11/03/2024
Theo Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Việt Nam là một trong những quốc gia có mức độ ĐDSH cao nhất thế giới với nhiều hệ sinh thái khác nhau, gồm núi, rừng nhiệt đới, núi đá vôi/khoáng, hệ sinh thái biển và ven biển; hơn 100 loài chim và hơn 10% các loài thực vật của Việt Nam có tính đặc hữu. Trang World Population Review mới đây đã cập nhật danh sách 20 quốc gia có mức độ đa dạng sinh học (ĐDSH) cao nhất trên thế giới, trong đó, Việt Nam xếp thứ 14 với chỉ số ĐDSH 221,77. Theo danh sách công bố, Việt Nam cũng là một trong 3 quốc gia Đông Nam Á được đánh giá cao về mức độ ĐDSH, xếp sau Inđônêxia (vị trí thứ 2) và trên Malaysia (vị trí 15). So với thời điểm cuối năm 2022, Việt Nam đã tăng thêm 2 hạng trong danh sách các quốc gia giàu ĐDSH, từ vị trí 16 (tháng 12/2022). Sự thay đổi này cho thấy Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH.
Theo thống kê của Cục Bảo tồn ĐDSH (Bộ TN&MT), đến năm 2023 cả nước đã thành lập 178 khu bảo tồn thiên nhiên, trong đó có 34 vườn quốc gia; 59 khu dự trữ thiên nhiên; 23 khu bảo tồn loài và sinh cảnh; và 62 khu bảo vệ cảnh quan. Tính đến nay, Việt Nam có 9 khu được công nhận là khu Ramsar; 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận; 12 vườn di sản ASEAN - đứng đầu khu vực; 1 vùng chim nước di cư quan trọng quốc tế tuyến đường bay Úc - Đông Á (EAAFP).
Việt Nam cũng được đánh giá là một trong những khu vực quan trọng bậc nhất trong mạng lưới các tuyến đường bay chim di cư và các loài chim đặc hữu với 63 vùng chim quan trọng toàn cầu, 07 vùng chim đặc hữuĐặc biệt, về hệ động thực vật, đến nay, Việt Nam có khoảng 62.600 loài sinh vật đã được xác định, trong đó khoảng 3.500 loài động vật không xương sống và cá nước ngọt, 1.932 loài động vật có xương sống trên cạn và có trên 11.000 loài sinh vật biển . Hàng năm, nhiều loài mới tiếp tục được phát hiện và ghi nhận có tồn tại Việt Nam.
Diện tích rừng ngày càng tăng lên, nếu như năm 1995 (ngay sau khi Việt Nam gia nhập Công ước ĐDSH), độ che phủ rừng chỉ đạt 28,2% thì đến năm 2022, độ che phủ đã lên tới 42,02%. Đặc biệt, năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025” nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước...
Tuy nhiên, các chuyên gia của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) đánh giá giá trị ĐDSH của Việt Nam đang xuống cấp và thoái hóa. Việc giảm giá trị của hệ sinh thái tự nhiên ảnh hưởng rất nhiều đến các chuỗi cung ứng thực phẩm, năng lượng, cơ sở hạ tầng, vận tải, hậu cần cũng như cuộc sống của người dân. Cùng với đó, sự đa dạng về thành phần loài, quần thể loài cũng suy giảm. Các nguyên nhân gây ra suy giảm ĐDSH chủ yếu do gia tăng dân số và áp lực của việc chuyển đổi sử dụng đất; khai thác tài nguyên thiên nhiên kém bền vững; tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu cũng như ô nhiễm môi trường. Nhìn từ công tác quản lý, hệ thống chính sách, pháp luật còn phân tán, thiếu đồng bộ, tính hiệu lực, hiệu quả chưa cao; hận thức và ý thức của các cấp, các ngành, người dân về bảo tồn ĐDSH còn hạn chế... Vì vậy, việc chủ động tham gia vào các Công ước, nỗ lực chung mang tầm quốc tế có ý nghĩa trong việc ngăn chặn đà suy giảm ĐDSH, cũng như hướng tới bảo tồn thiên nhiên, phục hồi các hệ sinh thái của Việt Nam.
Về công tác bảo tồn ĐDSH, thời gian qua, Việt Nam đã tích cực triển khai nhiều hoạt động, kế hoạch. Trong đó, Việt Nam đã có một hệ thống các khu bảo tồn thiên nhiên được thiết lập, theo quy hoạch và chiến lược là 9% diện tích khu bảo tồn trên cạn, 3 - 5% diện tích vùng ven biển. Ngoài việc thúc đẩy mở rộng diện tích các khu bảo tồn, Việt Nam cũng hướng tới áp dụng các biện pháp bảo tồn hiệu quả ngoài khu vực bảo vệ, bảo tồn (OECM) bằng cách lồng ghép các yêu cầu về bảo tồn ĐDSH trong các sinh cảnh sản xuất, những sinh cảnh ngoài khu vực bảo tồn.
