26/06/2023
Bắc Hưng Hải là hệ thống kênh thủy lợi lớn nhất vùng đồng bằng sông Hồng, cung nước tưới cho 4 tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh và TP. Hà Nội. Hiện tình trạng ô nhiễm trên toàn hệ thống kênh đang ở mức báo động. Lượng chất thải, nước thải xả vào các hệ thống công trình thủy lợi ngày càng gia tăng, chủ yếu là rác thải, nước thải của các cơ sở sản xuất, bệnh viện, làng nghề, khu dân cư…chưa qua xử lý xả trực tiếp vào công trình thủy lợi, dẫn đễn tình trạng ô nhiễm nguồn nước trầm trọng. Việc duy trì dòng chảy trên các trục sông, nhằm giảm thiểu ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước, cải thiện môi trường sinh thái đang là bài toán khó.
Thực trạng ô nhiễm nguồn nước hệ thống kênh Bắc Hưng Hải
Hệ thống kênh thủy lợi Bắc Hưng Hải được xây dựng vào năm 1958, có diện tích là 192.045 ha, trải dài qua các tỉnh Hưng Yên (10 huyện), với 79.480 ha; 7 huyện thị của tỉnh Hải Dương: 69.560 ha, 3 huyện của tỉnh Bắc Ninh: 26.020 ha và 2 quận, huyện của TP. Hà Nội: 10.540 ha. Nguồn nước tưới được lấy từ sông Hồng chủ yếu qua cống Xuân Quan, từ sông Thái Bình qua cống Cầu Xe, Cầu Cất, từ sông Luộc qua An Thổ. Nước tiêu tự chảy qua các cống Cầu Xe, An Thổ, Cầu Cất và tiêu chủ động qua các trạm bơm kết hợp tưới - tiêu trực tiếp ra các sông lớn tại những vùng hẹp ven các sông Đuống, Luộc, Thái Bình1. Hệ thống kênh thủy lợi Bắc Hưng Hải (theo Quyết định số 1962/QĐ-BNN-KH ngày 13/7/2009 của Bộ NN&PTNT) nhằm đảm bảo tưới cho 110.000 ha đất canh tác; tạo nguồn cấp nước phục vụ chăn nuôi gia súc gia cầm; nuôi trồng thủy sản diện tích 12.000 ha; tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho hơn 3 triệu người dân và các khu công nghiệp tập trung, các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp trong vùng, diện tích khoảng 4.300 ha; tiêu nước, chống ngập úng cho diện tích 192.045 ha, bảo vệ dân sinh, sản xuất nông nghiệp và các cơ sở sản xuất khác…
Trong những năm gần đây, hệ thống kênh Bắc Hưng Hải hiện đã bị xuống cấp, nhiều nơi bị bồi lắng làm hạn chế khả năng dẫn nước, dẫn đến tình trạng nước thường xuyên bị ứ đọng, không lưu thông. Hệ thống kênh thủy lợi còn thường xuyên tiếp nhận lượng lớn nước thải từ hoạt động sinh hoạt của các khu đô thị, khu dân cư tập trung; nước thải công nghiệp từ các Khu - Cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; chăn nuôi, làng nghề, y tế... xả thải trực tiếp vào hệ thống gây tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Theo kết quả quan trắc của Sở TN&MT Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh từ năm 2017-2022 cho thấy, hiện trạng nguồn nước đang bị ô nhiễm nghiêm trọng cả về phạm vi và mức độ. Cụ thể, kết quả quan trắc cho thấy, trên 90% các vị trí quan trắc có một hoặc nhiều thông số ô nhiễm hữu cơ, chất dinh dưỡng, vi sinh… vượt giới hạn cho phép của QCVN 08-MT:2015/BTNMT cột B1 (dùng cho mục đích tưới tiêu, thủy lợi hoặc các mục đích sử dụng khác) (gọi tắt là QCVN-08); trên 90% số ngày giá trị DO không đạt QCVN-08 và trên 70% số ngày có giá trị N-NH4+ và TSS vượt QCVN-08 2.
