Cải thiện ô nhiễm trên các sông Sài Gòn và Vàm Cỏ Đông
15/09/2015
Do thực hiện tốt các biện pháp quản lý về môi trường nên chất lượng nguồn nước trên sông Vàm Cỏ Đông và rạch Tây Ninh hiện đã được cải thiện rõ rệt. Riêng nguồn nước sông Sài Gòn ghi nhận có chất lượng tốt vào các đợt quan trắc 2011-2013, do nguồn nước mặt từ đập hồ Dầu Tiếng thường xuyên bổ sung vào. Hiện nước sông Sài Gòn đã đạt mục đích sử dụng cho sinh hoạt (theo chỉ số WQI) và đang được sử dụng làm nước cấp cho Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo kết quả quan trắc hàng ngày của Sở Tài nguyên-Môi trường tỉnh Tây Ninh vào cao điểm mùa khô tại 5 địa điểm: Cầu Bến Sỏi, Cầu Gò Chai (trên sông Vàm Cỏ Đông) Cầu Bến Dầu, Cầu Gió, Cầu Thái Hòa (Trên rạch Tây Ninh) cho thấy, giá trị pH tại các điểm trên giao động từ 6,2 - 6,62 mmg/lít; nhu cầu oxy hóa học COD giao động từ 11 - 15 mmg/lít, (giá trị COD cao nhất cho phép là 15 mmg/lít).
Hàm lượng oxy hòa tan trong nước DO giao động từ 1,22 - 2,39 mmg/lít, chỉ đạt loại B theo quy chuẩn Việt Nam do lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông còn phát triển nhiều, gây cản trở quá trình hòa tan lượng oxy vào nước; đồng thời, cây lục bình cũng lấy đi một lượng oxy khá lớn trong nước trong quá trình hô hấp.
Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Tây Ninh cho biết, hiện toàn tỉnh có 74 nhà máy chế biến tinh bột khoai mỳ (sắn) và 27 cơ sở chế biến mủ cao su với tổng công suất đạt 3 triệu tấn củ khoai mỳ tươi và 175.000 tấn mủ quy khô trên một năm.
Tuy lĩnh vực này đã đóng góp một phần lớn cho ngân sách nhà nước, đồng thời tiêu thụ nguồn nguyên liệu ổn định cho người nông dân nhưng cũng là nguồn gây nhiều ô nhiễm, làm suy giảm chất lượng nguồn nước sông, suối trên địa bàn tỉnh trong thời gian vừa qua.
Sông Vàm Cỏ Đông
Để giải quyết vấn đề này, từng bước cải thiện môi trường nước trên các con sông, rạch nhất là trên các con sông Sài Gòn, Vàm Cỏ Đông, rạch Tây Ninh ở lưu vực đầu nguồn thuộc hệ thống sông Đồng Nai, năm 2008 tỉnh Tây Ninh đã xây dựng lộ trình xử lý triệt để nguồn nước thải công nghiệp theo đề án “Bảo vệ lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2020" của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 3/2/2007.
Theo đó, đến cuối tháng 6/2014 nguồn nước thải từ các cơ sở chế biến trong tỉnh phải đạt tiêu chuẩn loại A mới được xả ra môi trường. Đồng thời, tỉnh tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra phạt nặng đối với các trường hợp lén lút xả nước thải xử lý chưa đạt chuẩn ra sông, suối và môi trường xung quanh.
Theo thông tin từ Sở TN&MT Tây Ninh, tính đến ngày 27/3 trong tổng số 74 cơ sở chế biến tinh bột khoai mì trong tỉnh đã có 59 cơ sở đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải bằng phương pháp sinh học kỵ khí biogas; trong đó, 12 cơ sở đã xây dựng hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải sau biogas đạt loại A, 44 cơ sở đang xây dựng chưa hoàn chỉnh, còn lại 18 cơ sở có khả năng sẽ bị đóng cửa do không xây dựng hệ thống xử lý nước thải kịp thời.
Riêng 27 cơ sở chế biến cao su có 22 cơ sở đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải bằng phương pháp hóa lý đạt loại B theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, năm cơ sở còn lại đang tạm ngưng hoạt động.
Tổng chi phí đầu tư để xử lý nước thải của các nhà máy chế biến tại Tây Ninh trong thời gian qua lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Theo Vietnamplus.vn