Việt Nam cần ưu tiên phát triển nguồn năng lượng sạch, tái tạo thân thiện với môi trường
15/09/2015
Chính phủ đã phê duyệt Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 18/3/2013, về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực BVMT, trong đó có nội dung tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, ưu tiên phát triển nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo (NLTT) hướng tới phát triển nền Kinh tế xanh. Tuy nhiên, theo nhận định của một số chuyên gia nhìn chung các dự án khai thác năng lượng sạch, NLTT ở nước ta chỉ mới phát triển ở một số lĩnh vực với quy mô, số lượng nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng. Tạp chí Môi trường đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Thúy Nga, Phó Viện trưởng Viện Khoa học năng lượng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam về vấn đề này.
Bà đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển nguồn năng lượng sạch, NLTT của Việt Nam hiện nay?
TS. Nguyễn Thúy Nga: Từ những năm 60 của thế kỷ XX, các hoạt động nghiên cứu sử dụng các nguồn NLTT ở Việt Nam đã được quan tâm, khẳng định vai trò, hiệu quả và khả năng phát triển các nguồn NLTT, đặc biệt cho vùng sâu, vùng xa chưa có điện lưới quốc gia. Hiện nay, Việt Nam khai thác 7 dạng NLTT có tiềm năng khai thác là: gió, mặt trời, thủy điện nhỏ, sinh khối, rác thải, khí sinh học và địa nhiệt. Trong đó, thủy điện nhỏ có tiềm năng khai thác khoảng hơn 4.000 MW, năng lượng gió hơn 30.000 MW tại khu vực dọc bờ biển Trung và Đông Nam Bộ. Năng lượng bức xạ mặt trời vào khoảng 4-5 kWh/m2/ngày thuộc mức cao tại các vùng từ Thừa Thiên - Huế trở vào miền Nam. Năng lượng sinh khối (gỗ, củi, rơm rác, phụ phẩm nông nghiệp)... với tổng tiềm năng khoảng 43 - 46 triệu TOE/năm, trong đó khoảng 60% là năng lượng gỗ củi tương đương 600 - 700 MW và 40% năng lượng rơm rác, phụ phẩm nông nghiệp (chủ yếu là trấu: 197 - 225 MW, bã mía: 221 - 276 MW). Riêng năng lượng khí sinh học, tiềm năng vào khoảng 0,4 triệu TOE/năm (khoảng 570 triệu m3). Ngoài ra, các nguồn khác như rác thải sinh hoạt (khoảng 350 MW); địa nhiệt (khoảng 400 MW); thủy triều (hơn 100 MW).
Hiện nay, tại Việt Nam các nguồn NLTT đã được khai thác từ 5 loại nguồn (gió, mặt trời, thủy điện nhỏ, khí sinh học, địa nhiệt) để sản xuất điện. Theo thống kê chưa đầy đủ, tổng công suất lắp đặt các nguồn NLTT khoảng 1.215 MW. Thực trạng khai khác NLTT còn rất nhỏ so với tiềm năng và chiếm khoảng 3,4%. Theo Quy hoạch điện VII, chỉ tiêu được đặt ra là tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ các nguồn NLTT chiếm 3,5% (năm 2010) lên 4,5% (năm 2020) và 6% (năm 2030). Các nguồn NLTT được đánh giá là có nhiều ưu việt như sạch, ít gây ô nhiễm môi trường, có tiềm năng lớn, một số nguồn vô tận, tuy nhiên hiện Việt Nam mới tập trung phát triển thủy điện còn các dạng năng lượng khác chưa có chính sách khuyến khích, hỗ trợ, đầu tư đúng mức.
Hiện tỷ lệ tham gia của các doanh nghiệp (DN) vào các dự án NLTT còn thấp. Vậy, theo bà Nhà nước cần có chính sách gì để khuyến khích doanh nghiệp tham gia thị trường này?
TS. Nguyễn Thúy Nga: Trên cả nước hiện đã có nhiều dự án đầu tư NLTT được triển khai với sự tham gia của các DN. Tính đến tháng 5/2013, đã có 3 nhà máy điện gió được hoàn thành và phát điện thương mại (Trang trại điện gió tại xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận với tổng công suất lắp máy giai đoạn 1 là 30 MW, chủ đầu tư là Công ty CP năng lượng tái tạo Việt Nam; Nhà máy phong điện đảo Phú Quý, tại đảo Phú Quý, chủ đầu tư là Công ty TNHH Một Thành Viên “NLTT Điện lực Dầu khí” của Tập đoàn Dầu Khí Quốc gia Việt Nam, với tổng công suất 6 MW; Trang trại Điện gió trên biển tại tỉnh Bạc Liêu, chủ đầu tư là Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Công Lý, với tổng công suất 16 MW). Ngoài ra, còn một số dự án khác như: Các trạm phát điện sinh khối sử dụng bã mía tại các nhà máy đường (tổng công suất đặt 150 MW) do các Công ty Mía đường đầu tư xây dựng; Công trình trình diễn thu hồi khí methane từ rác thải sinh hoạt tại Gò Cát, TP. Hồ Chí Minh công suất 2,5 MW; Dự án sử dụng trấu cho phát điện tại vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long đang được xem xét đầu tư. Dự án 2 KW điện gió + 5 KW điện mặt trời tại Kon Tum; điện gió 30 KW tại Nam Định…
Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ tham gia của DN vào các dự án NLTT còn thấp do chi phí đầu tư cao hơn so với các nguồn năng lượng truyền thống từ 1,5 - 10 lần. Ngoài ra, mặc dù Chính phủ đã đưa ra nhiều ưu đãi đối với các nhà đầu tư trong lĩnh vực NLTT về biểu giá điện, ưu đãi thuế, miễn thuế nhập khẩu, thuế sử dụng đất (với các chính sách như Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg quy định cơ chế hỗ trợ phát triển điện gió; Quyết định số 24/2014/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện sinh khối…) nhưng các ưu đãi hiện hành chưa đủ để hình thành các điều kiện phù hợp cho việc lập kế hoạch và triển khai các dự án NLTT cũng như bán các sản phẩm của NLTT. Các ưu đãi này mới chỉ giải quyết được một số vấn đề mang tính cụ thể, chứ chưa có lời giải tổng thể cho việc thúc đẩy phát triển NLTT tại Việt Nam.
