30/06/2025
Một số nội dung chính được thảo luận tại Hội nghị
Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã chủ trì phiên thảo luận mở các phiên họp, thảo luận: Phiên họp với chủ đề: “Bắt nhịp Cách mạng Xanh 4.0: Hành trình chuyển đổi hệ thống lương thực cho kỷ nguyên bền vững”; tham dự phiên đối thoại cấp cao và đối thoại giữa các nhà lãnh đạo với doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ chủ trì và các buổi làm việc song phương của Lãnh đạo nhà nước với các đối tác như Ethiopia, Campuchia, Hàn Quốc, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Kenya, Quỹ Phát triển nông nghiệp Quốc tế (IFAD); Thảo luận song phương (13 buổi) với các trưởng đoàn tham dự Hội nghị thượng đỉnh P4G gồm Đan Mạch, Inđônêxia, Italia, Nam Phi, Nhật Bản, Rwanda, Singapore, Trung Quốc, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Liên hợp quốc (UN), Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI). Sau đây là các nội dung chính thảo luận tại Hội nghị:
Chuyển đổi hệ thống lương thực xanh và bền vững
Chuyển đổi hệ thống lương thực xanh, trách nhiệm, minh bạch và bền vững là chủ đề được rất nhiều đại biểu quốc tế quan tâm tại Hội nghị. Các nội dung trao đổi được tập trung vào những ý kiến chung sau: (i) Đánh giá cao những bước đi tiên phong và thực tiễn đổi mới sáng tạo của Việt Nam trong chuyển đổi hệ lương thực thực phẩm xanh, bền vững; (ii) Khẳng định một hệ thống lương thực xanh không chỉ là giảm phát thải, sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo vệ đa dạng sinh học, mà còn cần con người - đặc biệt là những người sản xuất quy mô nhỏ - vào trung tâm của quá trình chuyển đổi. Khi người nông dân được tiếp cận công nghệ, thông tin, tài chính và thị trường một cách công bằng, minh bạch, họ sẽ trở thành lực lượng tiên phong trong bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và xây dựng các mô hình sản xuất bền vững; (iii) Sự chuyển đổi này cũng đồng nghĩa với việc hình thành các chuỗi giá trị lương thực có trách nhiệm - nơi mọi chủ thể, từ doanh nghiệp đến người tiêu dùng, đều chia sẻ mục tiêu chung là vì sức khỏe con người, môi trường và sự phát triển lâu dài. Minh bạch trong sản xuất, truy xuất nguồn gốc, và trách nhiệm trong tiêu dùng sẽ là động lực để thị trường vận hành theo hướng xanh hơn, công bằng hơn; (iv) Cách mạng xanh không chỉ là công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, công nghệ sinh học và các giải pháp đổi mới sáng tạo mà còn là thay đổi cả tư duy và trao quyền cho người nông dân; (v) Chuyển đổi hệ thống lương thực bền vững không thể tách rời cách mạng xanh, chuyển đổi xanh. Cách mạng xanh 4.0 không chỉ giúp tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, mà còn giảm tiêu hao tài nguyên, cắt giảm phát thải và tăng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, và qua đó tạo tiền đề nâng cao sinh kế của người nông dân, tăng cường phúc lợi cho người tiêu dùng. Đó chính là nền tảng để xây dựng những nền kinh tế bền vững, chống chịu tốt hơn trước biến đổi khí hậu (BĐKH) và đảm bảo một tương lai an toàn về lương thực cho các thế hệ mai sau; (vi) Các giải pháp cho chuyển đổi cần tiếp cận tổng thể, tích hợp các chính sách và trách nhiệm chung của cả hệ thống từ Chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế đến từng người nông dân, mô hình hợp tác công tư cộng đồng (PPCP: Public-Private-Community Partnership), tận dụng thế mạnh của từng bên để chia sẻ rủi ro, đồng hành trong hành động; (vii) Quá trình chuyển đổi cũng cần chung tay của các quốc gia, các tổ chức quốc tế để cùng nhau vượt qua những thách thức mang tính toàn cầu.
