Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để ứng phó với biến đổi khí hậu
15/09/2015
Hiện nay, biến đổi khí hậu đã và đang tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội và môi trường toàn cầu. Việt Nam được đánh giá là một trong số những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước các tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) như hiện tượng hạn hán, bão lũ, tình trạng nước biển dâng, xâm nhập mặn cũng như sự bất thường của lượng mưa và các hình thái thời tiết khác.
Ý thức được tầm quan trọng của các nguồn tài nguyên và môi trường đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, từ nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã xây dựng nhiều cơ chế, chính sách liên quan đến vấn đề quản lý tài nguyên và BVMT, trong đó Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT đã định hướng toàn diện công tác quản lý tài nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050.
Bộ TN&MT với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp về lĩnh vực TN&MT, trong thời gian qua, Bộ đã tích cực nghiên cứu, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai có hiệu quả công tác ứng phó với BĐKH. Cụ thể, Bộ đã hoàn thiện về tổ chức theo hướng tập trung, tổng hợp, thống nhất đầu mối, củng cố, đi vào hoạt động ổn định, ngày càng chuyên nghiệp, có hiệu quả; Chỉ đạo, phối hợp thực hiện các chương trình, chiến lược, kế hoạch quốc gia về BĐKH như: Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH; Chương trình hỗ trợ ứng phó với BĐKH; Đề án “Quản lý phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính”; Chương trình mục tiêu quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Chương trình Giảm phát thải khí nhà kính thông qua các nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, bảo tồn và nâng cao trữ lượng các bon từ rừng (REDD+); Chiến lược, Kế hoạch Quốc gia về tăng trưởng xanh…
Ngoài việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về BĐKH, Bộ TN&MT đã Xây dựng Dự kiến đóng góp do quốc gia tự quyết định (iNDC); Tham gia đàm phán quốc tế về BĐKH; Tăng cường hợp tác quốc tế, thu hút nguồn lực đầu tư, triển khai Kế hoạch châu thổ sông Cửu Long; Xây dựng dự án, công trình quan trọng quốc gia ứng phó với BĐKH đồng bằng sông Cửu Long; Triển khai các nhiệm vụ về khoa học, công nghệ, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo phòng chống thiên tai, chủ động ứng phó với BĐKH; Tăng cường công tác thanh tra, giám sát ứng phó với BĐKH.
Bên cạnh đó, Luật BVMT năm 2014 đã có một chương riêng về BĐKH, góp phần tăng cường cơ sở pháp lý quan trọng để tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác ứng phó với BĐKH; Cơ cấu tổ chức bộ máy của Bộ ngày càng hoàn thiện và đi vào hoạt động hiệu quả; Công tác thanh, kiểm tra giám sát kết quả thực hiện dự án, chương trình, hoạt động ứng phó với BĐKH cũng được đẩy mạnh. Ngoài ra, các bộ tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá hoạt động thích ứng, giảm nhẹ được nghiên cứu xây dựng, tạo bộ lọc ngay từ khi lựa chọn hoạt động ưu tiên, đảm bảo tính trọng tâm, trọng điểm phù hợp với tình hình, bối cảnh phát triển chung; Kết quả nghiên cứu khoa học như xây dựng kịch bản BĐKH, nước biển dâng được triển khai hiệu quả, cập nhật kịp thời; Năng lực cảnh báo, dự báo thiên tai đã được quan tâm đầu tư và đã bước đầu phát huy hiệu quả, đáp ứng yêu cầu chủ động phòng, tránh để giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai. Trong năm 2015, Bộ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW và triển khai thực hiện Nghị quyết số 853/NQ-UBTVQH13 về kết quả giám sát và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về ứng phó với BĐKH ở đồng bằng sông Cửu Long; Thực hiện các Chương trình, Chiến lược, Kế hoạch quốc gia về ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh; Tập trung triển khai hiệu quả các dự án thành phần thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia, các đề án, dự án đã được phê duyệt; Tổ chức tổng kết kết quả chương trình, đề án, dự án đã triển khai; Xây dựng văn bản nhằm hoàn thiện thể chế cho việc triển khai thực hiện các hoạt động có hỗ trợ quốc tế nhằm giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp điều kiện quốc gia (NAMA) ở Việt Nam...
