Banner trang chủ

DANANG RIVERWATCH - Mô hình cộng đồng giám sát chất lượng nguồn nước

15/09/2015

   Danang RiverWatch là một mô hình cộng đồng kết hợp giữa năm đối tượng: Sinh viên, nhà nghiên cứu, chính quyền, người dân và các tổ chức cộng đồng nhằm chung tay giám sát, kiểm soát, BVMT nước tại khu vực Quảng Nam - Đà Nẵng. Với lực lượng sinh viên chuyên ngành môi trường là thành phần trọng tâm đóng vai trò nhân tố lan tỏa , mô hình còn là phương thức đổi mới giáo dục đại học, “học thông qua làm”, giúp sinh viên áp dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn và đem lại lợi ích cho cộng đồng.    Từ ý tưởng ban đầu xây dựng mô hình    Môi trường nước hiện nay đang đối mặt với việc suy giảm số lượng và chất lượng nguồn nước do các tác động của hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và tự nhiên như thiên tai, biến đổi khí hậu... Trước thực trạng đó, việc xây dựng một cộng đồng tích cực và chủ động giám sát, kiểm soát ô nhiễm môi trường nước là một nhu cầu cấp thiết hiện nay và cũng là hướng tiếp cận bền vững trong công tác BVMT nước.    Mô hình cộng đồng chung tay giám sát, kiểm soát chất lượng nước không phải là mô hình mới, ngược lại nó còn được phổ biến tại nhiều nước trên thế giới như River Keeper (1970), RiverWatch, RiverSmart (2001) của Ôxtrâylia, RiverWatch của Canađa (1994), RiverWatch của Mỹ (2005)… Tại TP. Đà Nẵng, Việt Nam, từ một nhóm cộng đồng tự nguyện dưới sự đỡ đầu của hai trường Đại học Sư phạm và Cao đẳng Công nghệ Đà Nẵng thuộc Đại học Đà Nẵng và các tổ chức phi Chính phủ, Trung tâm vì sự phát triển cộng đồng (ACCD) và Liên minh Nước sạch đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) Danang RiverWatch, CLB có sứ mệnh xây dựng và phát triển nhóm cộng đồng chủ động, tích cực trong giám sát chất lượng và kiểm soát ô nhiễm môi trường nước. Điều này thể hiện rõ qua logo của Danang RiverWatch (một con chuồn chuồn nước, một bông hoa sen trên dòng sông xanh) hình ảnh biểu thị của môi trường nước trong sạch và hệ sinh thái khỏe mạnh.    Mô hình hoạt động của CLB Danang RiverWatchhướng tới 3 mục tiêu chính: Nâng cao nhận thức và kỹ năng cho cộng đồng qua các chương trình truyền thông cộng đồng cùng chung tay giám sát và kiểm soát chất lượng nguồn nước sông trên địa bàn Quảng Nam - Đà Nẵng; Xây dựng kênh thông tin chia sẻ cơ sở dữ liệu về hiện trạng chất lượng nguồn nước tại thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam; Triển khai thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học và giảng dạy về môi trường nước.    Với khu vực hoạt động cụ thể là môi trường nước vùng hạ lưu sông Vu Gia - Thu Bồn thuộc địa phận Quảng Nam - Đà Nẵng, mô hình đã dần đi vào thực tế và đạt những thành tựu nhất định. Mô hình cộng đồng của CLB Danang RiverWatch    Nguyên tắc xây dựng mô hình CLB Danang RiverWatch    Điểm nổi bật của mô hình CLB Danang RiverWatch là tận dụng nguồn lực sinh viên để xây dựng và kết nối các nguồn lực cộng đồng chung tay giám sát, kiểm soát chất lượng nguồn nước.    Hiện nay, trong nhà trường, sinh viên đã thực hiện rất nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, khóa luận về môi trường, tuy nhiên các đề tài đó chỉ dừng lại ở lý thuyết mà chưa được áp dụng vào thực tế.    Từ thực trạng trên, mô hình Danang RiverWatch đã ra đời với mục đích để sinh viên áp dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn, thực hiện những nghiên cứu, dự án đem lại lợi ích cho cộng đồng và môi trường sống xung quanh.    Nhờ sự hỗ trợ của giảng viên, các nhà nghiên cứu, Danang RiverWatch thực hiện các đề tài khoa học về quan trắc môi trường nước, công nghệ xử lý ô nhiễm nước dựa trên các nguyên tắc sinh thái, giáo dục và truyền thông BVMT nước có tính chính xác và thực tiễn cao. Từ kết quả nghiên cứu đó, CLB kết hợp với chính quyền địa phương, người dân và các tổ chức phi Chính phủ, tổ chức cộng đồng thử nghiệm và áp dụng mô hình vào thực tế. Khi mô hình đạt kết quả sẽ triển khai lan rộng và phát triển một nhóm cộng đồng RiverWatch tại địa phương cùng chung tay giám sát, kiểm soát, bảo vệ nguồn nước.   