01/07/2025
Trong kỷ nguyên của những tiến bộ khoa học kỹ thuật vượt bậc, nhựa với những đặc tính ưu việt từng được coi là một phát minh mang tính cách mạng, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, sự gia tăng nhanh chóng trong sản xuất và tiêu dùng nhựa, đặc biệt là các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, cùng với hệ thống quản lý chất thải còn nhiều bất cập, đã biến nhựa từ một giải pháp tiện lợi thành một "khủng hoảng" toàn cầu. Trước thực trạng đó, nhận thức của cộng đồng quốc tế và Việt Nam về tác hại của ô nhiễm nhựa đã có những chuyển biến mạnh mẽ. Hàng loạt các cam kết, sáng kiến và chính sách đã được đưa ra ở cấp độ toàn cầu, khu vực và quốc gia. Tuy nhiên, để giải quyết một vấn đề mang tính hệ thống và phức tạp như ô nhiễm nhựa, những "khẩu hiệu" chung chung hay các phong trào thiếu chiều sâu là chưa đủ mà phải có những kế hoạch hành động thiết thực, cụ thể hơn.
1. Bức tranh toàn cảnh về ngành nhựa
1.1. Ngành sản xuất nhựa trên thế giới
Ngành công nghiệp nhựa, kể từ khi những polymer tổng hợp đầu tiên được phát hiện vào đầu thế kỷ XX, đã trải qua một quá trình phát triển bùng nổ. Sản lượng nhựa toàn cầu đã tăng từ khoảng 2 triệu tấn vào năm 1950 lên đến gần 460 triệu tấn vào năm 2019, và dự kiến có thể tăng gấp đôi vào năm 2040 nếu không có những can thiệp mạnh mẽ [1]. Các loại nhựa phổ biến như Polyethylene (PE), Polypropylene (PP), Polyethylene terephthalate (PET), Polyvinyl chloride (PVC), và Polystyrene (PS) đã trở thành vật liệu không thể thiếu trong hàng loạt lĩnh vực từ bao bì (chiếm tỷ trọng lớn nhất), xây dựng, ô tô, điện tử, dệt may, đến y tế và nông nghiệp.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ này được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố. Trước hết, nhựa sở hữu những đặc tính vượt trội: nhẹ, bền, linh hoạt, dễ tạo hình, cách điện, cách nhiệt tốt và quan trọng nhất là chi phí sản xuất tương đối thấp. Nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng của một dân số toàn cầu đang phát triển, cùng với xu hướng đô thị hóa và sự thay đổi trong lối sống hướng đến sự tiện lợi, đã tạo ra một thị trường khổng lồ cho các sản phẩm nhựa, đặc biệt là nhựa sử dụng một lần. Nhựa cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tối ưu hóa nhiều chuỗi giá trị công nghiệp, từ việc giảm trọng lượng phương tiện vận tải giúp tiết kiệm nhiên liệu đến việc kéo dài thời gian bảo quản thực phẩm.
Chuỗi cung ứng nhựa toàn cầu là một hệ thống phức tạp, bắt đầu từ việc khai thác nguyên liệu hóa thạch. Theo một báo cáo của Stand.earth Research Group (SRG) và Center for International Environmental Law (CIEL), một phần đáng kể nguyên liệu hóa dầu cho sản xuất nhựa có nguồn gốc từ hoạt động fracking (khai thác dầu khí đá phiến), đặc biệt tại các khu vực như lưu vực Permian ở Hoa Kỳ. Báo cáo chỉ ra "Hơn 25 thương hiệu gia dụng lớn nhất thế giới đang thúc đẩy việc mở rộng khai thác nhiên liệu hóa thạch ở Texas thông qua nhu cầu về bao bì nhựa của họ.". Từ các nguyên liệu đầu vào này, các tập đoàn hóa dầu khổng lồ sản xuất ra các loại hạt nhựa (polymer), sau đó được cung cấp cho hàng ngàn công ty sản xuất thành phẩm nhựa trên khắp thế giới, phục vụ nhu cầu của các thương hiệu tiêu dùng lớn [2].
