Banner trang chủ

Một số mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

30/12/2022

    Theo ước tính của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), đến năm 2030 nếu tiếp tục phát triển với mô hình kinh tế tuyến tính (dựa trên quá trình khai thác, sản xuất, tiêu dùng và cuối cùng thải loại ra môi trường), nhu cầu sử dụng tài nguyên thiên nhiên (TNTN) của Thế giới sẽ tăng gấp 3 lần so với hiện nay, vượt ngoài khả năng cung ứng của Trái đất, lượng chất thải sẽ vượt giới hạn sức chịu tải của môi trường thiên nhiên. Thực tế đó dẫn đến yêu cầu cấp bách phải tìm ra mô hình kinh tế hiệu quả, bền vững hơn về sử dụng TNTN, giảm ô nhiễm, suy thoái môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) toàn cầu. Nhận thấy lợi ích lâu dài của kinh tế tuần hoàn (KTTH) nên nhiều nước trên Thế giới đã chuyển đổi nền kinh tế của mình từ nền kinh tế tuyến tính sang nền KTTH, từ kinh tế nâu sang kinh tế xanh. Bài viết giới thiệu một số mô hình KTTH ở một số nước trên thế giới, từ đó đề xuất bài học kinh nghiệm cho Việt Nam nhằm phát triển bền vững đất nước.

    Nhật Bản

    Nhật Bản có cách tiếp cận, quyết định thực hiện KTTH từ năm 1991 nhằm đưa nước này trở thành một “xã hội dựa trên tái chế” thông qua việc ban hành và triển khai nhiều văn bản pháp luật liên quan, cụ thể như sau: Đạo luật cơ bản xây dựng xã hội dựa trên tái chế có hiệu lực từ năm 2002; Luật Tái chế thiết bị ban hành năm 2001; Chiến lược năng lượng sinh khối ban hành năm 2003; Kế hoạch hành động cho một xã hội các-bon thấp ban hành năm 2008. 

    Bên cạnh KTTH, tăng trưởng xanh (TTX) cũng là một nội dung quan trọng được Chính phủ Nhật Bản đưa ra trong Chiến lược tăng trưởng mới ban hành vào năm 2009. Chiến lược có tính đến những thách thức của BĐKH và tình trạng dân số già của Nhật Bản, các mục tiêu chính về TTX được đề cập trong Chiến lược, bao gồm: Thúc đẩy “đổi mới xanh”, tức là đổi mới trong lĩnh vực môi trường và năng lượng để đạt được một xã hội các-bon thấp; Xanh hóa hệ thống thuế là một trong những công cụ sẽ được sử dụng để thúc đẩy đổi mới xanh. 

    Trong triển khai thực hiện KTTH và TTX, Chính phủ Nhật Bản đã áp dụng một số biện pháp cụ thể như: (1) Thực hiện sản xuất sạch hơn: Theo nguyên tắc “3R” (giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế) của nền kinh tế tuần hoàn là tiết kiệm tài nguyên; (2) Làm rõ trách nhiệm của nhà sản xuất; (3) Kiến tạo những khu công nghiệp sinh thái; (4) Xây dựng hệ thống thu gom sản phẩm tái chế tiện dụng; (5) Người tiêu dùng trả phí trước; (6) Cơ sở hạ tầng tái chế là đồng sở hữu. Để thực hiện mô hình TTX, Chính phủ Nhật Bản đã ban hành nhiều chính sách đồng bộ gồm: Đầu tư xanh; Nghiên cứu và triển khai công nghệ xanh; Trợ cấp và ưu đãi thuế cho việc mua bán công nghệ xanh, sản phẩm xanh; Tuyên truyền, đào tạo nhân lực, hợp tác quốc tế, đặc biệt là áp dụng hệ thống thuế xanh - một trong các công cụ quan trọng được sử dụng để thúc đẩy các sáng kiến xanh. 

    Nhật Bản cũng có chính sách cụ thể đối với phát triển kinh tế biển. Chính phủ đã xây dựng chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế biển. Đầu thế kỷ XXI, trước thực tế các hoạt động của con người có tác động to lớn đối với môi trường biển và tài nguyên đại dương, tạo ra các thách thức với nhân loại, Nhật Bản đã ban hành sách trắng về đại dương và chính sách đại dương đầu tiên vào năm 2004. Theo đó, nước này đã xác định phát triển bền vững và quản lý đại dương toàn diện. Sách trắng về đại dương và chính sách đại dương của Nhật Bản năm 2021 đã tập trung vào những chủ đề liên quan đến Thập kỷ khoa học biển vì sự phát triển bền vững và đặc biệt là chủ đề “hồi phục xanh” sau đại dịch COVID-19, với ý tưởng tạo ra một nền kinh tế biển và đại dương mạnh mẽ hơn trên cơ sở tôn trọng đa dạng sinh học biển, thích ứng tốt hơn với BĐKH bằng cách chuyển đổi sang thương mại bền vững với môi trường, duy trì môi trường đại dương khỏe mạnh.

