29/11/2022
Cà Mau là tỉnh ven biển ở cực Nam của Việt Nam có vị trí địa lý rất đặc biệt với ba mặt tiếp giáp biển. Với tổng diện tích gần 50,5 nghìn ha, rừng ngập mặn (RNM) Cà Mau là một trong những diện tích RNM lớn nhất thế giới với hệ động, thực vật phong phú, đa dạng, độc đáo. Là một cấu phần quan trọng của Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau được UNESCO công nhận vào năm 2009, RNM Cà Mau cung cấp cho cộng đồng dân cư và nền kinh tế của địa phương rất nhiều loại hàng hóa và sản phẩm quý giá như gỗ, củi, lâm sản ngoài gỗ, nguồn lợi thủy sản, phòng hộ ven biển, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, điều hòa khí hậu… Tuy nhiên, giá trị của RNM Cà Mau chưa được ghi nhận đầy đủ. Trong các báo cáo của địa phương, giá trị của RNM Cà Mau chỉ được ghi nhận qua giá trị gỗ, củi và nguồn lợi thủy sản. Chính vì vậy, RNM Cà Mau luôn phải đối mặt với nguy cơ bị chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất nuôi trồng thủy sản, khiến khả năng cung cấp các loại hàng hóa và dịch vụ của RNM bị suy giảm theo. Để hỗ trợ cho chính quyền địa phương trong việc xây dựng các chính sách quản lý và sử dụng tài nguyên RNM hợp lý, Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT (ISPONRE) đã phối hợp với Tập đoàn Dragon Capital thực hiện nghiên cứu “Lượng giá hệ sinh thái RNM Cà Mau” nhằm làm rõ những đóng góp về mặt kinh tế của các hàng hóa và dịch vụ do hệ sinh thái (HST) RNM Cà Mau cung cấp.
Giá trị gỗ, củi
Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong giai đoạn 2018 - 2020, trung bình mỗi năm RNM Cà Mau cung cấp khoảng 15.500 m3 gỗ và 82.682 ster củi. Với mức giá thị trường của gỗ, củi trung bình trong 3 năm trở lại đây lần lượt là 1.185.000 đồng/m3 gỗ và 785.000 đồng/ster củi, mỗi năm RNM Cà Mau cung cấp một lượng gỗ, củi cho doanh thu khoảng 83.275.368.000 đồng. Như vậy, doanh thu từ gỗ củi trung bình của mỗi ha RNM là 113.681.000 đồng. Hiện tại, chi phí khai thác gỗ RNM dao động trong khoảng 300.000 - 350.000 đồng/m3 và chi phí khai thác củi RNM dao động trong khoảng 220.000 - 270.000 đồng/ster, tổng chi phí khai thác RNM (bao gồm chi phí khai thác, chi phí thẩm định, chi phí quản lý…) ước tính dao động trong khoảng 26.000.000 - 28.000.000 đồng/ha (chi phí khai thác trung bình của RNM là 27.000.000 đồng/ha). Như vậy, mỗi năm, RNM Cà Mau cung cấp một lượng gỗ, củi có giá trị là 63.496.968.000 đồng cho con người và nền kinh tế của địa phương.
Giá trị nguồn lợi thủy sản
Kết quả phân tích thông tin từ phiếu khảo sát 71 hộ gia đình (HGĐ) tham gia khai thác nguồn lợi thủy sản dưới tán RNM Cà Mau cho thấy, trong số 251 HGĐ tham gia phỏng vấn có 71 HGĐ (tương đương với 28,3%) thường xuyên tham gia các hoạt động khai thác nguồn lợi thủy sản với doanh thu và chi phí bình quân lần lượt là 8,36 triệu đồng/tháng và 2,44 triệu đồng/tháng. Dựa vào thông tin về số lượng các HGĐ nhận khoán và được giao đất để quản lý bảo vệ RNM trên địa bàn tỉnh Cà Mau (khoảng 25.000 hộ - theo báo cáo kiểm kê rừng năm 2014), tỷ lệ số HGĐ tham gia vào hoạt động khai thác nguồn lợi thủy sản dưới tán RNM (28.3%), thu nhập ròng bình quân của các HGĐ tham gia khai thác nguồn lợi thủy sản từ RNM (5,92 triệu đồng/hộ/tháng) và thời gian khai thác nguồn lợi thủy sản trung bình của các HGĐ (8 tháng/năm), nghiên cứu đã ước lượng được giá trị nguồn lợi thủy sản do RNM Cà Mau cung cấp là 335.072.000.000 đồng/năm.