Ngành sản xuất nhựa có những đóng góp to lớn cho phát triển kinh tế thông qua việc tạo ra hàng triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp, đóng góp đáng kể vào GDP và kim ngạch xuất khẩu của nhiều quốc gia. Tính riêng trong năm 2022 chuỗi giá trị nhựa toàn cầu tạo ra doanh thu ước tính 1.700 tỷ USD và tạo ra 6,3 triệu việc làm [3].
Tuy nhiên, sự phát triển của ngành nhựa cũng bộc lộ nhiều hạn chế mang tính hệ thống, đó là: (i) sự phụ thuộc nặng nề vào nguồn nguyên liệu hóa thạch không tái tạo (dầu mỏ và khí đốt chiếm khoảng 99% nguyên liệu sản xuất nhựa [4], làm cạn kiệt tài nguyên và góp phần vào khủng hoảng biến đổi khí hậu do phát thải khí nhà kính trong suốt vòng đời của nhựa, từ khai thác nguyên liệu, sản xuất, đến xử lý thải bỏ. (ii) mô hình kinh tế chủ đạo của ngành nhựa vẫn là mô hình kinh tế tuyến tính: khai thác – sản xuất – tiêu dùng – thải bỏ, mô hình này tạo ra một lượng lớn chất thải và không tận dụng được giá trị của vật liệu sau sử dụng, gây lãng phí tài nguyên và gia tăng gánh nặng cho môi trường.
(iii) trách nhiệm của nhà sản xuất đối với sản phẩm nhựa trong suốt vòng đời, đặc biệt là ở giai đoạn sau tiêu dùng còn thiếu vắng và chưa đầy đủ trách nhiệm. Điều này dẫn đến việc chi phí quản lý và xử lý chất thải nhựa thường bị đẩy cho xã hội và các chính quyền địa phương, thay vì được cộng vào giá thành sản phẩm.
1.2. Thực trạng quản lý chất thải nhựa trên toàn cầu
Thế giới đang phải đối mặt với một khối lượng chất thải nhựa khổng lồ và ngày càng gia tăng. Trong giai đoạn từ 1950 đến 2017, cả thế giới phát sinh khoảng 6,9 tỷ tấn chất thải nhựa sơ cấp, ước tính có 19-23 triệu tấn chất thải nhựa rò rỉ vào hệ sinh thái dưới nước từ ao, hồ, sông cho đến đại dương [5]. Các quốc gia đang phát triển và các nền kinh tế mới nổi ở châu Á và châu Phi thường là những điểm nóng về ô nhiễm nhựa do tốc độ đô thị hóa nhanh, sự gia tăng tiêu dùng và hệ thống quản lý chất thải chưa theo kịp. Thực trạng quản lý chất thải nhựa trên toàn cầu còn nhiều hạn chế, ước tính chỉ khoảng 9% lượng rác thải nhựa từng được sản xuất ra trên thế giới được tái chế, 12% được đốt và phần lớn còn lại (79%) tích tụ trong các bãi chôn lấp hoặc bị thải trực tiếp ra môi trường tự nhiên [6].
Nhìn ở góc độ kinh tế - xã hội, ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề khi các bãi biển và cảnh quan thiên nhiên bị ô nhiễm bởi rác thải nhựa, làm giảm sức hấp dẫn của điểm đến và doanh thu. Ngành thủy sản cũng chịu tổn thất do suy giảm nguồn lợi (sinh vật biển ăn phải nhựa, vướng vào lưới nhựa) và nguy cơ hải sản bị nhiễm vi nhựa làm giảm niềm tin của người tiêu dùng. Chi phí để dọn dẹp các khu vực bị ô nhiễm, xử lý rác thải nhựa và phục hồi môi trường là vô cùng tốn kém, tạo gánh nặng cho ngân sách nhà nước và cộng đồng. UNEP ước tính chi phí kinh tế toàn cầu do ô nhiễm nhựa biển gây ra cho các ngành như du lịch, thủy sản và nuôi trồng thủy sản là khoảng 6-19 tỷ USD trong năm 2018 và dự báo lên tới 100 tỷ USD vào năm 2040 [7]. Về mặt xã hội, ô nhiễm nhựa ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là những cộng đồng nghèo, dễ bị tổn thương sống gần các bãi rác lộ thiên hoặc các khu vực xử lý chất thải không đảm bảo vệ sinh. Tình trạng này cũng làm gia tăng sự bất bình đẳng xã hội, khi gánh nặng của ô nhiễm thường đổ lên vai những người yếu thế nhất. Bên cạnh đó, sinh kế của hàng triệu người lao động phi chính thức trong lĩnh vực thu gom, mua bán phế liệu cũng bị ảnh hưởng bởi sự biến động của thị trường nhựa phế liệu và điều kiện làm việc thiếu an toàn.