    Trung Quốc 

    Trung Quốc đã thông qua dự luật đầu tiên liên quan đến nền kinh tế tuần hoàn vào năm 2008. Năm 2018, Trung Quốc và EU (EU) đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác KTTH. Đến năm 2019, Hợp tác liên lục địa gồm 200 doanh nghiệp trên Thế giới và của Trung Quốc đã cam kết với nền KTTH về nhựa. Luật Bảo vệ nền KTTH của Trung Quốc yêu cầu các cơ quan, ban ngành nhà nước ở cấp địa phương phải cân nhắc đến những vấn đề liên quan trong các chiến lược đầu tư và phát triển, trong đó tập trung vào các ngành là than, sắt, điện tử, hóa chất và xăng dầu. 

    Chiến lược KTTH của Trung Quốc được triển khai ở ba cấp độ: Thúc đẩy sản xuất sạch ở phạm vi doanh nghiệp, trong các khu công nghiệp triển khai hệ sinh thái công nghiệp, ở cấp khu vực phát triển các thành phố sinh thái. Chiến lược này đã được thử nghiệm trong bảy lĩnh vực công nghiệp và được thực hiện tại 13 khu công nghiệp. Năm 2005, tại 10 thành phố sinh thái và tỉnh sinh thái (Bắc Kinh, Thượng Hải, Trùng Khánh, Quý Dương, Ninh Ba, Hà Bắc, Đồng Lăng, Liêu Ninh, Sơn Đông và Giang Tô) dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia. Trung Quốc xác định xây dựng một thành phố sinh thái và tỉnh sinh thái, gồm ba tiêu chí cơ bản của phát triển KTTH gồm: Hệ thống công nông nghiệp của nền KTTH (công nghiệp sinh thái, nông nghiệp sinh thái và ngành dịch vụ sinh thái); Xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị, trong đó nổi bật là sử dụng tuần hoàn nước, năng lượng và chất thải rắn; An ninh sinh thái với việc xuất hiện các tòa nhà xanh, việc nâng cao chất lượng môi trường sống và BVMT. Trong thập kỷ vừa qua, Trung Quốc đã dẫn đầu Thế giới trong việc thúc đẩy tái tuần hoàn các chất thải với nhiều sáng kiến, chương trình phát triển KTTH và TTX. Một ví dụ điển hình là việc sản xuất bảng mạch điện tử tại quận Tô Châu.

    Trung Quốc dành sự quan tâm đến phát triển kinh tế biển xanh theo mô hình KTTH. Trong kế hoạch 5 năm lần thứ 13 về Phát triển kinh tế - xã hội quốc gia đặt ra yêu cầu mở rộng không gian cho phát triển kinh tế biển xanh. Kế hoạch bổ sung nội dung phát triển nghề cá nội địa và nghề cá xa bờ để bảo vệ và duy trì nguồn lợi thủy sản ven biển, phục hồi môi trường, hệ sinh thái biển và cải thiện sự phát triển lành mạnh của nghề cá xa bờ một cách hiệu quả. Trung Quốc cũng đã thúc đẩy các đổi mới khoa học của ngành công nghiệp biển và thiết lập sáu khu vực thí điểm đổi mới và phát triển kinh tế biển quốc gia và bảy cơ sở thí điểm công nghiệp quốc gia để làm mới ngành công nghiệp biển bằng khoa học và công nghệ, trong đó một số dự án đã đạt được kết quả quan trọng bao gồm: Khu kinh tế xanh bán đảo Sơn Đông,  Thung  lũng  Silicon  xanh Thanh  Đảo  và hợp tác chiến lược giữa các công viên và khu công nghiệp biển nằm trong khu vực đồng bằng sông Dương Tử.

