Banner trang chủ

Nguyễn Bá Nha với “bếp tiện ích”

15/09/2015

     Vừa thể hiện hành động BVMT, vừa thỏa nguyện niềm đam mê sáng tạo, nhưng cái chính là góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, chàng thanh niên Nguyễn Bá Nha đã đóng góp vào sự thành công của Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật (STKT) tỉnh Phú Yên lần thứ V (2012-2013) bằng giải pháp “bếp tiện ích”.      Giải pháp từ  ý tưởng gánh ve chai      Cách đây hơn 2 năm, trước thực trạng người dân thôn Nguyên Hà, xã Sơn Nguyên (Sơn Hòa) xả rác sinh hoạt khắp đường làng, chàng thanh niên Nguyễn Bá Nha nảy ra ý định thu gom rác thải để xử lý. Bằng chiếc xe máy cũ kỹ, Nguyễn Bá Nha rong ruổi đến từng ngõ hẻm, đường thôn để nhặt rác thải rồi tự mình thành lập một địa chỉ mang tên “Thanh niên tựquản thu gom rác thải cứng và cho phân hủy” tại nhà… Cũng từ việc thu gom rác thải, ý tưởng về 1 chiếc bếp tiện ích đã hình thành.      Nguyễn Bá Nha tâm sự: “Hằng ngày, người dân trong thôn tôi bỏ đi rất nhiều rác thải sinh hoạt. Tranh thủ trong ngày, tôi dạo một vòng ở những nơi người dân hay vứt rác bừa bãi để thu gom chúng lại. Những rác thải nào bán phế liệu, tôi cho vào gánh ve chai chở về nhà, còn thứ không bán được thì tôi đốt hoặc chôn lấp đi. Số tiền thu được từ phế liệu, tôi trích ra mỗi tháng từ 150.000 đồng đến 200.000 đồng để giúp đỡ người già, trẻ em nghèo trong thôn và tích lũy làm sinh hoạt phí cho Chi đoàn thôn”.      Từ gánh ve chai, Nguyễn Bá Nha nung nấu ý tưởng sáng tạo một chiếc bếp sao cho tiện ích, đốt được tất cả các loại rác thải (giấy vụn, rác lá cây, lá, bã mía). Và đầu năm 2011, Nha bắt tay vào thực hiện tưởng này. Hằng ngày, ngoài việc chăm sóc đàn bò, bón phân, làm cỏ mía, Nha tranh thủ đi thu ve chai. Những lúc rảnh rỗi, Nha lấy chiếc bếp của gia đình tháo ra và cặm cụi nghiên cứu, kẻ vẽ cải tiến mô hình chiếc bếp mới, nhiều bữa anh quên ăn vì lo việc nghiên cứu chiếc bếp. Có lúc khó khăn khiến Nha chán nản, nhưng với quyết tâm cao, anh đã từng bước thực hiện được tưởng của mình. Nha chia sẻ: “Tôi chỉ học hết lớp 9, không qua trường lớp chế tạo cơ khí, chỉ có tình yêu quê hương và sự đam mê nên công việc vô cùng khó khăn. Cộng thêm việc vợ con có lúc không đồng tình với việc làm của mình nên nhiều lúc tôi cũng nản lắm. Khi ấy, tôi lấy xe máy chạy lang thang trong thôn và lên rẫy mía để giảm stress. Nhưng trên đường đi bắt gặp rác thải còn vương vãi, tôi lại quyết tâm phải thực hiện thành công”.      Sản phẩm ra đời      Cuối năm 2012, chiếc bếp xửlý rác thải của Nha ra đời trong niềm vui và sự khâm phục của bạn bè, người thân. “bếp tiện ích” đã tham gia Hội thi STKT tỉnh Phú Yên lần thứ V và sau đó anh đã “xuất xưởng” gần 10 chiếc bếp cho bà con địa phương, với giá 400.000 đồng/bếp.   