Giải pháp bảo tồn, phát triển bền vững nguồn lợi ven biển quần đảo Cát Bà
15/09/2015
Quần đảo Cát Bà (Hải Phòng) được Tổ chức Văn hóa Khoa học Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là khu dự trữ sinh quyển (KDTSQ) thế giới vào ngày 19/12/2004. Tháng 10/2013, Đoàn Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) làm việc tại Hải Phòng thẩm định hồ sơ đề cử quần đảo Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới. Theo báo cáo trong hồ sơ đề cử, KDTSQ Cát Bà đáp ứng đầy đủ tiêu chí cần có của Di sản tự nhiên thế giới về sinh thái học và đa dạng sinh học, gồm: các hệ sinh thái biển - đảo nhiệt đới, cận nhiệt đới điển hình của châu Á. Tuy nhiên, trong tiến trình để quần đảo Cát Bà được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, còn tồn tại một số khó khăn, trong đó nổi cộm nhất là nguồn lợi ven biển Cát Bà đang bị suy giảm nghiêm trọng, một số loài động vật đáy thân mềm trở nên khan hiếm, rạn san hô phát triển nghèo nàn, cần có kế hoạch bảo tồn, phát triển bền vững giá trị tài nguyên sinh vật ven biển quần đảo Cát Bà.
Hiện trạng nguồn lợi ven biển quần đảo Cát Bà
Theo kết quả điều tra hiện trạng rạn san hô và nguồn lợi động vật đáy thân mềm quý hiếm quần đảo Cát Bà do Viện Nghiên cứu Hải sản thực hiện năm 2011-2013 cho thấy, có 61/132 loài san hô, thuộc 26 giống, 11 họ san hô cứngđang bị suy giảm nghiêm trọng.
Từ năm 1993 đến 2011, thành phần loài (họ, giống, số loài) san hô cứng suy giảm khoảng 46%. Như vậy có thể thấy, một số diễn biến tác động bất lợi đến quần thể loài san hô cứng trong một thời gian dài khiến một số giống, loài san hô có thể biến mất hoặc trở nên khan hiếm. Bên cạnh đó, độ phủ san hô cứng từ năm 1993 đến 2011 cũng giảm nghiêm trọng tới 64,58%. Khu rạn san hô quần đảo Cát Bà được cảnh báo là 1 trong 4 khu vực (Cô Tô, Lý Sơn, Cát Bà, Nam Yết) có sự suy thoái nghiêm trọng trong tổng số 19 khu rạn san hô ven biển Việt Nam (Bảng).
Quần đảo Cát Bà
Ngoài ra, nguồn lợi các loài động vật đáy thân mềm có giá trị kinh tế, quý hiếm đang suy giảm cả về thành phần loài và trữ lượng nguồn lợi, ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị đa dạng sinh học (đã xác định được 13 loài: trai ngọc, trai môi đen,vẹm xanh, tu hài, trai ngọc nữ, bàn mai đen, ốc đụn, ốc đụn đực, ốc đụn cái, ốc hương, bào ngư chín lỗ, hải sâm cát, hải sâm đen đang trong tình trạng nguy cấp). Trong đó, hai loài tu hài và vẹm xanh là loài đặc trưng và phổ biến tại ven biển quần đảo Cát Bà nhưng hiện nay có mật độ rất thấp và hiếm gặp trong tự nhiên. Hai loài quý hiếm và có giá trị kinh tế cao như bào ngư, ốc đụn cái đã bị tuyệt chủng.
Các nguyên nhân suy giảm nguồn lợi ven biển
Tác động do quá trình lắng đọng trầm tích: Quần đảo Cát Bà nằm gần cửa sông lớn như cửa Cấm, cửa Bạch Đằng và cửa Lục. Do đó, môi trường nước khu vực này chịu tác động mạnh mẽ của khối nước lục địa, các rạn san hô và các vùng ven đảo ở xung quanh đảo này thường bị trầm tích phù sa bồi lắng, bao phủ. Xói lở trầm tích, lắng đọng trầm tích được xác định như là một trong những tác nhân chính ảnh hưởng đến khu vực sinh sống của rạn san hô và các loài động vật đáy ven biển Cát Bà.
