Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 01/11/2024

Quản lý và sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên nước: Trách nhiệm của cả cộng đồng

03/07/2023

    Nước là thành phần cấu thành quan trọng của mọi sinh vật, gồm cả con người, chúng ta sử dụng nước trong hầu hết các hoạt động hàng ngày, từ phục vụ sinh hoạt gia đình như ăn uống, vệ sinh, chăm sóc sức khỏe đến sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và công nghiệp. Đồng thời, nước là thành phần chính của môi trường sống, nguồn tài nguyên quan trọng này đã tạo dựng nên xã hội loài người với sự đa dạng về văn hóa, tôn giáo và tín ngưỡng ở khắp mọi nơi.

    Tài nguyên nước và thách thức về an ninh nguồn nước ở Việt Nam hiện nay

    Tài nguyên nước (TNN) ở Việt Nam rất đa dạng, phong phú, bao gồm nguồn nước mặt, nước ngầm ở các thủy vực tự nhiên và nhân tạo như sông, suối, hồ tự nhiên, hồ nhân tạo (hồ chứa), giếng khơi, đập, ao, đầm phá, các túi nước ngầm... Theo thống kê của Bộ TN&MT, Việt Nam hiện có hơn 7.160 hồ chứa thủy lợi, tổng dung tích ước tính khoảng 70 tỷ m3; 3.450 sông, suối chiều dài từ 10 km trở lên, nằm trong 108 lưu vực với 331.000 km2 lưu vực nằm trong lãnh thổ nước ta (chiếm 28,3% tổng diện tích của 108 lưu vực); tổng lượng dòng chảy trung bình nhiều năm của các sông vào khoảng 830 - 840 tỷ m3. Đáng chú ý, 9 con sông (sông Hồng, sông Thái Bình, sông Bằng Giang - Kỳ Cùng, sông Mã, sông Cả, sông Vu Gia - Thu Bồn, sông Ba, sông Đồng Nai, sông Cửu Long) và 4 nhánh sông (sông Đà, sông Lô, sông Sê San, sông SrêPok) đã tạo nên một vùng lưu vực trên 10.000 km2, chiếm khoảng 93% tổng diện tích của mạng lưới sông ở Việt Nam. Cùng với đó là nguồn nước ngầm dồi dào, trữ lượng khoảng 189,3 triệu m3/ngày, đêm, tiềm năng có thể khai thác trung bình khoảng 61,2 triệu m3/ngày, đêm, tập trung ở khu vực đồng bằng Bắc bộ, Nam bộ và khu vực Tây Nguyên; lượng mưa trung bình năm khoảng 1.940 - 1.960 mm (tương đương 640 tỷ m3/năm), nằm trong số quốc gia có lượng mưa lớn trên thế giới. Tuy nhiên, nguồn nước mặt của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguồn nước ngoại sinh, hàng năm, các sông, suối xuyên biên giới chuyển vào nước ta khoảng 520 tỷ m3, chiếm khoảng 63% tổng lượng nước mặt của cả nước, trong khi nguồn nước nội sinh của Việt Nam chỉ đạt 4.200 m3/người/năm, thấp hơn so với trung bình của Đông Nam Á (4.900 m3/người/năm). Cụ thể, nguồn nước sản sinh từ các quốc gia thượng nguồn lưu vực sông (LVS) Mê Kông chiếm 90,1%; sông Hồng chiếm 38,5%; sông Cả chiếm 18,4% và sông Mã chiếm 27,1% tổng lượng nước chảy trên các con sông này. Việc những quốc gia ở thượng nguồn các sông quốc tế triển khai đầu tư hoặc có kế hoạch gia tăng sử dụng nước, xây dựng hồ thủy điện, công trình lấy nước, chuyển nước liên LVS đều có tác động đến biến đổi dòng chảy về Việt Nam. Theo kết quả nghiên cứu của Hội đồng Ủy hội sông Mê Công quốc tế, khi các công trình thủy điện hoàn thành xây dựng, đi vào vận hành sẽ có tác động bất lợi rất lớn đối với Việt Nam. Dự kiến, lượng phù sa, chất dinh dưỡng, môi trường, sinh kế người dân vùng ĐBSCL có thể giảm 97% vào năm 2040. Mặt khác, TNN ở Việt Nam phân bố không đều theo cả không gian và thời gian, từ 7 - 9 tháng mùa khô, dòng chảy trên các hệ thống sông bị suy giảm với tổng lượng nước cả mùa chỉ bằng khoảng 20 - 30% lượng nước cả năm, trong khi nhu cầu tưới tiêu của bà con nông dân thời gian này rất lớn. Phần lãnh thổ từ phía Bắc đến TP. Hồ Chí Minh chiếm 80% dân số, 90% hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhưng chỉ có gần 40% lượng nước của cả nước; 60% lượng nước còn lại tập trung ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

