02/07/2025
Rừng đặc dụng (RĐD) là loại rừng có giá trị đặc biệt về bảo tồn thiên nhiên, nghiên cứu khoa học, phòng hộ và bảo vệ môi trường. Theo khoản 2 Điều 5 Luật Lâm nghiệp năm 2017, RĐD là rừng được sử dụng chủ yếu để bảo tồn hệ sinh thái rừng tự nhiên, nguồn gen sinh vật rừng, nghiên cứu khoa học, bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa, tín ngưỡng, danh lam thắng cảnh kết hợp du lịch sinh thái; nghỉ dưỡng, giải trí trừ phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của RĐD; cung ứng dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) bao gồm: Vườn quốc gia (VQG); Khu dự trữ thiên nhiên; Khu bảo tồn loài - sinh cảnh; Khu bảo vệ cảnh quan bao gồm rừng bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; rừng tín ngưỡng; rừng bảo vệ môi trường đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao; Khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học; vườn thực vật quốc gia; rừng giống quốc gia [2]. Hiện nay, hê thống ̣RĐD đươc thiết lâp tại 54/63 tı̉nh, thành phố trực thuôc Trung ương với tổng diên tích 2.303.961 ha (diện tı́ch có rừng là 2.195.725 ha, gồm 2.100.785 ha rừng tư nhiên và 94.940 ha rừng trồng); trong đó, diện tích của các VQG là 1.168.571,68 ha, Khu dư trữ thiên nhiên 1.026.334,27 ha, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh 69.383,84 ha, Khu bảo vệ cảnh quan, di tı́ch lịch sử, môi trường 198.231,71 ha và Khu rừng nghiên cứu thực nghiệm khoa học là 10.441,82 ha [9]. Cơ chế tài chính cho phát triển RĐD rất đa dạng, phong phú; tùy thuộc vào khả năng cân đối ngân sách, điều kiện thực tế của từng địa phương cũng như năng lực huy động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng có hiệu quả của từng Ban quản lý (BQL), thường gồm 4 nội dung cơ bản: Huy động và tạo nguồn tài chính; Phân bổ, sử dụng nguồn tài chính; Quản lý nguồn tài chính; Kiểm tra, kiểm soát tài chính. Trong đó, việc huy động, tạo nguồn tài chính và phân bổ, sử dụng nguồn tài chính (tức là nguồn thu, chi) đóng vai trò then chốt.
Nguồn thu cho phát triển rừng đặc dụng
Về nguồn thu cho phát triển RĐD, Luật Lâm nghiệp năm 2017 chỉ rõ, Nhà nước bảo đảm nguồn lực cho hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển RĐD, rừng phòng hộ (Điều 4) và quy định, nguồn tài chính trong lâm nghiệp bao gồm: Ngân sách Nhà nước; Đầu tư, đóng góp, ủng hộ, tài trợ từ tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; Thu từ khai thác lâm sản; cho thuê rừng, đất rừng; Thu từ thực hiện nghĩa vụ nộp tiền trồng rừng thay thế do chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; Thu từ dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) và cho thuê môi trường rừng; Vốn tín dụng từ tổ chức tài chính trong nước và nước ngoài; Nguồn tài chính khác theo quy định của pháp luật (Điều 92) [2]. Điều 87 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp cũng quy định: “Nhà nước đảm bảo ngân sách đầu tư cho các hoạt động bảo vệ và phát triển RĐD...” [3].
Đối với nguồn thu từ ngân sách Nhà nước, ngày 12/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 809/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025, với tổng vốn thực hiện Chương trình dự kiến 78.585 tỷ đồng, trong đó: ngân sách Nhà nước: 13.682 tỷ đồng; các nguồn vốn hợp pháp khác: 64.903 tỷ đồng. Kết quả huy động kinh phí thực hiện Chương trình năm 2021-2022 khoảng 30.330 tỷ đồng, bình quân 15.165 tỷ đồng/năm, trong đó: ngân sách Nhà nước khoảng 4.006 tỷ đồng, bình quân 2.003 tỷ đồng/năm, chiếm 13,2%; nguồn khác khoảng 26.324 tỷ đồng (trong đó: DVMTR: 6.856 tỷ đồng; vốn huy động hợp pháp khác: 19.468 tỷ đồng) chiếm 86,8%; bình quân 13.162 tỷ đồng/năm [7].