2. Sự quan tâm của toàn cầu đối với ô nhiễm nhựa
2.1. Các cơ chế hợp tác ứng phó với ô nhiễm nhựa: Từ nhận thức đến cam kết hành động
Trong những thập kỷ gần đây, ô nhiễm nhựa đã chuyển từ một vấn đề môi trường cục bộ thành một cuộc khủng hoảng toàn cầu, thu hút sự quan tâm ngày càng tăng của cộng đồng quốc tế. Tại Phiên họp 5.2 của Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc (UNEA), vào tháng 3/2022, một nghị quyết lịch sử đã được thông qua để khởi động quá trình đàm phán một thỏa thuận quốc tế mang tính ràng buộc pháp lý nhằm chấm dứt ô nhiễm nhựa (Nghị quyết UNEA 5/14) [8]. Mục tiêu của Hiệp ước này là giải quyết toàn bộ vòng đời của nhựa, từ thiết kế sản phẩm, sản xuất, tiêu dùng đến quản lý chất thải, nhằm ngăn chặn ô nhiễm nhựa vào môi trường, đặc biệt là môi trường biển. Kỳ vọng vào hiệp ước này là rất lớn, tuy nhiên cũng đối mặt với không ít thách thức do sự đa dạng về lợi ích và năng lực của các quốc gia.
Sự phát triển của ngành nhựa đang đặt ra thách thức về môi trường
Bên cạnh UNEP, các tổ chức như Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Ngân hàng Thế giới (WB), Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cũng tích cực triển khai các chương trình, dự án và sáng kiến hỗ trợ các quốc gia thành viên. Các tổ chức liên chính phủ khu vực như Liên minh Châu Âu (EU) với Chiến lược Nhựa châu Âu (European Strategy for Plastics in a Circular Economy) hay Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với Kế hoạch Hành động khu vực ASEAN về Chống rác thải nhựa đại dương cũng đã đưa ra những cam kết và lộ trình hành động cụ thể.
Khu vực tư nhân và các tổ chức xã hội dân sự quốc tế cũng đóng vai trò tiên phong. Sáng kiến Cam kết Toàn cầu về nền kinh tế nhựa mới của Quỹ Ellen MacArthur, với sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp, chính phủ và tổ chức, đặt ra các mục tiêu tham vọng về việc loại bỏ các bao bì nhựa có vấn đề, đổi mới để nhựa có thể tái sử dụng, tái chế hoặc phân hủy, và tuần hoàn nhựa trong nền kinh tế. Các tổ chức phi chính phủ như WWF, Greenpeace, CIEL, SRG liên tục thực hiện các chiến dịch vận động, nghiên cứu và giám sát, gây áp lực buộc các chính phủ và doanh nghiệp phải hành động mạnh mẽ hơn.
2.2. Các tiếp cận chính trong giải quyết ô nhiễm nhựa hướng tới nền KTTH
Chuyển đổi từ mô hình kinh tế tuyến tính sang mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH) là một trong những giải pháp mang tính nền tảng và được thừa nhận rộng rãi nhất để giải quyết khủng hoảng ô nhiễm nhựa. Đối với ngành nhựa, các nguyên tắc cốt lõi của KTTH bao gồm: (i) Thiết kế để loại bỏ chất thải và ô nhiễm ngay từ đầu, điều này có nghĩa là tránh sử dụng các loại nhựa và hóa chất độc hại, thiết kế sản phẩm để có thể tái sử dụng, sửa chữa hoặc tái chế; (ii) Giữ cho sản phẩm và vật liệu được sử dụng lâu nhất với giá trị cao nhất, ưu tiên các giải pháp như tái sử dụng, sửa chữa, tân trang trước khi xem xét đến tái chế; (iii) Tái tạo hệ thống tự nhiên, đảm bảo các vật liệu sau khi kết thúc vòng đời sử dụng có thể quay trở lại chu trình một cách an toàn hoặc được phân hủy sinh học mà không gây hại cho môi trường.
