể tiếp tục. Tuy nhiên, trong những lúc đó, bản thân tôi luôn tự nhủ và tin tưởng rằng, không có khó khăn nào là không có cách giải quyết, điều quan trọng là tiếp tục kiên trì, suy nghĩ để tìm cách giải quyết những vấn đề khoa học đang gặp phải. Việc cố gắng để tìm kiếm, suy nghĩ những cách này cách kia để tiếp cận giải quyết vấn đề chính là điều kiện và cơ hội tốt để tôi phát huy hơn nữa những ý tưởng sáng tạo trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Về nước vào năm 2013, tôi đã dấn thân vào đam mê với đồng lương ít ỏi khoảng 6.5 triệu đồng, trong khi để mua 2 gram muối vàng trắng (dưới dạng muối của Platin) làm vật liệu nano làm vật liệu nghiên cứu cho ứng dụng pin nhiên liệu đã tốn gần 5 triệu đồng. Rồi nhiều thứ nữa như khâu đo đạc, phân tích cần máy móc hiện đại không thể tìm thấy ở Việt Nam, tôi phải mang sang phòng thí nghiệm ở nước ngoài hay gửi mẫu đi đo đạc ở các nước có công nghệ hiện đại như Hàn Quốc, Canađa… với chi phí khá cao.

    Những năm gần đây, môi trường nghiên cứu của Việt Nam đã có sự khởi sắc, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu ngày càng hiện đại hơn. Khái niệm “năng lượng sạch” mà tôi theo đuổi cũng trở nên phổ biến, được đông đảo người dân quan tâm. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã ngỏ ý muốn hợp tác, mở rộng công trình nghiên cứu của tôi ở quy mô lớn. Những gì tôi ươm trồng và nỗ lực trong suốt 10 năm qua đã bắt đầu nảy mầm…

PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân nhận Giải thưởng Nhà khoa học nữ trẻ tài năng thế giới năm 2022 tại Thủ đô Paris, Pháp

PV: PGS.TS có đề xuất, kiến nghị gì để nghiên cứu này được áp dụng rộng rãi tại Việt Nam?

PGS. TS Hồ Thị Thanh Vân: Xu hướng chuyển dịch từ năng lượng hóa thạch sang các nguồn năng lượng tái tạo đang là cuộc chạy đua quyết liệt giữa các nước nhằm hướng tới sự phát triển bền vững trong tương lai. Trên “đường đua” này, để không bị tụt lại phía sau, Việt Nam cần phải tăng tốc nhanh hơn nữa.

    Tôi mong rằng các hướng nghiên cứu về công nghệ cao mang tính ứng dụng rộng rãi để góp phần giải quyết các vấn đề thách thức toàn cầu nói chung và hướng nghiên cứu về năng lượng xanh nói riêng sẽ được quan tâm và đầu tư nhiều hơn nữa, đặc biệt là các dự án sản xuất thử nghiệm với cơ chế đơn giản hóa về thủ tục hành chính và tập trung vào việc khoán toàn phần sản phẩm đầu ra. Điều này sẽ tạo điều kiện cho các nhà khoa học có thể phát huy tốt nhất năng lực và tư duy sáng tạo của mình vào các công trình nghiên cứu. Ngoài ra, tôi cho rằng, hợp tác quốc tế cũng cần được thúc đẩy. Mặt khác, các trường đại học, viện nghiên cứu là nơi tập trung các hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ và lưu giữ hầu hết các kết quả nghiên cứu, sáng chế. Mặc dù không ít viện, trường đã đạt được nhiều thành công trong việc chuyển giao công nghệ, thương mại hóa các sáng chế nhưng trên thực tế, con số này chưa tương xứng với tiềm năng. Do đó, trong tương lai, theo tôi, cần rút ngắn khoảng cách giữa trường đại học và doanh nghiệp để thúc đẩy hoạt động chuyển giao, thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, đẩy mạnh ứng dụng các kết quả này nhằm nâng cao năng suất, gia tăng giá trị sản phẩm; thúc đẩy phát triển kinh tế của đất nước.

     “Nhà khoa học nữ trẻ tài năng thế giới" là giải thưởng danh giá nằm trong khuôn khổ Chương trình "Vì sự phát triển của phụ nữ trong khoa học" do Quỹ L'Oréal và Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) khởi xướng. Giải thưởng được triển khai lần đầu vào năm 2000 nhằm hỗ trợ và khuyến khích các nhà khoa học nữ theo đuổi sự nghiệp khoa học. Trong hơn 20 năm qua, Chương trình đã vinh danh 122 nhà khoa học nữ xuất sắc và hỗ trợ hơn 3.800 nhà khoa học nữ trẻ tài năng đến từ 110 quốc gia. Năm 2022, Giải thưởng vinh danh 15 nhà khoa học nữ triển vọng được lựa chọn trong số 250 hồ sơ tài năng trẻ từ các chương trình quốc gia và khu vực. Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có 3 nhà khoa học nữ được UNESCO trao Giải thưởng này, gồm: TS. Trần Hà Liên Phương, Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (năm 2015); TS. Nguyễn Thị Hiệp, Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (năm 2017) và PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân, Trường Đại học TN&MT TP. Hồ Chí Minh (năm 2022).

Mai Hương (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 7/2022)

Ý kiến của bạn