Banner trang chủ

Áp dụng Hóa học xanh tại Việt Nam - Giảm thiểu việc sử dụng và phát thải các hóa chất hữu cơ khó phân hủy

15/09/2022

    Hiện nay, ngành công nghiệp hóa chất phát triển nhanh chóng và đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ngành công nghiệp hóa chất và các chuỗi cung ứng liên quan đóng góp khoảng 11,2% giá trị sản xuất công nghiệp quốc gia và tạo việc làm cho khoảng 10% lực lượng lao động của toàn ngành công nghiệp Việt Nam. Bên cạnh những đóng góp tích cực của ngành công nghiệp hóa chất đối với nền kinh tế của đất nước, gần đây, mức độ quan tâm của hóa chất được đo trong môi trường ngày càng tăng và nhiều sự cố hóa chất đang xảy ra trên toàn quốc, làm ảnh hưởng đến môi trường, đặc biệt là môi trường không khí.

    Theo thống kê, lượng hóa chất sử dụng của Việt Nam đang tập trung tại các nhà máy ở những thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh có nhiều khu công nghiệp. Với đặc tính của nhiều loại hóa chất độc, nguy hiểm là tính ôxy hóa mạnh, ăn mòn mạnh, dễ cháy, độc cấp, tính độc hại đến môi trường không khí nên khi xảy ra các sự cố rò rỉ, cháy nổ rất nguy hiểm. Sự cố đơn giản nhất là vương vãi hóa chất. Đối với một số loại hóa chất có tính độc hại, tính khuếch tán, phát tán lớn thì việc vương vãi hóa chất hết sức nguy hiểm, đặc biệt đối với hóa chất có thể tác động ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và môi trường. Loại hình thứ hai là sự cố hóa chất có tính chất nguy hiểm hơn như nổ hoặc sự cố xì, rò dẫn đến nổ. Loại sự cố thứ ba phức tạp hơn, hết sức nguy hiểm là sự cố có thể dẫn đến vừa nổ, vừa cháy. Sự cố tại Nhà máy hóa chất Đức Giang, hỏa hoạn ở Nhà máy Bóng đèn - phích nước Rạng Đông gây thất thoát lượng lớn chất thủy ngân… là những ví dụ điển hình.

    Để khắc phục tình trạng trên, Chính phủ đã và đang quan tâm đến phát triển hiệu quả, an toàn, thân thiện môi trường đối với các ngành sản xuất có sử dụng hóa chất. Đồng thời, hệ thống văn bản pháp luật về quản lý hóa chất của nước ta đã được ban hành tương đối đầy đủ với Luật Hóa chất và các quy định pháp luật liên quan, tạo hành lang pháp lý doanh nghiệp hoạt động liên quan đến hóa chất phải tự chịu trách nhiệm thực thi. Trong đó, Luật Hóa chất đã quy định hoạt động hóa chất là một trong những hoạt động có điều kiện và phải đảm bảo đảm đáp ứng được các yêu cầu về an toàn cho con người và đảm bảo môi trường.

    Với mục tiêu tạo môi trường thuận lợi cho việc giới thiệu và áp dụng hóa học xanh (HHX), khuyến khích doanh nghiệp hạn chế sản xuất, sử dụng các hóa chất nguy hại, hướng đến phát triển các phương pháp cũng như quá trình sản xuất thân thiện với môi trường, sức khỏe con người, Cục Hóa chất - Bộ Công Thương đã triển khai Dự án “Áp dụng HHX tại Việt Nam nhằm hỗ trợ tăng trưởng xanh, giảm thiểu việc phát thải và sử dụng các hóa chất POPs, hóa chất nguy hại”. Dự án tuân thủ theo 12 nguyên tắc của HHX, đó là: Ngăn ngừa phát sinh chất thải; tối đa hóa việc tiết kiệm nguyên tử; phát triển quá trình tổng hợp hóa học ít độc hại hơn; phát triển các sản phẩm và hóa chất an toàn hơn; sử dụng dung môi và điều kiện phản ứng an toàn hơn; tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng; sử dụng các nguyên liệu có thể tái sinh; tránh làm phát sinh phụ phẩm; sử dụng chất xúc tác để tăng hiệu suất phản ứng; phát triển các hóa chất và sản phẩm có thể phân hủy sau khi sử dụng; quan trắc và phân tích theo thời gian thực tế để ngăn ngừa ô nhiễm; giảm thiểu tối đa khả năng xảy ra tai nạn. Mục tiêu của Dự án là nhằm kiến tạo môi trường thuận lợi cho việc giới thiệu HHX và những ứng dụng HHX cho các ngành sản xuất tại Việt Nam để giảm thiểu việc sử dụng và phát thải các hóa chất thuộc danh mục kiểm soát của Công ước Stockholm (về POPs) và Công ước Minamata (về thủy ngân), ngăn chặn ô nhiễm thủy ngân gây tác hại đối với sức khỏe con người và môi trường.