Giá trị dịch vụ hỗ trợ nuôi trồng thủy sản
Theo kết quả phân tích thông tin từ phiếu khảo sát 251 HGĐ tham gia nuôi trồng thủy sản trong RNM, tổng doanh thu bình quân của các HGĐ khoảng 196,6 triệu đồng/năm cho một diện tích ao nuôi trung bình là 4,8 ha. Trong khi đó, tổng chi phí bình quân (bao gồm chi phí con giống, thức ăn phụ trợ, công lao động và các vật tư tiêu hao khác) là 82,8 triệu đồng/năm. Thu nhập ròng bình quân từ hoạt động nuôi tôm sinh thái là 23,6 triệu đồng/ha/năm (một số HGĐ có thu nhập ròng lên tới 84,9 triệu đồng/ha/năm, tuy nhiên cũng có HGĐ bị thua lỗ do tôm bị bệnh hoặc do bị ảnh hưởng của thời tiết...). Dựa trên thông tin về mức thu nhập ròng bình quân từ hoạt động nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng của các HGĐ tham gia phỏng vấn (23,58 triệu đồng/ha/năm) và diện tích nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng trên địa bàn tỉnh Cà Mau năm 2020 (25.377 ha), nghiên cứu đã ước lượng giá trị của dịch vụ hỗ trợ nuôi trồng thủy sản của RNM Cà Mau là 598.389.660.000 đồng/năm.
Giá trị phòng hộ ven biển
Nhiều năm trước đây, HST RNM ven biển của Cà Mau với những vạt rừng có độ dày trên 300 m đã thực hiện rất tốt chức năng phòng hộ ven biển. Tuy nhiên, do nạn chặt phá RNM bừa bãi (để làm hầm than, phát triển du lịch, nuôi trồng thủy sản) trong một thời gian dài, nhiều dải RNM ven biển tại Cà Mau hiện nay chỉ còn khoảng 20 - 30 m khiến khả năng phòng hộ giảm đi đáng kể, sạt lở xảy ra liên tục, đe doạ tính mạng và tài sản của các cộng đồng dân cư ven biển. Trong khi đó, Cà Mau là tỉnh duy nhất ở vùng đồng bằng sông Cửu Long có ba mặt giáp biển, chiều dài bờ biển khoảng 254 km, gồm bờ Ðông (chưa có đê) và bờ Tây tiếp giáp với bờ biển tỉnh Bạc Liêu và Kiên Giang. Dưới tác động của biến đổi khí hậu, Cà Mau luôn phải đối mặt với tình trạng sạt lở bờ biển ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp. Tình trạng sạt lở diễn ra cả ven biển Đông và biển Tây, bình quân mỗi năm bờ biển Cà Mau bị mất đi trên 300 ha đất và rừng phòng hộ, tổng chiều dài sạt lở của bờ biển tỉnh Cà Mau hiện nay là 105 km, tốc độ sạt lở bình quân mỗi năm khoét sâu vào bên trong từ 20 - 50 m. Trong đó, ở phần bờ biển Đông, tình trạng xói lở xảy ra với chiều dài 48 km, nhiều đoạn xói lở sâu làm mất dải RNM phòng hộ có chiều dài từ 80 - 100 m/năm. Còn ở phần bờ biển Tây, tình trạng sạt lở xảy ra với chiều dài khoảng 57 km, nhiều đoạn xói lở sâu, có nguy cơ vỡ đê bất cứ lúc nào.
Để đảm bảo an toàn cho tính mạng và tài sản của cộng đồng dân cư ven biển, từ năm 2012 đến nay, tỉnh Cà Mau đã đầu tư xây mới 25 km kè ven biển với tổng chi phí là 870 tỷ đồng (chi phí trung bình là 4,35 tỷ đồng/km/năm) và nâng cấp 51,3 km tuyến đê biển phía Tây với tổng chi phí là 486 tỷ đồng (chi phí trung bình là 1,18 tỷ đồng/km/năm). Như vậy, chi phí đầu tư trung bình cho đê kè vùng ven biển Cà Mau là 5,49 tỷ đồng/km/năm.