Về thúc đẩy xã hội hóa trong huy động nguồn lực đầu tư cho bảo vệ và phát triển RĐD được thể hiện trong Luật Lâm nghiệp năm 2017, Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ. Cụ thể, tại khoản 4 Điều 53 Luật Lâm nghiệp năm 2017 quy định: “Chủ rừng tự tổ chức, hợp tác, liên kết hoặc cho tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong RĐD bảo đảm không làm ảnh hưởng đến việc bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học, cảnh quan môi trường và các chức năng khác của khu rừng”. Từ Điều 61 đến Điều 65 của Luật Lâm nghiệp quy định về DVMTR, trong đó có 5 loại dịch vụ và 7 đối tượng phải chi trả tiền DVMTR. 5 loại DVMTR gồm bảo vệ đất, hạn chế xói mòn và bồi lắng lòng hồ, lòng sông, lòng suối; Điều tiết, duy trì nguồn nước cho sản xuất và đời sống xã hội; Hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng; giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh; Bảo vệ, duy trì vẻ đẹp cảnh quan tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học hệ sinh thái rừng cho kinh doanh dịch vụ du lịch; Cung ứng bãi đẻ, nguồn thức ăn, con giống tự nhiên, nguồn nước từ rừng và các yếu tố từ môi trường, hệ sinh thái rừng để nuôi trồng thủy sản. 7 đối tượng phải chi trả tiền DVMTR gồm cơ sở sản xuất thủy điện phải chi trả tiền dịch vụ về bảo vệ đất, hạn chế xói mòn và bồi lắng lòng hồ, lòng sông, lòng suối, điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất thủy điện; Cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch phải chi trả tiền dịch vụ về điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất nước sạch; Cơ sở sản xuất công nghiệp phải chi trả tiền dịch vụ về điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất công nghiệp; Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí phải chi trả tiền dịch vụ về bảo vệ, duy trì vẻ đẹp cảnh quan tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học hệ sinh thái rừng; Tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh gây phát thải khí nhà kính lớn phải chi trả tiền dịch vụ về hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng; Cơ sở nuôi trồng thủy sản phải chi trả tiền dịch vụ cung ứng bãi đẻ, nguồn thức ăn, con giống tự nhiên, nguồn nước và các yếu tố từ môi trường, hệ sinh thái rừng cho nuôi trồng thủy sản; Các đối tượng khác theo quy định của pháp luật [2]. Bên cạnh đó, để tranh thủ huy động các nguồn tài chính từ các sáng kiến tài chính khí hậu toàn cầu, ngày 28/12/2022, Bộ NN&PTNT đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 107/2022/NĐ-CP thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ. Nhờ vậy, các chủ rừng khu vực Bắc Trung bộ nói chung và các BQL RĐD thuộc khu vực này nói riêng có thêm cơ hội tiếp nhận nguồn tài chính từ chuyển nhượng kết quả giảm phát thải [8].
Bảng 1. Cơ cấu nguồn thu trung bình của 1 BQL RĐD (Nguồn: [5])
STT |
Nguồn thu |
Năm 2018 |
Năm 2019 |
Tổng hợp |
|||||||
Giá trị (triệu đồng) |
Cơ cấu (%) |
Giá trị (triệu đồng) |
Cơ cấu (%) |
Giá trị (triệu đồng) |
Cơ cấu (%) |
||||||
1 |
Chi thường xuyên |
5.236 |
31,46 |
5.366 |
27,4 |
10.602 |
29,26 |
||||
2 |
Đầu tư phát triển từ Trung ương |
404 |
2,42 |
285 |
1,46 |
689 |
1,90 |
||||
3 |
Đầu tư phát triển từ địa phương |
907 |
5,45 |
1.217 |
6,21 |
2.124 |
5,86 |
||||
4 |
Chính sách bảo vệ rừng (Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg) |
753 |
4,52 |
693 |
3,54 |
1.445 |
3,99 |
||||
5 |
Chương trình lâm nghiệp bền vững |
1.208 |
7,26 |
1.434 |
7,32 |
2.642 |
7,29 |
||||
6 |
Chương trình giống quốc gia |
46 |
0,46 |
90 |
0,46 |
116 |
0,46 |
||||
7 |
Đề tài khoa học công nghệ |
425 |
2,55 |
460 |
2,35 |
885 |
2,44 |
||||
8 |
Chương trình khác |
1.514 |
9,1 |
982 |
5,01 |
2.496 |
6,89 |
||||
9 |
Nguồn thu phí được giữ lại |
2.860 |
17,18 |
3.373 |
17,22 |
6.233 |
17,20 |
||||
10 |
DVMTR |
2.764 |
16,61 |
3.247 |
16,58 |
6.011 |
16,59 |
||||
11 |
Khác |
499 |
3 |
2440 |
12,46 |
2.939 |
8,11 |
||||
Tổng cộng |
16.646 |
100 |
19.587 |
100 |
36.233 |
100 |
Theo Nghiên cứu đánh giá chính sách đầu tư phát triển bền vững RĐD ở Việt Nam do Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) và Tổng cục Lâm nghiệp phối hợp thực hiện, kết quả khảo sát 51 BQL RĐD cho thấy, nguồn thu trung bình của 1 BQL RĐD năm 2019 là 19,6 tỷ đồng cao hơn năm 2018 là 16,6 tỷ đồng; Cơ cấu nguồn thu tính trung bình cho một BQL RĐD tập trung vào 3 nguồn chính: Chi thường xuyên (29,26%), thu phí được giữ lại (17,02%) và nguồn từ chi trả DVMTR (16,59%), còn nguồn thu từ các chương trình mục tiêu không đáng kể (như Chương trình giống quốc gia chiếm 0,46%).
