01/11/2022
Hiện nay, ô nhiễm môi trường đang là chủ đề nóng, nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành, cũng như cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân. Tại Bắc Giang, theo kết quả điều tra, tổng hợp tháng 9/2021 của Sở TN&MT, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn toàn tỉnh là 964,58 tấn/ngày, trong đó chủ yếu từ các hộ gia đình với 951,7 tấn/ngày (chiếm 98,67%); từ doanh nghiệp là 12,88 tấn/ngày (chỉ chiếm 1,33%). Khối lượng rác tồn lưu tại các điểm tập kết, khu xử lý là 5.832 tấn, trong đó rác thải sinh hoạt (RTSH) của các hộ gia đình ở khu vực nông thôn chưa được thu gom, phân loại, xử lý triệt để, đúng quy định; nhiều hộ gia đình chưa thực hiện phân loại tại nguồn để tận dụng nguồn rác thải có khả năng tái chế, đồng thời, một số hộ có thói quen tùy tiện đổ rác bừa bãi ra vườn, ven đường giao thông, ao, hồ, sông suối... dẫn đến lượng rác thải ra môi trường ngày càng nhiều, gây khó khăn cho công tác thu gom, xử lý, làm mất mỹ quan khu dân cư, thậm chí gây mất vệ sinh, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường và sức khỏe của người dân. Trước thực trạng trên, nhằm phát huy vai trò của tổ chức Hội trong giải quyết vấn đề thu gom, vận chuyển, xử lý RTSH, góp phần BVMT Xanh - Sạch - Đẹp, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Bắc Giang đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp Hội thực tăng cường truyền thông thay đổi hành vi phụ nữ và cộng đồng tích cực thực hiện phân loại, xử lý rác thải (XLRT) tại nguồn, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nhất là môi trường nông thôn, từng bước xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Lan tỏa nhiều cách làm hiệu quả
Phát huy vai trò nòng cốt trong công tác BVMT, Hội LHPN tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai trong các cấp Hội thông qua việc thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; phát động Phong trào “Chống rác thải nhựa”, Phong trào “Biến rác thải thành xe đạp”; xây dựng mô hình “Nhà sạch, vườn đẹp, ngõ văn minh”; con đường “Sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn”; ra quân vệ sinh môi trường với “Ngày chủ nhật xanh”; “Chiến dịch xử lý các tụ điểm rác thải tồn đọng; đề xuất UBND tỉnh ban hành Đề án “Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên phụ nữ thực hiện thu gom, phân loại, đổ RTSH đúng quy định trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2021-2025”, trong đó Hội LHPN tỉnh được giao là cơ quan chủ trì thực hiện Đề án với tổng kinh phí đề xuất hỗ trợ trong cả giai đoạn là 16,940 tỷ đồng. Hiện Hội LHPN tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai Đề án trong hệ thống Hội và chỉ đạo các cấp, các ngành phối hợp thực hiện Đề án cùng phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2022 - 2025, yêu cầu các huyện/thành phố hàng năm lựa chọn, đăng ký thực hiện ít nhất 1 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” về tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện thu gom, phân loại, đổ RTSH đúng quy định.
Con đường “Sáng - Xanh - Sạch đẹp - An toàn” của Hội LHPN Thị trấn Kép
Bên cạnh đó, Hội LHPN tỉnh đẩy mạnh công tác truyền thông, tập huấn, hướng dẫn hội viên và gia đình thực hiện thu gom, phân loại rác thải tại nguồn, XLRT thực phẩm bằng chế phẩm vi sinh. Nội dung văn bản pháp luật Hội LHPN tỉnh chọn làm trọng tâm tuyên truyền, tập huấn đến hội viên phụ nữ năm 2022 là Luật BVMT năm 2020, trong đó nhấn mạnh những quy định mới về trách nhiệm phân loại RTSH. Riêng cấp tỉnh đã tổ chức 30 cuộc phổ biến văn bản pháp luật, hướng dẫn kỹ năng phân loại rác thải đến hơn 3.000 cán bộ, hội viên nòng cốt tại 30 cơ sở trong