Theo nghiên cứu của Mazda và cộng sự (1997) và Tang (2011), mỗi đai rừng giáp biển có chiều dài 1 km và rộng 1,5 km sẽ có tác dụng phòng hộ tương đương với 1 km công trình đê/kè biển được xây dựng kiên cố. Nói cách khác, mỗi 150 ha RNM phòng hộ sát bờ biển sẽ có giá trị kinh tế tương đương với 5,49 tỷ đồng/năm.
Trong khi đó, nghiên cứu của Tuan et al. (2015) đối với RNM Cà Mau cho thấy, giá trị phòng hộ của các dải RNM giảm dần theo khoảng cách từ RNM đến bờ biển. Cụ thể, trọng số về khả năng phòng hộ của các dải RNM cách bờ biển dưới 1.000 m, từ 1.000 - 4.000 m và trên 4.000 m lần lượt là 1,0 : 0,5 : 0,2. Số liệu trích xuất từ bản đồ hiện trạng rừng cho thấy, diện tích RNM phòng hộ của Cà Mau hiện nay là gần 21.000 ha, được phân theo khoảng cách như sau:
Khoảng cách từ RNM đến bờ biển |
Diện tích (ha) |
< 1.000 m |
9.941,7 |
1.000 - 4.000 m |
9.867,8 |
> 4.000 m |
1.057,5 |
Tổng |
20.867 |
Nguồn: Trích xuất từ bản đồ hiện trạng rừng Cà Mau 2019
Dựa trên giá trị phòng hộ của các dải rừng sát bờ biển và dựa trên hệ số về khả năng phòng hộ giảm dần theo khoảng cách do Tuan et al.(2015) xây dựng, nghiên cứu đã ước lượng được giá trị phòng hộ của diện tích RNM phòng hộ ven biển của Cà Mau như sau:
Khoảng cách từ RNM đến bờ biển |
Diện tích (ha) |
Giá trị phòng hộ (đồng/năm) |
< 1.000 m |
9.941,7 |
363.866.220.000 |
1.000 - 4.000 m |
9.867,8 |
180.580.740.000 |
> 4.000 m |
1.057,5 |
7.740.900.000 |
Tổng |
20.867 |
552.187.860.000 |
Như vậy, tổng giá trị phòng hộ ven biển của RNM phòng hộ tại Cà Mau là 552.187.860.000 đồng/năm.
Về giá trị lưu trữ và hấp thụ các-bon
Theo kết quả kiểm kê rừng năm 2019, tỉnh Cà Mau có 9.616 ha RNM là rừng tự nhiên (với 2 loài chủ yếu là Đước và Mắm). Dựa vào kết quả phân tích trữ lượng các-bon trên mặt đất và dưới mặt đất của rừng Đước+Mắm tự nhiên ở các trạng thái khác nhau của RCFEE (2012), nghiên cứu đã ước lượng trữ lượng các-bon hiện đang lưu trữ trong diện tích RNM tự nhiên của Cà Mau như sau:
Loại rừng |
Diện tích (ha) |
Trữ lượng các-bon (tấn CO2/ha) |
Tổng trữ lượng các-bon (tấn CO2) |
Rừng tự nhiên giàu |
3.436 |
488,67 |
1.679.070 |
Rừng tự nhiên trung bình |
4.740 |
251,13 |
1.190.356 |
Rừng tự nhiên nghèo |
475 |
125,01 |
59.380 |
Rừng tự nhiên phục hồi |
964 |
49,54 |
47.757 |
Tổng |
9.616 |
|
2.976.563 |
Theo số liệu trích xuất từ bản đồ kiểm kê rừng năm 2019 của Cà Mau, tổng diện tích RNM là rừng trồng của Cà Mau là 40.800 ha, trong đó rừng trồng Đước thuần loài có diện tích 37.344 ha (chiếm 92%) và rừng trồng Mắm thuần loài có diện tích 649,6 ha (chiếm 1,62%). Như vậy, tổng diện tích của rừng trồng 2 loài Đước và Mắm chiếm 93,3% tổng diện tích. Các kiểu rừng trồng còn lại (như Mắm+Đước, Mắm+Giá, Đước+Chà là, Vẹt+Mắm…) chỉ chiếm 6,7% tổng diện tích rừng trồng ngập mặn nên có thể bỏ qua trong quá trình tính toán lượng các-bon mà RNM Cà Mau hấp thụ được. Bảng 4 và 5 dưới đây thể hiện thông tin về diện tích và khả năng hấp thụ các-bon của RNM là rừng trồng theo cấp tuổi tại Cà Mau:
