Banner trang chủ

Kinh nghiệm xây dựng mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2022

30/09/2022

    Theo số liệu thống kê của Tổng cục Môi trường, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh tại Việt Nam trong năm 2019 vào khoảng hơn 61.000 tấn/ngày và có xu hướng tiếp tục gia tăng. Đối với các khu vực đô thị, tốc độ tăng trưởng trung bình năm của lượng CTRSH vào khoảng 10 ÷ 16%. Đối với khu vực nông thôn, lượng CTRSH phát thải trung bình khoảng 24.000 tấn/ngày.

    Như vậy, lượng CTRSH tại Việt Nam là rất lớn và cần được quản lý chặt chẽ. Tuy nhiên, công tác quản lý và xử lý CTRSH hiện đang tồn tại nhiều bất cập do một số nguyên nhân như: Chưa áp dụng phương thức quản lý tổng hợp, chưa chú trọng đến các giải pháp giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng từ chất thải,… Do đó, việc tổ chức phân loại CTRSH tại nguồn là cần thiết để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong vấn đề BVMT.

    Các bước xây dựng chương trình phân loại CTRSH tại nguồn

    Để việc phân loại CTRSH tại nguồn ở các địa phương đạt hiệu quả cao thì việc xây dựng Chương trình phân loại CTRSH tại nguồn cần được thực hiện theo các bước cơ bản như trong Hình 1.

Hình 1. Các bước xây dựng chương trình phân loại CTRSH tại nguồn

    Xây dựng mục tiêu

    Mục tiêu đặt ra đối với từng địa phương là phải xây dựng được mô hình phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH phù hợp với đặc thù của địa phương. Do đó, về mặt kỹ thuật, việc xây dựng mô hình phù hợp nên dựa theo mô hình lý tưởng về phân loại CTRSH như trình bày trong Hình 2.

Hình 2. Mô hình lý tưởng về phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH

    Mô hình lý tưởng là mô hình gồm đầy đủ các khâu cơ bản như phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý triệt để toàn bộ lượng CTRSH sau khi phân loại.

    Khảo sát thực địa

    Việc khảo sát thực địa tại địa phương là cần thiết để nắm bắt được hiện trạng khu vực thực hiện dự án nhằm đánh giá chung về cơ sở hạ tầng (hệ thống thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH hiện có). Trên cơ sở đó sẽ xác định được các vấn đề bất cập (nếu có) cần được xử lý và bổ sung những hạng mục còn thiếu để đạt được mục tiêu của Dự án.

    Xây dựng đề cương nhiệm vụ

    Thuyết minh đề cương cần tập trung làm rõ các nội dung cần triển khai đối với từng hoạt động phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH. Sau khi đã xác định được các nội dung cần thực hiện, công việc tiếp theo trong bước này là xây dựng dự toán kinh phí thực hiện và trình phê duyệt Dự án. 

    Triển khai mô hình

    Những nội dung chính cần được thực hiện như sau:

    Lập kế hoạch

    Nhóm thực hiện Dự án cần phải lập kế hoạch triển khai công việc chi tiết trước khi triển khai mô hình. Xây dựng kế hoạch về nhân lực, kế hoạch về thời gian, kế hoạch liên quan đến mua sắm trang thiết bị, kế hoạch tập huấn, kế hoạch tuyên truyền và kế hoạch triển khai phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn thực hiện Dự án.

    Tập huấn phân loại CTRSH tại nguồn

    Để thực hiện tập huấn phân loại CTRSH cho người dân tại địa phương, nhóm thực hiện Dự án cần thực hiện hai nội dung sau: Xây dựng tài liệu tập huấn; Triển khai các lớp tập huấn tại địa phương. Tài liệu tập huấn nên được viết ngắn gọn, súc tích và sử dụng các thuật ngữ dễ hiểu đối với người dân (có thể kết hợp với một số hình ảnh minh họa mang tính trực quan). Các lớp tập huấn chỉ nên từ 50 ¸ 60 học viên và được bố trí thời gian phù hợp với đặc điểm sinh hoạt của dân cư tại địa phương. Thời lượng của mỗi buổi tập huấn chỉ nên kéo dài tối đa 60 phút, trong đó 25 phút cho hoạt động hướng dẫn lý thuyết và 35 phút cho hoạt động thực hành phân loại CTRSH.