Công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực quan trọng để hiện thực hóa KTTH cho nhựa. Trong lĩnh vực tái chế, bên cạnh việc cải tiến quy trình tái chế cơ học để nâng cao chất lượng và hiệu quả, tái chế hóa học đang thu hút sự quan tâm lớn. Các công nghệ tái chế hóa học như nhiệt phân, khí hóa và giải trùng hợp có khả năng xử lý các loại nhựa hỗn hợp, nhựa bị nhiễm bẩn mà tái chế cơ học khó thực hiện và có thể tạo ra nguyên liệu đầu vào có chất lượng tương đương nhựa nguyên sinh.
Vật liệu thay thế bền vững cũng là một lĩnh vực đổi mới quan trọng. Nhựa sinh học, bao gồm nhựa có nguồn gốc sinh học và nhựa phân hủy sinh học được kỳ vọng sẽ giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và giải quyết vấn đề tồn tại lâu dài của nhựa trong môi trường. Bên cạnh đó, việc tối ưu hóa và sử dụng các vật liệu truyền thống như giấy, thủy tinh, kim loại cũng là một hướng đi quan trọng.
Thiết kế bao bì thông minh và bền vững (Eco-design) đóng vai trò then chốt ngay từ khâu đầu của vòng đời sản phẩm. Điều này bao gồm việc giảm thiểu lượng vật liệu sử dụng, ưu tiên sử dụng vật liệu đơn chất để dễ tái chế, loại bỏ các thành phần độc hại hoặc khó tái chế (như mực in, nhãn mác, keo dán không phù hợp), và thiết kế sản phẩm để dễ dàng tháo dỡ, sửa chữa hoặc tái sử dụng.
Các mô hình kinh doanh và chính sách thúc đẩy KTTH cần được phát triển. Các mô hình kinh doanh như hệ thống đặt cọc - hoàn trả (DRS) cho chai lọ đồ uống, mô hình cho thuê sản phẩm thay vì bán, các nền tảng chia sẻ và tiêu dùng chung, hay các hệ thống tiếp thị lại sản phẩm đã qua sử dụng đang ngày càng được áp dụng.
Về chính sách công cụ kinh tế, Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) là một công cụ quan trọng, yêu cầu các nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm tài chính và/hoặc vật chất đối với việc quản lý sản phẩm của họ sau khi được tiêu thụ. Các loại thuế hoặc phí đánh vào các sản phẩm nhựa khó tái chế, nhựa sử dụng một lần, hoặc túi nilon cũng được áp dụng ở nhiều nơi để hạn chế tiêu dùng. Ngược lại, các chính sách trợ cấp, ưu đãi cho việc sử dụng vật liệu tái chế, sản phẩm thân thiện với môi trường, và các hoạt động mua sắm công xanh có thể tạo ra động lực thị trường cho KTTH. Việc xây dựng và thực thi các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật cho hàm lượng tái chế bắt buộc trong sản phẩm mới, cho chất lượng hạt nhựa tái sinh, và cho khả năng tái chế của bao bì cũng rất cần thiết để thúc đẩy thị trường và đảm bảo chất lượng.
Chuyển đổi sang KTTH mang lại nhiều lợi ích kinh tế đáng kể. Nó giúp tạo ra thị trường mới cho nguyên liệu thứ cấp, giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu nguyên sinh nhập khẩu hoặc khai thác, từ đó tiết kiệm chi phí sản xuất. KTTH cũng giúp giảm chi phí xử lý chất thải, giảm thiểu các thiệt hại kinh tế do ô nhiễm môi trường. Quan trọng hơn, KTTH thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra các ngành nghề và việc làm mới trong lĩnh vực thiết kế bền vững, sửa chữa, tái chế, và các dịch vụ liên quan, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế. Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), việc chuyển dịch sang KTTH có khả năng tạo thêm 4.500 tỷ USD bổ sung cho hiệu suất sản xuất vào năm 2030 [9]. Về mặt xã hội, KTTH góp phần giảm thiểu các tác động tiêu cực của ô nhiễm nhựa đến sức khỏe cộng đồng và môi trường sống. Nó cũng thúc đẩy ý thức tiêu dùng có trách nhiệm, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng vào các hoạt động BVMT, và có thể tạo ra các cơ hội sinh kế bền vững hơn cho những người lao động trong khu vực phi chính thức nếu được tích hợp một cách phù hợp.