toàn tỉnh, đồng thời cung cấp tài liệu để các đơn vị mở rộng phạm vi tuyên truyền. Mặt khác, các hoạt động tuyên truyền rộng tiếp tục được đẩy mạnh thông qua hội nghị, tọa đàm, hái hoa dân chủ, tập huấn, sinh hoạt chi hội, tuyên truyền trên cổng thông tin điện tử, tài liệu sinh hoạt Hội, các nhóm zalo, facebook... nội dung xoay quanh nâng cao kiến thức BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu, phân loại RTSH tại nguồn, xử lý rác hữu cơ bằng phương pháp IMO, giảm thiểu rác thải nhựa; phối hợp với Đài Phát thanh truyền hình tỉnh phát sóng clip hướng dẫn phân loại RTSH hàng ngày…
Bám sát lộ trình, chủ trì tham mưu triển khai thực hiện Đề án “Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên phụ nữ thực hiện thu gom, phân loại, đổ RTSH đúng quy định trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021 - 2025 cũng là nhiệm vụ được Hội LHPN tỉnh chú trọng. Ngay sau khi Đề án được UBND tỉnh ban hành, với vai trò là cơ quan chủ trì thực hiện Đề án, ngày 26/1/2022, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã xây dựng Kế hoạch số 15/KH-BTV nhằm tăng cường công tác phối hợp với các sở, ngành của tỉnh và UBND các huyện, thành phố trong việc triển khai thực hiện Đề án; đề xuất tổ chức Hội nghị quán triệt triển khai Đề án tại cấp tỉnh với 10 Hội nghị quán triệt tại 10/10 huyện, thành phố; tổ chức Lễ phát động Chiến dịch vệ sinh môi trường. Kết quả, 10/10 UBND huyện, thành phố; 209/209 UBND cấp xã tại 10 huyện, thành phố ban hành kế hoạch thực hiện Đề án với tổng kinh phí thực hiện cả giai đoạn là 25,427 tỷ đồng. Tính đến ngày 15/9/2022, Hội LHPN tỉnh đã triển khai thực hiện 8/10 nhiệm vụ theo kế hoạch năm 2022 đề ra; Hội LHPN huyện, thành phố cho ra mắt 131 câu lạc bộ, mô hình “Phụ nữ thu gom phân loại, đổ rác thải đúng quy định” với 6.530 thành viên tham gia; tặng 44.000 chiếc xô, sọt rác, làn đi chợ, trị giá 1,324 tỷ đồng, nhằm khích lệ hội viên, người dân thực hiện thu gom, phân loại rác tại hộ gia đình; tổ chức cho 228.386 hộ gia đình hội viên phụ nữ ký cam kết vệ sinh môi trường, thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn và đổ rác đúng nơi quy định. Hội LHPN tỉnh cũng đã hoàn thiện Sổ tay tuyên truyền các nội dung Đề án, dự kiến sẽ phát hành 2.500 cuốn để làm cơ sở làm tài liệu tuyên truyền đến các hộ gia đình hội viên.
Ngoài ra, Hội LHPN tỉnh Bắc Giang còn phát động, xây dựng và duy trì nhiều phong trào, mô hình điển hình về BVMT, thu gom, XLRT phù hợp trong cộng đồng, dân cư. Tiêu biểu như Phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” được các cấp hội phụ nữ tỉnh triển khai gắn với thực hiện tiêu chí “3 sạch”, trở thành phong trào thi đua của các cơ sở Hội. Kết quả, các cấp Hội đã tổ chức hơn 5.000 buổi ra quân vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, nạo vét kênh mương, thu hút hơn 90.000 lượt cán bộ, hội viên tham gia nạo vét, khơi thông 2.000 km kênh mương, cống rãnh; thu gom trên 5.000 tấn rác thải; vệ sinh 8.000 km đường làng, ngõ xóm; trồng và chăm sóc trên 366 km “Con đường hoa”… Phong trào “Tiết kiệm từ rác tái chế”, “Biến rác thải thành xe đạp” có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân. Từ những vỏ lon, chai nhựa, túi ni lông… qua tấm lòng, nghĩa cử cao đẹp của chị em phụ nữ đã trở thành phương tiện sinh kế, đồ dùng hữu ích để trao tặng cho gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn như xe đạp, sách vở, đồ dùng học tập... Tổng kết Phong trào “Biến rác thải thành xe đạp” năm 2021 - 2022, toàn tỉnh đã tặng 1.842 chiếc xe đạp với tổng trị giá trên 2 tỷ đồng cùng hàng nghìn suất quà cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, đạt thành tích cao trong học tập.
