20/04/2023
Ngày 14/4/2023, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Dự án Hỗ trợ kỹ thuật về Đánh giá tác động của Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon (CBAM) của Liên minh châu Âu (EU), Chương trình Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Đông Nam Á (ETP) phối hợp với Cục Biến đổi Khí hậu (Bộ TN&MT) đã tổ chức Hội thảo Tham vấn kết quả đánh giá tác động của cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon của Liên minh châu Âu và khuyến nghị đối với Việt Nam.
Chuyên gia Dự án CBAM trình bày tại Hội thảo
Ngày 8/2/2023, Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu đã công bố những cập nhật mới nhất về kế hoạch triển khai CBAM trong bản Thỏa thuận tạm thời được thông qua từ các cuộc đàm phán đa phương về đề xuất CBAM. Theo đó, CBAM sẽ bắt đầu giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 3 năm kể từ ngày 1/10/2023. Sau giai đoạn chuyển tiếp, cơ chế này sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2026 và vận hành hoàn toàn vào năm 2034. Trong khoảng thời gian này, CBAM sẽ dần dần được áp dụng song song với việc loại bỏ dần các hạn ngạch miễn phí trong Hệ thống giao dịch phát thải của EU (EU ETS). Do đó, CBAM sẽ chỉ áp dụng đối với tỷ lệ phát thải không được hưởng lợi từ hạn ngạch miễn phí của ETS trong giai đoạn 2026 - 2034.
Hoạt động của CBAM trong giai đoạn chuyển tiếp sẽ được nghiên cứu, rà soát trước khi hệ thống chính thức có hiệu lực vào năm 2026. Ủy ban châu Âu sẽ đánh giá xem có nên mở rộng phạm vi CBAM sang các hàng hóa khác được xác định trong quá trình đàm phán hay không, bao gồm một số sản phẩm cuối nguồn và các lĩnh vực khác như như hóa chất hữu cơ và polyme như đề xuất trước đây của Nghị viện. Theo kế hoạch, đến năm 2023, tất cả hàng hóa bao gồm trong EU ETS và các phương pháp tính toán lượng phát thải gián tiếp sẽ được đồng thời đánh giá. Ủy ban có kế hoạch tiến hành kiểm tra kỹ lưỡng CBAM vào cuối năm 2027. Quá trình này bao gồm đánh giá tiến độ đạt được từ các đàm phán quốc tế về biến đổi khí hậu, cũng như tác động đối với hàng hóa nhập khẩu từ các nước đang phát triển, nhất là các nước kém phát triển nhất (LDC).
Phát biểu tại Hội thảo, Giám đốc Chương trình Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP) Sirpa Jarvenpaa cho biết, nhằm đánh giá các tác động của CBAM đến Việt Nam, các chuyên gia đã tiến hành nghiên cứu, khảo sát trên 4 lĩnh vực hiện có hàng hóa xuất khẩu đáng kể vào thị trường EU là: nhôm, thép, xi măng và phân bón. Xét về tổng thể toàn bộ nền kinh tế, tác động của CBAM không lớn, nhưng đối với từng ngàng hàng, từng doanh nghiệp, giá trị xuất khẩu giảm đi là con số không nhỏ, làm gia tăng áp lực với các doanh nghiệp. Trong đó, lĩnh vực thép có khả năng sẽ giảm khoảng 4% giá trị xuất khẩu. Nhu cầu giảm kéo theo sản lượng giảm khoảng 0,8%, cùng với tác động bất lợi về giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường. Giá trị xuất khẩu của ngành nhôm cũng giảm hơn 4% và sản lượng giảm khoảng 0,4%. Đối với ngành xi măng và phân bón, mức độ tác động không đáng kể. Nếu xét về mặt tích cực, CBAM sẽ tạo ra động lực trực tiếp giảm phát thải cho các nhà sản xuất bị ảnh hưởng. Việc này sẽ có tác động lớn hơn nếu có thể mở rộng sang các ngành khác, phù hợp với chiến lược tăng trưởng xanh và các cam kết giảm phát thải của Việt Nam.
Quang cảnh Hội thảo
Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu đã được tìm hiểu về vai trò của đánh giá tác động Cơ chế điều chỉnh biên giới CBAM đối với các chính sách khí hậu của Việt Nam; Kết quả đánh giá tác động của CBAM lên các ngành sắt thép, nhôm, phân bón và xi măng, cũng như toàn bộ nền kinh tế, chuyển dịch năng lượng và việc thực hiện NDC của Việt Nam. Hội thảo cũng thảo luận và đón nhận những ý kiến của đại biểu tham dự về các khuyến nghị và đề xuất đối với Việt Nam để giảm thiểu tác động tiêu cực, tối đa hóa các lợi ích của CBAM đối với chuyển dịch năng lượng, giảm nhẹ biến đổi khí hậu và phát triển các-bon thấp ở Việt Nam. Trên cơ sở góp ý của các chuyên gia, hiệp hội doanh nghiệp, Chương trình ETP và Cục Biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động của Cơ chế CBAM đến Việt Nam và đề xuất chính sách thuế các-bon phù hợp với Việt Nam. Đây là cơ sở để đề xuất cải thiện khung chính sách về định giá các-bon và giảm phát thải khí nhà kính trong thời gian tới.
Hương Đỗ