Như vậy, về nguồn thu cho phát triển RĐD, các nguồn tài chính được huy động đa dạng nhưng chưa cân đối, phụ thuộc nhiều vào nguồn ngân sách Nhà nước. Về tạo nguồn, các BQL đã phát triển các hoạt động kinh doanh du lịch sinh thái, phát triển DVMTR... tuy nhiên, mức độ phát triển khác nhau và chưa đồng đều giữa các BQL RĐD.
Nguồn chi cho phát triển rừng đặc dụng
Chi phí để phát triển RĐD bao gồm nhiều khoản mục, chủ yếu tập trung vào quản lý, bảo vệ rừng, đầu tư cho cộng đồng vùng đệm và các chi phí khác. Mức hỗ trợ trung bình cho quản lý, bảo vệ rừng là 100.000 đồng/ha/năm. Cộng đồng dân cư vùng đệm được hỗ trợ bình quân 50 triệu đồng/cộng đồng dân cư/năm để phát triển sinh kế [11]. Ngoài ra, có những khoản chi phí khác như chi phí lập hồ sơ bảo vệ rừng; chi phí kiểm tra, nghiệm thu bảo vệ rừng; chi đầu tư công trình, thiết bị; chi bảo tồn, nghiên cứu khoa học; chi cho hoạt động cứu hộ động vật hoang dã…
Bảng 2. Cơ cấu các khoản chi trung bình của 1 BQL RĐD (Nguồn: [5])
STT |
Nguồn thu |
Năm 2018 |
Năm 2019 |
Tổng hợp |
||||||
Giá trị (triệu đồng) |
Cơ cấu (%) |
Giá trị (triệu đồng) |
Cơ cấu (%) |
Giá trị (triệu đồng) |
Cơ cấu (%) |
|||||
1 |
Chi lương cán bộ nhân viên |
5.005 |
29,53 |
5.173 |
28,36 |
10.178 |
28,92 |
|||
2 |
Chi hoạt động bộ máy |
2.117 |
12,49 |
2.123 |
11,64 |
4.241 |
12,05 |
|||
3 |
Chi cho phát triển rừng |
541 |
3,19 |
549 |
3,01 |
1.091 |
3,10 |
|||
4 |
Chi thực hiện nhiệm vụ chuyên môn về quản lý bền vững rừng |
2.210 |
13,04 |
2.341 |
12,83 |
4.551 |
12,93 |
|||
5 |
Chi đầu tư công trình, thiết bị |
1.895 |
11,18 |
3.033 |
16,63 |
4.928 |
14,00 |
|||
6 |
Chi bảo tồn, nghiên cứu khoa học |
356 |
2,1 |
253 |
1,39 |
609 |
1,73 |
|||
7 |
Chi hỗ trợ cộng đồng vùng đệm |
491 |
2,9 |
487 |
2,67 |
978 |
2,78 |
|||
8 |
Cho hoạt động cứu hộ động vật hoang dã |
34 |
0,2 |
17 |
0,09 |
51 |
0,14 |
|||
9 |
Chi điều tra đa dạng sinh học |
94 |
0,55 |
46 |
0,25 |
140 |
0,40 |
|||
10 |
Chi khấu hao tài sản cố định |
358 |
2,11 |
507 |
2,78 |
865 |
2,46 |
|||
11 |
Trích lập quỹ đơn vị sự nghiệp |
2.772 |
16,36 |
2.725 |
14,94 |
5.497 |
15,62 |
|||
12 |
Chi kiểm kê, theo dõi diễn biến rừng |
56.9 |
0,34 |
55 |
0,3 |
112 |
0,32 |
|||
13 |
Các khoản chi khác |
1.018 |
6,01 |
932 |
5,11 |
1.950 |
5,54 |
|||
Tổng cộng |