Bên lề Hội nghị thượng đỉnh P4G, tại các buổi làm việc song phương với Bộ Nông nghiệp và Môi trường, các đối tác quốc tế đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc và cam kết mạnh mẽ trong việc hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm theo hướng xanh, bền vững và thích ứng với BĐKH. Các nước Đan Mạch, Italia, UN, GGGI sẽ sẵn sàng hỗ trợ các hoạt động liên quan đến chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm như Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh Đồng bằng sông Cửu Long đến 2030. Nội dung hợp tác không chỉ giới hạn trong công nghệ hay tài chính, mà còn bao gồm hợp tác thương mại, phát triển thị trường và xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững.
Khả năng thúc đẩy hợp tác sau Hội nghị, bao gồm: (1) Phối hợp Nam Phi xem xét ký Biên bản ghi nhớ (MOU) hợp tác về nông nghiệp mới trên cơ sở đề xuất của Nam Phi; (2) Phối hợp với Rwanda xem xét xúc tiến ký MoU trong năm 2025 về thúc đẩy hợp tác theo mô hình hợp tác ba bên (Việt Nam - nước bạn - tổ chức quốc tế) trong nông nghiệp và khí hậu; (3) Thúc đẩy Inđônêxia sớm hoàn tất thủ tục để ký MoU giữa hai bên về gạo, qua đó góp phần đảm bảo ổn định xuất khẩu gạo từ Việt Nam và an ninh lương thực cho Inđonêxia; (4) Hợp tác thương mại nông lâm thủy sản với Inđônêxia, Nam Phi, Đan mạch, chú trọng tới giống và công nghệ sản xuất, chế biến giữa Việt Nam và các nước; (5) Thúc đẩy hợp tác và tranh thủ hỗ trợ của Đan Mạch, Italia, UN, GGGI cho các nội dung liên quan đến chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm.
Biến đổi khí hậu
Đây là nội dung được các đối tác quan tâm, đặc biệt là về thực hiện Điều 6, thỏa thuận Paris; chuyển đổi năng lượng, thích ứng BĐKH, thị trường các-bon, quản lý rủi ro thiên tai, điểm chung các bên đều mong muốn hợp tác và hỗ trợ Việt Nam trong những nội dung này, cụ thể:
Singapore cam kết phối hợp chặt chẽ với Việt Nam trong triển khai thực hiện Điều 6 Thỏa thuận Paris. Hai bên thống nhất sẽ ký Thỏa thuận hợp tác chung về nội dung này vào tháng 05/2025. Phía bạn cũng mong muốn sớm triển khai các nội dung Thỏa thuận sau ký kết, cụ thể là xác định các dự án doanh nghiệp Singapore có thể hợp tác triển khai, đặc biệt là các dự án trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi. Trong lĩnh vực này, hiện nay đang có hợp tác giữa Sembcorp Utilities Pte. Ltd (SCU) và Tổng Công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật Dầu khí (PTSC) đã hợp tác về phát triển dự án xuất khẩu điện gió ngoài khơi.
Nhật Bản thông báo về Cơ chế tín chỉ chung (JCM) giữa Nhật Bản và Việt Nam từ năm 2013 đến nay đã hình thành được 50 dự án tín chỉ các-bon, đẩy mạnh nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính. Trong khuôn khổ cơ chế JCM, hợp tác không chỉ diễn ra giữa Chính phủ hai quốc gia mà còn là giữa các đơn vị doanh nghiệp. Liên quan đến quản lý rủi ro thiên tai và cảnh báo sớm, Nhật Bản khẳng định, công nghệ của Spectee về dự báo, cảnh báo sớm thiên tai mang lại kết quả tốt và dự kiến sẽ trao đổi ứng dụng tại Hà Nội trong thời gian tới. Nhật Bản cam kết kết đẩy mạnh hợp tác nhằm xây dựng các giải pháp toàn diện về cung cấp dịch vụ, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực, cảnh báo sớm thiên tai, nâng cao năng lực quản lý nhà nước thông qua hình thức phối hợp công - tư.
Italia cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam chuẩn bị cho Hội nghị BĐKH COP30 sắp tới và đánh giá cao những mục tiêu tham vọng của Việt Nam trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), Phía Italia khẳng định đang tiếp tục trao đổi với cơ quan Hợp tác phát triển Italia để hiểu hơn về các mục tiêu của Việt Nam, qua đó hỗ trợ Việt Nam thực hiện và cập nhật NDC.