NISHU được thí điểm áp dụng Bộ Nguyên tắc HHX trong sản xuất mặt hàng sơn và dung môi

    Đây là Dự án đầu tiên về HHX được triển khai ở Đông Nam Á, được thực hiện trong vòng 3 năm (2018 – 2021), tập trung vào việc tiếp tục giúp giảm thiểu sử dụng POPs, giảm phát thải không chủ định POPs thông qua hoạt động giới thiệu về các cách tiếp cận HHX trong 6 ngành công nghiệp tại Việt Nam, bao gồm: Mạ crôm; sản xuất giấy và bột giấy; sản xuất nhựa; dệt; hóa chất bảo vệ thực vật; dung môi - sơn. Những hướng dẫn cụ thể cho từng ngành sẽ được xây dựng, lồng ghép cách tiếp cận HHX vào các văn bản pháp luật có liên quan. Các khảo sát trong quá trình thực hiện Dự án cho thấy, một khối lượng lớn các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy đang được nhập khẩu vào Việt Nam và được dùng trong nhiều ngành sản xuất. Năm 2019, Việt Nam nhập khẩu 9.985 tấn SCCP, năm 2020 tăng lên 11.640 tấn.

    Đến nay, Dự án đã giảm được 6,3kg thủy ngân phát thải ra môi trường, loại bỏ được 1.578 tấn nguyên vật liệu sản phẩm chứa POP, hơn 3,6 tấn chất POP nguyên chất, giảm phát thải 1.072 tấn CO2. Đồng thời, Dự án đã hỗ trợ áp dụng HHX trong ngành sơn và ngành mạ điện, 4 dây chuyền công nghệ mới gồm 1 dây chuyền mạ kẽm kiềm trao crom 3+ thụ động, 1 dây chuyền mạ kẽm kiềm quay crom 3+ thụ động, dây chuyền sơn phủ kẽm, hệ thống thiết bị sản xuất sơn hiệu năng cao. Tổng năng lượng tiết kiệm được là 1.134.000GJ tương đương 42.000 tấn than; 65 doanh nghiệp hưởng lợi từ Dự án. Ba trường đại học tham gia trực tiếp vào Dự án HHX với sự tham gia của hơn 210 sinh viên tham gia các khóa đào tạo. Ngoài ra, Dự án đóng góp vào việc rà soát, kiến nghị lồng ghép các nguyên tắc của HHX vào Luật Hóa chất sửa đổi và Dự thảo "Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040". Dự án cũng đã thành lập Mạng lưới chuyên gia HHX được đặt tại Hội hóa học Việt Nam.

    Đặc biệt, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp sản xuất và sử dụng hóa chất đã có những nỗ lực nhằm đầu tư chuyển dịch hoạt động sản xuất theo cách tiếp cận kinh tế tuần hoàn. Các trường hợp kinh doanh áp dụng kinh tế tuần hoàn trong ngành hóa chất cũng đang trở nên hấp dẫn hơn do nhu cầu chuyển dịch của cả người tiêu dùng cũng như các thị trường hạ nguồn chính, bao gồm tiện ích, giao thông vận tải, dệt may, điện tử, sản phẩm tẩy rửa, thực phẩm và nông nghiệp, mỹ phẩm làm đẹp. Đây được đánh giá là một trong những kết quả nằm ngoài mong đợi của Dự án.

    Dưới tác động của dịch bệnh COVID-19, trong quá trình thực hiện Dự án đã gặp một số khó khăn do vừa phải đảm bảo áp dụng các công nghệ mới đồng thời phải vừa tối đa hóa các biện pháp bảo vệ công nhân khỏi COVID-19. Bên cạnh đó, còn có các khó khăn trong việc đảm bảo trao đổi kinh nghiệm quốc tế và quốc gia do hạn chế đi lại; lực lượng lao động hạn chế vì xảy ra lây nhiễm virus.

    Nhằm áp dụng HHX tại Việt Nam để hỗ trợ tăng trưởng xanh, điều quan trọng là cần đưa HHX vào Luật Hóa chất năm 2007 sẽ được sửa đổi trong thời gian tới. Đồng thời, cần xây dựng các quy định quản lý chặt chẽ hóa chất theo vòng đời (xuất nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, sử dụng, thải bỏ…) phù hợp với thực tiễn hoạt động hóa chất tại Việt Nam và thông lệ quốc tế, xu hướng quản lý hóa chất trên thế giới hiện nay, các điều ước và cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia. Tiếp tục tăng cường sự phối hợp liên ngành và giữa Trung ương với địa phương trong quản lý hóa chất. Bên cạnh đó, việc thúc đẩy tài chính xanh như các khoản vay xanh hoặc trái phiếu xanh cũng cần thiết để khuyến khích các khu vực tư nhân huy động nguồn lực, thúc đẩy đầu tư vào HHX, sản xuất sạch hơn; nâng cao tính thực tiễn trong hoạt động giảng dạy về HHX ở các trường đại học hiện nay…

Phạm Duyên Minh

Cục Hóa chất, Bộ Công Thương

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số Chuyên đề Môi trường không khí năm 2022)

Ý kiến của bạn