12/01/2024
Nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ về việc thực hiện nghiên cứu và thúc đẩy lồng ghép vấn đề khuyết tật trong các chương trình giảm thiểu, thích ứng với BĐKH của quốc gia cũng như TP. Hà Nội, ngày 11/1/2024, Hội Người khuyết tật TP. Hà Nội phối hợp với Đại học Monash (Úc) tổ chức Hội thảo trao đổi về chủ đề “BĐKH, tiếp cận nguồn nước và hòa nhập người khuyết tật tại Việt Nam”. Đây là dịp để các đại biểu thảo luận và thúc đẩy xây dựng các chính sách hỗ trợ người khuyết tật ứng phó với BĐKH.
Hiện nay, tại Việt Nam, chủ đề về BĐKH đang được nhiều cơ quan và tổ chức thảo luận trong các chương trình của quốc gia. Mặc dù chưa có nhiều báo cáo chính thức về sự ảnh hưởng của BĐKH với người khuyết tật nhưng thực tế người khuyết tật được xem là một trong những nhóm người dễ bị tổn thương và bị ảnh hưởng nhiều bởi BĐKH. Các yếu tố về khuyết tật, nghèo đói, sự phân biệt đối xử và giới càng làm cho người khuyết tật phải đối mặt với những tác động tiêu cực của BĐKH.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Đỗ Thị Huyền, Chủ tịch Hội Người khuyết tật TP. Hà Nội cho biết: Những tác động bất lợi của BĐKH tác động không tương xứng đến dân số người khuyết tật toàn cầu. Các sáng kiến môi trường thường không tính đến khuyết tật, kéo dài sự bất bình đẳng và phân biệt đối xử. Người ta dự đoán rằng BĐKH sẽ gây ra khó khăn ngày càng tăng cho người dân khuyết tật (và các nhóm dễ bị tổn thương khác). Khả năng thích ứng, cơ hội sinh kế và khả năng phục hồi đều dự kiến sẽ giảm trong một môi trường thay đổi.
Toàn cảnh Hội thảo
Theo bà Đỗ Thị Huyền, các vấn đề khuyết tật, đói nghèo, và sức chống chịu với BĐKH có sự liên quan sâu sắc. Người khuyết tật thường bị ảnh hưởng nặng nề bởi hậu quả của BĐKH như những biến cố thời tiết khắc nghiệt, thảm họa và thiên tai, các vấn đề về an toàn thực phẩm và nước. Rào cản hiện tại và sự phân biệt mà người khuyết tật gặp phải trong mọi lĩnh vực của đời sống cũng làm cho họ dễ bị tổn thương hơn với các tác động của BĐKH. BĐKH dễ làm tăng thêm sự bất bình đẳng vốn có. Người khuyết tật không phải là nhóm đồng nhất. Sự tác động của BĐKH đối với người khuyết tật có thể rất đa dạng phụ thuộc vào vị trí địa lý, mức độ thu nhập, trình độ bằng cấp, tuổi tác, dạng tật, giới, nhóm dân tộc và các yếu tố khác.
Phụ nữ, trẻ em gái thường là những người đầu tiên bị ảnh hưởng bởi BĐKH, trong đó phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật thậm chí bị ảnh hưởng nặng nề hơn. Đặc biệt, tại Việt Nam, một nước với tỷ lệ làm trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm phần lớn, phụ nữ thường tham gia vào các hoạt động nông nghiệp và các hoạt động hàng ngày khác mà phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết và nguồn tài nguyên như kiếm củi để nấu ăn, lấy nước. Do vậy, khi các nguồn tài nguyên trở nên khan hiếm, khối lượng công việc của người phụ nữ tăng nhiều hơn. Khi công việc này chiếm nhiều thời gian hơn, phụ nữ và trẻ em gái có ít thời gian hơn cho việc giáo dục, giải trí và tham gia vào việc ra quyết định và áp lực tâm lý họ gặp phải qua đó cũng tăng lên. Vai trò chủ động của phụ nữ và trẻ em gái trong hành động biến đổi thời tiết là một phần quan trọng của công bằng khí hậu”.
Do đó, người khuyết tật không nên được coi chỉ như là nạn nhân của tác động BĐKH, họ nên có vai trò tích cực trong việc lên kế hoạch và cố gắng thích ứng, giảm thiểu và bảo tồn để đảm bảo rằng những nỗ lực này không bỏ ai lại phía sau. Cần có sự tham gia của người khuyết tật trong thiết kế, thực hiện các kế hoạch hành động về khí hậu là có khả năng sẽ mang lại lợi ích cho xã hội và công bằng cho toàn thể cộng đồng nói chung.
Tại phần thảo luận, các đại biểu đã cùng nhau chia sẻ, thảo luận về một số nội dung: Tác động của BĐKH và an ninh nước đối với hòa nhập của người khuyết tật tại Việt Nam; lồng ghép vấn đề người khuyết tật trong quản lý rủi ro thiên tai và ứng phó với BĐKH; ứng phó với BĐKH từ phía các tổ chức vì người khuyết tật; đề xuất lồng ghép vấn đề người khuyết tật trong BĐKH và an ninh nước; hòa nhập người khuyết tật trong phòng chống thiên tai: Từ chính sách tới thực tế… Qua đó, góp phần nâng cao kiến thức cho các cơ quan, tổ chức và người khuyết tật về vấn đề hòa nhập người khuyết tật trong các chương trình thích ứng với BĐKH. Những ý kiến trong hội thảo cũng là căn cứ để các cơ quan, tổ chức có căn cứ để xây dựng các chính sách và triển khai các hoạt động có lồng ghép vấn đề người khuyết tật.
Bảo Bình