Đan Mạch cam kết chia sẻ kinh nghiệm và cách tiếp cận mới về chuyển đổi xanh và thích ứng BĐKH cho Việt Nam và khẳng định trong khuôn khổ thực hiện Đối tác chiến lược về phát triển xanh, Đan Mạch sẽ hỗ trợ Việt Nam xây dựng Kế hoạch không gian biển toàn diện và có tính hợp tác cho điện gió ngoài khơi, cũng như có thêm nhiều hoạt động trao đổi kinh nghiệm, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
UNEP cam kết hỗ trợ Việt Nam về kỹ thuật trong phát triển thị trường các-bon. GGGI cam kết phối hợp với các cơ quan của Bộ huy động nguồn tài chính từ Dự án hợp tác ASEAN - Hàn Quốc về giảm phát thải khí Metan (hỗ trợ đo giảm phát thải và tăng cường năng lực thực hiện điều 6 thỏa thuận Paris). UNIDO khẳng định đang tích cực xây dựng các giải pháp nhằm phát triển chuỗi giá trị có khả năng cạnh tranh, bền vững và thích ứng với BĐKH, bao gồm nâng cao năng lực cho các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp và các đơn vị liên quan, tập trung vào công nghệ xanh, sạch, giảm phát thải.
Khả năng thúc đẩy hợp tác sau Hội nghị, bao gồm: (1) Xem xét khả năng tham gia sáng kiến của Singapore và một số nước về thành lập một liên minh quốc tế về tín chỉ các-bon tự nguyện; (2) Thúc đẩy Nhật Bản ký kết thỏa thuận hợp tác thực hiện cơ chế tín chỉ chung (JCM) theo Luật Điều ước quốc tế để có căn cứ triển khai, thúc đẩy nội lực hóa quy định của Thỏa thuận Paris về BĐKH; (3) Nghiên cứu khả năng tham gia Liên minh rừng ngập mặn để ứng phó với BĐKH (MAC) do UAE cùng Inđônêxia khởi xướng và tham gia Cơ quan năng lượng tái tạo quốc tế IRENA có trụ sở tại UAE; (4) Phối hợp với GGGI xem xét ký MOU mới thay thế MOU hiện tại, qua đó thu hút được nhiều nguồn tài chính hơn cho tăng trưởng xanh ngành nông nghiệp và môi trường.
Quản lý môi trường và kiểm soát ô nhiễm
Tại cuộc họp song phương bên lề Hội nghị thượng đỉnh P4G với Bộ sinh thái và Môi trường Trung Quốc, nước này đã chia sẻ về thành công của Trung Quốc về cải thiện chất lượng không khí, đặc biệt tại các đô thị lớn. Trung quốc đã dựa trên mô hình quản trị môi trường với 4 trụ cột: “Chính phủ là chủ đạo, doanh nghiệp là chủ thể, khoa học công nghệ là nền tảng, toàn dân là bảo hộ” và giải pháp chính là điều chỉnh kết cấu năng lượng sạch trong công nghệ và giao thông, cụ thể: Giảm tỷ trọng tiêu thụ than từ 47% xuống 23% trong 10 năm qua; Phát triển nhiệt sạch thay thế than sưởi tại miền Bắc, hỗ trợ 4.100 hộ dân chuyển đổi năng lượng sạch đồng thời cắt giảm 80 triệu tấn than; Xây dựng hệ thống sản xuất thép sạch lớn nhất thế giới; Dẫn đầu toàn cầu về xuất khẩu xe năng lượng mới (chiếm 70% thị phần thế giới). Kết quả cho thấy, trong giai đoạn 2015 - 2024, khi GDP Trung Quốc tăng trưởng 55%, số lượng xe tăng tăng 110%, nhưng nồng độ PM2,5 toàn quốc giảm 36%, riêng Bắc Kinh giảm 61%.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực của Trung Quốc trong việc cải thiện chất lượng không khí, đặc biệt là giải pháp sử dụng công nghệ viễn thám để giám sát mật độ ô nhiễm không khí. Bộ trưởng khẳng định hướng đi của Trung Quốc là hướng đi hiện đại, hiệu quả và có thể được các nước tham khảo, áp dụng phù hợp với điều kiện thực tế.
