Banner trang chủ

Khánh thành bộ 3 mô hình thích ứng biến đổi khí hậu dựa vào hệ sinh thái

21/02/2023

    Nhằm công bố việc triển khai thành công các giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu khu vực đô thị tại TP.Đồng Hới (Quảng Bình), đồng thời nâng cao nhận thức cho người dân về biến đổi khí hậu và các giải pháp thích ứng nêu trên, cũng như thể hiện quyết tâm của chính quyền địa phương trong việc nâng cao khả năng ứng phó của thành phố trước biến đổi khí hậu, ngày 10/2/2023, Sở TN&MT tỉnh Quảng Bình và Dự án “Hỗ trợ Việt Nam thực hiện thỏa thuận Paris” đã tổ chức Lễ khánh thành bộ 3 mô hình thích ứng biến đổi khí hậu dựa vào hệ sinh thái.

    Theo đó, bộ 3 mô hình bao gồm “Mảng tường xanh và vườn trên mái”; “Hệ thống thoát nước đô thị bền vững” và “Khu cảnh quan trữ nước” được thi công sau quá trình đánh giá toàn diện về kỹ thuật và tình hình thực tế tại địa phương, cùng sự tham gia, hưởng ứng rộng rãi của cộng đồng; thời gian thi công kéo dài 9 tháng (từ tháng 3 - 11/2022). Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) phối hợp với Sở TN&MT tỉnh Quảng Bình và các đối tác khác cùng triển khai 3 giải pháp thí điểm thích ứng với biến đổi khí hậu nói trên.

Lễ khánh thành bộ 3 công trình

    Ông Daniel Herrmann, Cố vấn trưởng Dự án VN-SIPA, GIZ cho biết, chúng tôi dự kiến những mô hình thí điểm thành công sẽ tạo ra tác động lâu dài đến việc lập kế hoạch thích ứng đô thị, từ đó giúp Đồng Hới có được sức chống chịu với biến đổi khí hậu tốt hơn và cuộc sống tại đây trở nên dễ dàng hơn. Ngoài ra, Dự án còn triển khai các khóa đào tạo, thu hút hơn 650 người dân từ 10 cộng đồng tại TP. Đồng Hới. Đi kèm các giải pháp này là một chương trình nâng cao năng lực cho cán bộ địa phương về việc lập kế hoạch và triển khai các giải pháp trong tương lai. Chương trình đào tạo có sự tham gia của khoảng 100 nhà lãnh đạo và các chuyên viên thuộc lĩnh vực thích ứng dựa vào hệ sinh thái tại đô thị và quản trị rủi ro khí hậu cấp quận, huyện và tỉnh, thành phố, ông Daniel Herrmann cho biết thêm.

    Dự án “VN-SIPA” được Bộ Liên bang về kinh tế và hành động khí hậu (BMWK), Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ thông qua Sáng kiến khí hậu quốc tế (IKI). Đây là một trong những mô hình thí điểm của cách tiếp cận dựa vào hệ sinh thái (EbA) cho khu vực đô thị. Những giải pháp này hỗ trợ công tác quản lý rủi ro lũ lụt đô thị, giảm nước lũ khi mưa lớn nhờ vào tính năng thu gom và tái sử dụng nước mưa, giảm áp lực nhiệt cục bộ vào mùa nắng nóng, nâng cao hiệu quả năng lượng thông qua tính năng làm mát của mảng xanh, đồng thời tạo không gian xanh đô thị cho người dân cũng như tăng cường đa dạng sinh học đô thị.

    Trong bối cảnh các tỉnh, thành phố dọc bờ biển Việt Nam ngày càng phải đối mặt với nhiều trận bão, lũ xảy ra do hậu quả của biến đổi khí hậu, những mô hình thích ứng dựa vào hệ sinh thái được triển khai ở Quảng Bình là thí điểm cho thấy các tỉnh, thành phố có thể chuẩn bị, thích ứng, từ đó giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Ngoài ra, những mô hình được lựa chọn còn lồng ghép thêm những giải pháp dựa vào tự nhiên, mang lại lợi ích quan trọng cho việc bảo tồn đa dạng sinh học.

Nguyệt Minh

Ý kiến của bạn