Banner trang chủ

Hải Phòng áp dụng các tiêu chí xanh hướng tới phát triển thương hiệu cảng biển bền vững

15/09/2015

   Cảng Hải Phòng là thương cảng quốc tế, đầu mối giao thương chính của các tỉnh phía Bắc, trong những năm gần đây có mức tăng trưởng vượt bậc về phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế hàng hải. Với những ưu đãi về điều kiện địa lý như có bờ biển dài khoảng 125 km, trên 100.000 km2 thềm lục địa, khoảng 700 đảo đá ven bờ, chiếm khoảng 5,4% diện tích, đặc biệt có đảo Bạch Long Vĩ đã tạo cho Hải Phòng những lợi thế to lớn trong phát triển kinh tế biển, chủ yếu là ngành cảng - hàng hải, du lịch biển, thủy sản, dầu khí và các dịch vụ kinh tế biển khác.    TỪNG BƯỚC KHẲNG ĐỊNH VỊ THẾ THƯƠNG HIỆU CẢNG BIỂN LỚN    Tính đến nay, hệ thống cảng biển Hải Phòng có 42 bến cảng xếp dỡ hàng hóa, trong đó có 12 bến hàng lỏng có trọng tải lên tới 10.000 DWT; 9 bến cảng công- ten- nơ và 21 cảng hàng hóa, với khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải đến 40.000 DWT. Trước đây, các trang thiết bị xếp dỡ tại cảng hầu hết đều lạc hậu, có nhiều hạn chế, chủ yếu là các trang thiết bị xếp dỡ của Liên Xô cũ, việc bốc xếp thủ công nên năng lực bốc xếp chỉ đạt khoảng 29.000 tấn/ngày (năm 2002), 37.000 tấn/ngày (năm 2005), đến nay lên tới 151.780 tấn/ngày. Trước năm 1986, Hải Phòng có 2.500 m cầu cảng, nay gần 10.500 m. Chính nhờ sự phát triển của hệ thống cảng biển, trong đó có nhiều cảng mới hiện đại như cảng Hải Phòng, cảng Đình Vũ, Đoạn Xá, Green Port, Nam Hải, Transvina... năm 2013, sản lượng hàng hóa qua các cảng Hải Phòng lên tới hơn 55,5 triệu tấn, đạt mức tăng trưởng bình quân hàng năm 13- 15%. Tuyến hàng hải từ Hải Phòng đi các nước trên thế giới    Với sự phát triển cảng mạnh mẽ, Hải Phòng đang từng bước khẳng định vị thế của một thương cảng lớn có công nghệ xếp dỡ hiện đại, tiên tiến. Trong đó, đáng lưu ý có một số cảng của Hải Phòng trang bị phương tiện, thiết bị xếp dỡ hiện đại, chuyên dụng công- ten- nơ từ các nước phát triển như Nhật Bản, Đức, Hà Lan... áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý, xếp dỡ nên năng suất tương đương các cảng biển khu vực Đông Nam Á.    Về dịch vụ hàng hải và vận tải biển, đến nay, Hải Phòng có trên 100 doanh nghiệp dịch vụ hàng hải, 23 cơ sở, trong đó có nhiều doanh nghiệp đóng tàu lớn, năng lực đóng mới và sửa chữa tăng lên rõ rệt, đóng thành công và bàn giao cho các chủ tàu trong nước, nước ngoài nhiều loại tàu như tàu hàng 56.200 tấn, tàu chở khí Ethylen 4.500 m3, tàu công trình (tàu cuốc 1500 m3/giờ; tàu hút bùn 2800 m3/giờ); tàu chở dầu, tàu chở hóa chất đến 13.000 DWT; tàu chở xi măng 16.800 DWT; tàu chở công ten nơ từ 700 đến 1700 TEU; thiết bị ụ nổi 9.600 tấn; kho nổi chứa xuất dầu 150.000 DWT. Trong khoảng thời gian hơn 10 năm, đóng tàu trở thành một ngành công nghiệp mũi nhọn của thành phố, tạo việc làm cho hàng vạn lao động, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế của Hải Phòng.    Ngành vận tải biển cũng phát triển nhanh chóng khi đến năm 2012, tổng số tàu đăng ký tại Hải Phòng là 1.100 chiếc, chiếm 62% tổng số tàu đăng ký trong toàn quốc và 65% tổng số tấn trọng tải của đội tàu Việt Nam. Số lượng tàu hoạt động tăng cả về quy mô, cự ly tuyến hoạt động, trong đó có cả tàu 53.000 tấn cũng được đưa vào khai thác. Tuyến vận tải biển được mở ra trên toàn thế giới từ châu Âu, châu Mỹ tới châu Phi, châu Úc..., đặc biệt là tuyến vận tải hàng công ten nơ, hàng khô.    Ngoài ra, với lợi thế về địa lý, nhu cầu vận chuyển hàng hóa, nguồn nhân lực hàng hải chất lượng cao, Hải Phòng là sự lựa chọn hàng đầu đối với các hãng biển nước ngoài mở tuyến hàng hải khai thác tại thị trường vận tải Việt Nam, đã có trên 20 hãng tàu biển nước ngoài đã mở văn phòng đại diện và tham gia vào chuỗi dịch vụ cung ứng hàng hóa tại khu vực cảng biển Hải Phòng.    PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG CẢNG BIỂN BỀN VỮNG THEO MÔ HÌNH CẢNG XANH    Trên cơ sở thực hiện Nghị quyết số 32-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về “Xây dựng và phát triển TP. Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và Chương trình triển khai thực hiện Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và BVMT biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, TP đã xây dựng và triển khai các nhiệm vụ trọng điểm theo hướng phát huy tối đa các nguồn lực, lợi thế để xây dựng Hải Phòng trở thành TP cảng xanh, văn minh, hiện đại, trung tâm dịch vụ, công nghiệp lớn có sức cạnh tranh cao. Để đạt được mục tiêu này, Hải Phòng cần triển khai thực hiện các giải pháp:    Thứ nhất, xây dựng thương hiệu cảng biển Hải Phòng bền vững theo mô hình cảng xanh.    Hệ thống cảng biển tại TP. Hải Phòng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế của TP. Hải Phòng và khu vực phía Bắc. Tuy nhiên, qua 30 năm đổi mới, mô hình hệ thống cảng biển hiện tại không đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa trong thời kỳ hội nhập thương mại quốc tế. Vì vậy, TP. Hải Phòng cần có một khu vực cảng biển mới, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trên thế giới trong công tác quản lý, vận hành và cân bằng được mục tiêu phát triển kinh tế và BVMT, tận dụng tối đa những điều kiện thuận lợi hiện có nhằm phát triển kinh tế, duy trì phát triển bền vững và nâng cao chất lượng sống cho người dân trong khu vực.    Để xây dựng thương hiệu cảng xanh bền vững, Hải phòng cần xây dựng các tiêu chí về cảng sinh thái, với các tiêu chí như tuân thủ các quy định về BVMT và sử dụng tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm hướng tới phát triển bền vững. Ngoài ra, cần kiểm soát về khói, bụi tại cảng bằng việc đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến. Quản lý nguồn nước cũng là việc cần chú ý vì cảng biển sẽ sử dụng một khối lượng lớn nước ngọt phục vụ trong hoạt động sản xuất. Do đó, phải xây dựng kế hoạch quản lý nguồn nước tổng thể tại cảng, sử dụng hệ thống giám sát nguồn nước. Đặc biệt, phải kiểm soát nước thải, xây dựng các cơ sở tiếp nhận rác thải, tổ chức thu dọn rác thải hàng ngày trên các tàu tại cảng…    Có thể tham khảo những mô hình cảng xanh trên thế giới như Long Beach là một trong các cảng biển hàng đầu của nước Mỹ. Đây cũng là cảng tiên phong trong lĩnh vực vận chuyển hàng hóa và BVMT trên thế giới. Tổng giá trị hàng hóa thông qua cảng mỗi năm ước tính đạt hơn 100 tỷ USD, trở thành cảng biển sầm uất thứ hai của nước Mỹ. Cảng Long Beach đã áp dụng chính sách cảng xanh (Green Port Policy) và nó đã hỗ trợ tích cực trong việc làm giảm thiểu và loại bỏ các tác động tiêu cực đến môi trường. Đồng thời, cảng cũng đóng vai trò xúc tác cho các chương trình sáng kiến môi trường, bảo vệ cộng đồng khỏi các tác động tiêu cực từ môi trường do quá trình khai thác cảng phát sinh, duy trì và phục hồi các hệ sinh thái dưới nước, giảm thiểu các loại khí thải có hại từ các hoạt động của cảng…    Thứ hai, tăng cường nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế bền vững trong thời kỳ hội nhập.    