    Liên quan đến vấn đề an ninh nguồn nước (ANNN) phục vụ hoạt động sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ đập, theo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, trong tháng 7/2020, Ủy ban đã tổ chức 2 đợt khảo sát về nội dung phiên giải trình tại 14 tỉnh, thành phố khu vực Bắc Trung bộ, duyên hải miền Trung, Nam Trung bộ, ĐBSCL và Tây Bắc, qua đó, Ủy ban đã chỉ ra 8 thách thức đối với ANNN của Việt Nam, gồm:

    Thứ nhất, vấn đề thiếu nước do phân bố không đều theo không gian, thời gian, lũ, lụt vào mùa mưa và hạn hán, xâm nhập mặn vào mùa khô; nhu cầu sử dụng cho mục đích phát điện, sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp ngày càng tăng; công tác quản trị nước còn hạn chế, chưa tích trữ được nước tại chỗ, chưa điều chuyển được nước từ nơi thừa sang nơi thiếu để đảm bảo sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả.

    Thứ hai, tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng, kéo theo hiện tượng thời tiết cực đoan làm gia tăng các loại hình thiên tai như bão, lũ, mưa lớn, hạn hán, xâm nhập mặn; lượng mưa phân bố không đều trong năm, mùa khô kéo dài gây hạn hán, vào mùa mưa, lượng mưa lại tăng đột ngột, gây ngập úng; xâm nhập mặn, lũ ống, lũ quét, thay đổi lưu lượng dòng chảy... gây áp lực lên hệ thống thủy lợi, hạn chế diện tích canh tác, đe dọa nguồn nước ngọt của các sông, nước dưới đất.

    Thứ ba, vấn đề ô nhiễm nguồn nước từ các hoạt động sản xuất, sinh hoạt. Dân số tăng nhanh cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội đã gia tăng vấn đề xả thải vào nguồn nước các sông, suối. Hạn hán kéo dài dẫn đến tình trạng xâm nhập mặn sâu hơn, tác động đến các dòng sông như sông Lam (Nghệ An), sông Cả (Thanh Hóa), sông Vu Gia - Thu Bồn (Quảng Nam), ảnh hưởng đến việc cấp nước sinh hoạt, sản xuất của nhiều địa phương. Điều này dẫn đến tình trạng có nước nhưng không sử dụng được hoặc sẽ phải tăng chi phí để xử lý nước, đồng thời đặt ra yêu cầu cần xây dựng cống trữ ngọt, ngăn mặn trên các hệ thống sông này.

    Thứ tư, tuy Việt Nam có tới 3.450 sông, suối chiều dài từ 10 km trở lên và 13 LVS diện tích lớn hơn 10.000 km2, nhưng lại có tới 7 LVS liên quốc gia, phần lưu vực ở nước ngoài chiếm tới 71% lại ở khu vực đầu nguồn. Vì vậy, chúng ta chịu rủi ro về lượng nước, chất lượng nước rất lớn bởi các quốc gia thượng nguồn gia tăng hoạt động thủy điện trên dòng chính sông Hồng, sông Mê Kông làm thay đổi lớn chế độ dòng chảy, lượng nước phù sa; việc chuyển nước từ dòng chính sông Mê Kông ra khỏi lưu lực (Thái Lan) ảnh hưởng đến lượng nước cấp cho ĐBSCL.

    Thứ năm, khả năng tiếp cận nguồn nước sạch, an toàn cho sản xuất, sinh hoạt của người dân, đặc biệt với địa bàn có điều kiện địa lý, kinh tế - xã hội khó khăn.