Voọc chà vá chân nâu
Việt Nam đã tham gia nhiều Điều ước quốc tế liên quan đến bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH, cụ thể như Công ước về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (gia nhập vào năm 1987), Công ước ĐDSH (gia nhập năm 1994) và các Nghị định thư trong khuôn khổ của Công ước, Công ước Ramsar về bảo tồn các vùng đất ngập nước (Công ước Ramsar, gia nhập năm 1989), Công ước về thương mại quốc tế đối với các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (gia nhập năm 1994)…
Chính phủ cũng đã thông qua Nghị quyết 05/NQ-CP ngày 15/1/2021 ủng hộ Tuyên bố của các nhà lãnh đạo vì thiên nhiên tại Hội nghị thượng đỉnh về ĐDSH trong khuôn khổ Khóa họp lần thứ 75 của Đại hội đồng Liên hợp quốc; hưởng ứng tuyên bố của Liên hợp quốc về “Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái” trong giai đoạn 2021 - 2030; tuyên bố về rừng và sử dụng đất trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 của các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu nhằm hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững như giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu, duy trì các dịch vụ hệ sinh thái; ủng hộ Tuyên bố Côn Minh tại Hội nghị các bên tham gia Công ước ĐDSH lần thứ 15 vào năm 2021; ủng hộ và cam kết triển khai thực hiện Khung toàn cầu về ĐDSH sau 2020, với 23 mục tiêu tham vọng toàn cầu cần đạt được đến năm 2030 nhằm giảm suy thoái ĐDSH, từng bước phục hồi thiên nhiên.
Đặc biệt, năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về ĐDSH đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, trong đó đặt mục tiêu đến cuối thập kỷ, Việt Nam sẽ gia tăng diện tích các hệ sinh thái tự nhiên được bảo vệ, phục hồi; bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng kinh tế xanh, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu... iệc triển khai thành công Chiến lược này sẽ đóng góp vào việc thực hiện mục tiêu toàn cầu về ĐDSH. Trong đó, giải pháp ưu tiên là tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật, tăng cường năng lực bảo tồn ĐDSH. Hệ thống chính sách, pháp luật cần được rà soát đảm bảo tính hệ thống, thống nhất và cập nhật những yêu cầu mới nhằm thực hiện các cam kết quốc tế và thực tiễn Việt Nam. Bên cạnh đó, cần chú trọng rà soát và tăng cường năng lực của các tổ chức, nhân lực làm công tác bảo tồn ĐDSH từ trung ương đến địa phương; nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về ĐDSH; thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các cán bộ làm công tác bảo tồn ở vùng sâu, vùng xa tại các khu bảo tồn thiên nhiên. Chiến lược cũng chú trọng việc tiếp tục đẩy mạnh nâng cao nhận thức, ý thức về bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH cho các cấp, các ngành và toàn xã hội; xây dựng lối sống có trách nhiệm với thiên nhiên, sống hài hòa với thiên nhiên; đẩy mạnh lồng ghép và thực hiện các yêu cầu về bảo tồn ĐDSH trong hoạch định chính sách, các dự án đầu tư công; thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển, chuyển giao và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH.
Cùng với Chiến lược, Chính phủ đã ban hành Đề án tăng cường phòng, chống tội phạm ĐDSH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với quyết tâm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc chấp hành pháp luật về ĐDSH, đặc biệt là thông qua giảm các đầu mối săn bắt, buôn bán, tiêu thụ động, thực vật hoang dã. Đồng thời, Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện hành lang pháp lý để hỗ trợ công tác bảo tồn ĐDSH; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các cơ chế chính sách liên quan đến quy hoạch bảo tồn ĐDSH quốc gia, xác định các đối tượng cần phải ưu tiên bảo vệ, bảo tồn từ nay tới 2030; Vấn đề về bảo tồn các loài nguy cấp, quý hiếm, được ưu tiên bảo vệ; Kiểm soát các loài ngoại lai xâm hại; Xây dựng cơ sở dữ liệu quan trắc ĐDSH…
Đáng chú ý, tháng 12/2022, Khung ĐDSH toàn cầu Côn Minh - Montreal (GBF) được thống nhất thông qua. Khung GBF đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng nhằm khôi phục hệ sinh thái cả trên cạn và dưới nước, hướng đến mục tiêu đảo ngược quá trình mất ĐDSH đang diễn ra nhanh chóng trên toàn cầu trong vài thập kỷ qua. Việc triển khai GBF là cơ hội để Việt Nam tiếp tục nỗ lực hơn nữa nhằm giúp khôi phục những hệ sinh thái đang mất đi và bảo tồn những hệ sinh thái hiện tại của Việt Nam.
Về phía Bộ TN&MT, năm 2023, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ Dự thảo “Quy hoạch bảo tồn ĐDSH quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” và Dự thảo “Chương trình quốc gia về bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Các cơ quan chuyên môn cũng đang gấp rút hoàn thiện, sửa đổi những nội dung liên quan tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT về hướng dẫn chi tiết và thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; trong đó có nội dung về đánh giá tác động ĐDSH, bồi hoàn ĐDSH. Trong năm 2024, Cục Bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH (Bộ TN&MT) sẽ tổ chức đánh giá 15 năm thực hiện Luật ĐDSH, tạo tiền đề cho việc đề xuất, sửa đổi Luật ĐDSH năm 2008 theo hướng bảo đảm thống nhất quản lý nhà nước phù hợp với điều kiện thực tiễn, bối cảnh trong nước và quốc tế. Đồng thời, tiếp tục rà soát, đề xuất hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật; nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách và biện pháp quản lý, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, hình thành cơ chế quản lý các khu bảo vệ ngoài khu bảo tồn.
Phương Linh