    Triển khai phân loại CTRSH tại nguồn

Các nội dung triển khai bao gồm: Tiếp tục tuyên truyền về phân loại CTRSH tại nguồn cho người dân; Khởi động ngày hội phân loại CTRSH để toàn dân tham gia; Thành lập tổ giám sát cộng đồng: hướng dẫn, đôn đốc và giám sát trong qúa trình thực hiện; Các đơn vị quản lý nhà nước thường xuyên kiểm tra, giám sát và xử phạt những người, hộ gia đình không thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn.

   Tổng kết Dự án và đánh giá

    Việc tổng kết Dự án cần được thực hiện để đánh giá hiệu quả thực tế đã đạt được từ đó rút ra kinh nghiệm để triển khai cho các địa phương khác. Bên cạnh đó, tổng kết Dự án cũng là một bước quan trọng để có thể hoàn thiện thủ tục hành chính liên quan đến kinh phí dự án đã được phê duyệt. Báo cáo tổng kết dự án cần đề cập đến địa điểm, thời gian, quy mô tập huấn, các nội dung đã triển khai, đánh giá những kết quả đạt được cũng như những tồn đọng cần được khắc phục và giải pháp khắc phục.

    Kinh nghiệm thực tế từ việc xây dựng mô hình thu gom, phân loại CTRSH tại thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu

    Đánh giá hiện trạng CTRSH tại địa điểm xây dựng Dự án

    Thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu là một trong những thị trấn mang đậm nét riêng của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Khu vực thị trấn có địa hình bằng phẳng, dân cư sống rải rác theo các tuyến đường, tuyến kênh, rạch (Hình 3).

Hình 3. Sơ đồ thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu

    Với dân số hiện nay là 15.075 người và thu nhập bình quân đầu người vào khoảng 55,0 triệu đồng/năm, tổng lượng CTRSH phát sinh trên địa bàn thị trấn vào khoảng 7,5 tấn/ngày. Tuy nhiên, hiện tại chỉ có khoảng 71,8% lượng CTRSH được thu gom(Theo số liệu của phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Vĩnh Lợi). Việc thu gom CTRSH tập trung chủ yếu ở 3 ấp nằm dọc hoặc gần quốc lộ 1A, còn lại 3 ấp nằm cách xa quốc lộ 1A hiện chưa có tuyến thu gom CTRSH. Trên thực tế, tỷ lệ phát sinh và thu gom CTRSH thấp hơn so với các khu vực khác do thói quen vứt rác xuống các kênh rạch gần nhà hoặc tự đốt/chôn lấp trong vườn nhà.

    Hiện nay, việc thu gom CTRSH tại thị trấn Châu Hưng do Trung tâm Dịch vụ Đô thị huyện Vĩnh Lợi đảm nhận, trong đó CTRSH được thu gom sẽ được vận chuyển về bãi rác Tân Tạo để xử lý. Bãi rác Tân Tạo có tổng diện tích khoảng 11ha, nằm cách xa khu vực dân cư, với phương pháp xử lý chủ yếu là chôn lấp hợp vệ sinh.

    Quá trình khảo sát thực địa tại đây cũng cho thấy một số điểm hạn chế còn tồn tại trong công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH như: CTRSH chưa được phân loại tại nguồn; Lượng CTRSH chưa được thu gom triệt để; Chưa có các giải pháp xử lý đồng bộ như tái chế chất thải, đốt chất thải hay làm phân compost dẫn tới tình trạng quá tải tại bãi rác, gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực bãi rác.

