15/09/2023
Luật BVMT số 72/2020/QH14 được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 10, có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, đã có một số thay đổi, điều chỉnh mang tính toàn diện và hài hòa với hệ thống pháp luật về kinh tế - xã hội, thể hiện rõ mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ các thành phần môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, thu hẹp đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường; tích hợp các thủ tục hành chính vào 1 giấy phép môi trường... Trong đó có nội dung giao Bộ Công an tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường, tổ chức kiểm tra, thanh tra về BVMT… đối với dự án đầu tư thuộc bí mật nhà nước về quốc phòng, an ninh, đối với các dự án, cơ sở thuộc lĩnh vực bí mật nhà nước về an ninh. Vì vậy, để các văn bản quy phạm pháp luật về BVMT trong Công an nhân dân phù hợp với quy định pháp luật hiện hành; phù hợp với tổ chức bộ máy và đặc thù ngành Công an và là cơ sở để Công an các đơn vị, địa phương quán triệt, thực hiện, đảm bảo thống nhất, đồng bộ, tuân thủ quy định pháp luật về BVMT thì việc ban hành Thông tư quy định công tác BVMT trong Công an nhân dân là cần thiết.
Ảnh minh họa
Hiện Bộ Công an đang lấy ý kiến Dự thảo Thông tư quy định công tác BVMT trong Công an nhân dân.
Dự thảo Thông tư nhằm hoàn thiện hệ thống văn bản quy định về công tác BVMT trong Công an nhân dân phù hợp với những quy định của pháp luật và mô hình tổ chức mới của Bộ Công an; là cơ sở để Công an các đơn vị, địa phương quán triệt, thực hiện, đảm bảo thống nhất, đồng bộ, tuân thủ quy định pháp luật về BVMT. Thông tư áp dụng đối với Công an các đơn vị, địa phương và các tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác BVMT trong Công an nhân dân.
Dự thảo Thông tư gồm 5 chương, 61 điều. Theo đó, tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của Bộ Công an, của địa phương nơi đóng quân và của đơn vị về BVMT; Hiện trạng môi trường và xu thế diễn biến chất lượng môi trường thế giới, khu vực, trong nước và các khu vực do Bộ Công an quản lý; tác động của công tác công an đối với môi trường và biện pháp giảm thiểu, khắc phục... nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm BVMT. Bên cạnh đó, tuyên truyền về những mô hình tiêu biểu, gương người tốt, việc tốt trong hoạt động BVMT; phê phán những hành vi gây tác động xấu đối với môi trường.
Về quản lý chất thải, kiểm soát ô nhiễm, Dự thảo Thông tư nêu rõ, Công an các đơn vị, địa phương quản lý chất thải trong toàn bộ quá trình phát sinh, giảm thiểu, phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý, tiêu hủy. Tái sử dụng, tái chế, xử lý và thu hồi năng lượng từ chất thải nguy hại, chất thải rắn công nghiệp thông thường hoặc chuyển giao cho cơ sở có chức năng và giấy phép môi trường phù hợp để xử lý theo quy định của pháp luật về BVMT. Phân định chất thải nguy hại, chất thải rắn công nghiệp thông thường đối với nguồn thải chất thải công nghiệp thuộc diện phải kiểm soát theo quy trình phân định tuân thủ theo quy định của pháp luật về BVMT.
Cùng với đó, Công an các đơn vị, địa phương thực hiện các biện pháp thu gom và xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường trước khi xả ra nguồn tiếp nhận. Nước thải được khuyến khích tái sử dụng khi đáp ứng yêu cầu về BVMT và phù hợp với mục đích sử dụng nước.
Nguồn lực tài chính bảo đảm cho hoạt động BVMT trong Công an nhân dân là từ nguồn ngân sách nhà nước chi thường xuyên, chi đầu tư phát triển cho BVMT; ngân sách nhà nước chi thường xuyên cho an ninh và trật tự, an toàn xã hội; kinh phí của doanh nghiệp Công an, đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính; các nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật…
Phương Linh