    Thứ sáu, mâu thuẫn trong sử dụng nước trên cùng LVS cũng như cho mục đích sử dụng (trong việc chuyển nước từ sông Vu Gia sang sông Thu Bồn, phục vụ Nhà máy Thủy điện Đăkmi 4, tỉnh Quảng Nam) cũng làm giảm lượng chảy về hạ lưu của sông Vu Gia - nguồn cung cấp nước chính cho Thành phố Đà Nẵng; hoặc hồ thủy điện A Vương đáp ứng cho nhu cầu sử dụng nước của 2 tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng nhưng có thời điểm khác biệt về nhu cầu giữ nước và xả nước, gây mâu thuẫn cho vận hành.

    Thứ bảy, vấn đề bảo vệ nguồn sinh thủy. Hiện nay chất lượng và diện tích rừng đầu nguồn giảm, ảnh hưởng lớn đến khả năng giữ nước của các LVS, thêm vào đó, việc trồng rừng bằng cây công nghiệp, cây keo, bạch đàn, cao su... cũng không có tác dụng trữ nước trên lưu vực. Tuy nhiên, tại các tỉnh đầu nguồn nước như t Lào Cai, Điện Biên, Sơn La... việc bảo vệ nguồn sinh thủy còn bất cập, độ che phủ rừng chưa cao trong khi quỹ đất quy hoạch trồng rừng còn khá lớn (Sơn La còn 299.000 ha đất quy hoạch cho trồng rừng; Điện Biên hiện còn 229.000 ha...).

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nguồn TNN phong phú

    Thứ tám, hiệu quả sử dụng nước thấp, năng lực khai thác công trình thủy lợi chưa đáp ứng yêu cầu. Lượng nước dồi dào nhưng hạ tầng kỹ thuật chưa đảm bảo để tích nước, hiệu quả sử dụng nước thấp, thất thoát nước lớn (trong thủy lợi khoảng 30%, trong cấp nước sinh hoạt 25,5%); việc sử dụng nước chưa tiết kiệm, hiệu quả. Ngoài ra, nhiều hồ được xây dựng từ những năm 60 - 70 của thế kỷ XX, sử dụng công nghệ lạc hậu, chủ yếu là đập đất; hạ tầng đấu nối đi kèm không thể tương thích, làm giảm hiệu quả hoạt động của công trình; nhiều hồ không thể trữ đủ nước theo dung tích thiết kế, thậm chí không thể tích nước, mất an toàn… cũng ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác, sử dụng nước.

    Ngoài ra, nhiều vấn đề đe dọa ANNN ở Việt Nam xuất phát từ chính những nguyên nhân chủ quan, đó là tình trạng ô nhiễm nguồn nước do xả thải không qua xử lý vào sông, suối, kênh, rạch hoặc chôn lấp rác thải không đúng quy chuẩn; do hoạt động khai thác khoáng sản, sử dụng hóa chất bừa bãi trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; tình trạng vi phạm hành lang bảo vệ nguồn nước làm biến đổi dòng chảy, suy giảm diện tích đất rừng - nguồn sinh thủy...

    Nỗ lực đảm bảo an ninh TNN quốc gia - Trách nhiệm của cả cộng đồng

    Trước những thách thức nêu trên đòi hỏi Việt Nam phải có giải pháp cấp bách và hành động cụ thể để bảo đảm an ninh nước và an toàn đập, hồ chứa nước trên cơ sở tôn trọng quy luật tự nhiên, thích ứng BĐKH, phòng, chống thiên tai, lấy TNN là cốt lõi, kết hợp hài hòa giữa giải pháp công trình và phi công trình, trong đó kết cấu hạ tầng về nước giữ vai trò quan trọng đặc biệt; gắn liền với cơ cấu lại nền kinh tế, bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội - môi trường, công bằng và hợp lý. Song song đó, thúc đẩy ngoại giao với các quốc gia có chung nguồn nước cũng như các đối tác quốc tế khác thông qua đổi mới sáng tạo, sáng kiến trong cách tiếp cận quản lý, sử dụng, khai thác bền vững nguồn nước xuyên biên giới; đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển, ứng dụng các giải pháp khoa học - công nghệ mới, thực hiện chuyển đổi số để chủ động ứng phó với thiên tai, BĐKH, đáp ứng yêu cầu về nước cho cuộc sống con người, cho phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững; xây dựng tầm nhìn, kịch bản phát triển, giải quyết các tác động cực đoan liên quan đến nước…

