Banner trang chủ

Giải pháp xử lý nước thải tại các khu, cụm công nghiệp

15/09/2015

      Quá trình phát triển công nghiệp nói chung và hệ thống các khu công nghiệp nói riêng ở Việt Nam đang tạo ra nhiều thách thức lớn về ô nhiễm môi trường do chất thải rắn, nước thải và khí thải công nghiệp.   Khu bể nước đã qua xử lý làm sạch, đạt tiêu chuẩn cho phép của Nhà máy xử lý nước thải tập trung tại Khu công nghiệp Hòa Xá, Nam Định        Theo PGS. TS. Nguyễn Việt Anh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trường, Đại học Xây dựng: Nguyên nhân các Khu công nghiệp - Cụm công nghiệp (KCN-CCN) thiếu nhà máy xử lý nước thải chủ yếu là do nhà đầu tư chưa thực sự quan tâm và do cơ chế, chính sách, chế tài xử phạt chưa đủ mạnh. Nguồn vốn đầu tư cho các hoạt động bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp hạn chế, do doanh nghiệp cố gắng giảm giá thành sản phẩm và ưu tiên tăng lợi nhuận tài chính. Các doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm về bảo vệ môi trường. Các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng KCN khó tiếp cận các nguồn vốn thích hợp để đầu tư xây mới và mở rộng các khu xử lý nước thải tập trung.      Trên thực tế, nếu chỉ trông vào nguồn thu phí thu gom, xử lý nước thải từ các nhà đầu tư, thì chủ đầu tư hạ tầng các KCN khó có thể bù đắp được các chi phí cho việc xây dựng và vận hành hệ thống thu gom, trạm bơm, trạm xử lý tài liệu của KCN. Rủi ro càng cao khi trạm xử lý nước thải phải được xây dựng trước khâu các nhà đầu tư xem xét vào KCN, CCN. Năng lực và các nguồn lực cần thiết của hệ thống các cơ quan quản lý cũng như lực lượng giám sát thi hành luật pháp về bảo vệ môi trường chưa đủ mạnh để đáp ứng nhu cầu công tác thực tế; phương tiện và thiết bị phục vụ quan trắc ô nhiễm nước thải công nghiệp vừa thiếu vừa lạc hậu. Ngoài ra, hệ thống văn bản pháp lý về quản lý ô nhiễm nước thải công nghiệp còn chồng chéo và có những khoảng trống.      PGS. TS. Nguyễn Việt Anh đã đề xuất một số giải pháp nhằm kiểm soát và cải thiện tình hình, trước hết là đối với các chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật của KCN chỉ nên tiếp nhận các dự án có công nghệ sản xuất hiện đại, công nghệ cao hoặc ít gây ô nhiễm; các dự án áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn, công nghệ thân thiện môi trường. Dựa trên cơ sở quy chuẩn môi trường, chủ đầu tư xây dựng kinh doanh và hạ tầng KCN xây dựng nội quy cụ thể về nước thải, khí thải, chất thải rắn áp dụng cho các khách hàng trong KCN. Các doanh nghiệp thuê đất tại KCN đều phải tuân thủ các quy định về xử lý nước thải sơ bộ.      Tại các tuyến cống thu gom nước thải từ các nhà đầu tư, cần có các giếng thăm cho phép tiếp cận và lấy mẫu, quan trắc lưu lượng và chất lượng nước thải từ các nhà máy trong KCN. Chủ đầu tư hạ tầng KCN cần thỏa thuận rõ ràng với các nhà thầu về chất lượng nước đầu vào trạm XLNT, các biện pháp kiểm tra, xử lý sự cố. Các doanh nghiệp định kỳ báo cáo kết quả quan trắc kiểm soát chất lượng nước thải, khí thải, tình hình quản lý chất thải rắn và chất thải nguy hại cho cơ quan quản lý môi trường địa phương và gửi báo cáo cho đơn vị quản lý hạ tầng KCN. Tiến hành kiểm tra định kỳ 2 lần/năm toàn bộ hệ thống thoát nước, xử lý nước thải của các doanh nghiệp, để có thông tin và đưa ra các giải pháp xử lý thiết thực.      Các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường cần tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng và chủ đầu tư các KCN, CCN, các doanh nghiệp về bảo vệ môi trường, kiểm soát ô nhiễm.      Xây dựng quy trình cụ thể, rõ ràng về trách nhiệm và quyền hạn của lực lượng Cảnh sát Môi trường, sự phối hợp với các cơ quan khác như: Thanh tra, Chi cục Bảo vệ môi trường địa phương, các chế tài xử lý vi phạm. Xây dựng các chương trình, dự án tăng cường năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý môi trường một cách dài hạn, bài bản, có hệ thống, kết hợp với trang bị các phương tiện và thiết bị phù hợp phục vụ quan trắc ô nhiễm nước thải công nghiệp. Ứng dụng các công nghệ hiện đại trong quan trắc môi trường, cảnh báo và phát hiện sự cố ô nhiễm như GIS, SCADA…      Xây dựng bộ chỉ số, chỉ tiêu ô nhiễm đặc thù cho các loại hình sản xuất, cho các KCN, CCN để có được thông tin xác thực về sự tuân thủ quy định và các trường hợp vi phạm, với thời gian nhanh nhất và chi phí ít nhất…   Theo vietnamplus.vn    
Ý kiến của bạn