3. Việt Nam đồng hành cùng các quốc gia trong ngăn ngừa ô nhiễm nhựa
3.1. Khung pháp lý và định hướng chiến lược của Việt Nam
Nhận thức được tính nghiêm trọng của vấn đề, Chính phủ Việt Nam đã ban hành và triển khai nhiều chính sách, pháp luật quan trọng nhằm tăng cường quản lý, giảm thiểu ô nhiễm chất thải nhựa. Luật BVMT năm 2020 được coi là một bước tiến lớn, với nhiều quy định mới mang tính đột phá, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề môi trường, trong đó có ô nhiễm nhựa. Đáng chú ý là các quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo hướng tăng cường phân loại rác tại nguồn, thúc đẩy giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế; quy định về Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu (EPR) đối với một số loại bao bì (trong đó có bao bì nhựa) và sản phẩm có khả năng gây ô nhiễm; và các quy định khung nhằm thúc đẩy phát triển KTTH.
Cụ thể hóa các định hướng này, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản dưới luật như Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT, Nghị định số 05/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT, trong đó có các quy định cụ thể về EPR. Các kế hoạch hành động và đề án quan trọng cũng đã được phê duyệt, như Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 (Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 4/12/2019), Đề án tăng cường quản lý chất thải nhựa tại Việt Nam (Quyết định số 1316/QĐ-TTg ngày 22/7/2021). Nhiều chiến lược, chương trình mục tiêu quốc gia về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững cũng lồng ghép các nội dung liên quan đến giảm thiểu chất thải nhựa.
Có thể thấy, khung chính sách và pháp luật của Việt Nam về quản lý chất thải nhựa đã có những điểm tiến bộ rõ rệt, thể hiện sự chủ động và cam kết chính trị mạnh mẽ trong việc giải quyết vấn đề này, đồng thời từng bước tiếp cận với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế như EPR và KTTH.
3.2. Những nỗ lực của Việt Nam trong giảm thiểu ô nhiễm nhựa
Cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương đã tích cực triển khai các chương trình, đề án quốc gia về quản lý chất thải nhựa. Bộ Tài nguyên và Môi trường (hiện này là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã chủ trì nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, xây dựng hướng dẫn kỹ thuật, và thúc đẩy hợp tác quốc tế. Nhiều địa phương đã ban hành kế hoạch hành động riêng, thí điểm các mô hình phân loại rác tại nguồn, thu gom và tái chế chất thải nhựa. Kết quả bước đầu cho thấy, sự chuyển biến nhất định trong nhận thức của một bộ phận cộng đồng và doanh nghiệp, tuy nhiên, việc nhân rộng các mô hình thành công và duy trì tính bền vững của các hoạt động vẫn còn là thách thức.
Nhà nước cũng đã có những nỗ lực trong việc đầu tư hoặc kêu gọi đầu tư xã hội hóa vào hạ tầng thu gom, phân loại và tái chế chất thải nhựa, mặc dù quy mô và tiến độ còn chậm so với nhu cầu. Các hoạt động thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật về BVMT liên quan đến phát sinh và quản lý chất thải nhựa cũng được tăng cường. Nhiều chiến dịch truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại của rác thải nhựa và lợi ích của việc giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế đã được tổ chức trên quy mô lớn, thu hút sự tham gia của các phương tiện thông tin đại chúng và các tổ chức xã hội.
Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn và các công ty đa quốc gia, ngày càng thể hiện vai trò tích cực hơn trong việc giảm thiểu ô nhiễm nhựa. Nhiều doanh nghiệp đã tiên phong trong việc nghiên cứu và áp dụng các giải pháp thay đổi thiết kế bao bì theo hướng bền vững hơn (sử dụng vật liệu tái chế, giảm trọng lượng bao bì, loại bỏ các thành phần khó tái chế), sử dụng các vật liệu thay thế thân thiện với môi trường, và giảm thiểu việc sử dụng nhựa trong sản phẩm và quy trình sản xuất. Một số doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư vào công nghệ tái chế hiện đại để xử lý chất thải nhựa và phát triển các sản phẩm mới từ nhựa tái chế có giá trị gia tăng cao hơn. Sự ra đời của các liên minh, sáng kiến tự nguyện như Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO Vietnam) với sự tham gia của các công ty hàng tiêu dùng và bao bì hàng đầu, hay các cam kết về giảm thiểu rác thải nhựa của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) là những tín hiệu tích cực. Các hoạt động thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) liên quan đến BVMT, thu gom và tái chế rác thải nhựa cũng ngày càng phổ biến.