Cuộc họp với Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNEP cho thấy, việc suy giảm môi trường toàn cầu là vấn đề nghiêm trọng, có liên quan mật thiết đến phát triển nông nghiệp bền vững - một lĩnh vực cần được chú trọng giải quyết. Trong quá trình đàm phán về một hiệp ước toàn cầu liên quan đến nhựa và rác thải nhựa, các quốc gia đang bày tỏ những quan điểm khác nhau về tính ràng buộc pháp lý của thỏa thuận. Một số quốc gia ủng hộ xây dựng các cam kết pháp lý cụ thể, trong khi một số khác vẫn còn thận trọng. Với tư cách là cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc và giữ vai trò Ban thư ký của tiến trình đàm phán, UNEP kỳ vọng các quốc gia sẽ tham gia đầy đủ vào thỏa thuận toàn cầu, trong đó có phụ lục đi kèm nhằm đảm bảo phù hợp điều kiện cũng như quy định pháp luật của từng nước.
UNEP nhận thấy sự tích cực trong thúc đẩy cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) trong quản lý chất thải, đặc biệt là đối với rác thải nhựa của Việt Nam. UNEP có Ủy ban Kinh tế - Xã hội phụ trách phối hợp các chính sách về kiểm soát ô nhiễm và phát triển bền vững và tích cực hợp tác với các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)… Đây là nền tảng để chia sẻ thông tin, thúc đẩy hợp tác khu vực, trong đó có liên quan đến phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhất trí với các đối tác và cho biết trong năm 2025 và giai đoạn 2026 - 2030, Chính phủ Việt Nam xác định, quản lý môi trường và kiểm soát ô nhiễm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
Ô nhiễm môi trường là vấn đề không biên giới, do đó cách tiếp cận cần mang tính toàn cầu, trước hết là trong phạm vi khu vực. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc hay UNEP là những đối tác quan trọng, đã và sẽ tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam giải quyết những thách thức không chỉ ở cấp quốc gia, khu vực mà còn đóng góp vào nỗ lực toàn cầu.
Sau Hội nghị, sẽ tổ chức đoàn công tác thăm quan, học tập kinh nghiệm của Trung Quốc trong quản lý ô nghiễm môi trường và hợp tác về ứng phó với BĐKH; Nghiên cứu khả năng tham gia đầy đủ hiệp ước toàn cầu về rác thải nhựa theo đề nghị của UNEP.
Đánh giá tổng quan
Hội nghị đã khẳng định vai trò của Bộ Nông nghiệp và Môi trường trong thúc đẩy đối thoại, hợp tác quốc tế tại diễn đàn P4G. Tạo dựng được mạng lưới đối tác song phương và đa phương, đồng thời bước đầu huy động được các cam kết ban đầu về tài chính, công nghệ và kỹ thuật. Xây dựng hình ảnh Việt Nam là quốc gia tiên phong thúc đẩy chuyển đổi hệ thống lương thực tích hợp các mục tiêu khí hậu, môi trường và phát triển bền vững. Các đối tác ủng hộ và đánh giá cao nỗ lực của Việt nam trong tăng trưởng xanh, phát triển nông nghiệp bền vững, thực hiện các cam kết về giảm phát thải, thích ứng biến đổi khí hậu. Thông qua đó, có thể tận dụng các diễn đàn, cơ chế hợp tác khu vực và toàn cầu để huy động hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật.
Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức như: Triển khai các chương trình chuyển đổi hệ thống lương thực, nông nghiệp phát thải thấp, phát triển tín chỉ carbon và thích ứng biến đổi khí hậu đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn, dài hạn, trong khi ngân sách trong nước còn hạn chế.
Việc hiện thực hóa các thỏa thuận hợp tác, đặc biệt trong các lĩnh vực như giảm phát thải, viễn thám, cảnh báo sớm, nông nghiệp thông minh… đòi hỏi trình độ khoa học công nghệ, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực đồng bộ. Hệ thống quan trắc, dữ liệu và cơ sở hạ tầng phục vụ đo đạc - báo cáo - thẩm định (MRV) còn thiếu và phân tán, việc tiếp nhận và làm chủ công nghệ tiên tiến từ các nước phát triển vẫn còn chậm do thiếu nhân lực chất lượng cao.
Mặt khác, các cơ chế tài chính khí hậu toàn cầu còn phức tạp, khó tiếp cận đối với khu vực tư nhân nhỏ và siêu nhỏ tại Việt Nam. Thách thức trong việc xây dựng khung pháp lý phù hợp với các tiêu chuẩn toàn cầu nhằm thúc đẩy thị trường các bon.
Trương Thị Tuyết Nhung
Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Môi trường
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 6/2025)