TT |
Cấp tuổi |
Diện tích (ha) |
|
Đước |
Mắm |
||
1 |
I (dưới 5 tuổi) |
0,26 |
|
2 |
II (5 - 9 tuổi) |
6.970 |
26,7 |
3 |
III (10 - 14 tuổi) |
15.338 |
310,4 |
4 |
IV (15 - 19 tuổi) |
4.325 |
11,7 |
5 |
V (20 - 24 tuổi) |
8.406 |
283,1 |
6 |
VI (25 - 29 tuổi) |
2.083 |
17,8 |
7 |
VII (30 - 35 tuổi) |
190 |
|
8 |
VIII (trên 35 tuổi) |
32 |
|
Tổng |
37.345 |
649,6 |
TT |
Cấp tuổi |
Đước |
Mắm |
||
Trữ lượng các-bon (tấn CO2/ha) |
Nguồn tài liệu tham khảo |
Trữ lượng các-bon (tấn CO2/ha) |
Nguồn tài liệu tham khảo |
||
1 |
I |
152,8 |
Nguyễn Thị Hà và cộng sự (2017) |
|
|
2 |
II |
291,6 |
Nguyễn Thị Hà và cộng sự (2017) |
211,3 |
RIFEE (2020) |
3 |
III |
372,1 |
Nguyễn Thị Hà và cộng sự (2017) |
281,6 |
RIFEE (2020) |
4 |
IV |
487,8 |
Nguyễn Thị Hà và cộng sự (2017) |
301,8 |
RIFEE (2020) |
5 |
V |
565,2 |
Nguyễn Thị Hà và cộng sự (2017) |
335,87 |
RCFEE (2012) |
6 |
VI |
614,5 |
Nguyễn Thị Hà và cộng sự (2017) |
579,21 |
RCFEE (2012) |
7 |
VII |
693,85 |
Huỳnh Đức Hoàn (2019) |
|
|
8 |
VIII |
591,76 |
Huỳnh Đức Hoàn (2019) |
|
|
Dựa trên thông tin về diện tích, khả năng lưu trữ và hấp thụ các-bon của rừng trồng 2 loài Đước và Mắm ở các độ tuổi khác nhau, nghiên cứu đã ước lượng được tổng lượng CO2 được hấp thụ bởi RNM Cà Mau tại thời điểm năm 2019 như sau:
TT |
Cấp tuổi |
Lượng các-bon hấp thụ (tấn CO2) |
|
Rừng trồng đước |
Rừng trồng mắm |
||
1 |
I |
40 |
|
2 |
II |
2.032.463 |
5.647 |
3 |
III |
5.707.126 |
87.395 |
4 |
IV |
2.109.766 |
3.489 |
5 |
V |
4.751.189 |
95.082 |
6 |
VI |
1.280.269 |
10.329 |
7 |
VII |
131.797 |
|
8 |
VIII |
19.037 |
|
Tổng |
16.031.689 |
201.942 |
Như vậy, HST RNM Cà Mau đã hấp thụ được tổng cộng 19.325.919 tấn CO2 (tương đương với 19,325,919 tín chỉ các-bon).
Về giá bán tín chỉ các-bon, năm 2019, World Bank đã đồng ý mua 3 triệu tấn CO2 của Việt Nam với mức giá 15 triệu đô la Mỹ. Như vậy, giá thị trường của tín chỉ các-bon tại Việt Nam là 5 đô la Mỹ/tấn CO2 (tương đương với 115.500 đồng/tấn CO2).
Với khả năng hấp thụ trên 19,21 triệu tấn CO2, giá trị lưu trữ và hấp thụ các-bon của HST RNM Cà Mau được ước tính ở mức 2.218.777.427.600 đồng.
Để ước tính giá trị lưu trữ và hấp thụ các-bon trung bình của HST RNM Cà Mau, nghiên cứu đã sử dụng công thức chuyển đổi giá trị hiện tại sang giá trị hàng năm:
Trong đó:
A: Giá trị hàng năm
P: Giá trị hiện tại
i: tỷ lệ chiết khấu dài hạn (trong nghiên cứu này i = 3,5%)
n: số năm (trong nghiên cứu này, n = 40 tương ứng thời gian diện tích RNM Cà Mau giảm xuống thấp nhất trong lịch sử (năm 1992) và bắt đầu được phục hồi dần dần cho đến khi đạt được diện tích như trong hiện tại).