Các thông số ô nhiễm chủ yếu là các chỉ tiêu hóa sinh (COD, BOD5, NH4+ PO43-, NO2-, Coliforms,...). Mức độ ô nhiễm tăng cao, đặc biệt vào mùa khô (từ tháng 10-12 hàng năm) do hệ thống kênh thủy lợi đóng để trữ nước nên nước bị ứ đọng, không lưu thông khiến tình trạng ô nhiễm thêm trầm trọng. Mặt khác, hệ thống Bắc Hưng Hải còn phải tiếp nhận một lượng lớn nước thải sinh hoạt của các khu đô thị, khu dân cư tập trung; nước thải công nghiệp từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nước thải chăn nuôi, nước thải từ các làng nghề… và tiếp nhận nguồn nước bị ô nhiễm từ các sông trong khu vực chảy vào (sông Cầu Bây thuộc TP. Hà Nội; các nhánh sông Bần Vũ Xá, sông Đình Dù và kênh Trần Thành Ngọ của tỉnh Hưng Yên; sông Sặt và sông Cửu An của tỉnh Hải Dương;....), làm tình trạng ô nhiễm sông gia tăng 3,4.
Số liệu thống kê của Tổng cục Thủy lợi5, Bộ NN&PTNT cũng cho thấy, tổng lượng nước thải xả vào hệ thống Bắc Hưng Hải năm 2022 khoảng 438.899 m3/ngày, đêm. Trong đó, nước thải xả vào hệ thống Bắc Hưng Hải chủ yếu là nước thải sinh hoạt của các khu đô thị, khu dân cư tập trung, chiếm tỷ lệ khoảng 70%; các loại nước thải còn lại, gồm: công nghiệp phát sinh từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khoảng 18%; chăn nuôi, làng nghề và y tế khoảng 12%.
Về xả nước thải sinh hoạt, tỉnh Hưng Yên có 451 khu dân cư xả thải với lưu lượng khoảng 114.088 m3/ngày,đêm; tỉnh Hải Dương có khu dân cư của 6 huyện, thành phố xả thải với lưu lượng khoảng 153.215 m3/ngày, đêm; TP. Hà Nội có 28 điểm xả từ khu dân cư xả nước thải trực tiếp ra sông Cầu Bây với lưu lượng khoảng trên 50.000 m3/ngày, đêm (riêng tỉnh Bắc Ninh chưa thống kê).
Hầu hết các khu đô thị, khu dân cư này chưa đầu tư xây lắp hệ thống xử lý nước thải (XLNT) sinh hoạt tập trung trước khi xả ra hệ thống Bắc Hưng Hải ngoại trừ khu đô thị Ecopark (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) xây dựng 4 trạm XLNT sinh hoạt tập trung với tổng công suất là 29.300 m3/ngày,đêm, hiện đang vận hành 1 trạm với công suất 3.500 m3/ngày, đêm.
Ngoài ra, còn có nước thải công nghiệp phát sinh từ các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) xả vào kênh thủy lợi. Trong tổng số 45 CCN xả nước thải vào hệ thống kenh thủy lợi có tới 87% (39/45) CCN chưa đầu tư xây dựng hệ thống XLNT tập trung, chỉ 13% (6/45) CCN có hệ thống XLNT (5 CCN của TP. Hà Nội và CCN Minh Khai, tỉnh Hưng Yên).
Mặt khác, có khoảng 528 cơ sở sản xuất bên ngoài KCN, CCN, làng nghề với lưu lượng thải 35.287m3/ngày, đêm xả vào kênh thủy lợi. Trong số các cơ sở này,vẫn còn những trường hợp cơ sở lén lút xả nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường. Thêm vào đó là các cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản nằm xem kẽ trong các khu dân cư chưa đầu tư công trình BVMT cũng xả nước thải vào kênh thủy lợi.
