18/11/2022
Nhằm nâng cao giá trị sản phẩm “Made-in-Vietnam” và tăng trưởng xuất khẩu sang các thị trường khó tính, Nestlé Việt Nam không ngừng đầu tư xây dựng toàn bộ chuỗi giá trị sản phẩm. Đối với các sản phẩm cà phê, công ty đầu tư từ khâu cây giống chất lượng cao, canh tác theo kỹ thuật bền vững, nâng cao thu nhập cho người nông dân, tạo tác động tích cực đến môi trường, đến áp dụng các công nghệ chế biến sâu tiên tiến, tạo giá trị gia tăng và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Tại Hội thảo “Xuất khẩu vào các thị trường FTA - Giải bài toán phát triển bền vững” vào ngày 18/11/2022, đại diện Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ cho biết, mặc dù gặp khó khăn do dịch Covid-19, trao đổi thương mại hai chiều Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) tăng mạnh 14-15% trong 2021-2022 (cao hơn mức trung bình 7% trước đó) nhờ Hiệp định thương mại tự do EVFTA. Hội thảo do Báo Công Thương phối hợp cùng Cục Xuất nhập khẩu và Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ tổ chức.
Tuy nhiên, theo đại diện này, hiện có những thách thức mà doanh nghiệp xuất khẩu phải đối mặt. Trong đó, EU đang siết chặt các quy định và tiêu chuẩn hiện hành, gia tăng các yêu cầu về chất lượng và tiêu chuẩn kỹ thuật, nhất là trong lĩnh vực môi trường, khí hậu, phát triển bền vững,… Vì thế, để xuất khẩu bền vững, đòi hỏi doanh nghiệp chuyển đổi sang công nghệ tiêu chuẩn cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng bền vững, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật và môi trường của EU.
Chia sẻ về mô hình thành công của Nestlé Việt Nam tại hội thảo ngày 18/11, ông Lý Trung Kiên, Trưởng bộ phận Logistics toàn quốc, Nestlé Việt Nam, cho biết hiện sản phẩm của công ty đang xuất khẩu sang hơn 30 thị trường trên thế giới, trong đó có các thị trường khó tính tại EU, như Thụy Sĩ, Anh,… Đặc biệt, Nestlé Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sản phẩm giá trị cao, được chế biến bằng công nghệ hiện đại, như các sản phẩm cà phê, gia vị.
Để có ưu thế về chất lượng và đáp ứng yêu cầu khắt khe của các thị trường khó tính, Nestlé Việt Nam không ngừng đầu tư từ phát triển nguồn nguyên liệu bền vững cho đến công nghệ chế biến. Đơn cử với sản phẩm cà phê, Nestlé Việt Nam thực hiện chương trình NESCAFÉ Plan từ năm 2011 đến nay, nhằm hoàn thiện chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất cà phê từ người nông dân đến người tiêu dùng, giúp kiểm soát và nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm phát thải khí nhà kính trong canh tác, hỗ trợ cải thiện thu nhập cho người nông dân, đảm bảo bền vững về môi trường.
Sản phẩm cà phê viên nén đang được Nestlé Việt Nam xuất khẩu sang nhiều thị trường
Trong đó, Nestlé Việt Nam hợp tác với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm Nghiệp Tây Nguyên và Trung tâm Khuyến nông các tỉnh để hỗ trợ người nông dân trồng cà phê, từ khâu phát triển và lựa chọn hạt giống đến thực hành canh tác tốt theo tiêu chuẩn quốc tế. Dự án đã giúp người nông dân trồng cà phê giảm 40% lượng nước tưới và 20% phân hóa học/ thuốc trừ sâu, góp phần bảo vệ sức khỏe và độ phì nhiêu của đất, giúp tăng tỷ lệ hấp thụ khí các-bon và giảm phát thải, cải thiện đa dạng sinh học.