Kết quả tính toán cho thấy, giá trị lưu trữ và hấp thụ các-bon của HST RNM Cà Mau trung bình là 103.899.300.000 đồng/năm.
Về giá trị cảnh quan
Giá trị cảnh quan của RNM Cà Mau được ước lượng dựa trên việc chuyển giao giá trị từ nghiên cứu nguồn được thực hiện năm 2012 về thời điểm nghiên cứu là năm 2020. Trong nghiên cứu nguồn do RIFEE thực hiện năm 2012, nhóm nghiên cứu đã sử dụng bảng hỏi để phỏng vấn ngẫu nhiên 300 khách du lịch có mặt tại Vườn Quốc gia (VQG) Mũi Cà Mau nhằm thu thập các thông tin về: (i) đặc điểm cá nhân của khách du lịch; (ii) các chi phí có liên quan đến chuyến du lịch tới VQG Mũi Cà Mau; (iii) số lượt đến thăm quan Khu du lịch Mũi Cà Mau được khách du lịch thực hiện trong vòng 1 năm trở lại tính từ thời điểm nghiên cứu. Các thông tin, số liệu thu được từ phiếu phỏng vấn khách du lịch đã được nhóm nghiên cứu sử dụng để xây dựng hàm cầu du lịch thể hiện mối quan hệ giữa số lượt tới thăm VQG Mũi Cà Mau với chi phí du lịch và một số biến quan trọng khác. Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu RIFEE đã ước lượng được mức thặng dư tiêu dùng (consumer surplus - CS) của khách du lịch qua mỗi lượt thăm quan Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau là 396.550 đồng. Giá trị này sẽ được điều chỉnh về năm 2019 và có tính đến lạm phát - yếu tố khiến giá trị của một lượng tiền nhất định giảm dần theo thời gian. Việc điều chỉnh sẽ giúp cho các giá trị thể hiện được mặt bằng giá cả chung trong cùng một năm và có thể được thực hiện bằng việc sử dụng các chỉ số lạm phát GDP (GDP deflators) đo tốc độ thay đổi giá cả hàng năm trong nền kinh tế. Các chỉ số giảm phát của từng nền kinh tế có sẵn trong Bộ chỉ số Phát triển Thế giới của Ngân hàng thế giới (WB). Công thức điều chỉnh như sau:
CSp = CSs(Dp/Ds)
Trong đó:
CSp: Thặng dư tiêu dùng của khách du lịch năm 2019
CSs: Thặng dư tiêu dùng của khách du lịch năm 2012
Dp: Chỉ số giảm phát GDP của Việt Nam năm 2019
Ds: Chỉ số giảm phát GDP của Việt Nam năm 2012
Theo Ngân hàng thế giới (2021), chỉ số giảm phát GPD của Việt Nam Dp = 161.89 và Ds = 134.51. Như vậy, thặng dư tiêu dùng của một khách du lịch điển hình tới thăm Khu du lịch Đất Mũi năm 2019 được ước tính ở mức CSp = 477.269 đồng/lượt.
Với tổng số lượt khách tới thăm Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau tại thời điểm nghiên cứu dao động trong khoảng 180.000 đến 200.000 lượt/năm (trung bình là 190.000 lượt/năm), giá trị cảnh quan của RNM tại Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau được ước tính ở mức 90.681.147.000 đồng/năm.
Giá trị một số sản phẩm hàng hóa và dịch vụ khác
Bên cạnh các loại dịch vụ được đánh giá là có giá trị kinh tế lớn và có nhiều đối tượng được thụ hưởng lợi ích, RNM Cà Mau còn cung cấp nhiều loại hàng hóa, dịch vụ khác, tuy nhiên, do chưa có đủ thông tin đầu vào để có thể lượng giá các loại dịch vụ này theo các phương pháp lượng giá thông thường nên giá trị của các loại hàng hóa, dịch vụ đó chưa được ước lượng trong phạm vi của nghiên cứu này.