    Trung Quốc cũng là quốc gia điển hình về tiếp cận mô hình kinh tế tuần hoàn sau một thời gian sử dụng quá lãng phí các nguồn lực tự nhiên và gây ra nhiều hệ lụy về môi trường. Năm 2008, Trung Quốc đã thông qua dự luật liên quan đến nền kinh tế tuần hoàn. Năm 2018, Trung Quốc và EU đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển mô hình KTTH. Năm 2019, hợp tác liên lục địa gồm 200 doanh nghiệp của các quốc gia trên thế giới và của Trung Quốc đã cam kết nền kinh tế tuần hoàn về nhựa… Trung Quốc xây dựng 3 khâu để phát triển kinh tế tuần hoàn gồm: Vòng tuần hoàn nhỏ (thực hiện ở quy mô nhà máy và khu công nghiệp); vòng tuần hoàn vừa (mở rộng quy mô hơn) và vòng tuần hoàn lớn (thực hiện trên toàn bộ nền kinh tế). Nền kinh tế tuần hoàn ở Trung Quốc được xây dựng theo lộ trình cụ thể, từ việc xác định quan niệm phát triển đến mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn đến thông qua hệ thống pháp luật có tính bắt buộc đối với các doanh nghiệp... 

    Châu Âu

    Kế hoạch hành động KTTH được Ủy ban châu Âu thông qua vào tháng 12/2015. Liên minh châu Âu (EU) muốn thông qua thực hiện Kế hoạch để kích thích sự chuyển đổi nền kinh tế theo hướng KTTH, để thúc đẩy khả năng cạnh tranh toàn cầu, tăng trưởng kinh tế bền vững và tạo ra nhiều nguồn việc làm mới. Đồng thời, Ủy ban châu Âu thông qua Luật chất thải sửa đổi có hiệu lực vào năm 2018, bao gồm các hành động hỗ trợ KTTH và các mục tiêu bắt buộc đối với các quốc gia thành viên về quản lý chất thải. Theo đó, mục tiêu chung của EU là tái chế 65% chất thải đô thị vào năm 2035; tái chế 70% chất thải bao bì vào năm 2030. Ngoài ra, các vật liệu đóng gói cụ thể gồm có giấy và bìa cứng: 85%, kim loại màu: 80%, nhôm: 60%, kính: 75%, nhựa: 55%, gỗ: 30%. Mục tiêu chôn lấp ràng buộc nhằm giảm lượng rác thải xuống mức tối đa 10% chất thải đô thị vào năm 2035. Khung pháp lý về TTX của EU là một lộ trình với các hành động cụ thể để sử dụng có hiệu quả tối đa các nguồn TNTN nhằm đạt được một nền KTTH. EU tập trung vào các lĩnh vực giao thông vận tải, nông nghiệp, xây dựng, xi măng, thép, công nghệ thông tin và truyền thông, hóa chất và dệt may. Theo ước tính, KTTH có thể tạo ra lợi ích khoảng 600 tỷ Euro mỗi năm cho EU, tạo ra 580.000 việc làm mới và giúp giảm phát thải khí nhà kính.

Dây chuyền tái chế chất thải nhựa bằng công nghệ hiện đại ở Đức

    Ủy ban châu Âu thông qua Thỏa thuận Xanh châu Âu vào ngày 1/12/2019 và Kế hoạch Hành động KTTH mới vào ngày 11/3/2020. Kế hoạch Hành động mới công bố các sáng kiến trong toàn bộ vòng đời của sản phẩm, thúc đẩy các quy trình KTTH, thúc đẩy tiêu dùng bền vững. Đặc biệt, EU chú ý vào việc ban hành các văn bản pháp quy kể cả chính sách quản lý chất thải như: Chỉ thị Khung chất thải; Chỉ thị Bãi chôn lấp; Quy định Vận chuyển Chất thải. Bên cạnh đó, tăng cường trách nhiệm của nhà sản xuất trong thị trường sản xuất nội bộ gồm: Chỉ thị về vòng đời của phương tiện. Cùng với việc đưa ra các chính sách và luật pháp nhằm phát triển KTTH, TTX, EU đã xây dựng chính sách phát triển kinh tế biển xanh. Năm 2014, Ủy ban châu Âu ban hành “Kế hoạch đổi mới nền kinh tế biển xanh”, bao gồm 3 nhóm nhiệm vụ sau: Phát triển các ngành kinh tế biển có tiềm năng cao về tạo việc làm và tăng trưởng bền vững; Ưu tiên các hoạt động thiết yếu nhằm cung cấp kiến thức, đảm bảo cơ sở pháp lý và an ninh trong nền kinh tế biển xanh; Xây dựng các chiến lược biển khu vực của EU, đảm bảo thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia.

    Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

    Để hướng tới xây dựng nền KTTH, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong công tác BVMT thông qua nhiều văn bản pháp quy, chiến lược, định hướng quan trọng, điển hình như Luật BVMT năm 2014; Chiến lược quốc gia về TTX giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050; Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050... Đồng thời, để đạt được các mục tiêu đề ra, Việt Nam đã và đang triển khai một loạt chương trình liên quan đến phát triển KTTH.