Tăng cường, kiểm soát, xử lý ô nhiễm nguồn nước
Ðể ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tình trạng ô nhiễm nguồn nước của hệ thống kênh thủy lợi Bắc Hưng Hải, trong thời gian qua, Bộ TN&MT đã phối hợp các ngành chức năng các tỉnh, thành phố: Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên và Hà Nội thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có hoạt động xả thải ra hệ thống Bắc Hưng Hải. Theo Báo cáo của Bộ TN&MT cho thấy, từ 2018 - 2022, Tổng cục Môi trường, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường và các cơ quan chức năng của các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương và Hưng Yên đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 1.820 cơ sở hoạt động trên hệ thống Bắc Hưng Hải; xử phạt 680 cơ sở với tổng số tiền khoảng 49,2 tỷ đồng 6.
Về thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt, đến nay, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, khu đô thị Ecopark (đã có 4 trạm xử lý nước thải với tổng công suất là 29.300 m3/ngày.đêm, hiện đang vận hành 1 trạm với công suất 3.500 m3/ngày,đêm); thành phố Hưng Yên đã xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải với công suất 6.300 m3/ngày, đêm và một số công trình thu gom, xử lý nước thải tập trung khu dân cư và quy mô hộ gia đình. Trên địa bàn quận Long Biên và huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội, một số khu đô thị đã được đầu tư xây dựng, đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải với tổng công suất khoảng 50.000 m3/ngày, đêm; còn lại đa số các khu đô thị, khu dân cư chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải.
Đối với việc lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường nước mặt tự động trên hệ thống Bắc Hưng Hải: TP. Hà Nội đã hoàn thành việc lắp đặt 01 trạm quan trắc môi trường nước mặt tự động trên sông Cầu Bây (tại vị trí Trạm bơm Am thuộc thôn Ngọc Động, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm) thuộc hệ thống Bắc Hưng Hải và truyền dữ liệu quan trắc liên tục, tự động về Sở TN&MT TP Hà Nội. Tỉnh Hải Dương đã lắp đặt 3 trạm quan trắc môi trường nước liên tục, tự động đối với hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải trên địa bàn (04 trạm trên dòng chính). Tỉnh Hưng Yên đã lắp đặt 3 trạm quan trắc môi trường nước liên tục, tự động đối với hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải trên địa bàn.
Cùng với đó, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân cũng như cộng đồng doanh nghiệp về công tác BVMT, bảo vệ chất lượng nước hệ thống Bắc Hưng Hải; hướng dẫn doanh nghiệp chú trọng đầu tư các công trình xử lý nước thải đáp ứng yêu cầu về BVMT...
Mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp bảo vệ nguồn nước, tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, bất cập như: Công tác quản lý, kiểm soát nguồn thải còn nhiều bất cập, chưa có số liệu tổng hợp, thống kê đầy đủ về số lượng, chất lượng từng nguồn thải xả thải trực tiếp hoặc gián tiếp vào hệ thống Bắc Hưng Hải. Theo thông tin từ các tỉnh, TP có hệ thống Bắc Hưng Hải chảy qua, các địa phương chưa thực hiện rà soát, thống kê đầy đủ số liệu về nguồn thải, chất lượng nguồn thải, đầu tư hạ tầng kỹ thuật về BVMT, phân định trách nhiệm của từng cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý, kiểm soát nguồn thải. Công tác dự báo, đánh giá diễn biến chất lượng nguồn nước hệ thống Bắc Hưng Hải chưa được triển khai toàn diện, dẫn đến số liệu về chất lượng nước chưa bảo đảm tính khoa học và liên tục (số liệu còn rời rạc, thời điểm quan trắc khác nhau, số liệu giữa các địa phương chưa đồng bộ)… Bên cạnh đó, mặc dù các quy định pháp luật về khai thác công trình thủy lợi và Luật Thủy lợi đều nghiêm cấm việc xả chất thải rắn, nhưng trên hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải đang diễn ra việc xả thải ở tất cả các tuyến kênh mương, tập trung ở các khu vực trước cửa cống, trạm bơm. Chính vì vậy, công việc mang tính cấp bách hiện nay là các địa phương khẩn trương rà soát toàn bộ dự án khu công nghiệp, bãi rác có nguồn nước thải lớn.
