10/03/2014
Hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường nước ao, hồ ở nhiều vùng nông thôn đang ở mức báo động. Nguyên nhân là do việc xả nước thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi trực tiếp ra môi trường, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật… làm cho nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng, gây thiệt hại về mùa màng và sức khỏe của người dân.
Năm 2013, Viện Công nghệ Môi trường - Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam chủ trì thực hiện Dự án: Xây dựng mô hình xử lý ao hồ bị ô nhiễm do nước thải sinh hoạt và chăn nuôi ở vùng nông thôn bằng chế phẩm vi sinh (Biomix 2), hóa chất thân thiện môi trường và thủy sinh tại Hà Nam. Dự án đã được triển khai, áp dụng thí điểm tại 5 huyện của tỉnh Hà Nam (Bình Lục, Thanh Liêm, Duy Tiên, Kim Bảng, Lý Nhân), bước đầu đã cải thiện ô nhiễm môi trường nước mặt vùng nông thôn.
Mô hình xử lý ô nhiễm môi trường nước các ao, hồ bằng các loài thủy sinh vật
Trước đây, môi trường nước mặt của các xã trên địa bàn tỉnh Hà Nam bị ô nhiễm nghiêm trọng, qua phân tích, xét nghiệm, các chỉ tiêu như B0D5, COD, tổng ni tơ, phốt pho và các vi sinh vật gây bệnh đều vượt quá chỉ tiêu cho phép theo QCVN 08:2008 gấp hàng chục lần. Sau khi khảo sát, phân tích các chỉ số ô nhiễm chính, các chuyên gia thực hiện Dự án đã tiến hành các bước xử lý ô nhiễm nước mặt như sau:
Bước 1, hướng dẫn các hộ nông dân thực hiện dọn vệ sinh, loại bỏ thực vật thủy sinh, thu gom rác, thải trôi nổi trong các ao, hồ. Tiếp theo, dùng hóa chất LTH 100 (chất ô xy hóa khử - hydro peroxit và axit xitric) kết hợp với hóa chất LTH 200 (đồng chalate). Hóa chất LTH 100 có tác dụng khử mùi hôi, thối và làm trong nước, oxy hóa các hợp chất hữu cơ có trong nước, tạo ra các chuỗi phản ứng trao đổi anion và cation tạo thành các chất hấp phụ làm giảm hàm lượng kim loại nặng có trong nước. Hóa chất LTH 200 diệt các loại tảo độc trong môi trường nước. Cách sử dụng: Hòa hai dung dịch trên cùng với 80 lít nước, dùng bình phun lên mặt ao. Sau đó sử dụng hóa chất LTH 88 (các chất khoáng tự nhiên - CaCO3) và PAC (hóa chất xử lý nước thải - phèn, nhôm) với liều lượng cho 1.000 m2 mặt nước: 10 kg LTH 88+ 10 kg PAC rắc đều khắp mặt nước.
Bước 2, sau hai ngày xử lý hóa chất thì tiến hành bổ sung chế phẩm vi sinh BIOMIX 2, với liều lượng 1.000 m2 mặt nước: 20 lít chế phẩm. Tiếp theo, dùng các loại thực vật thủy sinh (bèo tây, bèo cái, rau muống…) để loại bỏ các hợp chất do vi sinh vật có hại phân giải các chất hữu cơ giải phóng ra, tránh tái ô nhiễm nước. Rễ của các loài sinh vật thủy sinh sẽ là giá thể giúp vi sinh vật có ích phát triển tốt hơn, nhằm duy trì khả năng tự làm sạch của ao, hồ. Thực vật thủy sinh có thể kết thành bè với diện tích bè thực vật thủy sinh chiếm từ 5 -10% diện tích ao, hồ. Sử dụng túi ni lông hoặc lưới quây xung quanh thành bè, khống chế không cho thực vật thủy sinh phát triển lan ra khắp mặt ao, làm giảm diện tích mặt thoáng của ao, giảm sự hòa tan ô xy và khuếch tán ánh sáng mặt trời xuống nước ảnh hưởng tới sự sinh sản của các động vật thủy sinh (cá, tôm, cua…).
Bước 3, quản lý và duy trì chất lượng ao, hồ: cần phải đánh giá, đo chất lượng nước sau quá trình xử lý. Khi các chỉ tiêu B0D5, COD vượt gấp đôi ngưỡng cho phép thì tiến hành xử lý bổ sung. Đồng thời phải thường xuyên cắt tỉa bè thủy sinh, sửa chữa hoặc thay mới nếu các mối nối, cọc cố định, lưới vây xung quanh bè bị hỏng.
Sau hơn 1 năm triển khai Dự án kết quả cho thấy, nước các ao, hồ đã trong xanh trở lại, không còn mùi hôi, các kim loại nặng đã được xử lý, diệt được các tảo và các vi sinh vật gây bệnh. Các chỉ tiêu về ô nhiễm trong nước ao đã đạt tiêu chuẩn B2 theo QCVN 08: 2008, chất lượng nước ổn định kéo dài được 5 - 6 tháng vào mùa hè, 3 tháng vào mùa đông. Áp dụng Mô hình xử lý nước bằng hóa chất và các loài thủy sinh vật để cải thiện môi trường nước dễ áp dụng, đơn giản có tính khả thi cao, chi phí thấp (trung bình 1 năm cho 1.000 m2 ao, hồ là 26.600.000 đồng), có thể triển khai ứng dụng trong diện rộng, phù hợp với đặc điểm và điều kiện kinh tế ở vùng nông thôn.
Ngoài ra, Dự án mang lại hiệu quả cao trong công tác BVMT nước ở khu vực nông thôn và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Tuy nhiên, để xử lý và quản lý nước ao hồ vùng nông thôn, bên cạnh việc áp dụng các giải pháp trên, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ nguồn nước là hết sức quan trọng và cần có sự quan tâm vào cuộc của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương.
TS. Phùng Thị Quỳnh Trang
Trường Cao đẳng Kinh tế Thương mại
Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 2/2014