20/05/2024
Tỉnh Ninh Thuận có 23 hồ chứa nước với tổng dung tích thiết kế hơn 400 triệu m3, thế nhưng tính đến ngày 8/5/2024 tổng dung tích 23 hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh chỉ còn 151,59 triệu m3/417,70 triệu m3, chiếm 36,29% dung tích thiết kế; lượng nước chứa tại hồ Đơn Dương 82,54 triệu m3/165 triệu m3, lưu lượng nước vào hồ là 10,07 m³/s và đang xả nước với lưu lượng là 14,7m³/s. Hiện nay, có 2/23 hồ đã hết nước (gồm hồ CK7 và Ông Kinh); 4/23 hồ đã xuống mực nước chết (gồm các hồ Sông Biêu, Tân Giang, Suối Lớn và Bầu Ngứ); 2/23 hồ sẽ hạ thấp đến mực nước chết trong tuần tới là hồ Lanh Ra và Bầu Zôn. Hạn hán chưa xảy ra thiệt hại trong sản xuất và chưa thiếu nước sinh hoạt, riêng một số xã trên địa bàn huyện Bác Ái, Ninh Sơn, Ninh Hải và Thuận Nam đã có ảnh hưởng.
Để ứng phó với hạn hán, ngày 16/4/2024, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1655/KH-UBND về ứng phó hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn năm 2024 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tùy vào tình hình thời tiết sản xuất vụ hè - thu năm 2024 sẽ triển khai linh hoạt theo 2 phương án. Hiện nay, do tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài, không có mưa, nên sản xuất vụ hè - thu tổ chức thực hiện theo phương án 1 với diện tích 23.460,5ha; trong đó, cây lúa 13.460,5ha, cây màu 10.000 ha, đạt 75,6% so với kế hoạch. Diện tích dừng sản xuất là 7.589,5ha; trong đó, lúa 2.692ha, cây màu 4.897,5ha. Thời vụ xuống giống từ ngày 1/5 đến 10/6; tính đến ngày 2/5 đã xuống giống 1.434ha, đạt 6,1 % kế hoạch.
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận tiếp tục ký ban hành Quyết định số 495/QĐ-UBND về việc thành lập Tổ công tác ứng phó hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặm năm 2024 trên địa bàn tỉnh do Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng. Theo đó, nhiệm vụ của Tổ công tác là tập trung giải quyết kịp thời nguồn nước cho người dân và nước uống cho gia súc. Kiên quyết không để người dân thiếu nước sinh hoạt, nước uống trong suốt mùa khô hạn năm 2024. Trong đó, ưu tiên tạo các nguồn nước bảo đảm phục vụ đủ nước uống, nước sinh hoạt cho nhân dân. Trước mắt, tiếp tục hướng dẫn, chỉ đạo sử dụng nguồn nước ngầm tại chỗ và nguồn nước mặt được tích trữ tại các hồ đập trên địa bàn để phục vụ nước uống và sinh hoạt cho người dân theo hướng tiết kiệm. Chỉ đạo các địa phương tập trung chăm sóc các loại cây trồng, tổ chức thu hoạch nhanh gọn vụ Đông Xuân 2023 - 2024; kết hợp thu gom, chế biến phụ phẩm nông nghiệp để dự trữ làm thức ăn cho gia súc. Đồng thời tổ chức gieo trồng vụ Hè Thu 2024 đúng theo Kế hoạch đề ra; kiên quyết không tổ chức tưới những diện tích gieo trồng ngoài kế hoạch.
Cùng với đó, khẩn trương kiểm tra, khảo sát xây dựng kế hoạch đào ao, tạo nguồn nước uống tại chỗ cho đàn gia súc. Tổ chức hướng dẫn người dân khẩn trương di chuyển đàn gia súc đến những khu vực có nguồn thức ăn, nước uống; không để gia súc chết do không có thức ăn, suy dinh dưỡng và phát sinh dịch bệnh. Khẩn trương xây dựng kế hoạch, tổ chức tiêm phòng cho đàn gia súc ở những khu vực có nguy cơ thiếu nước uống, thiếu thức ăn, nhằm tạo miễn dịch cho đàn gia súc trong thời kỳ khô hạn năm 2024.
Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm và các đơn vị quản lý rừng tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng để cảnh báo và nâng cao ý thức của người dân, chấp hành nghiêm các quy định của nhà nước về phòng cháy chữa cháy rừng trong mùa khô; thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng trên hệ thống cảnh báo cháy sớm tại địa chỉ http://kiemlam.org.vn để kiểm tra, phát hiện sớm điểm cháy rừng. Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ” trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong suốt mùa khô. Đặt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng là nhiệm vụ trọng tâm suốt mùa khô năm 2024. Đồng thời, tổ chức kiểm tra, tổng hợp đề xuất nhu cầu kinh phí cho từng địa phương, đơn vị để thực hiện công tác chống hạn 2024 trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, phê duyệt để triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả.
Bùi Hằng