Banner trang chủ

Hiệu quả bước đầu ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số lĩnh vực tài nguyên và môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

06/10/2022

    Trong những năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, kế hoạch hành động về việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hệ thống các cơ quan nhà nước. Đối với lĩnh vực môi trường, theo quy định tại Khoản 2 Điều 115 Luật BVMT năm 2020, Bộ TN&MT có trách nhiệm xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu môi trường (DLMT) quốc gia; hướng dẫn, triển khai tích hợp, kết nối liên thông cơ sở dữ liệu (CSDL) môi trường của Bộ/ngành, cấp tỉnh vào cơ sở DLMT quốc gia. Nhằm đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số lĩnh vực môi trường, Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chủ động đẩy nhanh tiến trình xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu TN&MT, kết nối liên thông để giải quyết các thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Cán bộ Trung tâm Công nghệ thông tin TN&MT Bà Rịa  - Vũng Tàu vận hành phần mềm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tiếp cận thông báo thuế đất đai trên nền tảng Web 

Hoàn thiện các quy chế nhằm đảm bảo chuyển đổi số

    Trong bối cảnh tiến trình chuyển đổi số đang được ứng dụng mạnh mẽ ở mọi nơi, mọi lĩnh vực, ngành TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong các hoạt động của ngành TN&MT. Để hoàn thiện hệ thống chính sách, văn bản pháp lý về chuyển đổi số trong lĩnh vực môi trường và xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở DLMT, năm 2021, Sở TN&MT tỉnh đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 73/KH-UBND ngày 4/5/2021 về việc hoàn thiện CSDL ngànhTN&MT, kết nối liên thông với các hệ thống thông tin, CSDL của Bộ TN&MT, ngành, địa phương. Ngoài ra, Sở đã ban hành Kế hoạch số 14/KH-STNMT; Kế hoạch số 35/KH-STNMT ngày 20/7/2021 về nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

    Nhờ việc chủ động ứng dụng CNTT trong các hoạt động của ngành TN&MT, đến nay, trên 100% các văn bản của ngành TN&MT đã được trao đổi trên hệ thống quản lý văn bản điều hành kết hợp chữ ký số; thực hiện chỉ đạo điều hành thông qua email và tin nhắn; quản lý tiến độ trên file và phần mềm chuyên dụng. Triển khai chữ ký số dạng Token cho 100% cán bộ, công chức, viên chức, hỗ trợ doanh nghiệp trang bị chữ ký số, tạo tài khoản trên Cổng dịch vụ công để sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Sở TN&MT hiện có 120 thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền giải quyết và tham mưu giải quyết theo chức năng, trong đó 9/120 dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 thuộc lĩnh vực tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng đã được UBND tỉnh chấp thuận. Bên cạnh đó, Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở các mức độ 3 và 4, đạt tỷ lệ 100% (111/111 TTHC), trong đó số lượng TTHC cung cấp dich vụ công mức 3 là 47 TTHC, số lượng TTHC cung cấp dịch vụ công mức 4 là 64 TTHC. Ngoài ra,  Sở cũng đã ứng dụng nhiều phần mềm tiện ích, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý trong các lĩnh vực được phân công; giúp người dân, doanh nghiệp có trải nghiệm tốt nhất về dịch vụ. Trong đó, nổi bật nhất là đã xây dựng và đưa vào sử dụng các phần mềm như: Hệ thống thông tin đất đai phục vụ cộng đồng thông qua Phân hệ sổ tay đất đai mobile iOS - Android (app iLand).

    Về phát triển hạ tầng số, Sở đã duy trì hệ thống thông tin ngành TN&MT, vận hành các dịch vụ chia sẻ dữ liệu với các cơ quan, đơn vị và nâng cấp các phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu môi trường đảm bảo tương thích với sự phát triển của công nghệ. Triển khai hệ thống Báo cáo trực tuyến, thu phí BVMT đối với nước thải, triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với thủ tục kê khai, nộp phí BVMT (khai báo, thẩm định, phát hành thông báo, thanh toán trực tuyến). Xây dựng Sổ tay truyền thông ngành TN&MT trên thiết bị di động (App) nhằm tuyên truyền, phổ biến và tạo kênh thông tin cho người dân phản ánh các nội dung liên quan đến lĩnh vực TN&MT. Cung cấp tài khoản cho UBDN cấp xã, cấp huyện khai thác CSDL môi trường. Hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu đất đai với CSDL đất đai Quốc gia và CSDL quan trắc môi trường. Vận hành hệ thống quan trắc môi trường (thủ công, gián đoạn và tự động, liên tục) nhằm đảo bảo quản lý dữ liệu quan trắc, công bố kết quả quan trắc tự động, liên tục trên 6 panoLed.