16.947 |
100 |
18.242 |
100 |
35.189 |
100 |
Nhìn vào cơ cấu các khoản chi trung bình của một BQL RĐD trong 2 năm 2018, 2019 theo kết quả khảo sát nêu trên của GIZ và Tổng cục Lâm nghiệp cho thấy, chi lương cho cán bộ nhân viên chiếm tỷ trọng cao nhất (28,92%), chi trích lập quỹ đơn vị sự nghiệp (phần chi này sau phần lớn được phân bổ cho lương tăng thêm) (15,62%), chi đầu tư công trình, thiết bị (14%), tiếp đến là chi cho hoạt động bộ máy (12,05%), chi thực hiện nhiệm vụ chuyên môn về quản lý bảo vệ rừng (12,93%). Các khoản chi có tỷ lệ thấp như bảo tồn, nghiên cứu khoa học (1,73%), hoạt động cứu hộ động vật hoang dã (0,14%), hay theo dõi diễn biến tài nguyên rừng (0,32%), trong khi nhu cầu dành cho các hoạt động đòi hỏi ngân sách cũng rất lớn. Ngoài ra, nội dung điều tra đa dạng sinh học - một yêu cầu cấp bách, cần thiết cho công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học nói riêng, BVMT, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và phát triển bền vững nói chung của quốc gia lại chi rất hạn chế, chỉ 0,4% trong 2 năm 2018, 2019. Như vậy, nguồn chi cho phát triển RĐD hiện nay chủ yếu chi cho bộ máy và hoạt động quản lý bảo vệ rừng.
Đề xuất giải pháp hoàn thiện cơ chế tài chính bền vững cho hệ thống rừng đặc dụng
Thời gian qua, các mục tiêu phát triển RĐD của Chính phủ, cơ bản đã đạt được, tuy nhiên, trong bối cảnh áp lực sinh kế ngày một lớn, nguồn lực hạn chế, tình trạng suy thoái tài nguyên rừng và đa dạng sinh học vẫn còn hiện hữu, các BQL RĐD đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như hạn chế về ngân sách Nhà nước cho các hoạt động chuyên môn; khó huy động, thu hút nguồn đầu tư ngoài ngân sách, nhất là nguồn đầu tư từ khu vực tư nhân. Đặc biệt, việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính còn nhiều vướng mắc, vẫn còn tồn tại rào cản, khó khăn và thách thức khác liên quan tới thể chế, chính sách, chất lượng nguồn nhân lực, điều kiện về cơ sở hạ tầng… Các yếu tố này làm hạn chế việc giao nhiệm vụ, ký kết các hợp đồng dựa trên kết quả và cải thiện hiệu quả tài chính, tạo nguồn thu nhập để tái đầu tư cho các hoạt động bảo tồn và cải thiện thu nhập cho cán bộ, viên chức, người lao động đang công tác tại các BQL RĐD [4]. Do vậy, rất cần có sự bền vững về tài chính cho các khu RĐD.