Hệ thống kênh thủy lợi Bắc Hưng Hải
Nhằm kịp thời tháo gỡ những bất cập, đồng thời tăng cường trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị có liên quan trong BVMT, khai thác, sử dụng và quản lý nguồn nước hệ thống kênh thủy lợi Bắc Hưng Hải, ngày 10/10/2022, Bộ TMN&MT đã ban hành Quyết định số 2625/QĐ-BTNMT về Kế hoạch kiểm soát, xử lý ô nhiễm nguồn nước hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải. Mục tiêu của kế hoạch nhằm kiểm soát có hiệu quả ngay tại nguồn các đối tượng có hoạt động xả nước thải, góp phần từng bước ngăn chặn mức độ gia tăng ô nhiễm, cải thiện chất lượng nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.
Với quan điểm, kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải có tầm quan trọng đặc biệt đối với phát triển kinh tế - xã hội bền vững tại 4 tỉnh, TP trên lưu vực (Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương). Đây là nhiệm vụ thường xuyên, đòi hỏi tập trung các nguồn lực đầu tư với quyết tâm cao của chính quyền và nhân dân địa phương trên lưu vực; có sự hỗ trợ của cơ quan Trung ương.
Kế hoạch nêu rõ, kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải cần được giải quyết tổng thể trên toàn hệ thống theo địa giới hành chính của 4 tỉnh, TP; duy trì chất lượng nước và bảo đảm đủ khối lượng nước; lấy phòng ngừa, giảm thiểu và ngăn chặn suy thoái là chủ yếu, kết hợp xử lý, khắc phục những điểm nóng về ô nhiễm; công tác kiểm soát, xử lý ô nhiễm nguồn nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải phải có tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tiễn, hướng tới mục tiêu kiểm soát, xử lý có hiệu quả ô nhiễm nguồn nước. Việc xây dựng Kế hoạch kiểm soát, xử lý ô nhiễm nguồn nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải phải gắn liền với trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Đồng thời, cần xác định rõ trách nhiệm và sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức có liên quan. Các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT, UBND các tỉnh, TP. Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch, đảm bảo tiến độ và chất lượng.
Theo đó, Kế hoạch để ra 6 nhiệm vụ cần triển khai từ quý IV/2022 đến năm 2025, với thời gian, địa điểm, đơn vị thực hiện, nội dung cụ thể: Tổ chức khảo sát, thống kê, đánh giá nguồn thải nước thải và hiện trạng môi trường nước mặt; Tổ chức thanh tra, kiểm tra toàn diện việc chấp hành pháp luật về BVMT đối với các cơ sở có hoạt động xả nước thải vào hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải; Quan trắc, đánh giá diễn biến chất lượng nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải; Xây dựng Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt hệ thống Bắc Hưng Hải và cơ chế chính sách cải tạo, phục hồi nguồn nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải; Đầu tư hạ tầng kỹ thuật về BVMT như: công trình thu gom, xử lý nước thải; trạm quan trắc nước thải liên tục tự động, nạo vét, khơi thông dòng chảy; tổ chức cuộc họp về thực hiện, đánh giá định kỳ kết quả thực hiện Kế hoạch kiểm soát, xử lý ô nhiễm nguồn nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.
Ngoài ra, Bộ TN&MT cũng đề xuất một số giải pháp như: Đối với các tỉnh, TP trên hệ thống Bắc Hưng Hải đẩy mạnh triển khai Luật BVMT năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP cụ thể: Điều tra, tổng hợp, đánh giá toàn bộ các loại nguồn thải điểm, nguồn thải diện (có xả trực tiếp, gián tiếp) và tổng lưu lượng thải/tổng tải lượng chất ô nhiễm thải vào hệ thống Bắc Hưng Hải và các sông nhánh/kênh tiêu thuộc hệ thống Bắc Hưng Hải; trong đó phân định rõ tỷ lệ đóng góp của từng đối tượng (KCN, CCN, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ, làng nghề, chăn nuôi, y tế... sinh hoạt và các nguồn diện khác); tỷ lệ/tổng lưu lượng nước thải được xử lý đối với mỗi loại hình nguồn thải theo quy định tại (điểm b, c Khoản 2) Điều 9 Luật BVMT năm 2020.
