28/05/2024
Bình Dương được biết đến là một trong những địa phương tham gia tích cực vào quá trình hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết. Để thích nghi với những biến động, được tạo ra bởi các yếu tố địa chính trị và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 gây ra những biến số khó lường, Bình Dương đã và đang phát triển một hệ sinh thái kiểu mới - Mô hình phát triển mới, bổ sung cho mô hình Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ. Đó là hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ, xây dựng các khu công nghiệp thông minh, đô thị thông minh sinh thái, bền vững, đưa nền công nghiệp Bình Dương đi lên phân khúc cao hơn, từng bước xây dựng động lực phát triển kinh tế mới thay thế cho thâm dụng lao động và thâm dụng đất đai, tham gia tích cực vào quá trình hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết.
Hướng tới mục tiêu trung hòa các-bon
Biến đổi khí hậu đang là một trong những thách thức đối với nhiều quốc gia trên thế giới, ảnh hưởng đến mọi mặt kinh tế, chính trị, ngoại giao và an ninh toàn cầu. Tại Hội nghị Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), Việt Nam và gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Để đạt được mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045 và đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 như cam kết, Việt Nam phải giải bài toán vừa hướng tới một nền kinh tế Carbon thấp đồng thời có tốc độ phát triển vượt bậc.
Phát biểu tại Hội thảo Net Zero với chủ đề: “Hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ tiến tới Net Zero, tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải cho công nghiệp bền vững” diễn ra ngày 18/1/2024 vừa qua, ông Mai Hùng Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương bài toán, hướng tới phát thải ròng bằng 0 không chỉ giải quyết vấn đề về môi trường và phát triển bền vững, mà còn là một bài kiểm tra về năng lực quản trị của địa phương. Với vai trò trung tâm sản xuất lớn của Việt Nam, Bình Dương cam kết sẽ tham gia sâu rộng vào quá trình đưa phát thải ròng về bằng 0, với mong muốn góp sức mình xây dựng một tương lai bền vững cho Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. “Bình Dương đã và đang gặt hái được những kết quả từ mô hình Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ, và hướng tới mô hình Công nghiệp Thông minh Sinh thái, trên nền tảng triết lý phát triển “Môi trường đầu tư hiệu quả - Xã hội nhân văn hài hòa - Chính quyền năng động kiến tạo”. Đối với chúng tôi, bài toán hướng tới phát thải ròng bằng 0, không chỉ là bài toán giải quyết vấn đề về môi trường và phát triển bền vững, mà còn là một bài kiểm tra về năng lực quản trị của địa phương. Với vai trò là một trung tâm sản xuất lớn của Việt Nam, Bình Dương cam kết sẽ tham gia sâu rộng vào quá trình đưa phát thải ròng về bằng 0, với mong muốn góp sức mình xây dựng một tương lai bền vững cho Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung” - Phó Chủ tịch Mai Hùng Dũng nhấn mạnh.
Để thực hiện mục tiêu trên, việc các doanh nghiệp sản xuất tăng cường triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí đầu tư, giảm chi phí vận hành mà còn góp phần quan trọng giúp giảm áp lực cung cấp điện cho hệ thống, qua đó nâng cao hiệu quả của nền kinh tế. Đặc biệt, trong bối cảnh nguồn nhiên liệu, năng lượng ngày càng trở nên khan hiếm thì sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả còn góp phần giảm phụ thuộc nhập khẩu năng lượng.
Để đáp ứng mục tiêu trung hòa các-bon giai đoạn tới, tỉnh Bình Dương sẽ tập trung phát triển năng lượng xanh, sạch, năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện rác... giảm phát thải khí nhà kính (KNK). Mặt khác, tỉnh cũng đã kiến nghị cần tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, phát triển thị trường năng lượng đồng bộ, liên thông, hiện đại và hiệu quả.
