Banner trang chủ

Đa lợi ích trồng rừng ngập mặn tại Sóc Trăng

19/04/2023

    Mới đây, Chương trình “Sống khỏe góp xanh cùng Panasonic” do Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Panasonic Việt Nam, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức Lễ phát động Chương trình trồng rừng ven biển tại khu vực rừng phòng hộ TX. Vĩnh Châu. Với thông điệp “Vì một Việt Nam xanh khỏe mạnh”, Chương trình hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức cộng đồng và lan tỏa lối sống xanh, bảo vệ môi trường, giảm biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP 26. Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050 cùng với việc tham gia nhiều sáng kiến, thể hiện quyết tâm và trách nhiệm của Việt Nam cùng với cộng đồng quốc tế trong nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.

    Bất lợi kép từ thiên tai

    Theo Báo cáo của Bộ NN&PTNT, toàn vùng đồng bằng có đến 265 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với chiều dài 450 km. Đặc biệt, tình trạng hạn mặn còn khốc liệt hơn cả việc sạt lở. Kênh rạch cạn trơ đáy, đồng ruộng khô cằn, từng can nước ngọt được chắt chiu chỉ đủ dùng cho sinh hoạt. Người dân trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng cũng không ngoại lệ, họ đang phải đối mặt với những bất lợi kép từ thiên tai. Sự ảnh hưởng và tàn phá của hạn mặn với việc sản xuất của nông dân Sóc Trăng chưa thể thống kê đầy đủ. Từ đầu tháng 2/2023 đến nay, nước mặn xâm nhập trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng diễn biến khá phức tạp. Theo ngành chức năng, có những thời điểm độ mặn lên đến 4‰ theo tuyến sông Hậu, đã xâm nhập gần 50km nên đe dọa tình hình sản xuất ở một số vùng chuyên trồng cây ăn trái, trồng lúa…

Diện tích rừng phòng hộ ven biển trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đang tăng theo từng năm

tạo thành đai rừng vững chắc bảo vệ bờ biển trước tác động từ BĐKH

    Ngoài thiệt hại về lúa do khô hạn, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) là địa phương có bờ biển dài trên 40 km, hàng năm, tuyến đê biển của thị xã luôn chịu ảnh hưởng bởi tình trạng sạt lở, những con sóng dữ cũng liên tục tàn phá các tuyến đê bao, trước sự gia cố và khắc phục nhỏ bé của sức người, thiên tai đang làm cho cuộc sống của người dân đứng trước muôn vàn khó khăn. Đây cũng là địa bàn xung yếu của tỉnh Sóc Trăng trong công tác phòng chống lụt bão, cần được chú trọng bảo vệ.

     Trồng rừng ngập mặn, tạo vành đai xanh phòng hộ ven bờ biển

     Rừng ngập mặn có tác dụng giúp bảo vệ bờ biển, phòng chống sạt lở nhờ các hệ thống rễ khổng lồ có hiệu quả trong việc tiêu tán năng lượng sóng và tăng diện tích đất bằng cách bồi đắp các bãi bồi do sông mang vào để bảo vệ các khu vực ven biển khỏi xói mòn, nước dâng do bão (đặc biệt là trong cơn bão). Rừng ngập mặn bảo vệ bờ biển tốt hơn 5 lần so với các công trình bê tông đê điều. Đặc biệt, rừng ngập mặn có khả năng lưu giữ CO2 cao gấp 3 - 5 lần so với rừng nhiệt đới, tạo đệm sinh thái phòng ngừa xâm nhập mặn, giảm tác động biến đổi khí hậu.  2 - 5 ha rừng ngập mặn có khả năng xử lý nước thải của 1 hecta nuôi trồng thủy sản. Rừng ngập mặn còn cung cấp thức ăn và môi trường sống cho các loài động vật. Hơn 3.000 loài cá được tìm thấy trong hệ sinh thái rừng ngập mặn. Từ đó, còn tạo thêm nguồn lợi thủy sản và việc làm cho người dân trong khu vực.

     Chung tay trồng rừng ngập mặn

     Được sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, Chương trình “Sống khỏe góp xanh cùng Panasonic” đã trao tặng 10.000 cây mắm đến Chi cục Kiểm lâm Sóc Trăng. Cây mắm tiếp nhận được trồng tại vị trí Cống số 2 của xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu, đây là khu vực đã có đê biển; số lượng cây mắm trên sẽ được trồng trên phần đất bãi bồi dọc theo tuyến đê (tương đương 5ha) để phát triển thành rừng, góp phần bảo vệ đê biển. Hoạt động trồng rừng có ý nghĩa quan trọng trong việc gia tăng diện tích rừng phòng hộ ven biển của tỉnh, giảm phát khí thải nhà kính, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu và nâng cao ý thức bảo vệ rừng của cộng đồng dân cư trong khu vực rừng phòng hộ ven biển trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu nói riêng và vùng ven biển của tỉnh Sóc Trăng nói chung.

Hương Đỗ

Ý kiến của bạn