Có thể nói, công tác ứng phó với BĐKH của Việt Nam ngày càng được mở rộng và đi vào chiều sâu, kết hợp với việc chủ động tham gia đàm phán BĐKH đã nâng cao vị trí, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế. Công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ứng phó với BĐKH đã được quan tâm triển khai; Chương trình giáo dục BĐKH được xây dựng, đưa vào giảng dạy, phổ cập ở các cấp học. Nhiều chương trình bồi dưỡng năng lực, đào tạo trình độ cao về ứng phó với BĐKH (Chương trình đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ về BĐKH và phát triển bền vững) được mở rộng, ngày càng chuyên sâu. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang, để ứng phó với biến đổi khí hậu đòi hỏi cách tiếp cận liên ngành, liên vùng, nhưng việc phối hợp giữa các Bộ, ngành và địa phương vẫn còn hạn chế. Ngoài việc xây dựng và thực hiện Khung chính sách trong khuôn khổ Chương trình SP-RCC thì vẫn chưa xây dựng được cơ chế để điều phối vận hành và các tiêu chí đánh giá việc lồng ghép giữa Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh và Chiến lược Quốc gia về BĐKH. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực và kinh phí phục vụ ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh chưa đáp ứng yêu cầu cả về số lượng và chất lượng, nhiều tổ chức, doanh nghiệp, người dân vẫn chưa có nhận thức đầy đủ về BĐKH và tăng trưởng xanh nên chỉ chú trọng đến tăng trưởng hoặc tăng thu nhập ngắn hạn mà quên các yêu cầu ứng phó với BĐKH, tăng trưởng xanh nhằm phát triển dài hạn và bền vững.
Hiện Bộ TN&MT đang xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định về việc thiết lập hệ thống kiểm kê khí nhà kính quốc gia; Xây dựng dự kiến đóng góp do quốc gia tự quyết định (iNDC); Tập trung xây dựng, trình Chính phủ Dự án Luật Khí tượng Thủy văn; Tiếp tục rà soát, cập nhật, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các nhiệm vụ ứng phó với BĐKH phòng tránh thiên tai, quản lý tài nguyên và BVMT, thúc đẩy Tăng trưởng xanh; Xây dựng Chương trình Hỗ trợ ứng phó với BĐKH (SP-RCC) giai đoạn 2016 - 2020, trong đó, xây dựng, trình Chính phủ phê duyệt Khung chính sách 2016 trong tháng 6/2015 và Chương trình Hỗ trợ ứng phó với BĐKH (SP-RCC) giai đoạn 2016 - 2020 trước tháng 7/2015. Đồng thời, tăng cường mối quan hệ hợp tác quốc tế, huy động nguồn lực ứng phó với BĐKH; Chuẩn bị tốt nội dung cho các cấp Đoàn Việt Nam tham dự các cuộc họp đàm phán về BĐKH, đặc biệt là Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về BĐKH tại COP 21; Tổ chức một số hoạt động đối thoại chính sách giữa Ủy ban quốc gia về BĐKH, Hội đồng tư vấn quốc gia về BĐKH với các nhà tài trợ về các định hướng cơ chế, chính sách quốc gia liên quan đến BĐKH và tăng trưởng xanh, tài chính cho BĐKH phù hợp với tình hình thế giới giai đoạn sau 2015; Thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ ứng phó với BĐKH.
Theo đó, Bộ TN&MT sẽ làm rõ tiềm năng, trữ lượng, giá trị các nguồn tài nguyên, từ đó bảo đảm khai thác, sử dụng hợp lý và hiệu quả, cùng với đó là phục hồi và tái tạo các nguồn tài nguyên, BVMT để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Hoàng Đàn