Bước đầu quan trắc các nguồn thải chính gây ô nhiễm môi trường nước mặt tại xã Cẩm Thanh, TP. Hội An   Xây dựng chương trình giáo dục BVMT nước dành cho học sinh THCS nhằm kiểm soát ô nhiễm tại rừng dừa nước xã Cẩm Thanh, TP. Hội An   Phát động mọi người cùng nhau thu gom rác thải, làm sạch môi trường nước sông Trường Giang (Quảng Nam)     Nghiên cứu sử dụng thông số DO-24 giờ để đánh giá nguy cơ phú dưỡng của hệ sinh thái thủy sinh    Một số thành tựu của CLB Danang RiverWatch    Hiện nay, CLB Danang RiverWatch đã thực hiện hơn 10 dự án về môi trường nước và xây dựng được các nhóm cộng đồng nhỏ trên địa bàn khu vực Quảng Nam - Đà Nẵng. Danang RiverWatch đã xây dựng được 3 nhóm cộng đồng chủ lực tại 3 địa phương: xã Cẩm Thanh, TP. Hội An; xóm Lạc Câu, huyện Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam) và quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng.    Đối với xã Cẩm Thanh, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam, nhóm đã thực hiện 5 dự án liên quan đến môi trường nước. Đầu tiên là xác định các vấn đề môi trường nước tại địa phương, tiếp theo là điều tra nhận thức và sự quan tâm của cộng đồng về môi trường nước bản địa; xây dựng chương trình quan trắc chất lượng nước mặt cùng với cộng đồng địa phương… Tiếp đến, xây dựng một cộng đồng chủ động, tích cực có khả năng nhận biết dấu hiệu ô nhiễm nước bằng cảm quan và chung tay bảo vệ nguồn nước tại Khu du lịch sinh thái rừng dừa Bảy Mẫu, Cẩm Thanh, TP. Hội An. Điều này cũng phù hợp với mục tiêu của chính quyền Hội An trở thành “Thành phố sinh thái” vào năm 2030.    Kết hợp với sinh viên trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng, Danang RiverWatch đã bắt đầu xây dựng một nhóm cộng đồng BVMT nước tại sông Trường Giang (Quảng Nam) thông qua Chương trình “Xây dựng chương trình truyền thông giảm thiểu ô nhiễm nước sông Trường Giang từ thói quen sinh hoạt của người dân tại xóm Lạc Câu, xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam”. Qua các hoạt động điều tra, phỏng vấn nhằm tìm hiểu về các nguyên nhân gây ô nhiễm nước tại địa phương, nhóm đã xây dựng một chương trình truyền thông bảo vệ nguồn nước và vận động người dân địa phương thu dọn rác, trả lại sự trong sạch cho sông Trường Giang.    Tận dụng nguồn lực sinh viên làm nghiên cứu khoa học, khóa luận trong nhà trường, nhóm cũng đã thực hiện một số dự án chủ yếu về quan trắc chất lượng nguồn nước và công nghệ sinh thái xử lý ô nhiễm nước tại Đà Nẵng như: Nghiên cứu sử dụng thông số DO-24 giờ để đánh giá nguy cơ phú dưỡng của hệ sinh thái thủy sinh; Nghiên cứu khả năng xử lý nước thải sinh hoạt của cỏ vetiver trên mô hình Wetland nổi. Đặc biệt, nhóm đang thực hiện dự án “River bicycle tour - Du lịch truyền thông BVMT nước” nhằm mục đích kết nối các bạn sinh viên, người dân Đà Nẵng và du khách cùng tìm hiểu môi trường nước và chung tay BVMT nước tại Đà Nẵng.    Đến nay, CLB Danang RiverWatch đã xây dựng 3 nhóm cộng đồng BVMT nước trên khu vực Quảng Nam - Đà Nẵng, phù hợp sứ mệnh xây dựng và phát triển nhóm cộng đồng chủ động, tích cực trong giám sát chất lượng và kiểm soát ô nhiễm môi trường nước. Với sự hỗ trợ của giảng viên trong trường, chính quyền địa phương và các tổ chức cộng đồng, nhóm sẽ triển khai các dự án tiếp theo như “Cộng đồng tiếp cận thực trạng ô nhiễm nước và xây dựng chương trình quan trắc nước tại xã Cẩm Thanh, TP. Hội An”, “Cù Lao Xanh - Xây dựng và phát triển cộng đồng tích cực BVMT nước tại Cù Lao Chàm”… cũng như duy trì, phát triển cộng đồng tại 3 địa bàn đã triển khai nhằm giám sát và kiểm soát chất lượng nước liên vùng.    Không như các CLB môi trường khác, dựa trên thế mạnh chuyên môn và lực lượng nòng cốt của mình, Danang RiverWatch xác định mảng hoạt động hẹp, chỉ chuyên về quan trắc kiểm soát và truyền thông cộng đồng về ô nhiễm môi trường nước. Những kết quả ban đầu của CLB môi trường Danang RiverWatch đang trở thành niềm hy vọng cho những người sáng lập, các chuyên gia cố vấn, tổ chức tài trợ và toàn thể thành viên CLB. Thách thức đặt ra cho CLB là duy trì bền vững các nhóm cộng đồng đã thành lập, hướng đào tạo lớp sinh viên - thành viên CLB sau khi ra trường để trở thành các chuyên gia môi trường vươn ra tầm quốc tế. Hy vọng rằng, trong tương lai, mô hình này sẽ được nhân rộng và triển khai tại nhiều địa phương khác nhau trong cả nước, tạo nên một mạng lưới Vietnam RiverWatch - cộng đồng người dân Việt Nam chung tay BVMT nước và tiến đến sự phát triển bền vững. Đoàn Thanh Phương, Lê Thị Mai Hạnh Khoa Sinh - Môi trường, Đại học Sư phạm Đà Nẵng (Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 7 - 2015)
Ý kiến của bạn