Sự tham gia của cộng đồng dân cư và các tổ chức xã hội đóng vai trò vô cùng quan trọng. Nhiều phong trào, chiến dịch thu gom rác thải nhựa, làm sạch môi trường tại các bãi biển, dòng sông, khu dân cư đã được khởi xướng và lan tỏa rộng rãi, thu hút sự tham gia của đông đảo tình nguyện viên, đặc biệt là giới trẻ, học sinh, sinh viên. Đáng chú ý là sự hình thành và phát triển của các mô hình tiêu dùng bền vững như các cửa hàng không bao bì (refill stores), các sản phẩm thay thế đồ nhựa dùng một lần (ống hút tre/cỏ/inox, túi vải, hộp đựng thực phẩm tái sử dụng), và các sáng kiến giảm thiểu túi nilon tại các chợ dân sinh. Các tổ chức phi chính phủ (NGOs), các tổ chức xã hội như Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã và đang triển khai nhiều chương trình giáo dục, truyền thông, vận động thay đổi hành vi tiêu dùng, đồng thời tham gia vào các hoạt động giám sát cộng đồng và phản biện chính sách.
Nhìn chung, việc thúc đẩy giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế nhựa đang dần tạo ra các mô hình kinh doanh mới, các thị trường ngách cho sản phẩm thân thiện với môi trường và sản phẩm tái chế, từ đó tạo ra cơ hội việc làm mới, đặc biệt trong lĩnh vực thu gom, phân loại, tái chế và sản xuất các sản phẩm xanh. Các doanh nghiệp có ý thức trách nhiệm với môi trường, chủ động áp dụng các giải pháp bền vững thường xây dựng được hình ảnh và thương hiệu tốt hơn trong mắt người tiêu dùng và các nhà đầu tư, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh. Về mặt xã hội, các hoạt động này góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng, cải thiện chất lượng môi trường sống ở một số khu vực, và thúc đẩy một lối sống có trách nhiệm hơn.
Tuy nhiên, trong triển khai các hoạt động, vẫn còn những hạn chế như quy mô của nhiều hoạt động, đặc biệt là từ phía cộng đồng và các tổ chức xã hội, thường còn nhỏ lẻ, mang tính phong trào, thiếu tính bền vững và chưa tạo được tác động lan tỏa sâu rộng trên toàn quốc. Nguồn lực tài chính, kỹ thuật và nhân lực cho các hoạt động này còn rất hạn chế, nhiều khi phụ thuộc vào các dự án tài trợ ngắn hạn. Sự phối hợp giữa các bên liên quan (Nhà nước – Doanh nghiệp – Cộng đồng) đôi khi còn thiếu chặt chẽ và đồng bộ. Việc thay đổi hành vi tiêu dùng của một bộ phận lớn dân cư là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì và các giải pháp truyền thông, giáo dục sáng tạo, hiệu quả hơn. Đối với doanh nghiệp, việc chuyển đổi sang sản xuất và kinh doanh bền vững cũng đòi hỏi thời gian và nguồn lực đầu tư tương xứng.
3.3. Đề xuất giải pháp giảm thiểu ô nhiễm nhựa đảm bảo phát triển bền vững ở Việt Nam
Hoàn thiện thể chế, chính sách và nâng cao hiệu lực thực thi: Cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý chất thải nhựa theo hướng đồng bộ, rõ ràng, khả thi, có lộ trình rõ ràng và chế tài thực thi hiệu quả. Ban hành các quy định chi tiết hơn về việc thực thi EPR, bao gồm cơ chế quản lý và sử dụng quỹ EPR một cách minh bạch và hiệu quả. Cần xây dựng và triển khai hiệu quả các công cụ kinh tế như thuế môi trường lũy tiến đối với các sản phẩm nhựa dựa trên mức độ gây ô nhiễm hoặc khả năng tái chế thấp; áp dụng phí xử lý chất thải dựa trên khối lượng phát sinh để khuyến khích giảm thiểu tại nguồn. Đồng thời, cần có cơ chế tài chính hỗ trợ, ưu đãi (về thuế, tín dụng, đất đai) cho các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ sản xuất sạch hơn, công nghệ tái chế tiên tiến, và sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường. Xây dựng và vận hành hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về phát sinh, thu gom, vận chuyển, xử lý và tái chế chất thải nhựa để phục vụ công tác quản lý, hoạch định chính sách và đánh giá hiệu quả.