Khai thác san hô và hải sản quá mức: Một trong những nguyên nhân lớn tác động đến nguồn lợi động vật đáy quý hiếm và có giá trị kinh tế tại khu vực quần đảo Cát Bà là việc khai thác hải sản phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu các sản vật từ biển đã tác động rất lớn tới hầu hết các loài hải sản đặc hữu và có giá trị kinh tế cao. Các hình thức khai thác hải sản như lặn dùng vòi hơi, nghề câu, lưới rê, dùng thuốc độc... là những tác động chính làm cạn kiệt nguồn lợi động vật đáy thân mềm. Bên cạnh đó, việc khai thác trái phép san hô để làm cảnh cũng làm suy giảm các loài san hô trong khu vực.
Phá vỡ quy hoạch nuôi trồng thủy hải sản: Tác động rõ nét nhất đến môi trường biển vùng nước ven biển quần đảo Cát Bà là nuôi trồng hải sản trên biển nhằm đáp ứng nhu cầu địa phương và du lịch. Các số liệu thống kê cho thấy, tại Cát Bà, số ô lồng nuôi cá đã tăng liên tục từ 8.000 ô lồng năm 2005 lên đến gần 12.000 ô lồng năm 2009 (Báo cáo của UBND TP. Hải Phòng, 2010). Số lượng lồng bè này đã vượt xa số lượng lồng bè dự kiến quy hoạch tới năm 2015 và 2020, dựa trên tính toán theo sức chịu tải môi trường tại khu vực.
Bào ngư chín lỗ là loài động vật đáy thân mềm quý hiếm ở quần đảo
Cát Bà đang trong tình trạng nguy cấp cần có biện pháp bảo tồn
Thêm vào đó, với mật độ các hộ nuôi bè cao, rác thải sinh hoạt hàng ngày từ nuôi trồng thủy sản tập trung đã làm ô nhiễm nguồn nước. Sự phú dưỡng trong nước biển đã gây ra những đợt ô nhiễm lớn, là cơ sở tạo ra các đợt bệnh dịch thủy sản tràn lan, các đợt thủy triều đỏ, (được coi là hệ quả tất yếu của quá tải lồng bè nuôi) gây hủy hoại môi trường sống của nhiều loài động vật đáy thân mềm ven biển.
Phát triển du lịch biển và các dịch vụ kèm theo: Phát triển du lịch sinh thái biển dựa vào hệ sinh thái rạn san hô đang được coi như là hướng đi quan trọng để phát triển kinh tế đảo. Tuy nhiên, phát triển du lịch còn có tác động tiêu cực đến các hệ sinh thái với các nguy cơ từ việc xả thải rác gây ô nhiễm môi trường biển.
Đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững nguồn lợi ven biển
Kết quả nghiên cứu khoa học đánh giá hiện trạng nguồn lợi, phân tích xu thế biến động tài nguyên sinh vật biển là cơ sở khoa học quan trọng cho các nhà quản lý định hướng duy trì, phát triển bền vững nguồn lợi ven biển Cát Bà. Để bảo tồn, phát triển bền vững giá trị tài nguyên sinh vật ven biển quần đảo Cát Bà, các chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu Hải sản đã đề xuất các giải pháp:
Thiết lập Khu bảo tồn biển: Đẩy mạnh việc thiết lập khu bảo tồn biển Cát Bà, xây dựng hạ tầng, thiết lập chế tài quản lý, triển khai bảo tồn đa dạng sinh học là điều kiện thuận lợi cho các hoạt động bảo tồn và phục hồi rạn san hô và phát triển nguồn lợi các loài sinh vật biển đang đị đe dọa.
Nâng cao nhận thức tại các cộng đồng địa phương: Tổ chức và khuyến khích cư dân ven biển tham gia vào việc quản lý, bảo vệ rạn san hô, đồng thời thực hiện giám sát và sử dụng bền vững nguồn lợi biển và ven bờ, nhằm cải thiện năng lực cộng đồng địa phương đối với bảo tồn và phát triển nguồn lợi.
Tái tạo nguồn lợi ven biển: Thiết lập các chương trình thả rạn san hô nhân tạo, trồng phục hồi san hô cứng tại các vùng suy thoái nghiêm trọng. Định hướng kế hoạch sinh sản nhân tạo, thả giống nuôi phục hồi và phát triển nguồn lợi trong tự nhiên phù hợp với điều kiện sinh thái môi trường từ nhiên tại khu vực ven biển quần đảo Cát Bà. Bảo tồn khôi phục 2 loài động vật thân mềm có giá trị kinh tế cao, quý hiếm trong tự nhiên như bào ngư chín lỗ, ốc đụn cái tại Cát Bà.
Trần Tân
Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 6/2014