15/06/2023
Công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn là một trong những vấn đề cấp thiết trong lĩnh vực BVMT. Luật BVMT 2020 đã đưa ra 6 Điều quy định về quản lý CTRSH. Trong đó, Điều 75 của Luật này quy định về phân loại, lưu giữ, chuyển giao CTRSH.
Tại Huế, với dân số đông, lượng rác thải đang gia tăng mỗi ngày, gây sức ép về môi trường và mỹ quan đô thị nên vấn đề phân loại CTRSH đang là yêu cầu cấp bách, được TP. Huế chú trọng và đẩy mạnh triển khai. Trong đó, Dự án (DA) "Huế - Đô thị Giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam" do Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF- Việt Nam) khởi động vào năm 2021 với mong muốn giảm 30% lượng rác thải nhựa thất thoát ra môi trường tự nhiên vào năm 2024. Trên cơ sở đó, tháng 6/2022, Dự án đã đồng hành với UBND TP. Huế triển khai Chương trình phân loại CTRSH tại nguồn nhằm giảm thiểu lượng rác thải phát sinh, tăng tỷ lệ tái chế, tiết kiệm tài nguyên và góp phần làm cho Huế xanh, sạch, sáng hơn. Chương trình chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn I triển khai thực hiện đối với 23 phường thuộc Thành phố trước khi sáp nhập; Giai đoạn II triển khai thực hiện đối với 36 phường, xã thuộc Thành phố. Mục tiêu của Chương trình nhằm thực hiện Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và hướng đến mục tiêu xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế phát triển theo hướng “Đô thị di sản, văn hóa, sinh thái, thân thiện với môi trường và thông minh”; chất thải sinh hoạt phải được phân loại ngay từ nguồn nhằm tăng cường tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng, giảm nguy cơ phát tán chất thải nguy hại ra môi trường và nâng cao hiệu quả hệ thống quản lý nhà nước về quản lý chất thải sinh hoạt cũng như góp phần BVMT sống. Đảm bảo chậm nhất đến ngày 31/12/2024, CTRSH phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân phải được phân loại theo quy định của Luật BVMT 2020…
Đến nay, sau gần 1 năm triển khai thực hiện Chương trình giai đoạn 1, ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong BVMT ngày càng nâng cao, góp phần giảm thiểu khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh phải vận chuyển, qua đó giảm thiểu ô nhiễm và các dịch bệnh từ rác thải gây ra. Hiện đã có 468 thùng lưu chứa 240 lít bố trí tại 156 điểm công cộng trên địa bàn 23 phường; 156 thùng 120 lít đặt tại các đơn vị trường học, các cơ quan, tổ chức nhằm tạo điều kiện để thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn. Theo đó, CTRSH được các hộ gia đình phân loại thành 3 nhóm chính, bao gồm: nhóm chất thải nguy hại; nhóm chất thải tái chế, tái sử dụng (rác thủy tinh và các loại rác tái chế còn lại) và nhóm chất thải còn lại. Đối với nhóm chất thải nguy hại và nhóm chất thải tái chế, tái sử dụng, các hộ gia đình mang đến các điểm lưu chứa CTRSH được phân loại ở 156 vị trí lắp đặt trên địa bàn và bỏ vào các thùng theo quy định. Trong đó, thùng màu cam chứa chất thải nguy hại, thùng màu xám chứa rác thủy tinh và thùng màu trắng chứa rác tái chế, tái sử dụng.
Để thực hiện hiệu quả việc thu gom, UBND TP. Huế đã bố trí kinh phí để Công ty CP Môi trường và Công trình Đô thị Huế (HEPCO) đúc đan bê tông, tạo mặt bằng và công lắp đặt các bộ thùng phân loại ở các vị trí công cộng; cải tiến xe đẩy tay thu gom thủ công có thêm ngăn chứa rác tái chế, đồng thời bố trí kinh phí về công tác vệ sinh thùng rác và công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại; công tác thu gom, vận chuyển rác thủy tinh. Trong đó, rác nguy hại được thu gom và vận chuyển bằng xe chuyên dụng theo tần suất tối thiểu 6 tháng/lần và đột xuất theo khối lượng thực tế; rác tái chế thủy tinh và rác tái chế, tái sử dụng được thu gom và vận chuyển đến nơi xử lý theo tần suất tối thiểu 1 tuần/lần; đối với nhóm chất thải còn lại (gồm chất thải rắn hữu cơ và các loại khác) vẫn được thu gom theo thường lệ.