    Hiện nay, ở Việt Nam đã có một số mô hình KTTH được thực hiện, đem lại hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với lượng chất thải phát sinh ngày càng lớn trong khi nguồn nguyên liệu thô, nguyên liệu hóa thạch ngày càng cạn kiệt và những khó khăn về công nghệ. Dựa vào thực tế tại Việt Nam và kinh nghiệm của một số quốc gia nói trên, để hiện thực hóa và phát triển nền KTTH tại Việt Nam, cần thực hiện hiệu quả một số giải pháp sau:

    Một là, đẩy mạnh việc phổ biến, nghiên cứu lý luận và thực tiễn phát triển KTTH trên thế giới nhằm trang bị kiến thức đầy đủ, toàn diện, đúng đắn của mô hình kinh tế này trong cơ quan quản lý, DN và nhân dân. Xây dựng hệ thống pháp luật quản lý phù hợp trong phát triển KTTH; xây dựng và phát triển khung chính sách và pháp luật quản lý mô hình KTTH theo nhu cầu của thị trường, chuyển dịch sang hướng ngăn ngừa ô nhiễm và sử dụng hiệu quả các nguồn nguyên liệu có thể tái chế; xây dựng và áp dụng chặt chẽ các bộ tiêu chuẩn quản lý chất lượng sản phẩm, chất lượng nguyên liệu đầu vào.

    Hai là, Nhà nước và các Bộ, ban, ngành cần có chủ trương, hành động thực tế thúc đẩy nền KTTH trong tất cả các ngành; các chính sách hỗ trợ nguồn vốn, địa điểm sản xuất, mở rộng cơ hội tiếp cận với công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, Nhà nước cần thành lập trung tâm hỗ trợ các DN triển khai nền KTTH trong các hoạt động sản xuất, nghiên cứu; đồng thời, đẩy mạnh phát triển khoa học, kỹ thuật, công nghệ, sản phẩm tiên tiến trong lĩnh vực tái chế vật liệu và năng lượng mới từ chất thải, thỏa mãn các điều kiện về môi trường, tiết kiệm chi phí.

    Ba là, nghiên cứu tạo cơ chế khuyến khích thực hiện mô hình kinh tế này bằng cách đãi ngộ, ưu tiên về thuế và các chính sách hỗ trợ khác. Về lâu dài, cần hình thành các DN cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho các DN sản xuất trong thực hiện KTTH. Triển khai mô hình KTTH với các cấp độ phù hợp.

    Bốn là, tối ưu hóa nguồn nguyên liệu đầu vào; hoạt động kiểm soát, quản lý nguồn nguyên liệu đầu vào cần được xem xét, triển khai trên toàn bộ hệ thống, bao gồm tất cả các quá trình và kết cấu hạ tầng có mối liên hệ chặt chẽ với nguồn tài nguyên hay hoạt động sản xuất của con người, cũng như cách phân phối nguồn năng lượng tạo ra. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế, phát huy vai trò của cộng đồng DN ngoài nhà nước trong thí điểm thực hiện mô hình được cho là mới ở Việt Nam hiện nay.

    Năm là, huy động sự tham gia của cộng đồng vào phát triển nền KTTH. Kinh nghiệm cho thấy, để thực hiện KTTH, cần kêu gọi sự tham gia của tất cả các bên liên quan từ các cơ quan chính phủ, các DN khai thác khoáng sản và nguyên liệu thô, các nhà chế biến, sản xuất, phân phối, bán lẻ, người tiêu dùng, người thu gom rác... tham gia, thì mới có thể đạt được thành công trong quá trình triển khai. Theo đó, cần nâng cao ý thức của toàn xã hội về sự tham gia từ Chính phủ, DN và người dân trong phát triển KTTH.

Đỗ Thị Hoa Lê

Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 12/2022)

    Tài liệu tham khảo

    1, Henning Wilts: “Key challenges for transformations towards a circular economy - The status quo in Germany”, International Journal of Waste Resources, tháng 1-2017

    2, Trương Thị Mỹ Nhân: “Kinh nghiệm xây dựng nền kinh tế tuần hoàn và các điều kiện để chuyển đổi ở Việt Nam”.

    3, Silva F.C., Shibao F.Y., Kruglianskas I., Barbieri J.C., Sinisgalli P.A.A. (2019). Circular economy: analysis of the implementation of practices in the Brazilian network, Revista de Gestão, Vol. 26 No. 1, pp. 39-60.

 

Ý kiến của bạn