Sự bền vững về tài chính cho các khu RĐD phản ánh khả năng đảm bảo các nguồn tài chính đầy đủ, ổn định, lâu dài và khả năng phân bổ chúng một cách kịp thời theo một hình thức phù hợp, để trang trải toàn bộ các chi phí cho các khu RĐD. Đồng thời, đảm bảo rằng các khu RĐD được quản lý một cách thực tế và hiệu quả, đáp ứng các mục tiêu bảo tồn và các mục tiêu khác. Để đảm bảo thực hiện đồng bộ, có hiệu quả cơ chế tài chính bền vững cho hệ thống RĐD ở Việt Nam, tác giả kiến nghị một số đề xuất sau:
Thứ nhất, hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính bền vững
Hiện nay, cơ chế tài chính cho hệ thống RĐD được thực hiện theo Luật Lâm nghiệp năm 2017, các quy định, hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Lâm nghiệp; các quy định của pháp luật chuyên ngành như: Luật Đa dạng sinh học, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Di sản văn hóa, Luật Xử lý vi phạm hành chính và một số pháp luật khác có liên quan. Sau khi Luật Lâm nghiệp được Quốc hội thông qua, Bộ NN&PTNT đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 156/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp, trong đó có nhiều chương, điều quan trọng quy định đối với RĐD; thể hiện được nội dung như: Quy chế quản lý 3 loại rừng, chi trả DVMTR, phòng cháy chữa cháy rừng, chính sách đầu tư và phát triển RĐD [3]. Có thể khẳng định, Luật Lâm nghiệp năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành là bước tiến bộ mới trong quá trình thể chế hóa các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước. Các quy định trong pháp luật lâm nghiệp hiện nay không chỉ quan tâm tới bảo vệ rừng mà còn bao quát, đảm bảo hoạt động của ngành lâm nghiệp tiếp cận theo chuỗi giá trị, từ bảo vệ rừng, phát triển rừng, sử dụng rừng, tổ chức sản xuất, chế biến và thương mại lâm sản. Đáng lưu ý, các quy định hiện nay đã tạo ra hành lang pháp lý để khuyến khích các BQL RĐD không chỉ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng mà còn tận dụng được cơ hội để khai thác, huy động các nguồn tài chính ngoài ngân sách thông qua các hoạt động du lịch sinh thái, chi trả DVMTR, khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế. Tuy nhiên, rất cần có cần sửa đổi, bổ sung các quy định về chính sách đầu tư phát triển lâm nghiệp; quy định về DVMTR theo hướng mở rộng hơn các nguồn thu DVMTR hiện có; thúc đẩy, tạo môi trường thuận lợi và các cơ chế, chính sách để thực thi các thỏa thuận về trao đổi kết quả giảm phát thải giữa các đối tác với địa phương; thí điểm, tổng kết và nhân rộng chính sách chi trả dịch vụ hấp thụ các-bon rừng. Ngoài ra, cần tổ chức xây dựng các định mức kinh tế kỹ thuật làm cơ sở để Nhà nước giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công; trong đó cần khẩn trương xây dựng và ban hành các định mức kinh tế, kỹ thuật về: (i) bảo vệ rừng, kiểm kê, theo dõi diễn biến rừng; (ii) cứu hộ, phục hồi, tái thả các loài động vật hoang dã; (iii) giám sát đa dạng sinh học rừng; (iv) thu thập, xử lý, bảo quản tiêu bản sinh vật rừng.
Thứ hai, thúc đẩy xã hội hóa và thu hút đầu tư của khu vực tư nhân
Đánh giá tình hình quản lý và phát triển rừng đến thời điểm năm 2017, Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng đã kết luận: “Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng còn nhiều hạn chế, yếu kém; công tác quy hoạch, bảo vệ, phát triển rừng thiếu đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; diện tích rừng bị thiệt hại do cháy rừng, sạt lở đất rừng tăng cao; công tác phát triển rừng, trồng rừng thay thế chậm tiến độ; xã hội hóa công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng còn nhiều hạn chế; độ che phủ rừng tăng nhưng khó có thể đạt được mục tiêu tại Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã đề ra…” [12]. Qua đó, cho thấy, Đảng và Nhà nước đã tổng kết và phân tích đầy đủ các yếu tố hạn chế đến công tác quản lý và phát triển rừng, trong đó xã hội hóa công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là một yếu tố quan trọng, song chưa được phát huy một cách hiệu quả.