Hoạt động thu gom, phân loại rác thải hưởng ứng Phong trào “Biến rác thải thành xe đạp”
Về nhiệm vụ thực hiện mô hình “Dân vận khéo”, đến nay, các cấp Hội đã thành lập 12 mô hình “Dân vận khéo” về tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện thu gom, phân loại, đổ RTSH đúng quy định; ra mắt 131 câu lạc bộ, mô hình “Phụ nữ thu gom phân loại, đổ rác thải đúng quy định” với 6.530 thành viên tham gia; duy trì hoạt động của 4.332 mô hình Câu lạc bộ “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; câu lạc bộ/tổ/nhóm vệ sinh môi trường; tổ thu gom, XLRT; “Phụ nữ nói không với túi ni lông, sản phẩm nhựa dùng một lần”; “Hạn chế sử dụng túi ni lông”; 159 mô hình điểm “Chi hội phụ nữ 5 không, 3 sạch xây dựng nông thôn mới”; 31 mô hình “Nhà sạch, vườn đẹp, ngõ văn minh”…
Một số giải pháp trọng tâm trong thời gian tới
Bên cạnh điểm tích cực, hoạt động tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ thực hiện công tác vệ sinh môi trường, thu gom, phân loại RTSH của các cấp Hội phụ nữ tỉnh Bắc Giang thời gian qua còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế nhất định, công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho hội viên phụ nữ về BVMT có nơi chưa thường xuyên; chưa đồng đều tại các đơn vị, địa bàn; ý thức, trách nhiệm của của một bộ phận hội viên, phụ nữ, người dân, cộng đồng dân cư trong việc thu gom, phân loại, đổ rác thải đúng quy định, bảo vệ cảnh quan nơi mình sinh sống có nơi còn hạn chế… Vì vậy, trong thời gian tới, Hội LHPN tỉnh sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu sâu hơn nữa các nội dung trọng tâm của Đề án “Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên phụ nữ thực hiện thu gom, phân loại, đổ RTSH đúng quy định trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2021-2025” để phát huy vai trò là cơ quan chủ trì, tích cực tuyên truyền, hướng dẫn chi tiết, cụ thể cho các Chi hội phụ nữ cấp xã, yêu cầu hội viên phụ nữ thường xuyên bám sát các nội dung đã cam kết của gia đình để đôn đốc, nhắc nhở kịp thời những trường hợp chưa làm tốt công tác thu gom, phân loại, đổ rác thải đúng nơi quy định; quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả nội dung, mục tiêu của Đề án và Thông báo kết luận số 1064-TB/TU ngày 24/5/2022 của Thường trực Tỉnh ủy tại Hội nghị quán triệt, triển khai Đề án gắn với thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 27/02/2020; Kết luận số 99-KL/TU ngày 18/5/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc huy động toàn dân tập trung thu gom, xử lý rác thải ra môi trường. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thành phố, tranh thủ mọi nguồn lực và phát huy nội lực của tổ chức Hội, đảm bảo Đề án mang lại hiệu quả cao nhất.
Thứ hai, tập trung chỉ đạo Hội LHPN huyện/thành phố và cơ sở bám sát mục tiêu, chỉ tiêu, lộ trình thực hiện Đề án để chủ động tham mưu với cấp ủy, phối hợp với chính quyền, đảm bảo phù hợp, đạt hiệu quả thực chất; tổ chức tập huấn, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng tuyên truyền về BVMT cho đội ngũ cán bộ Hội nòng cốt; vận động, hướng dẫn gia đình hội viên phụ nữ tích cực thu gom, phân loại, đổ rác thải đúng quy định; duy trì hiệu quả lịch vệ sinh môi trường hàng tuần, hàng tháng; xây dựng, duy trì hiệu quả hoạt động các mô hình “Dân vận khéo” về công tác vệ sinh môi trường; kêu gọi gia đình hội viên ký cam kết vệ sinh môi trường; thu gom, phân loại, đổ RTSH theo đúng quy định; khuyến khích các chị em thu gom, phân loại rác tái chế, bán lấy tiền góp vào quỹ tiết kiệm chung của Hội, giúp phụ nữ, trẻ em nghèo vươn lên vượt khó…
Thứ ba, quan tâm, đôn đốc, kiểm tra, phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong công tác BVMT để đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo, đưa ra giải pháp khắc phục kịp thời; biểu dương, khen thưởng, động viên và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến về BVMT.
Thứ tư, không ngừng đổi mới, đa dạng hóa hình thức, phương pháp tuyên truyền, vận động, lồng ghép trong các nhiệm vụ trọng tâm của công tác Hội như Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; hưởng ứng Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh; Phong trào phụ nữ tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh... nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên phụ nữ và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, vai trò của BVMT, thu gom, phân loại RTSH, đổ rác thải sinh hoạt đúng quy định… từng bước tạo chuyển biến về thói quen, hành động của mỗi người, mỗi gia đình và cộng đồng xã hội trong BVMT; quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, tuyên truyền viên có đủ kiến thức và kỹ năng vận động, huy động phụ nữ, cộng đồng tham gia BVMT.
Phạm Thị Hằng
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Bắc Giang
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 10/2022)