    Đối với công tác phát triển hạ tầng dữ liệu, Sở đã xây dựng và vận hành 6/13 thành phần của hệ CSDL, cụ thể: CSDL địa chính; đo đạc và bản đồ; tài nguyên nước; môi trường; địa chất khoáng sản; thanh tra, kiểm tra. Hiện đang triển khai xây dựng bổ sung 7/13 CSDL thành phần theo quy định. Hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính của 58/82 xã (đạt tỷ lệ 70% tổng số xã phải xây dựng). Tạo lập các kênh tự động thu thập dữ liệu như hệ thống quan trắc tự động (với tần suất 02 giờ/lần), liên tục, hệ thống giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước... Thiết kế, tích hợp, kết nối hệ thống dữ liệu TN&MT đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị thông minh (dữ liệu không gian đô thị, đất đai, môi trường, tài nguyên nước, địa chất, thời tiết...). Hoàn thành xây dựng Biểu mẫu điện tử (E-form), xây dựng Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Cổng dịch vụ công của tỉnh, kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng dịch vụ công của tỉnh. Xây dựng tài liệu, VideoClip để hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng kết quả triển khai chuyển đổi số của ngành TN&MT tỉnh. Phân công đầu mối hỗ trợ, hướng dẫn nộp hồ sơ trực tuyến cho đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin, hướng dẫn, giải đáp thắc mắc cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp đăng ký hồ sơ trực tuyến. Đặc biệt, xây dựng hệ thống các phần mềm hỗ trợ doanh nghiệp và công dân tiếp cận thông tin đất đai…Đẩy mạnh tuyên truyền về chuyển đổi số của ngành TN&MT trên các phương tiện truyền thông như Facebook, Youtube (ITC Bà Rịa – Vũng Tàu), trang thông tin điện tử, banner, tin bài, qua đó, giúp người dân và doanh nghiệp có thể cập nhận thông tin nhanh chóng…

Một số tồn tại, hạn chế

    Bên cạnh kết quả đạt được, công tác ứng dụng CNTT, chuyển đổi số của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn còn một số bất cập như: Trong điều kiện tinh giản biên chế và yêu cầu nhiệm vụ ngày càng tăng, nhưng hiện vẫn còn cán bộ, công chức, viên chức và người lao động chưa thực sự sẵn sàng thay đổi lề lối, phương thức làm việc qua ứng dụng công nghệ thông tin, qua mạng, qua nền tảng số.

    Ngoài ra, việc thực hiện Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 9/4/2020 về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu số, chưa có văn bản hướng dẫn nên khó triển khai trên thực tế. Một số văn bản quan trọng Chính phủ giao Bộ, ngành xây dựng nhưng chưa hoàn thành (Nghị định về định danh cá nhân, Nghị định về bảo vệ thông tin cá nhân…), dẫn đến việc một số nội dung chưa đáp ứng nhu cầu của chuyển đổi số như thanh toán trực tuyến, định danh cá nhân, chữ ký số cá nhân.

    Hiệu quả sử dụng các dịch vụ công trực tuyến chưa cao so với nhu cầu vì nhiều nguyên nhân, trong đó có việc các quy định pháp lý thay đổi thường xuyên dẫn đến thủ tục hành chính thay đổi theo; quy trình thủ tục hành chính còn rườm rà, các hồ sơ đầu vào yêu cầu công dân phải nộp vẫn còn rất phức tạp, không thuận lợi cho việc trực tuyến hóa các thủ tục hành chính, thậm chí yêu cầu công dân phải có mặt trực tiếp tại cơ quan cung cấp dịch vụ. Do đó, tỷ lệ người dân có tài khoản giao dịch trực tuyến trên Cổng dịch vụ công còn ít. Bên cạnh đó, vẫn còn một số hồ sơ, giấy tờ sử dụng dạng giấy do quy định của pháp luật.

    Mặt khác, Sở TN&MT chưa kết nối, chia sẻ với các hệ thống thông tin liên quan như quản lý dân cư, công chứng, xây dựng, tư pháp nên chưa có thông tin, dữ liệu để thẩm định, giải quyết hồ sơ của người dân và doanh nghiệp nộp trực tuyến.

    Thông tin, dữ liệu về môi trường chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả, phải điều tra, khảo sát, thu thập lại trong quá trình triển khai dự án, nhiệm vụ mới…

Triển khai các giải pháp

    Thời gian qua, nhờ việc ứng dụng CNTT vào hoạt động quản lý ngành TN&MT không những hiệu suất công việc được cải thiện một cách đáng kể mà còn góp phần tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận các vấn đề liên quan đến lĩnh vực TN&MT nói chung, lĩnh vực đất đai, môi trường nói riêng một cách nhanh chóng, thuận lợi. Đặc biệt, nhờ việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số nên công tác quản lý của ngành TN&MT tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt kết quả khá toàn diện, cao hơn so với cùng kỳ các năm trước.

    Hiện tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện đang hướng đến mục tiêu nằm trong nhóm 10 tỉnh, TP dẫn đầu cả nước về mức độ chuyển đổi số, phát triển đô thị thông minh gắn với cải cách hành chính. Trong đó, lĩnh vực TN&MT được chọn là một trong những lĩnh vực đầu tiên có trong “mắt xích” của đô thị thông minh. Vì vậy, thời gian tới, ngoài việc tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành và UBND các cấp có liên quan thực hiện nhiệm vụ Kế hoạch chuyển đổi số ngành TN&MT năm 2022, Sở TN&MT sẽ xây dựng bổ sung các CSDL thành phần của ngành TN&MT để chia sẻ thông tin, dữ liệu cho các cơ quan chức năng và kết nối dữ liệu với Trung tâm Điều hành giám sát thông minh của tỉnh.

    Để đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, hoàn thiện CSDL TN&MT, Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các văn bản quy định đảm bảo điều kiện cho chuyển đổi số. Đồng thời, cụ thể hóa các chương trình, kế hoạch, phân công trách nhiệm cho từng cán bộ gắn với từng chỉ tiêu cụ thể. Đặc biệt, quan tâm đào tạo nhân lực phục vụ cho phát triển kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh hợp tác, huy động nguồn lực, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao các sản phẩm, công nghệ mới, mô hình mới; tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số ngành TN&MT; tăng cường sử dụng phương thức, công nghệ số nâng cao chất lượng dịch vụ, khả năng tương tác, phục vụ minh bạch hóa, làm hài lòng người dân, doanh nghiệp.

Phạm Huỳnh Quang Hiếu - Giám đốc

Trung tâm Công nghệ thông tin TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Ý kiến của bạn