Tổ chức các lớp bồi dưỡng về phát triển kinh tế biển, đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành hàng hải. Đồng thời, tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo nâng cao kỹ năng chuyên môn, ngoại ngữ và đào tạo nghề.Phối hợp với các viện nghiên cứu, trường cao đẳng, đại học chuyên về dịch vụ hàng hải và kinh tế biển tham gia vào công tác đào tạo nhân lực. Mời các chuyên gia giỏi về chuyên môn, có kinh nghiệm thực tế tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn cho tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực hàng hải. Hải Phòng phát huy tối đa các nguồn lực, lợi thế để xây dựng TP cảng xanh    Thứ ba, đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường.    Cảng vụ hàng hải Hải Phòng tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về BVMT biển tới tất cả các đối tượng quản lý, với nhiều hình thức và nội dung phong phú thiết thực hơn. Đặc biệt, chú ý tuyên truyền phổ biến pháp luật tới người điều khiển phương tiện như các thuyền trưởng tàu biển, thuyền trưởng phương tiện thủy nội địa và những người trực tiếp tham gia giao thông, tham gia hoạt động hàng hải trong khu vực cảng biển Hải Phòng. Nội dung tuyên truyền được chuẩn bị chu đáo, ngắn gọn, dễ hiểu và phù hợp với từng đối tượng; hình thức tuyên truyền được tổ chức thực hiện trên tất cả các mặt như in phân phát tờ rơi, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, đưa lên trang Website của cơ quan, nhưng đặc biệt hiệu quả là Cảng vụ đã mời trực tiếp thuyền trưởng tàu biển, thuyền trưởng phương tiện thủy nội địa đến cơ quan Cảng vụ để được hướng dẫn về hoạt động hàng hải trong khu vực Cảng biển Hải Phòng và tuyên truyền phổ biến các văn bản có liên quan về BVMT. Ngoài ra, Cảng vụ hàng hải Hải Phòng tăng cường công tác kiểm tra giám sát hoạt động hàng hải trong khu vực. Cụ thể như:    Phối hợp với các lực lượng Biên Phòng, Cảnh sát giao thông đường thủy, Thanh tra giao thông kiểm tra xử lý các trường hợp neo đậu gây mất an toàn hàng hải, an ninh hàng hải trên luồng;    Kiểm tra tàu nước ngoài theo đúng thỏa thuận Tokyo Mou và tăng cường kiểm tra tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến quốc tế, tuyến nội địa và yêu cầu tàu khắc phục trước khi tàu rời cảng nếu có khiếm khuyết;    Chủ trì phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước tại cảng kiểm tra, xử lý giải quyết những vần đề phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện quản lý hoạt động hàng hải trong khu vực.    Thứ tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong quản lý, giám sát luồng hàng hải.    Cảng vụ hàng hải Hải Phòng cần triển khai lắp đặt và vận hành có hiệu quả các hệ thống trợ giúp giám sát hoạt động hàng hải trong khu vực quản lý như hệ thống nhận dạng tự động AIS, trạm Radar bờ, hộp đen VDR, máy thu, phát vô tuyến điện tại trụ sở Cảng vụ và tại Đại diện Cảng vụ hàng hải Hải Phòng tại Cát Hải nhằm tăng cường quản lý an toàn hàng hải, đặc biệt là quản lý an toàn trong luồng hẹp, khu vực có mật độ tàu, thuyền ra vào, neo đậu lớn. Qua đó, nâng cao năng lực trong công tác quản lý lưu thông hàng hải, an toàn hàng hải cũng như công tác quản lý tàu thuyền ra, vào cảng biển, đồng thời phục vụ tốt hoạt động tìm kiếm cứu nạn của Cảng vụ hàng hải Hải Phòng.    Thứ năm, đẩy mạnh quảng bá, hợp tác quốc tế và phát triển thị trường. Công tác tuyên truyền hình ảnh TP. Hải Phòng thời gian tới cần có tính sáng tạo và chuyên nghiệp, tiếp tục đổi mới hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại gắn với chiến lược phát triển thị trường. Tập trung vào các thị trường truyền thống. Xây dựng chiến lược hướng tới các thị trường có nền kinh tế phát triển như Đông Bắc Á, Bắc Mỹ và châu Âu. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin cho các hoạt động quảng bá xúc tiến thương mại quốc tế, mở rộng quan hệ song phương và đa phương. Tổ chức các hội thảo quốc tế về xúc tiến thương mại, tiến hành khảo sát các thị trường nước ngoài.       XUÂN TRƯỜNG (Nguồn: Tạp chí Môi trường số 4/2015)  
Ý kiến của bạn