Tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong quản lý môi trường làng nghề mộc
15/09/2015
Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có nhiều làng nghề mộc truyền thống được hình thành từ rất lâu đời. Nghề mộc đã tạo công việc ổn định và đem lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân nơi đây. Tuy nhiên, phương pháp sản xuất thủ công, thô sơ nên nghề mộc đã thải một lượng lớn rác, bụi, hóa chất độc hại gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng. Để cải thiện môi trường làng nghề mộc, năm 2013, Trung tâm tư vấn Phát triển Nông thôn Sông Hồng đã triển khai Dự án Nâng cao năng lực quản lý và xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề mộc tại thị trấn Thanh Lãng (Vĩnh Phúc). Dự án đã mang lại hiệu quả cao trong công tác BVMT làng nghề. Tạp chí Môi trường đã có cuộc trao đổi Bà Vũ Thị Lợi - Giám đốc Trung tâm Sông Hồng về vấn đề này.
Xin bà cho biết, thực trạng ô nhiễm môi trường của làng nghề mộc trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện nay?
Bà Vũ Thị Lợi: Trên địa bàn tỉnh hiện có 3 làng nghề mộc sản xuất tập trung với quy mô lớn đó là làng nghề thị trấn Thanh Lãng, thị trấn Yên Lạc, xã An Tường, với số hộ dân làm nghề mộc chiếm từ 60 - 80%. Tuy nhiên, chưa có làng nghề nào được quy hoạch thành cụm làng nghề sản xuất tập trung mà vẫn đang sản xuất xen lẫn khu dân cư. Trong quá trình sản xuất, bụi gỗ được phát sinh ở hầu hết các công đoạn như cưa, xẻ, khoan, phay, bào, chà...đã phát tán ra môi trường làng nghề rất lớn. Bên cạnh đó, làng nghề đã sử dụng sơn trong quá trình sản xuất đồ gỗ, với nhiều thành phần hóa chất độc hại gây nguy hiểm cho sức khỏe con người. Nhiều hộ còn sử dụng hóa chất ngâm, tẩm gỗ, sau khi ngâm xong, nước thải không được xử lý thải trực tiếp ra môi trường, đe dọa nguồn nước ngầm của làng nghề. Một số hộ gia đình còn tận dụng lòng đường, vỉa hè, khu công cộng làm nơi sản xuất làm ảnh hưởng đến cảnh quan làng nghề. Ô nhiễm tiếng ồn cũng là một bài toán khó đối với làng nghề, bởi sản xuất đồ mộc hiện nay hầu hết các công đoạn đều sử dụng máy móc, nhất là máy đục tự động phát ra tiếng ồn lớn, gây ảnh hưởng đến thính giác của người dân.
Người lao động tại các làng nghề mộc tiếp xúc với bụi gỗ, bụi sơn hàng ngày
Được biết, Trung tâm đã triển khai Dự án “Nâng cao năng lực quản lý và xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề mộc thị trấn Thanh Lãng - Vĩnh Phúc”. Xin bà cho biết, một số kết quả đạt được của Dự án?
Bà Vũ Thị Lợi: Dự án được triển khai trong năm 2013, với sự tài trợ của tổ chức Nghiên cứu và Chuyển giao Công nghệ (GRET). Mục tiêu của Dự án nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường sản xuất và tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong quản lý môi trường làng nghề mộc. Dự án đã hỗ trợ xây dựng quy chế, cam kết BVMT cho 5 Chi hội nghề mộc (thuộc 5 tổ dân phố: Đầu Làng, Hồng Hồ, Yên Thần, Đồng Lý, Đoàn Kết) thuộc thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Bên cạnh đó, Dự án đã hỗ trợ 10 hộ gia đình xây dựng 2 lò xử lý bụi và 8 lò xử lý bụi sơn, với cấu tạo đơn giản, dễ vận hành, hiệu quả xử lý bụi sơn cao, có thể xử lý (70 - 80% lượng bụi gỗ, bụi sơn thải ra). Chi phí cho một lò xử lý bụi gỗ có kích thước lớn (bụi máy tupi, máy phay công nghiệp, máy bào…) là 5 - 7 triệu đồng và chi phí cho một lò xử lý bụi sơn đa năng, có thể xử lý bụi gỗ có kích thước nhỏ (bụi trà) và bụi sơn là 7 - 10 triệu đồng, phù hợp với các cơ sở sản xuất quy mô hộ gia đình tại các địa phương làm nghề mộc hiện nay.
Ngoài ra, Dự án còn tổ chức Hội nghị đối thoại với chính quyền địa phương để cùng bàn thảo và đưa ra các biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường làng nghề mộc.
Từ hiệu quả của Dự án, bà có đề xuất gì để cải thiện môi trường làng nghề mộc?
Bà Vũ Thị Lợi: Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường làng nghề mộc, chính quyền địa phương tại các làng nghề cần sớm xây dựng quy ước, cam kết BVMT… Đồng thời, tuyên truyền, vận động, kiểm tra giám sát việc thực hiện của người dân; kết hợp các biện pháp xử lý các trường hợp vi phạm và khen thưởng các trường hợp thực hiện tốt quy định đề ra để khuyến khích động viên người dân.
Mô hình lò xử lý bụi, sơn có hiệu quả cao
Từ ưu điểm của 2 loại lò xử lý bụi và bụi sơn được Dự án hỗ trợ, trong thời gian tới, chính quyền địa phương cần vận động, khuyến khích các hộ làm nghề áp dụng rộng rãi biện pháp xử lý này nhằm hạn chế thấp nhất việc ảnh hưởng tới môi trường.
Ngoài ra, Nhà nước cần có kế hoạch di dời các hộ làm nghề mộc vào cụm làng nghề sản xuất tập trung; Tăng cường hỗ trợ kỹ thuật trong kiểm soát, xử lý môi trường, nhất là công tác chuyển giao kỹ thuật, công nghệ, các phương thức sản xuất sạch hơn, các công nghệ xử lý chất thải phù hợp, giúp người dân làng nghề mộc giảm thiểu chất thải, khí thải ra môi trường.
Xin cảm ơn bà!
Trần Loan (Thực hiện)
Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 3/2014