    Thực tế Việt Nam luôn khẳng định “Nước là tài nguyên đặc biệt quan trọng, là thành phần thiết yếu của sự sống và môi trường, quyết định sự tồn tại, phát triển bền vững của đất nước”, vì vậy, từ nhiều thập kỷ qua, Chính phủ Việt Nam luôn nỗ lực, tăng cường kiện toàn thể chế, chính sách trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ TNN; đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia có chung nguồn nước, đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, quốc gia trên thế giới cũng như trong khu vực để quản lý, bảo vệ hiệu quả TNN. Cụ thể, Việt Nam đã xây dựng được hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật từ Luật TNN, Luật Thủy lợi, Luật Điện lực, Luật Đê điều, Luật BVMT, Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp... Kèm theo đó, nhiều nghị định, thông tư liên quan đến công tác ANNN phục vụ sản xuất, đời sống và an toàn hồ đập cũng đã được xây dựng khá đầy đủ, đồng bộ cùng với các điều ước quốc tế, tạo sở pháp lý cho công tác quản lý, bảo đảm ANNN và an toàn hồ đập. Đến nay, hệ thống pháp luật của Việt Nam đã tiếp cận đầy đủ 4 yếu tố quản lý ANNN, được các quốc gia trên thế giới thực hiện gồm: (1) Bảo vệ nguồn nước, hệ sinh thái nước ngọt bền vững; (2) Bảo đảm nhu cầu nước cho mục đích sinh hoạt, sản xuất; (3) Mọi người dân được tiếp cận đầy đủ nguồn nước sạch với chi phí hợp lý; (4) người dân được bảo vệ trước rủi ro liên quan đến nước. Bên cạnh đó, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ NN&PTNT phối hợp các bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án bảo đảm ANNN và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác, tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, quốc gia trên thế giới và khu vực để xây dựng hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, gồm Luật TNN, Luật Thủy lợi, Luật Điện lực, Luật Đê điều, Luật BVMT, Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp... Đặc biệt, nhằm mô tả bức tranh tổng thể về TNN Việt Nam, năm 2021, Bộ TN&MT đã dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đảm bảo an ninh TNN quốc gia với mục tiêu giải quyết 6 vấn đề chính theo xu thế chung của ANNN, gồm: Đảm bảo nguồn nước cho cấp nước sinh hoạt; đảm bảo cấp nước sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, năng lượng và giao thông; chủ động ứng phó với tác động của hạn hán, lũ lụt, ô nhiễm, BĐKH; tác động từ nước ngoài đối với nguồn nước xuyên biên giới và các mối nguy hiểm khác liên quan đến nước cho môi trường; thoát nước, xử lý nước thải đô thị; giao thông thủy và các hoạt động liên quan. Mục tiêu cụ thể của Đề án là đến năm 2030, giảm thiểu tối đa sự phụ thuộc, tối ưu hóa lợi ích do nguồn nước mang lại từ các nguồn nước liên quốc gia; chủ động điều tiết nước, phòng ngừa, ứng phó sự cố ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt, hạn hán, xâm nhập mặn; khắc phục hiệu quả, bền vững tình trạng hạn hán, thiếu nước vào mùa khô các vùng Nam Trung bộ, Tây Nguyên, ĐBSCL, vùng sâu, vùng xa và hải đảo... Đồng thời, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn nước sạch, an toàn cho người dân; kiểm soát cơ bản 90% hoạt động khai thác, bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, bền vững, an toàn, công bằng, hợp lý; kiểm soát trên 90% nguồn thải vào nguồn nước; nâng cao tỷ lệ được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của người dân; đảm bảo an ninh lương thực thông qua việc vận hành hiệu quả các công trình thuỷ lợi trong điều kiện BĐKH…