Thúc đẩy phát triển KTTH một cách thực chất trong ngành nhựa: Khuyến khích và hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa cho các hoạt động nghiên cứu, phát triển, chuyển giao và ứng dụng công nghệ tái chế tiên tiến (bao gồm cả tái chế hóa học nếu đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường và hiệu quả kinh tế), công nghệ sản xuất vật liệu thay thế bền vững. Phát triển thị trường cho sản phẩm tái chế và sản phẩm bền vững thông qua các chính sách ưu tiên trong mua sắm công xanh, các chương trình dán nhãn sinh thái uy tín, và hỗ trợ kết nối cung cầu giữa các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm tái chế với các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng nguyên liệu tái chế. Hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) và các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực này.
Đẩy mạnh truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi toàn diện: Cần xây dựng và triển khai các chiến lược truyền thông, giáo dục dài hạn, bài bản, với thông điệp rõ ràng, nội dung hấp dẫn và hình thức đa dạng, phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể (học sinh, sinh viên, hộ gia đình, tiểu thương, doanh nghiệp, cán bộ quản lý). Lồng ghép các nội dung giáo dục về BVMT, tiêu dùng bền vững, tác hại của ô nhiễm nhựa và lợi ích của KTTH vào chương trình giáo dục chính khóa ở các cấp học. Phát huy tối đa vai trò của các phương tiện truyền thông đại chúng, các nền tảng mạng xã hội trong việc lan tỏa thông điệp tích cực, chia sẻ các kiến thức, kỹ năng và các điển hình tốt trong việc giảm thiểu rác thải nhựa. Xây dựng và nhân rộng các chương trình, cuộc vận động khuyến khích, tôn vinh các cá nhân, tập thể, doanh nghiệp có những sáng kiến và hành động thiết thực trong việc giảm thiểu ô nhiễm nhựa.
Tăng cường hợp tác quốc tế và huy động nguồn lực: Việt Nam cần tiếp tục chủ động và tích cực tham gia vào các sáng kiến, cam kết toàn cầu và khu vực về giảm thiểu ô nhiễm nhựa, đặc biệt là trong quá trình đàm phán và thực thi Thỏa thuận quốc tế về ô nhiễm nhựa. Tranh thủ tối đa sự hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật, công nghệ và kinh nghiệm từ các tổ chức quốc tế, các quốc gia phát triển và các đối tác tư nhân có tiềm lực. Thúc đẩy hợp tác nghiên cứu khoa học, chia sẻ thông tin và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực quản lý và tái chế chất thải nhựa. Huy động hiệu quả các nguồn lực từ xã hội, bao gồm cả khu vực tư nhân trong và ngoài nước, cho các dự án đầu tư vào hạ tầng và công nghệ xử lý, tái chế nhựa.
Kết luận
Việc chuyển từ những "khẩu hiệu" chung chung sang những "hành động thiết thực" trong ngăn ngừa và giảm thiểu ô nhiễm nhựa là một yêu cầu cấp bách và là con đường tất yếu để đảm bảo phát triển bền vững. Đây không chỉ đơn thuần là trách nhiệm BVMT, mà còn là cơ hội để chúng ta tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng xanh hơn, tuần hoàn hơn, tạo ra các giá trị mới về kinh tế, việc làm và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Vì một Việt Nam xanh, sạch, đẹp và phát triển bền vững, vì sức khỏe của chính chúng ta và các thế hệ tương lai, mỗi cá nhân, tổ chức hãy cùng chung tay, đồng lòng, biến những nhận thức và cam kết thành những hành động cụ thể, thiết thực ngay từ hôm nay để ngăn ngừa và đẩy lùi thảm họa ô nhiễm nhựa.
Nguyễn Minh Cường
Cục Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 6/2025)
TÀI LIỆU THAM KHẢO