Hội thảo Net Zero với chủ đề: “Hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ tiến tới Net Zero, tiết kiệm năng lượng
và giảm phát thải cho công nghiệp bền vững” diễn ra ngày 18/1/2024
Trong nỗ lực giảm phát thải KNK, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết, Bình Dương xây dựng chiến lược phát triển xanh bám sát vào chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn năm 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó sẽ thực hiện việc cắt giảm phát thải KNK, xanh hóa các ngành kinh tế và thúc đẩy tiêu dùng bền vững, giải pháp thực hiện tăng trưởng xanh phù hợp với tỉnh… qua đó góp phần nâng cao nhận thức và hành động của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, nâng cao nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất, giảm phát thải KNK để hướng tới nền kinh tế trung hòa các-bon dài hạn; cải thiện chất lượng cuộc sống người dân.
Nhiều doanh nghiệp tiên phong
Nhằm thực hiện cam kết giảm phát thải KNK và BVMT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, ngày 23/3/2023, Nhà máy sản xuất hộp giấy đựng đồ uống của Tetra Pak tại tỉnh Bình Dương đã hoàn thành việc lắp đặt các tấm quang năng trên diện tích gần 5.900 m2, tạo ra gần 1,9 nghìn mWh năng lượng điện tái tạo mỗi năm, giúp giảm hơn 700 tấn khí CO2 thải ra môi trường.
Tổng Giám đốc Tetra Pak Việt Nam Eliseo Barcas cho biết, Công ty cam kết giảm phát thải KNK từ các hoạt động vận hành xuống bằng 0 vào năm 2030. Việc lắp đặt các tấm quang năng trên mái nhà máy nằm trong lộ trình hiện thực hóa cam kết này. Hiện Nhà máy Tetra Pak tại Bình Dương đang nghiên cứu triển khai nền tảng giám sát năng lượng CEMP (Common Energy Monitoring Platform) kết nối các thông số hoạt động của nhà máy nhằm tối ưu việc sử dụng năng lượng. Trong dài hạn sẽ giúp nhà máy giảm thiểu việc sử dụng năng lượng không cần thiết, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.
Cùng với đó, Tập đoàn SEP (Hàn Quốc) dự kiến đầu tư 200 triệu USD để thành lập khu liên hợp công nghiệp trung hòa các-bon chuyên về ngành giày và cơ sở hạ tầng giảm thiểu các bon đầu tiên của Việt Nam trên diện tích 180 ha tại Cụm công nghiệp Tam Lập 2, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương.
Trong xu thế đầu tư các dự án thân thiện với môi trường, Tổng công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp - Becamex IDC thông tin, Becamex IDC và Công ty Sembcorp Development LTD (Singapore) đã ký kết hợp tác thực hiện 5 khu công nghiệp theo định hướng xanh, thông minh và bền vững tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư khoảng 1 tỷ USD. Cùng với đó, Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III (VSIP III) tại TP. Tân Uyên được xây dựng với diện tích 1.000 ha cũng hướng đến khu công nghiệp kiểu mẫu với các tiêu chuẩn khắt khe về môi trường, an toàn, cơ sở vật chất, tiện ích thông qua việc ứng dụng công nghệ thông minh.
Hiện tại đã có nhiều dự án đăng ký đầu tư, trong đó nổi bật là dự án sản xuất đồ chơi LEGO có vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD của Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) trên diện tích 44 ha. Dự án áp dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, phù hợp với định hướng của tỉnh Bình Dương về phát triển kinh tế xanh và dự kiến hoạt động năm 2024. Phó Chủ tịch Tập đoàn LEGO Edward Lewin cho hay, đây là dự án trung hòa các bon đầu tiên của LEGO được phát triển theo hướng xanh, bền vững và thân thiện với môi trường. Nhà máy không có khí thải các-bon, nguồn điện sử dụng hoạt động là năng lượng tái tạo cung cấp từ hệ thống tấm pin mặt trời từ cánh đồng pin ngay bên cạnh nhà máy. Qua đó, Nhà máy được xây dựng đáp ứng mức tiêu chuẩn của Leed Gold - Chứng chỉ công trình xây dựng xanh được công nhận trên toàn cầu, góp phần vào mục tiêu giảm 37% lượng khí thải các bon của Tập đoàn vào năm 2032 (so với năm 2019).
Gia Linh