Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 01/11/2024

NPAP - Nền tảng giải quyết hiệu quả ô nhiễm nhựa

01/08/2023

    Rác thải nhựa hiện được xem là “báo động đỏ”, vấn đề cấp bách tại khu vực ASEAN nói riêng và toàn cầu nói chung. Phần lớn rác thải nhựa không qua xử lý, được đốt, đổ vào các bãi chôn lấp, ra môi trường, đại dương, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Trong đó, ô nhiễm đại dương mà đặc biệt từ rác thải nhựa đang tác động tiêu cực đến hệ sinh thái biển, sức khỏe cộng đồng, các ngành kinh tế, du lịch, y tế cộng đồng và xã hội.

    Ngay từ năm 2018, hưởng ứng chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và ni lông” do Liên hợp quốc phát động, Chính phủ Việt Nam đã tham gia tích cực, chủ động đề xuất các cơ chế hợp tác toàn cầu và khu vực về giảm rác thải nhựa tại nhiều diễn đàn, cơ chế hợp tác quốc tế như: Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tại Canada, Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN tại Việt Nam năm 2018 và Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos năm 2019. Đồng thời, Việt Nam đã tiên phong triển khai nhiều chương trình hành động mạnh mẽ nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa, được các tầng lớp nhân dân trong toàn xã hội hưởng ứng, tham gia rất tích cực.

    Đặc biệt, chiều ngày 17/11/2020, sau khi nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, trong đó, có bổ sung quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; khuyến khích sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa truyền thống. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Việt Nam tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa trong thời gian tới cũng như thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký Quyết định số 1316/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 phê duyệt Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa tại Việt Nam. Trên cơ sở đó, Việt Nam phấn đấu đến năm 2025 sẽ thay thế hoàn toàn túi nilon khó phân hủy bằng túi ni lông, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ mục đích sinh hoạt; bảo đảm thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh; giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương…

Ra mắt Nhóm công tác triển khai Chương trình Đối tác hành động quốc gia về nhựa tại Việt Nam

    Việt Nam đã thành lập Chương trình đối tác hành động Quốc gia về nhựa (NPAP) trên cơ sở thỏa thuận hợp tác giữa Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) và Bộ TN&MT. NPAP là một nền tảng hỗ trợ tất cả các bên liên quan gặp gỡ, tương tác, thảo luận và phối hợp để: Xác định những lĩnh vực có thể hợp tác cũng liên quan đến quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam; Mở rộng quy mô và tối đa hóa tác động của các sáng kiến hiện có nhằm giải quyết ô nhiễm chất thải nhựa ở Việt Nam, từ đó xây dựng các sáng kiến và giải pháp mang tính tập thể mới nếu cần; Xác định nhu cầu đầu tư chiến lược và các nguồn quỹ tiềm năng để kêu gọi đầu tư hiệu quả cho các giải pháp nêu trên. Ngày 23/12/2020, tại Hà Nội, Bộ TN&MT tổ chức Lễ khởi động Chương trình Đối tác hành động Quốc gia về nhựa và Dự án giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam. Đây là nền tảng đối tác đa phương, đa chủ thể được chính phủ thiết lập, cho phép thực hiện hợp tác giữa chính phủ và đối tác quốc gia quan trọng khác để chuyển những cam kết về rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa thành hành động cụ thể. Đến ngày 28/3/2022, Bộ TN&MT phối hợp với Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) tổ chức Lễ ra mắt Nhóm công tác triển khai Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa tại Việt Nam (Chương trình NPAP) để tư vấn cho Bộ trưởng các chính sách, giải pháp, định hướng chiến lược cho Chương trình NPAP, cũng như hỗ trợ Việt Nam hoàn thành tốt Đề án tăng cường quản lý chất thải nhựa trong thời gian tới. Lễ ra mắt Nhóm công tác triển khai Chương trình NPAP là bước đầu tiên nhưng là một bước tiến rất lớn đối với Chính phủ Việt Nam giúp đạt được vấn đề về quản lý chất thải, ô nhiễm nhựa trong tương lai. Và ngày 18/5/2023, Chương trình đối tác hành động Quốc gia về nhựa (NPAP) đã ra mắt Nhóm kỹ thuật mới nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và xúc tác đầu tư đối với những giải pháp hiệu quả trong giảm thiểu rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa tại Việt Nam. Nhóm kỹ thật Đổi mới sáng tạo và Tài chính - do Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ TN&MT và Liên minh chấm dứt rác thải nhựa (AEPW) đồng chủ trì, giúp tập hợp các cơ quan chính phủ, các tổ chức và doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng chung tay thúc đẩy những ý tưởng, giải pháp sáng tạo nhằm điều hướng cho những thay đổi tích cực trong giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế nhựa, cũng như khơi dòng tài chính bền vững mới. Thành viên của Nhóm kỹ thuật bao gồm Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC), Dow Việt Nam, Unilever, An Phat Holdings, Tái chế Duy Tân, GreenHub, Startup Vietnam Foundation (SVF), Innovation Norway, UNDP và Ngân hàng Thế giới. Nhóm kỹ thuật cũng đã thu hút sự tham gia của một số nhà đổi mới sáng tạo thuộc Chương trình “Thử thách sáng tạo giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa” do UNDP tổ chức như Galaxy Biotech - đơn vị có thể khuyến khích các nhà sáng tạo đổi mới khác truy cập vào nền tảng NPAP và khám phá cơ hội đầu tư mới. Việc thành lập Nhóm Đổi mới sáng tạo và Tài chính là một phần trong kế hoạch hoạt động NPAP đã được thống nhất tại cuộc họp thường niên của Nhóm công tác Chương trình NPAP vào ngày 12/4/2023 vừa qua. Đây là Nhóm kỹ thuật đầu tiên sẽ ra mắt và hoạt động trong khuôn khổ Chương trình NPAP nhằm thúc đẩy đổi mới cách thức hoạt động của Chương trình cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn sau 2 năm triển khai tại Việt Nam. Sự kiện ra mắt Nhóm kỹ thuật này đánh dấu cách tiếp cận phù hợp với xu thế chung của Chương trình Đối tác hành động toàn cầu về nhựa (GPAP), cũng như sẽ góp phần hỗ trợ và thúc đẩy các giải pháp sáng tạo xử lý rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa tại Việt Nam thông qua vận động và huy động các nguồn hỗ trợ cho Việt Nam, tăng cường khả năng tiếp cận và chia sẻ công nghệ liên quan đến giảm thiểu ô nhiễm nhựa.