Công trình dự án phong điện tại huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận
Sử dụng bếp đun năng lượng mặt trời để hạn chế ô nhiễm môi trường
Để khuyến khích các DN tham gia thị trường này, Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ vốn cho những DN sản xuất, lắp ráp, sửa chữa các loại thiết bị năng lượng như bình đun nước nóng, thủy điện nhỏ, động cơ gió, hầm biogas khí sinh học…; Hợp tác với các nước phát triển để lắp ráp các thiết bị công nghệ cao như pin mặt trời, điện gió, tiến tới lắp ráp, chế tạo trong nước; Hỗ trợ đầu tư cho các chương trình điều tra, nghiên cứu, chế tạo về các lĩnh vực sử dụng năng lượng sạch và tái tạo; Ưu đãi thuế nhập thiết bị, công nghệ mới, thuế sản xuất, lưu thông các thiết bị; bảo hộ quyền tác giả cho các phát minh, cải tiến kỹ thuật về lĩnh vực NLTT có giá trị; Cho phép các cá nhân, tổ chức kinh tế trong và ngoài nước phối hợp đầu tư khai thác nguồn năng lượng sạch và tái tạo trên cơ sở đôi bên cùng có lợi; Công khai danh mục các dự án đầu tư, khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào lĩnh vực NLTT.
Việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn năng lượng sạch, NLTT trong sản xuất và tiêu dùng chính là chìa khóa giải quyết ô nhiễm môi trường. Xin bà cho biết một số giải pháp cụ thể để thực hiện vấn đề này?
TS. Nguyễn Thúy Nga: Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả đã công bố tiết kiệm được 3,4% tổng năng lượng tiêu thụ trong giai đoạn I (2006 - 2010) của Chương trình, tương đương trị giá 65.000 tỷ đồng. Mục tiêu của giai đoạn II (2013 - 2015) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là phải tiết kiệm 5 - 8% tổng năng lượng tiêu thụ. Đặc biệt trong Tổng sơ đồ điện VII, mục tiêu đặt ra là ưu tiên phát triển nguồn NLTT, phấn đấu tăng tỷ lệ sản lượng điện từ nguồn này đạt 4,5% (năm 2020) và 6% (năm 2030), đồng thời thực hiện lộ trình hình thành thị trường điện cạnh tranh, tháo gỡ một phần khó khăn cho các nhà đầu tư năng lượng sạch.
Để thực hiện được mục tiêu trên, các giải pháp cần được thực thi ở tầm vĩ mô và vi mô là: Xây dựng chính sách khuyến khích phát triển và giá NLTT hợp lý, cạnh tranh lành mạnh, giá cả hợp lý cho các loại năng lượng; Quy hoạch năng lượng quốc gia; Tăng cường đầu tư nghiên cứu cơ bản về công nghệ NLTT…
Đồng thời, mở rộng phạm vi ứng dụng, nâng cao hiệu quả sử dụng, tăng dần tỷ trọng NLTT trong cơ cấu nguồn năng lượng; Tăng cường giáo dục, tuyên truyền phổ biến thông tin, vận động cộng đồng, nâng cao nhận thức, thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, NLTT tiết kiệm và hiệu quả, BVMT; Hỗ trợ các DN sản xuất công nghiệp nâng cấp, cải tiến, hợp lý hóa dây chuyền công nghệ nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Phát triển các tiêu chuẩn và dán nhãn chứng nhận sản phẩm tiết kiệm năng lượng cho một số sản phẩm sử dụng năng lượng được lựa chọn; Thực hiện một số dự án kỹ thuật - công nghệ sử dụng nhiên liệu, nhiệt và điện cụ thể, thích hợp cho từng đối tượng thực tế, chú trọng việc trang bị dây chuyền công nghệ tận dụng nhiệt thừa từ khói thải các lò hơi công nghiệp, công nghệ đồng phát nhiệt và điện, tiết kiệm năng lượng trong sử dụng động cơ điện, điều hòa và thông gió, chế biến nông, thủy sản... Triển khai cuộc vận động xây dựng mô hình “Sử dụng tiết kiệm năng lượng trong mỗi hộ gia đình”; Khai thác tối ưu năng lực của phương tiện, thiết bị giao thông, giảm thiểu lượng nhiên liệu tiêu thụ, hạn chế lượng phát thải ô nhiễm vào môi trường; Tích cực tham gia các chương trình, hiệp định về hệ thống năng lượng mặt trời, hệ thống năng lượng gió, hệ thống năng lượng đại dương của Ủy ban Năng lượng quốc tế (IEA)…
Xin cảm ơn bà!
Châu Loan (Thực hiện)
Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 4/2014