RNM Cà Mau có vai trò vô cùng quan trọng đối với con người, nền kinh tế và môi trường không chỉ của tỉnh Cà Mau mà của vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long. Dù chưa tính hết nhưng tổng giá trị sử dụng của RNM Cà Mau lên tới 1.743,7 tỷ đồng/năm; trong đó giá trị sử dụng trực tiếp là 1.087 tỷ đồng/năm (chiếm 62,4%), giá trị sử dụng gián tiếp là 656,1 tỷ đồng/năm (chiếm 37,6%). Tỷ lệ này sẽ tiếp tục thay đổi khi chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được triển khai trên cả nước với quy định các đơn vị phát thải lớn phải chi trả cho dịch vụ lưu trữ và hấp thụ các-bon của rừng và khi đó giá trị lưu trữ và hấp thụ các-bon của RNM sẽ được tính thành giá trị sử dụng trực tiếp. Điều đáng lưu ý là các con số này chưa phản ánh đầy đủ các giá trị kinh tế mà RNM Cà Mau mang lại bởi trong thực tế, RNM Cà Mau còn cung cấp nhiều loại hàng hóa và dịch vụ có giá trị khác nhưng do những hạn chế về nguồn lực, thông tin đầu vào và kỹ thuật phân tích nên nghiên cứu này chưa tiến hành lượng giá được. Thêm vào đó, giá trị của các hàng hóa và dịch vụ do RNM Cà Mau cung cấp được ước lượng chủ yếu dựa trên giá cả thị trường của năm 2019 và 2020, đây là những năm mà mức cung - cầu hàng hóa/dịch vụ và giá cả thị trường không thực sự “bình thường” do những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, đặc biệt là đối với ngành thủy sản và du lịch. Ngoài ra, các con số này mới chỉ phản ánh được các giá trị có thể lấy ra từ RNM hàng năm. Giá trị nội tại nằm trong 50.500 ha RNM còn lại của Cà Mau là rất lớn, chẳng hạn, riêng giá trị gỗ củi đã lên tới 3.300 tỷ đồng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Huỳnh Đức Hoàn (2019), Xác định trữ lượng các-bon của rừng đước, đôi trồng tại Khu dự trữ sinh quyển RNM Cần Giờ - TP. Hồ Chí Minh, Luận án tiến sĩ, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Hà Nội.
2. Mazda, Y., Wolanski, E., and Ridd, P. (2007), The Role of Physical Processes in Mangrove Environments: manual for the preservation and utilization of mangrove ecosystems, Tokyo: Terrapub.
3. Nguyễn Thị Hà và cộng sự (2017), Giá trị tích luỹ các-bon của rừng Đước (Rhizophra apiculta Blume) tại tỉnh Cà Mau, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Lâm nghiệp, số 6 - 2017, pp.101-107.
4. Sở TN&MT Cà Mau (2018), Báo cáo hiện trạng đa dạng sinh học tỉnh Cà Mau, TP. Cà Mau, tỉnh Cà Mau.
5. Tang, P. G. (2011), Mangrove Ecosystem Services: A case study of Tran De District, Soc Trang - Vietnam, Master Thesis at the Asian Institute of Technology, Thailand.
6. Tuan Q. V, Natascha O. and Claudia K. (2015), How remote sensing supports mangrove ecosystem service valuation: A case study in Ca Mau province, Vietnam, Ecosystem Services, Vol.14, pp. 67-75.
7. T.T. Van, N. Wilson, V.Q. Minh, H. Thanh-Tung, K. Quisthoudt, L. Xuan-Tuan, F. Dahdouh-Guebas, N. Koedam (2015), Changes in mangrove vegetation area and character in a war and land use change affected region of Vietnam (Mui Ca Mau) over six decades, Acta Oecologica, Vol 63 (2015), pp: 71-81.
8. Viện Nghiên cứu sinh thái và Môi trường rừng (2020), Nghiên cứu xác định giá trị kinh tế RNM Cần Giờ, Báo cáo kỹ thuật, Dự án “Tổ chức quản lý sử dụng bền vững RNM Cần Giờ tầm nhìn đến năm 2025”, huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh.
9. Trung tâm Nghiên cứu Sinh thái và Môi trường rừng (2012), Định giá rừng phòng hộ ven biển ở khu vực phía Nam của Việt Nam, Báo cáo tổng kết đề tài cấp Bộ, Bộ NN&PTNT, Hà Nội.
10. VQG Mũi Cà Mau (2021), Công khai ngân sách, truy cập ngày 10/05/2021 tại website: https://vuonqgmcm.camau.gov.vn/wps/portal/dmdt/ckns
11. WB (2021), The world development indicators, accessed 15/1/2021 at https://datacatalog.worldbank.org/
TS. Trần Thị Thu Hà
Viện Nghiên cứu Sinh thái và Môi trường rừng, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 11/2022)