Banner trang chủ

Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Quảng Ninh đưa Luật Bảo vệ môi trường đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số

12/07/2023

   Quảng Ninh hiện có 21 dân tộc thiểu số (DTTS) với hơn 162.000 người sinh sống chủ yếu ở vùng miền núi, biên giới, hải đảo còn nhiều khó khăn, song lại là những địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh. Với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”, những năm qua, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả về công tác tuyên truyền chính sách pháp luật của Nhà nước, cũng như Luật BVMT, góp phần nâng cao ý thức của cán bộ, hội viên, nhân dân và đồng bào vùng DTTS cùng chung tay BVMT.

    Công tác BVMT được Hội LHPN Quảng Ninh xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thông qua việc tăng cường tuyên truyền Luật BVMT, đồng thời tích cực vận động, xây dựng các mô hình, cách làm, tạo sự lan tỏa và hưởng ứng chung tay BVMT của bà con vùng đồng bào DTTS (DTTS) trên địa bàn tỉnh.

Cán bộ phụ nữ xã Dực Yên, huyện Đàm Hà phát tờ rơi tuyên truyền Luật BVMT cho người dân thôn Tây

    Trong 2 năm gần đây, các cấp Hội luôn chú trọng công tác tuyên truyền, vận động đồng bào vùng DTTS nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi trong nếp sống, ăn ở hợp vệ sinh, thực hiện các mô hình BVMT, thu gom, xử lý rác thải. Đây là nhiệm vụ khó, cần có thời gian để thực hiện, vì nhận thức của hội viên phụ nữ và nhân dân ở vùng dân tộc, vùng sâu xa, hải đảo đã ăn sâu vào tư tưởng, thói quen, nếp sinh hoạt, không dễ dàng thay đổi. Để thay đổi nhận thức của bà con vùng đồng bào dân tộc phải thực hiện dần dần, từng bước và cần có thời gian để thực hiện, trước nhất phải thay đổi nhận thức, sau đó dần thay đổi hành vi, xóa bỏ thói quen sinh hoạt cũ, thay bằng nếp sống mới, ăn ở hợp vệ sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống của chính bản thân mình và gia đình, tích cực tham gia BVMT chung.

    Bên cạnh đó, Hội LHPN tỉnh Quảng Ninh còn chủ động thực hiện tốt công tác phối hợp với Sở TN&MT tỉnh Quảng Ninh trong công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách pháp luật về BVMT và Luật BVMT trong đó chú trọng truyền thông tại các địa bàn vùng đồng bào dân tộc, biển đảo. Theo đó, Hội LHPN tỉnh Quảng Ninh đã luôn đa dạng hóa và tích cực tuyên truyền trên các kênh thông tin của Hội qua website, cổng thông tin thành phần, Facebook, page, các nhóm zalo để tuyên truyền sâu rộng các hoạt động của Hội. Hiện nay, các cấp Hội đã lập 1.585 nhóm zalo để thông tin, tuyên truyền nội dung Luật BVMT, các quy định liên quan của Trung ương, tỉnh về công tác BVMT. Từ khi Luật BVMT được triển khai đến nay, các cấp Hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức 6.658 hội nghị truyền thông, tập huấn, hội thảo chuyên đề về BVMT, phòng chống rác thải nhựa cho 459.165 nghìn lượt hội viên phụ nữ. Trong đó, các cấp Hội đã cấp phát miễn phí 36.000 tờ rơi/tờ gấp/quyển tài liệu tuyên truyền về Luật BVMT, phòng chống rác thải nhựa, phân loại rác thải sinh hoạt, sử dụng rác tái chế, ủ phân hữu cơ, chuyên đề 3 sạch, việc triển khai xây dựng các phong trào, cuộc vận động, các mô hình/CLB về BVMT của phụ nữ. Các cấp Hội tại cấp huyện và xã tổ chức 15 cuộc tuyên truyền, truyền thông về BVMT với hơn 1.200 lượt tham gia. Phát động trồng 109.140 cây xanh, trong đó, cây công nghiệp lấy gỗ là 11.100 cây, cây ăn quả là 800 cây và 97.240 cây hoa các loại.

    Đồng thời, Hội LHPN tỉnh Quảng Ninh luôn duy trì và phát huy hiệu quả các mô hình về BVMT, nâng cao chất lượng hoạt động, nhiều mô hình mới thiết thực, hiệu quả được thành lập như: “Biến rác thành tiền”, “Phân loại rác thải tại gia đình”, “Tái sử dụng chất thải nhựa”, “CLB Phụ nữ tình nguyện BVMT”... Trong đó nổi bật là mô hình "Biến rác thành tiền” được thực hiện ở 16/16 địa phương, đơn vị với 100% cơ sở Hội, 1.368/1.609 chi hội thực hiện. Trong 2 năm 2020- 2021, đã có trên 200 nghìn hộ gia đình thực hiện phân loại rác thải tại gia đình gắn với thực hiện mô hình “Biến rác thành tiền” với số tiền thu được trên 3 tỷ đồng, mô hình đã được công nhận là mô hình dân vận khéo cấp tỉnh năm 2020. Các mô hình về phân loại rác thải tại nguồn và xử lý rác thải hữu cơ bước đầu có hiệu quả tại các địa phương Hạ Long, Móng Cái, Đông Triều, Đầm Hà, Hải Hà hiện đang được các cấp Hội nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh.

    Cùng với đó, mô hình phân loại, ủ phân hữu cơ tại hộ gia đình, tạo ra phân bón cho cây trồng mang lại lợi ích kinh tế cho các hộ gia đình, góp phần vào việc hạn chế rác thải ra môi trường, giảm lượng rác thải sinh hoạt phải thu gom. Đến nay, toàn tỉnh đã xây được 2.886 hố ủ phân hữu cơ bằng nhiều hình thức như: đào hố ủ di động, xây hố ủ kiên cố, ủ bằng thùng nhựa hoặc thùng xốp. Hiện mô hình đang được tiếp tục nhân rộng toàn tỉnh, nhất là ở các địa bàn vùng đông đồng bào DTTS tại các huyện Bình Liêu, Ba Chẽ, Đầm Hà...

    Để việc tuyên truyền vận động nhân dân tại các vùng đồng bào DTTS thay đổi nhận thức, hành vi thực hiện Luật BVMT nói riêng và chính sách pháp luật về công tác BVMT nói chung, thiết nghĩ, cần huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, nhất là MTTQ và các tổ chức đoàn thể, hội, phát huy vai trò của những người uy tín trong cộng đồng tiên phong, gương mẫu BVMT gắn với duy trì, phát huy giá trị bản sắc tốt đẹp của từng vùng, miền, nét văn hóa riêng có của đồng bào DTTS.

Đức Anh

Ý kiến của bạn