    Qua hai năm triển khai, Chương trình NPAP đã đạt được một số kết quả khả quan, tạo sự lan tỏa ý nghĩa về việc nâng cao ý thức, trách nhiệm, góp phần tạo sự thống nhất trong hành động của các cấp, các ngành và sự ủng hộ của người dân nhiều địa phương trên cả nước đối với vấn đề ô nhiễm nhựa. Cụ thể, Chương trình góp phần tăng cường thực thi chính sách, quy định của nhà nước thông qua hỗ trợ xây dựng một số nội dung của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Thông tư hướng dẫn thực hiện và hỗ trợ đẩy mạnh thực hiện Luật và Kế hoạch hành động về quản lý rác thải nhựa.

    Chương trình NPAP cũng hỗ trợ Việt Nam tham gia Thỏa thuận toàn cầu về chấm dứt ô nhiễm nhựa bằng cách huy động nguồn lực và sự điều phối sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ trong quá trình chuẩn bị dữ liệu, thông tin ở từng vòng đàm phán. Đồng thời, Chương trình cũng đã xây dựng báo cáo nghiên cứu đánh giá tình hình phát sinh, quản lý rác thải nhựa và đề xuất giải pháp, lộ trình giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa ở Việt Nam; hỗ trợ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về ô nhiễm rác thải nhựa đại dương; xúc tiến một số dự án mới thông qua nền tảng NPAP với sự tham gia tích cực và gắn kết các thành viên. Ngoài ra, Chương trình cũng thu hút sự tham gia tích cực từ các khối công và tư trong việc giảm thiểu nhựa dùng 1 lần và tăng cường bình đẳng giới và hoà nhập xã hội trong ngành nhựa.

    Kế hoạch trong năm 2023, Chương trình NPAP sẽ tiếp tục rà soát chính sách và tổ chức đối thoại chính sách để thúc đẩy  quản lý hiệu quả rác thải nhựa và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn; đánh giá tác động và các cơ hội của Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đối với doanh nghiệp; thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện EPR; thúc đẩy phân loại rác tại nguồn và tái chế; thúc đẩy các sáng kiến đổi mới sáng tạo về tái chế nhựa tại các khu vực ven biển; thành nhập các Nhóm kỹ thuật tập trung thúc đẩy chính sách, đổi mới sáng tạo và khơi nguồn tài chính, giới và phát triển toàn diện.

    Việc giải quyết ô nhiễm nhựa là một quá trình lâu dài, cần huy động sự tham gia hiệu quả hơn nữa của toàn xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế nhằm quản lý, xử lý chất thải nhựa, biến thách thức nhựa thành cơ hội trên cơ sở phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức ứng dụng công nghệ cao, qua đó đóng góp vào nỗ lực chung toàn cầu.

Phương Linh

Ý kiến của bạn