Đồng thời, nhằm đưa Việt Nam thành trung tâm xuất khẩu sản phẩm Nestlé cho toàn thế giới, Nestlé Việt Nam đang tăng cường đầu tư công nghệ hiện đại, mở rộng sản xuất các sản phẩm chế biến chuyên sâu, giá trị cao. Năm 2022, công ty bắt đầu sản xuất và xuất khẩu những lô đầu tiên sản phẩm cà phê hòa tan siêu thượng hạng sử dụng công nghệ sấy đông, sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ.
Trước đây, sản phẩm này chỉ được sản xuất quy mô nhỏ tại trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) của Nestlé tại Mỹ. Nhà máy Nestlé Trị An, tỉnh Đồng Nai là nhà máy đầu tiên sản xuất dòng sản phẩm này ở quy mô thương mại trong toàn bộ Tập đoàn Nestlé.
Công ty cũng đang liên tục mở rộng sản xuất các sản phẩm cà phê cao cấp mang thương hiệu Starbucks chuyên biệt cho xuất khẩu sang các thị trường châu Á, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Trung Quốc.
Việc mở rộng sản xuất các sản phẩm cà phê giá trị cao là một phần trong khoản cam kết đầu tư thêm 132 triệu đô la Mỹ được Nestlé Việt Nam công bố vào những tháng cuối năm ngoái, góp phần đưa sản phẩm “Made-in-Vietnam” chất lượng cao ra khu vực và thế giới. Khoản đầu tư này đã nâng tổng giá trị đầu tư nước ngoài của Nestlé Việt Nam lên gần 730 triệu đô la Mỹ.
Trong một phát biểu gần đây khi sang thăm Việt Nam, ông David Rennie, Phó Chủ tịch Điều hành & Giám đốc Các Thương hiệu Cà phê của Tập đoàn Nestlé chia sẻ rằng, mục tiêu kim ngạch đạt 6 tỷ USD xuất khẩu cà phê của Việt Nam sẽ không thành hiện thực chỉ bằng cách tăng số lượng trang trại cà phê. Trong vài năm tới, sự gia tăng này sẽ không đến từ sản lượng mà đến từ việc gia tăng giá trị cho cà phê. Các thị trường sẽ sẵn sàng trả phí cao hơn cho những sản phẩm chất lượng, được canh tác bền vững. Ví dụ như thị trường EU đang ngày càng kiểm soát chặt hơn đối với hàng nhập khẩu.
Vì vậy, Nestlé đang tập trung đi theo hướng phát triển nông nghiệp tái sinh thông qua hợp tác với chính phủ, các viện nghiên cứu, các tổ chức và người nông dân để tìm ra cách thức cải thiện chất lượng của cà phê Robusta tại Việt Nam, tạo nên những hạt cà phê Robusta năng suất hơn, sinh lời hơn so với những hạt cà phê Robusta thông thường. Điều cần làm là tạo giá trị gia tăng cho hạt cà phê Việt Nam thông qua việc gia tăng hàm lượng chế biến thay vì chỉ xuất khẩu cà phê xanh, vốn có giá trị hạn chế.
Hiện Việt Nam là nước sản xuất cà phê xanh lớn thứ hai trên thế giới và là nhà cung ứng nguyên liệu này lớn nhất cho Nestlé; và Nestlé cũng là đơn vị thu mua cà phê lớn nhất với tổng giá trị thu mua hàng năm khoảng 20-25% tổng sản lượng cà phê Việt Nam, tương đương 700 triệu đô la Mỹ/ năm.
Nestlé Việt Nam còn xuất khẩu các sản phẩm khác, như nước tương Maggi, sữa bột Milo, trà vị chanh Nestea, sản phẩm sữa dinh dưỡng cho người lớn Nestlé Health Science thương hiệu Resource, Novasource cho thị trường Nhật Bản, Úc, Saudi Arabia… Dự kiến, năm 2022, xuất khẩu của Nestlé Việt Nam tăng 30% so với năm ngoái. Công ty đã được Bộ Công Thương trao chứng nhận “Doanh nghiệp Xuất khẩu uy tín năm 2020”.
Nam Hưng