   Đề xuất mô hình phân loại, thu gom và xử lý CTRSH

    Khu vực thị trấn Châu Hưng mang đặc trưng vùng sông nước của miền Tây Nam bộ, dân cư sống rải rác dọc theo các con sông, kênh, rạch, do đó việc thu gom CTRSH đạt tỷ lệ thấp; người dân chủ yếu sống bằng nghề nông, vì vậy có thể tận dụng thức ăn thừa để chăn nuôi và làm phân bón hữu cơ. Mặt khác, hiện tại trên địa bàn thị trấn chỉ có một bãi chôn lấp CTRSH của tỉnh, bãi này chủ yếu là xử lý CTRSH bằng phương pháp chôn lấp mà chưa có đầy đủ những công nghệ xử lý chất thải theo mô hình lý tưởng như làm phân compost, tái chế hay đốt... Trong những năm vừa qua, tỉnh đã kêu gọi các nhà đầu tư vào xây dựng nhà máy xử lý chất thải tuy nhiên đến nay chưa có đơn vị nào vào đầu tư. Chính vì vậy, giải pháp xử lý chất thải tại nguồn (làm phân compost tại hộ gia đình) để giảm lượng chất thải đem đi chôn lấp là giải pháp hữu hiệu nhất hiện nay.

    Dựa trên kết quả khảo sát thực địa và những điều kiện về hạ tầng hiện có của địa phương, Trung tâm Tư vấn và Công nghệ môi trường đề xuất mô hình xử lý CTRSH cho thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu.

Hình 4. Mô hình phân loại, thu gom vận chuyển và xử lý CTRSH trên địa bàn thị trấn Châu Hưng

    Theo mô hình, người dân thị trấn Châu Hưng có thể tự xử lý chất thải thực phẩm tại nhà, tận dụng làm phân bón và giảm lượng CTRSH đem đi chôn lấp tại bãi rác tập trung. Với mô hình đề xuất, Trung tâm Tư vấn và Công nghệ môi trường đã thực hiện hướng dẫn người dân phân loại CTRSH tại nguồn và cách làm phân compost tại các hộ gia đình.

    Triển khai phân loại rác tại nguồn

    Trung tâm Tư vấn và Công nghệ môi trường đã tiến hành tập huấn cho 3.714 hộ dân của 8 ấp tại thị trấn Châu Hưng và bàn giao 3.714 thùng rác 3 ngăn hỗ trợ công tác phân loại CTRSH cho người dân của thị trấn; 80 thùng ủ phân compost tại hộ gia đình; 90 thùng rác 660l và 2 xe điện thu gom rác thải cho Trung tâm dịch vụ đô thị huyện Vĩnh Lợi. Đồng thời, Trung tâm đã thiết kế các tờ rơi hướng dẫn phân loại CTRSH tại nguồn và phát cho người dân; phối hợp với Phòng Môi trường của huyện Vĩnh Lợi mời phóng viên đài truyền hình tỉnh Bạc Liêu về ghi hình buổi tập huấn và đưa lên bản tin thời sự của Tỉnh (Hình 5).

Hình 5. Tuyên truyền nâng cao ý thức phân loại CTRSH tại nguồn qua kênh truyền hình của tỉnh Bạc Liêu

    Kết thúc đợt tập huấn, các hộ gia đình trên địa bàn thị trấn Châu Hưng đã triển khai thí điểm việc phân loại CTRSH tại nguồn từ ngày 10/8/2022 (Hình 6).

Hình 6. Người dân thị trấn Châu Hưng triển khai hoạt động phân loại CTRSH tại nhà (Nguồn: Chương trình Thời sự, Đài truyền hình Bạc Liêu)

    Để thuận tiện cho công tác thu gom, UBND thị trấn Châu Hưng đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Đô thị huyện Vĩnh Lợi xác định vị trí các điểm tập kết rác. Theo đó, mỗi tổ dân phố có 3 điểm tập kết rác, tổng cộng có 24 điểm tập kết rác trên địa bàn 8 tổ dân phố. Các điểm tập kết rác hiện nay được thị trấn giao cho Trung tâm Dịch vụ Đô thị huyện Vĩnh Lợi quản lý vận hành.

