10/04/2023
Bạc Liêu là một trong những tỉnh giàu tài nguyên về biển và rừng. Một trong những nguồn tài nguyên quý của tỉnh chính là hệ thống rừng phòng hộ ven biển. Bạc Liêu có dải rừng phòng hộ dọc theo bờ biển kéo dài 56 km, phân bố tập trung ở các địa phương có đất bãi bồi ven biển như huyện Hòa Bình, Đông Hải và TP. Bạc Liêu. Diện tích rừng phòng hộ ven biển của tỉnh chiếm phần lớn được xếp vào loại rừng phòng hộ xung yếu cho cả vùng nội địa, bởi có tác dụng rất lớn đối với việc chắn sóng, gió, bảo vệ đê và bảo vệ vùng sản xuất nông nghiệp, thủy sản phía trong đê. Đặc biệt, vùng đất bãi bồi ven biển phía ngoài rừng phòng hộ có diện tích trên 10.000 ha đang được quy hoạch sử dụng hợp lý, từng bước cần mở rộng thêm diện tích rừng phòng hộ, nhằm tăng thêm khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và ứng phó với nước biển dâng, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven biển. Hiện nay, nguồn tài nguyên phong phú này đang được tập trung khai thác với các mô hình du lịch sinh thái rừng… Tuy nhiên, tài nguyên rừng cũng đã và đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tình trạng xâm hại rừng từ các hộ di cư tự do, nạn chặt phá rừng vẫn còn xảy ra, tình trạng rừng chết do canh tác trong nuôi trồng thủy sản vẫn còn.
Trồng rừng phòng hộ ven biển Đông tại xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình ngày 21/2/2023
Để góp phần tăng diện tích rừng và tăng tỷ lệ che phủ rừng so với diện tích tự nhiên, Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường - Bộ Tài Nguyên và Môi trường phối hợp với Công ty TNHH Panasonic Việt Nam và Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu tổ chức Lễ phát động trồng rừng ven biển. Theo đó, đại diện Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường đã trao tặng tỉnh Bạc Liêu 15.800 cây đước để cán bộ, nhân dân địa phương trồng rừng phòng hộ ven biển Đông. Đước là thực vật thân gỗ mọc thẳng, tròn với đường kính 30 - 45cm, màu nâu xám, chiều cao trung bình của đước từ 20 - 35m. Đước một khi đã mọc thành rừng thì không có một loại cây nào có thể trồng xen kẽ vào được. Được ví như vệ sĩ bảo vệ bờ biển, cây đước là loài thực vật quan trọng trong việc phòng hộ, phục hồi các rừng ven biển ở Bạc Liêu, bảo vệ vùng bờ biển khỏi tình trạng xâm thực mặn, đồng thời chắn gió bão.
Tại Hội nghị COP26, Việt Nam cam kết mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế về việc đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Ngay sau COP26, Việt Nam đã khẩn trương cụ thể hóa, bắt tay thực hiện ngay những cam kết của mình trước cộng đồng quốc tế. Thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo, các thành viên Ban Chỉ đạo đã chủ động thực hiện công việc được phân công. Các Bộ, ngành và địa phương đã có một số kết quả quan trọng. Trong đó nổi bật là việc hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; xây dựng Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26; Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methan của ngành giao thông vận tải; Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030; Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê tan đến năm 2030. Một số Bộ, ngành đã và đang xây dựng Kế hoạch hành động của ngành triển khai cam kết của Việt Nam tại COP26 hướng tới mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng "0". Chương trình trồng cây “Sống khỏe góp xanh cùng Panasonic” là một việc làm hết sức ý nghĩa và có đóng góp quan trọng trong việc hưởng ứng Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường, hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức cộng đồng và lan tỏa lối sống xanh, bảo vệ môi trường, giảm biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.
Mai Hương