Kiểm soát chặt chẽ các nguồn xả nước thải, đặc biệt ưu tiên kiểm soát chặt chẽ nước thải phát sinh từ các CCN, làng nghề, chăn nuôi và sinh hoạt trên địa bàn và chất lượng nước các nhánh sông trong khu vực (nhánh sông Bần Vũ Xá, sông Đình Dù và kênh Trần Thành Ngọ của tỉnh Hưng Yên; sông Sặt và sông Cửu An trên địa bàn huyện Bình Giang và huyện Thanh Miện của tỉnh Hải Dương; sông Đông Côi, sông Đồng Khởi, sông Đại Quảng Bình, sông Ngụ, sông Dâu, sông Bùi thuộc địa bàn tỉnh Bắc Ninh; sông Cầu Bây thuộc thành phố Hà Nội) trước khi đổ vào hệ thống Bắc Hưng Hải.
Tập trung quyết liệt vào công tác thanh tra, kiểm tra toàn diện về bảo vệ môi trường đối với toàn bộ các nguồn thải xả nước thải gián tiếp, trực tiếp vào hệ thống Bắc Hưng Hải và các sông nhánh (sông Cầu Bây, kênh Kiên Thành của TP. Hà Nội; các nhánh sông Bần Vũ Xá, sông Đình Dù và kênh Trần Thành Ngọ của tỉnh Hưng Yên; kênh T1, T2, sông Sặt và sông Cửu An của tỉnh Hải Dương…); xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về BVMT; đưa ra lộ trình áp dụng biện pháp xử lý đối với từng cơ sở vi phạm, áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc tước quyền sử dụng giấy phép môi trường có thời hạn nếu cần thiết…
Trước mắt, tạm thời dừng cấp phép đầu tư cho 16 loại hình dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường lớn, xả thải trực tiếp ra hệ thống Bắc Hưng Hải và các sông nhánh, cụ thể: sông Cầu Bây, kênh Kiên Thành của TP. Hà Nội; kênh Trần Thành Ngọ của tỉnh Hưng Yên; kênh T1, T2 và sông Sặt (sông Kim Sơn) của tỉnh Hải Dương…
Đối với Bộ NN&PTNT, giai đoạn 2021-2025, cần khẩn trương triển khai Dự án “Sửa chữa, nâng cấp hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải”, trong đó có hạng mục đầu tư xây dựng trạm bơm Xuân Quan thuộc địa phận Hà Nội để chủ động cung cấp nước tưới, giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước, tạo dòng chảy môi trường, giúp tự làm sạch nguồn nước; thực hiện thường xuyên, định kỳ công tác nạo vét, chỉnh trang, nâng cấp sửa chữa hệ thống đê, cống, trạm bơm và các công trình thủy lợi trên hệ thống Bắc Hưng Hải từ nguồn vốn bảo trì nhằm đảm bảo khả năng phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh của hệ thống; có phương án ngăn vùng ô nhiễm, không làm ảnh hưởng môi trường mang tính liên tỉnh tại hệ thống Bắc Hưng Hải; giao Công ty TNHH MTV KTCTTL Bắc Hưng Hải, Bộ NN&PTNT giám sát chặt chẽ các điểm xả trực tiếp vào kênh chính hệ thống Bắc Hưng Hải thuộc diện phải cấp phép (theo Nghị định số 67/2018/NĐ-CP ngày 14/5/2018)…
Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường và Công an tỉnh, TP thuộc hệ thống Bắc Hưng Hải đẩy mạnh công tác phòng ngừa, đấu tranh xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường đối với hành vi xả thải gây ô nhiễm nguồn nước hệ thống Bắc Hưng Hải; tăng cường kiểm tra, trinh sát để kịp thời ngăn chặn, xử lý nay các hành vi, hoạt động, các đối tượng, cơ sở xả thải trái phép gây ô nhiễm môi trường nước hệ thống Bắc Hưng Hải…
Châu Loan
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 3/2023)
Tài liệu tham khảo