    Hướng dẫn ủ phân compost tại các hộ gia đình

    Người dân triển khai việc phân loại CTRSH tại nhà theo nội dung đã được tập huấn.  Trong đó, đối với chất thải thực phẩm người dân đã được hướng dẫn áp dụng quy trình ủ phân compost ngay tại nhà. Loại thùng được bàn giao cho người dân để làm phân compost tại nhà là các thùng bằng nhựa, hình tròn, dung tích 120 l. Vách thùng được khoan nhiều lỗ nhỏ cách nhau 10 cm -15 cm đều nhau. Hai bên thành thùng gần mép đáy thùng được khoan cửa vuông khoảng 25– 30cm để lấy phân (Hình 7).

Hình 7. Ủ phân bón từ chất thải thực phẩm bằng thùng composit

    Các thùng này cần được đặt cách xa nguồn nước sinh hoạt, trên bệ bằng gạch hoặc bệ xi măng, có bố trí thêm chậu nhựa để thu nước rỉ từ rác. Nước rỉ được dùng tưới lên đống rác ủ trong thùng giúp rác mau phân hủy thành phân hoặc được dùng để tưới cho cây rau, hoa màu trong vườn nhà.

    Quá trình này bao gồm các bước sau:

Hình 8. Quy trình thực hiện ủ phân compost tại nhà

    Quá trình ủ phân compost có thể làm phát sinh mùi hôi và ruồi nhặng. Trong trường hợp đó, người dân được hướng dẫn xử lý như sau: Rải một lớp đất mỏng khô hoặc rơm rạ, lá cỏ khô; Hoặc dùng tro bếp rải lên bề mặt đống ủ để giảm mùi hôi và ruồi, sau đó tiếp tục bổ sung thêm rác; Không nên bổ sung thêm nước vào thùng rác.

    Sau 30 - 45 ngày thì lớp phân bên dưới đáy thùng sẽ phân hủy trước. Người dân sẽ tiến hành lấy phân ra từ 2 cửa bên dưới. Phân tơi xốp, hạt mịn, không có mùi hôi thối, ngả màu nâu đen (đặc điểm của phân compost) lấy ra ở cửa bên dưới bón cho rau màu, cây kiểng. Nếu phân lấy ra bị ướt, chưa mịn thì chưa đạt yêu cầu, bỏ phân này ủ trở lại vào thùng và trộn chung với rơm rạ, lá cây khô hoặc tro bếp để giảm độ ẩm (nếu phân còn ướt).

    Có thể nói, việc phân loại CTRSH tại nguồn đóng vai trò quan trọng trong công tác quản lý chất thải, góp phần tiết kiệm được tài nguyên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; giảm chi phí cho công tác thu gom và xử lý CTRSH; tổ chức phân loại, thu gom, vận chuyển CTRSH đúng quy cách sẽ giúp giảm 50% lượng CTRSH cần thu gom, vận chuyển và đơn giản hóa việc tổ chức phương tiện; tăng khả năng thu hồi tài nguyên cũng như nâng cao hiệu quả xử lý của các công nghệ xử lý tiếp theo. Ngoài ra, hoạt động phân loại CTRSH tại nguồn còn giúp hình thành ý thức của mỗi cá nhân trong công tác BVMT.

ThS. Vũ Ngọc Tĩnh, ThS. Phạm Tiến Nhất, ThS. Trần Thị Thanh,

ThS. Nguyễn Ánh Nguyệt, ThS. Trần Đức Tuấn

                              Trung tâm tư vấn và Công nghệ môi trường, Tổng cục Môi trường

Đức Anh

Tạp chí Môi trường

Ý kiến của bạn