01/11/2023
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 17 tháng 11 năm 2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2022 (trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 170). Luật với nhiều quy định nhằm cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp thông qua các quy định: thu hẹp đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường (ĐTM); tích hợp các thủ tục hành chính vào 01 giấy phép môi trường (GPMT); đồng bộ các công cụ quản lý môi trường theo từng giai đoạn của dự án, bắt đầu từ khâu xem xét chủ trương đầu tư, thẩm định dự án, thực hiện dự án cho đến khi dự án đi vào vận hành chính thức và kết thúc dự án. Luật cũng đã thiết kế khung chính sách hướng đến việc hình thành đạo luật về bảo vệ môi trường có tính tổng thể, toàn diện và hài hòa với hệ thống pháp luật về kinh tế - xã hội. Để những chính sách mới của Luật thực sự đi vào cuộc sống, ngay sau khi Luật Bảo vệ môi trường được ban hành, tỉnh Tuyên Quang đã nỗ lực tuyên truyền, phổ biến Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật tới người dân, nhất là người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, qua đó giúp người dân nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc thực thi Luật.
Quang cảnh Hội nghị tập huấn nghiệp vụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường cho các Bộ, ngành địa phương tại tỉnh Tuyên Quang
Triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Sở TN&MT tỉnh Tuyên Quang đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 303/QĐ-UBND ngày 28/3/2022 về việc công bố danh mục thủ tục hành chính mới ban hành, thay thế, bãi bỏ trong lĩnh vực môi trường thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở TN&MT; Quyết định số 274/QĐ-UBND ngày 4/5/2022 về phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chống rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025”; Quyết định số 31/2022/QĐ-UBND ngày 29/9/2022 về Quy định giá tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Ngoài ra, Sở đã ban hành Hướng dẫn thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025. Nhờ đó, chất lượng môi trường của tỉnh được cải thiện về nhiều mặt như: Diện tích cây xanh, vệ sinh môi trường đô thị, vệ sinh môi trường tại các khu vực đô thị, các vùng nông thôn, cơ sở y tế, rừng và đa dạng sinh học được thay đổi rõ rệt.
Là tỉnh miền núi với 22 dân tộc sinh sống, để công tác tuyên truyền Luật Bảo vệ môi trường đi vào cuộc sống của người dân, đặc biệt là các dân tộc vùng xâu, vùng xa, tỉnh Tuyên Quang đã linh hoạt lựa chọn hình thức, nội dung tuyên truyền phù hợp với phong tục, tập quán của từng dân tộc và sát với đối tượng tuyên truyền. Chủ động, sáng tạo, đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường. Nội dung tuyên truyền sát với thực tế, hình thức phổ biến gần gũi với người dân đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, công tác tuyên truyền được triển khai thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm; nội dung thông tin được cập nhật, lồng ghép với tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng về bảo vệ môi trường và các chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội của điạ phương, cơ quan, đơn vị. Chú trọng phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng. Cùng với đó, chủ động chia sẻ, biểu dương và nhân rộng mô hình hay, điển hình tiên tiến trong các hoạt động, phong trào quần chúng bảo vệ môi trường gắn với việc tuyên truyền, phê phán những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ 17 đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, 100% chất thải nguy hại, chất thải y tế được xử lý đạt tiêu chuẩn; 96% chất thải rắn thông thường được xử lý đạt tiêu chuẩn. Tỉnh cũng xác định công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ trọng tâm trước mắt và lâu dài của các cấp, các ngành, các tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, của từng gia đình, mỗi người dân và của cả hệ thống chính trị. Để đạt được mục tiêu Nghị quyết Đại hội đã đề ra, góp phần chung tay bảo vệ môi trường, nâng cao hơn nữa chất lượng môi trường sống, trong thời gian tới, tỉnh sẽ thực hiện một số giải pháp trọng tâm: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đoàn viên, hội viên và nhân dân trong thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường, nhất là tuyên truyền luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Tiếp tục triển khai, tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa” từ các khu dân cư trong toàn tỉnh; đa dạng các hình thức tuyên truyền về tác hại và nguy cơ của rác thải nhựa, sản phẩm nhựa dùng một lần đối với môi trường và sức khoẻ con người; Xây dựng, nâng cao hiệu quả hoạt động và nhân rộng các mô hình tự quản về bảo vệ môi trường, về thu gom, phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa tại nguồn ở tất cả các khu dân cư trong tỉnh…
Trần Tân