Nguyễn Bá Nha đang thao tác sử dụng “bếp tiện ích” tại Chung khảo Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Phú Yên lần thứ V - Ảnh: H.H.Thế)        Tận mắt chứng kiến Bá Nha thao tác cách sử dụng “bếp tiện ích”, mới tin khả năng và lòng nhiệt huyết sáng tạo của anh là sự thật. Giải thích về cấu tạo “bếp tiện ích”, Bá Nha nói: “Bếp này tôi dựa trên nguyên tắc hoạt động của bếp trấu, bếp than và lò “khò”. Ngoài lồng chứa chất đốt, tôi còn thiết kế vỉ có lỗ thông hơi ở đáy lò đưa khí ôxy từ bên ngoài vào. Ban đầu, tôi làm các lỗ thông gió ở vỉ đáy thưa từ 3cm đến 5cm nên bếp rất khó cháy. Tiếp đó, tôi khoan thêm lỗ 4mm, khoảng cách 1,5cm đến 2,5cm. Khoan thêm lỗ, khí ôxy thông lên đều, cháy hết nguyên liệu; bếp không khói và lửa không tắt giữa chừng. Đặc biệt, phần tạp chất rơi dần xuống các lỗ vỉ thông gió”. Về sáng tạo phần miệng kiềng thứ 2, Nha cho biết: “Miệng lò cải tiến là 9,5cm (nhỏ hơn miệng lò cũ 2cm), mục đích để thu và giữ ngọn lửa tập trung. Hơn hết, bếp này có thể sử dụng linh động theo muốn (các cỡ nồi, xoong, điều chỉnh lửa lớn hay nhỏ...).      Nói về hiệu quả kinh tế mà “bếp tiện ích” mang lại, Nguyễn Bá Nha cho biết: “Bình quân mỗi hộgia đình nấu ăn 3 lần/ngày, cần khoảng 3,9kg rác (nhiều loại rác thải). Suy ra mỗi tháng, một hộ gia đình tiêu thụ 117kg và 1 năm là hơn 1,4 tấn rác. Như vậy, đối với 100 hộ thì mỗi năm cần 140 tấn rác. Cứ thế nhân rộng mô hình ra toàn xã thì sẽ tiết kiệm chi phí mua chất đốt trong nấu ăn của mỗi hộ gần 2 triệu đồng/năm. Nguyên Hà quê tôi, toàn thôn có 100 hộ, chỉ cần 10 hộ sử dụng giải pháp này, tôi tin rằng trong 1 năm sẽ xử lý được 14 tấn rác, làm sạch môi trường thôn xóm”.      Khi hỏi anh có mong muốn gì đối với sáng tạo của mình, Nha trải lòng: “Đầu tiên, tôi hy vọng chiếc bếp phát huy hiệu quả, giải quyết được tình trạng rác thải gây ô nhiễm môi trường ở quê tôi và sẽ được áp dụng ở nhiều địa phương khác. Kế đến, tôi mong rằng giải pháp này sẽ được các cơ quan chức năng quan tâm, tạo điều kiện để tôi đăng ký bản quyền sáng chế, từ đó được vay vốn, mở xưởng sản xuất, tạo điều kiện cho bản thân và thanh niên địa phương sản xuất bếp và xử lý rác”.      Mang câu chuyện của anh Nha “ve chai” sáng tạo giải pháp “bếp tiện ích” trao đổi với ông Lê Hữu Thọ, Chủ tịch UBND xã Sơn Nguyên, ông Thọ cho biết: “Địa phương rất vinh dự khi nghe tin Nguyễn Bá Nha tham gia Hội thi STKT tỉnh Phú Yên lần thứ V. Việc làm của anh Nha đã góp phần chung tay bảo vệ môi trường, qua đó tạo hình ảnh đẹp trong mắt người dân về thanh niên giàu lòng nhiệt huyết, đam mê sáng tạo vì cuộc sống cộng đồng”.   Theo Báo Phú Yên điện tử    
Ý kiến của bạn