    Mới đây, Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 1622/QĐ-TTg ngày 27/12/2022 về việc phê duyệt Quy hoạch TNN thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với quan điểm nước là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, là thành phần cơ bản của hệ sinh thái tự nhiên, liên quan đến mọi hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước. Quy hoạch TNN phải mang tính chiến lược, đảm bảo tầm nhìn dài hạn, định hướng tổng thể, điều hòa, phân phối TNN đáp ứng các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030), ưu tiên đảm bảo cấp nước cho sinh hoạt, ổn định an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, hài hòa với yêu cầu phát triển của từng ngành, từng địa phương và cộng đồng. Mặt khác, Quy hoạch TNN là cơ sở cho việc lập các quy hoạch ngành quốc gia có khai thác, sử dụng nước, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. TNN phải được quản lý, sử dụng, phát triển bền vững, tổng hợp, thống nhất theo LVS, liên vùng, liên tỉnh và được tiếp cận theo nguyên tắc thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; mọi nhu cầu sử dụng nước cho phát triển kinh tế - xã hội phải phù hợp với chức năng, khả năng đáp ứng của nguồn nước, nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, công bằng, hợp lý, đa mục tiêu, BVMT, hệ sinh thái thủy sinh, thích ứng với BĐKH và đảm bảo ANNN quốc gia… Để triển khai thực hiện Quy hoạch, Quyết định cũng nêu ra 6 giải pháp trọng tâm về pháp luật, chính sách; tài chính, đầu tư; khoa học - công nghệ và hợp tác quốc tế; tuyên truyền nâng cao nhận thức; đào tạo, tăng cường năng lực; tổ chức và giám sát thực hiện.

    Gợi mở biện pháp tăng cường ANNN trong bối cảnh hiện nay, nhiều chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, cần tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước thông qua phương thức quản lý tổng hợp TNN theo LVS; thúc đẩy đầu tư khoa học - công nghệ trong quy hoạch, thiết kế, xây dựng, hiện đại hóa, tạo ra các hạ tầng nước thông minh ứng phó với BĐKH để nâng mức đảm bảo và hiệu quả sử dụng nước của các hệ thống công trình tưới tiêu, cấp thoát nước, công trình phòng chống thiên tai. Đồng thời, cần nâng cao nhận thức cũng như sự tham gia của các bên liên quan, cộng đồng trong quản trị TNN quốc gia; phát huy, tăng cường vai trò, quyền hạn của các tổ chức xã hội trong quá trình xây dựng, thực hiện pháp luật, chính sách, chiến lược, kế hoạch liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội nói chung, nước nói riêng. Trong đó, phải đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao ý thức bảo vệ, sử dụng TNN hiệu quả; xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về TNN, thải bỏ chất thải vào nguồn nước và các tác động không có lợi đến chất lượng nước; kiện toàn bộ máy quản lý TNN từ Trung ương đến địa phương; đầu tư kinh phí cho thực hiện các nhiệm vụ quản lý, bảo vệ TNN nhằm bảo đảm khai thác lâu dài, bền vững nguồn tài nguyên này. Ngoài ra, cần khuyến khích nhân dân tích cực tham gia bảo vệ nguồn nước; lắp đặt đường dây nóng tố giác khi phát hiện bất kỳ hiện tượng nào gây ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước; đẩy mạnh trồng rừng, nâng cao độ che phủ và sử dụng hợp lý tài nguyên đất nhằm điều hòa nguồn nước, giảm lũ, tăng lưu lượng mùa kiệt; có giải pháp thu gom vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật để xử lý, chống ô nhiễm nguồn nước; thay đổi cơ cấu cây trồng đối với những khu vực khan hiếm nguồn nước...

    Có thể nói, nước là khởi nguồn của sự sống, TNN của Việt Nam tuy dồi dào nhưng không thể mãi vô tận nếu không bảo vệ, hơn nữa, bảo đảm ANNN là góp phần bảo đảm nhu cầu nước cho phát triển kinh tế - xã hội, BVMT sinh thái, thực hiện cam kết quốc tế về các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và góp phần phòng, chống thiên tai, thích ứng với BĐKH. Nội hàm của ANNN bao trùm lên nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, do đó, đảm bảo ANNN phải được giải quyết có trọng tâm, trọng điểm, có giải pháp đồng bộ trước mắt cũng như lâu dài, đồng thời, cần sự chung tay của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân.

Vũ Thị Hiền

Trường Đại học TN&MT Hà Nội

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 3/2023)

    Tài liệu tham khảo

  1. https://consosukien.vn/viet-nam-truoc-thach-thuc-an-ninh-nguon-nuoc.htm

  2. https://laodong.vn/thoi-su/8-thach-thuc-de-doa-an-ninh-nguon-nuoc-phuc-vu-san-xuat-sinh-hoat-828491.ldo

Ý kiến của bạn