Bên cạnh đó, UBND TP. Huế đã phối hợp với Tổ chức WWF- Việt Nam, Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế tổ chức các lớp tập huấn về tuyên truyền, hướng dẫn phân loại CTRSH tại nguồn đến 23 phường trên địa bàn, đồng thời, tập huấn phân loại rác cho các trường học, chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp, hỗ trợ WWF-Việt Nam, HEPCO xây dựng các bài giảng lồng ghép các nội dung phân loại rác để tập huấn cho giáo viên các trường học khối mầm non, tiểu học và THCS trên địa bàn 23 phường cũ TP. Huế.
Ngoài ra, UBND Thành phố chỉ đạo Phòng TN&MT tổng hợp nhu cầu của các địa phương, tổ chức in ấn, cung cấp 70.000 tờ rơi tuyên truyền phân loại rác tại nguồn để UBND các phường cấp phát cho các hộ gia đình, đảm bảo mỗi hộ gia đình trên địa bàn 23 phường đều nhận được tờ rơi và tiếp nhận thông tin tuyên truyền về hoạt động phân loại rác tại nguồn. Tổ chức WWF-Việt Nam cũng đã hỗ trợ xây dựng, cấp phát cho lực lượng tuyên truyền viên cấp phường tài liệu, video hướng dẫn, 1.500 quyển tổ tay hướng dẫn tuyên truyền về phân loại CTRSH tại nguồn.
UBND các phường cũng đã thành lập Ban chỉ đạo, nòng cốt là Đoàn thanh niên, Hội cựu chiến binh, Hội LHPN…; ban hành quyết định thành lập các tổ tuyên truyền, tổ giám sát cộng đồng; đồng thời thành lập lực lượng tuyên truyền viên cấp phường, tổ giám sát cộng đồng để theo dõi, giám sát đánh giá việc thực hiện phân loại rác trong cộng đồng dân cư; chủ động xây dựng các hoạt động truyền thanh, truyền thông, phối hợp HEPCO để tổ chức hội nghị, tập huấn, phát tờ rơi hướng dẫn về công tác phân loại rác tại nguồn đến người dân, các tổ chức trên địa bàn.
Có thể thấy, Chương trình phân loại CTRSH tại nguồn giai đoạn 1 tại TP. Huế đã góp phần nâng cao nhận thức về BVMT; giúp các tổ chức, cá nhân từng bước hình thành thói quen phân loại rác thải tại nguồn; tăng cường hiệu quả các giải pháp nhằm giải quyết ô nhiễm nhựa và quản lý rác thải nhựa; đồng thời hướng dẫn tổ chức, cá nhân cách thức phân loại, lưu giữ và giao chất thải thu gom đúng quy định... Trong đó, chất thải sinh hoạt phải được phân loại ngay từ nguồn nhằm tăng cường tái chế, tái sử dụng, giảm nguy cơ phát tán chất thải nguy hại ra môi trường; nâng cao hiệu quả hệ thống quản lý Nhà nước về quản lý chất thải sinh hoạt cũng như góp phần bảo vệ môi trường sống.
Trên cơ sở kết quả thực hiện Chương trình giai đoạn 1, UBND TP. Huế đang tiếp tục ban hành kế hoạch tổ chức, triển khai Chương trình giai đoạn 2 đối với 36 phường, xã. Trong đó, đẩy mạnh triển khai, tuyên truyền hướng dẫn công tác phân loại CTRSH tại nguồn đối với 23 phường cũ của thành phố; rà soát, điều chỉnh, bổ sung vị trí các cụm thùng rác phân loại tại các vị trí công cộng của 23 phường cũ để phù hợp với từng địa phương. Đồng thời, khảo sát, đề xuất các vị trí, số lượng các cụm thùng phân loại ở vị trí công cộng, lập danh mục các trụ sở cơ quan, trường học trên địa bàn 13 phường xã sáp nhập để kiến nghị hỗ trợ theo chủ trương đã thống nhất của UBND thành phố và WWF-Việt Nam; chú trọng công tác tập huấn, hỗ trợ tài liệu tuyên truyền đối với 13 UBND phường, xã sáp nhập; lập phương án xử lý các nhóm rác thải sau phân loại, đề xuất vị trí xây dựng khu tập kết rác sau phân loại để sơ chế, đóng gói cung cấp cho các đơn vị tái chế.
An Vi