Giảm 71% lượng BOD qua xử lý bùn thải bể tự hoại
15/09/2015
Mới đây, Bộ Xây dựng đã phối hợp với Bộ Môi trường Nhật Bản tổ chức Hội thảo chuyên đề Quản lý bùn thải từ hệ thống thoát nước. Theo nhận định của các chuyên gia, với điều kiện của Việt Nam hiện nay, cách hiệu quả nhất để giảm ô nhiễm môi trường là xử lý bùn thải từ hệ thống bể tự hoại (BTH).
Thiếu cơ sở pháp lý để quản lý bùn thải
Theo ông Nguyễn Hồng Tiến - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), hiện nay ở Việt Nam nhiều nhà máy xử lý nước thải (XLNT) lớn đã được xây dựng, góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường. Song vấn đề bùn thải phát sinh từ hệ thống thu gom, nhà máy XLNT hiện mới chỉ được xử lý sơ bộ hoặc không được xử lý đang gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về xử lý bùn thải (XLBT) còn thiếu nên thậm chí nhiều nơi bùn thải không được xử lý, đổ thẳng ra môi trường.
Ông Phạm Ngọc Hải - Chủ tịch Hội đồng thành viên Cty Urenco Hà Nội cho biết, hiện các cơ quan quản lý nhà nước chưa đưa ra được khung thể chế cụ thể cho hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý phân bùn BTH, bao gồm cả chế tài xử phạt. Cơ sở hạ tầng cũng chưa đảm bảo cho hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý phân bùn BTH. Vì vậy, công tác thu gom, XLBT ở Hà Nội gặp rất nhiều khó khăn, rất nhiều đơn vị tư nhân tham gia thu gom, nhưng đều là hoạt động mang tính tự phát…
Theo các chuyên gia Nhật Bản, cách giảm ô nhiễm môi trường nhanh và hiệu quả nhất là cần tập trung vào việc xử lý BTH, vì bùn thải thu gom được chủ yếu hiện nay ở Việt Nam là bùn BTH và bùn nạo vét cống rãnh, mương hồ. Trong khi đó, hệ thống BTH tại các đô thị ngày càng nhiều và đều xả thẳng ra hệ thống thoát nước chung. Kết quả nghiên cứu của ông Harada Hidenori (Đại học Tokyo) tại Hà Nội cho thấy, trung bình có 68% số hộ là không hút bùn BTH sau hơn 5 năm và có 89,6% là chưa hút bùn BTH lần nào. Phần lớn, người dân chỉ hút bùn BTH khi có vấn đề. Dịch vụ hút bùn cũng không được kiểm soát và vấn đề xử lý hay thải bỏ không rõ ràng dẫn đến ô nhiễm môi trường.
Nghiên cứu cũng cho thấy, thời gian hút bùn càng ngắn thì ô nhiễm càng giảm. Nếu BTH được hút bùn định kỳ hàng năm có thể giảm tỷ lệ BOD xuống tới 71% so với điều kiện hiện tại. Như vậy, nếu quản lý được việc hút bùn BTH có vai trò quan trọng trong việc giảm ô nhiễm môi trường.
Cần hoàn thiện cơ sở pháp lý về xử lý bùn thải
Theo kinh nghiệm của Nhật Bản và nhiều nước khác cho thấy, muốn xử lý bùn thải cần phải có một hệ thống pháp luật để quản lý vấn đề này một cách hiệu quả. Ông Yamamoto Hiroyuki - Bộ Môi trường Nhật Bản nhận định, muốn XLBT, trước tiên phải có một hệ thống pháp lý và xây dựng năng lực kỹ thuật để XLBT một cách bền vững.
Như ở Nhật, toàn bộ việc XLBT đều được kiểm soát bằng luật: Việc quản lý phân bùn BTH được theo dõi 3 lần/năm và được kiểm tra cũng như loại bỏ bùn hàng năm. Các dịch vụ hút bùn đều phải được chính quyền địa phương phê duyệt và cấp phép. Chính quyền cũng có trách nhiệm tiếp nhận, quan trắc, xử lý bùn…
Hay như ở Malaixia, chính phủ đã xây dựng các quy định, quy chế pháp luật trong việc XLBT. Để đảm bảo việc thực hiện hút bùn BTH định kỳ của người dân, Malaysia cũng đã cho xây dựng một hệ thống dữ liệu BTH, đồng thời tăng tiền phạt lên mức hơn 1.600USD nếu người dân không thực hiện hút BTH ít nhất 3 năm/lần.
Ông Phạm Ngọc Hải đề xuất, muốn XLBT hiệu quả, cần phải có một cơ chế quản lý hợp lý đối với phân bùn BTH ngay từ khâu thiết kế và xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho đến công tác thu gom, vận chuyển và xử lý triệt để loại chất thải này.
Để quản lý bùn thải từ hệ thống thoát nước ở các đô thị, Bộ Xây dựng đã giao cho Viện Môi trường đô thị và công nghiệp Việt Nam (INEV) thuộc Hiệp hội Môi trường Đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam chủ trì thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng dự thảo quy chế thu gom, vận chuyển, quản lý phân bùn BTH, bùn cặn hệ thống thoát nước và bùn thải công trình XLNT đô thị”.
Theo baoxaydung.com.vn