06/07/2023
Ngày 5/7/2023, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học thuộc Chương trình trọng điểm cấp Bộ “Khoa học xã hội và nhân văn về biển của Việt Nam nhằm phục vụ mục tiêu bảo vệ và phát triển đất nước” nhằm báo cáo kết quả nghiên cứu, kiến nghị chính sách từ các đề tài nghiên cứu nghiệm thu giai đoạn 2020 - 2022; trao đổi, thảo luận các vấn đề liên quan đến khoa học xã hội và nhân văn về biển của Việt Nam phục vụ mục tiêu bảo vệ và phát triển đất nước.
Toàn cảnh Hội thảo
Chương trình được triển khai thực hiện trong 3 năm (2020-2022), tập trung chủ yếu vào các nội dung như: Kinh tế biển phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững ở Việt Nam; Bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong tình hình mới; Quan hệ quốc tế trên biển Đông và sự lựa chọn chiến lược của Việt Nam; Phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội ở các vùng ven biển và hải đảo Việt Nam; Phát triển bền vững biển Việt Nam trong thế kỷ XXI từ nay đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Trong đó, có nhiều công trình nghiên cứu của Chương trình biển đã làm rõ mức độ tổn thương sinh kế của người dân sống ở các vùng ven biển đang có chiều hướng gia tăng, ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng, ô nhiễm môi trường do nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp và quy hoạch biển cùng việc phát triển kinh tế biển ồ ạt…
Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi thảo luận, đóng góp ý kiến và có những kiến nghị về các vấn đề nghiên cứu trong Chương trình biển, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Theo TS. Lê Văn Hùng - Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng, để thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế biển, cần chú ý tập trung xây dựng các mô hình chuyên sâu và có 2 - 3 khu kinh tế điển hình xứng tầm, đủ khả năng cạnh tranh quốc tế (về các mô hình du lịch, công nghiệp hay dịch vụ biển) như vùng Nam Trung bộ cần phát triển nhiều hơn về du lịch, đồng bằng sông Cửu Long cần phải thu hút đầu tư về thủy sản, vùng Đông Nam bộ cần sự phân công, kết nối về phát triển hạ tầng và các địa phương phải bám vào quy hoạch vùng để có thể xây dựng các phương án phát triển bền vững.
TS. Hà Thị Hồng Vân - Trung tâm Phân tích và Dự báo cũng đã đưa ra một số đề xuất cho sinh kế của cư dân ven biển trước tác động của BĐKH như: Cần phải có chiến lược bảo đảm sinh kế cho cư dân biển đi cùng với việc khai thác, quản lý, phát triển kinh tế biển ngay từ cấp cộng đồng; Tăng cường năng lực ứng phó và thích ứng với BĐKH, tăng khả năng chống chịu, giảm thiểu tác động tiêu cực của thời tiết cực đoan và hạn chế tính tổn thương từ tác động thời tiết đến người dân; Đẩy mạnh tuyên truyền từ các cấp chính quyền đến người dân trong việc nhận thức về việc áp dụng kỹ thuật, nhân rộng các mô hình sinh kế chủ động để thích ứng với BĐKH, giảm thiểu nguy cơ tác động đến môi trường. Bên cạnh đó, Nhà nước, các cấp chính quyền cần tăng cường hỗ trợ vốn tín dụng quy mô vừa và nhỏ đối với các hộ gia đình, khuyến khích cho vay vốn với các hộ gia đình hoạt động trong lĩnh vực du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái…
Nam Việt