Để cụ thể hóa nội dung xã hội hóa công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng từ Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương, ngày 1/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 523/QĐ-TTg, trong đó xác định “Nghiên cứu, xây dựng chính sách thúc đẩy xã hội hóa nghề rừng, thu hút đầu tư vào lâm nghiệp, quản lý rừng tự nhiên, phát triển lâm nghiệp cộng đồng, DVMTR” là một trong những giải pháp chính sách quan trọng [6]. Hiện nay, công tác xã hội hóa trồng rừng, phục hồi rừng đang ngày càng được người dân và các doanh nghiệp, tổ chức quan tâm, hưởng ứng, góp phần vào sự phát triển bền vững đất nước. Trong nhiều năm qua, Nhà nước đã khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển rừng, thông qua nhiều chính sách quan trọng như giao đất giao rừng, các chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất, hỗ trợ vốn vay ưu đãi… Từ đó, đã huy động tổng lực, đa dạng các nguồn vốn để thực hiện, trong đó nguồn vốn từ ngân sách nhà nước chiếm khoảng 17%, còn lại 83% là nguồn vốn xã hội hóa từ huy động đầu tư, đóng góp, hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân. Ngoài ra, việc hình thành và tổ chức hoạt động hiệu quả hệ thống Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng từ Trung ương đến địa phương cũng là một điển hình thành công của ngành lâm nghiệp trong việc huy động hiệu quả, bền vững nguồn lực xã hội cho quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng. Các nguồn thu DVMTR sẽ tiếp tục được mở rộng trong thời gian tới, trước mắt là dịch vụ các bon rừng, kinh doanh tín chỉ các-bon rừng. Trong thời gian tới, để thúc đẩy xã hội hóa và thu hút đầu tư của khu vực tư nhân cần tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách các thủ tục hành chính nhằm xúc tiến việc cho thuê môi trường rừng, tổ chức hợp tác, liên kết giữa chủ rừng với các doanh nghiệp, các viện nghiên cứu, các trường học và cơ sở đào tạo trong các hoạt động nghiên cứu khoa học, giảng dạy…
Thứ ba, đẩy mạnh tiếp cận với các sáng kiến tài chính mới
Chi trả dịch vụ hệ sinh thái ngày càng được cộng đồng quốc tế quan tâm, thúc đẩy như là một trong những cơ chế tài chính bền vững, hiệu quả để bảo vệ rừng, giảm tình trạng mất rừng và suy thoái rừng. Bên cạnh đó, thị trường mua, bán, chuyển nhượng, trao đổi kết quả giảm phát thải, kinh doanh tín chỉ các-bon rừng, chi trả dựa vào kết quả theo cơ chế REDD+ đã và đang có những tín hiệu tốt. Hiện nay một số tổ chức quốc tế, các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài đang quan tâm, thúc đẩy hợp tác với Bộ NN&PTNT trong việc hình thành các dự án, thoả thuận trao đổi kết quả giảm phát thải các-bon rừng như Tổ chức tăng cường tài chính lâm nghiệp (Emergent); Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ)… Tuy nhiên, để có thể tiếp cận với các sáng kiến tài chính mới cần tăng cường tổ chức các diễn đàn đối thoại chính sách, các hội nghị, hội thảo, khóa đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực thực thi các chủ đề, cơ chế, sáng kiến tài chính mới; tích cực tham gia các mạng lưới trao đổi, học tập, cập nhật kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm cấp vùng, cấp quốc gia và quốc tế…
Lê Minh Hoa
Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội
Lê Thị Phương
Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 6/2025)
Tài liệu tham khảo:
1. Thủ tướng Chính phủ (2014). Quyết định số 218/QĐ-TTg, ngày 7/2/2014 phê duyệt Chiến lược quản lý RĐD, khu bảo tồn biển, khu bảo tồn vùng nước nội địa Việt Nam đến 2020, tầm nhìn năm 2030.
2. Quốc hội Việt Nam (2017). Luật Lâm nghiệp năm 2017.
3. Chính phủ Việt Nam (2018). Nghị định số 156/2018/NĐ-CP, ngày 16/11/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp.
4. GIZ (2020). Báo cáo Một số vấn đề thực tế và chính sách về đầu tư tư nhân, hợp tác công tư trong hệ thống RĐD và rừng phòng hộ Việt Nam.
5. GIZ (2020). Nghiên cứu đánh giá Chính sách đầu tư phát triển bền vững RĐD ở Việt Nam.
6. Thủ tướng Chính phủ (2021). Quyết định số 523/QĐ-TTg, ngày 1/4/2021 phê duyệt Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
7. Thủ tướng Chính phủ (2022). Quyết định số 809/QĐ-TTg, ngày 12/7/2022 phê duyệt Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025.
8. Chính phủ Việt Nam (2022). Nghị định số 107/2022/NĐ-CP, ngày 28/12/2022 về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung bộ.
9. Tổng cục Lâm nghiệp (2023). Báo cáo Tổng kết công tác quản lý hệ thống RĐD, phòng hộ cả nước năm 2022 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2023.
10. Phạm Hồng Lượng, Trần Quang Bảo, Đoàn Hoài Nam, Bùi Thị Minh Nguyệt (2023). Cơ chế tài chính bền vững cho phát triển hệ thống RĐD ở Việt Nam. Tạp chí Khoa học và công nghệ lâm nghiệp, tập 12, số 4/2023.
11. Bộ Tài chính (2023). Thông tư số 21/2023/TT-BTC quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025.
12. Ban Bí thư (2017). Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.