Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 01/11/2024

Hiện trạng, giải pháp thúc đẩy chuyển dịch từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng xanh ở Việt Nam

09/08/2024

    Ngày 8/8/2024, tại Hà Nội, Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) phối hợp cùng Tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Thúc đẩy phát triển năng lượng xanh: Hiện trạng và giải pháp thực hiện”. Tham dự Hội thảo có TS. Phạm Anh Tuấn, Phó Viện trưởng điều hành Viện Kinh tế Việt Nam; TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh; PGS.TS. Trần Đình Thiên, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia; PGS.TS. Lê Bộ Lĩnh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; PGS.TS. Lê Xuân Bá, Hội Kinh tế Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương; Ông Vũ Quốc Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại… cùng 150 khách mời là chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, đại biểu đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, các hiệp hội, doanh nghiệp và các cơ quan thông tấn, báo chí.

    Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Phạm Anh Tuấn, Phó Viện trưởng điều hành Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, năng lượng xanh còn được gọi là năng lượng tái tạo, là loại năng lượng được tạo ra từ các nguồn tài nguyên tự nhiên không giới hạn hoặc tái tạo được trong quá trình ngắn so với thời gian mà nó được sử dụng. Năng lượng xanh không chỉ giúp đảm bảo nhu cầu năng lượng của mỗi quốc gia, mà còn là một giải pháp quan trọng nhằm ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra trên toàn cầu. Tại Việt Nam, ngày 1/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 (Chiến lược Tăng trưởng xanh), tập trung vào khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh. Đồng thời, Việt Nam đã cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) và Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC); tham gia Nhóm các đối tác Chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP). Để cụ thể hóa các Chiến lược và cam kết nói trên, ngày 15/5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 500/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), trong đó ưu tiên phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện sẽ đạt tỷ lệ khoảng 30,9 - 39,2% vào năm 2030, định hướng đến năm 2050; tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5 - 71,5%. Tuy nhiên, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo là việc làm không dễ, bởi các hệ thống cung cấp năng lượng xanh đòi hỏi những khoản đầu tư rất lớn. Cùng với đó, công nghệ trong việc sản xuất và lưu trữ năng lượng xanh vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn trong việc đảm bảo cung ứng năng lượng ổn định... Từ thực tiễn nêu trên, theo TS. Phạm Anh Tuấn, Hội thảo là hoạt động khoa học có ý nghĩa quan trọng, nhằm tìm ra các luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc đề xuất giải pháp mang tính then chốt, đột phá của quá trình chuyển dịch năng lượng hóa thạch sang năng lượng xanh, năng lượng tái tạo và tạo lập hệ sinh thái đầy đủ, đồng bộ cho quá trình chuyển dịch nói trên. Hội thảo cũng sẽ đề cập đến tiềm năng, xu hướng một số lĩnh vực, ngành xanh, tạo động lực thúc đẩy chuyển đổi xanh ở Việt Nam (Hydrogen, xe điện, thị trường tín chỉ các-bon, tài chính xanh...).

Quang cảnh Hội thảo

    Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã lắng nghe tham luận nội dung về: Xu hướng thế giới và Việt Nam về phát triển một số ngành nghề, lĩnh vực xanh then chốt gắn với quá trình chuyển đổi năng lượng; Đánh giá sự sẵn sàng tham gia thị trường tín chỉ các-bon của các doanh nghiệp dầu khí Việt Nam nhìn từ kinh nghiệm của các Tập đoàn dầu khí trên thế giới; Chính sách và công nghệ năng cho quá trình chuyển dịch năng lượng xanh ở Việt Nam; Quá trình thực hiện chuỗi Dự án Điện khí LNG và Điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch năng lượng quốc gia và Quy hoạch Điện VIII của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Phát hiện các rào cản, điểm nghẽn trong quá trình thực hiện chuyển dịch năng lượng xanh (Quy hoạch điện VIII) hiện nay. Hội thảo cũng xác định những bất cập, hạn chế, điểm nghẽn, nút thắt về cơ chế, chính sách và tổ chức quản lý cần phải tháo gỡ và xác định đúng những căn nguyên của vấn đề đang cản trở quá trình chuyển dịch năng lượng xanh và kinh tế xanh hiện nay. Đồng thời, các đại biểu cũng chia sẻ ý kiến, quan điểm về các vấn đề liên quan để hiện thực khát vọng xanh hóa ngành năng lượng của Việt Nam.

    Chia sẻ tại Hội thảo, GS.TS. Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, việc tham gia Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, thể hiện sự tập trung, quyết tâm của Việt Nam trong việc xây dựng một hành trình phát triển bền vững, với mục tiêu chính là tạo điều kiện cho thế hệ tương lai có môi trường sạch và an toàn. Đồng thời, cam kết giảm phát thải nhà kính để đạt được mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Do vậy, các chính sách hướng tới phát triển bền vững được ban hành cần tập trung vào 4 trụ cột chính: Thị trường năng lượng, năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng, biến đổi khí hậu. Vì vậy, để góp phần thúc đẩy phát triển năng lượng xanh, ngay từ bây giờ chúng ta phải quy hoạch đất trồng, tập trung vào sản xuất và sử dụng nhiên liệu tái tạo, tập trung vào nhiệt điện sinh khối và cần quan tâm đến vấn đề tồn trữ năng lượng vì chúng ta có thế mạnh về thủy điện. Bên cạnh đó, chúng ta đang định hướng về điện mặt trời, điện gió, nếu tổ chức năng lượng, công nghệ không phát triển thì giá trị điện mặt trời mang lại cho hệ thống điện không cao, đồng thời, cần tập trung vào công nghệ thu hồi và lưu trữ các-bon.

    Gợi mở triển vọng phát triển các ngành kinh tế xanh tại Việt Nam, TS. Hà Huy Ngọc, Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, trước hết xây dựng chiến lược quốc gia và lộ trình rõ ràng cho nhóm các ngành, lĩnh vực xanh quan trọng, phức tạp, đó là hydro sạch, giao thông, logistic xanh, với một cơ quan liên bộ đóng vai trò dẫn dắt, triển khai các chiến lược ngành này. Ngoài ra, các dự án tăng tốc chiến lược tăng trưởng xanh cần được triển khai ở cấp tỉnh và thành phố. Các bộ, ngành và cơ quan liên quan cần phối hợp triển khai hoàn thiện một hệ thống phân loại xanh quốc gia toàn diện, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Hệ thống phân loại cần bao gồm danh sách chi tiết các chủ đề, lĩnh vực và dự án phù hợp với định hướng tăng trưởng xanh. Thêm vào đó, hệ thống phân loại cần bao gồm các tiêu chuẩn kỹ thuật theo ngành cụ thể như mức phát thải khí nhà kính và tiêu chuẩn hiệu quả năng lượng, cùng với quy trình xác minh, chứng nhận và hướng dẫn cho các bên liên quan.

    Theo TS. Vũ Minh Pháp Viện Khoa học công nghệ năng lượng và môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, kinh nghiệm từ các tập đoàn dầu khí lớn trên thế giới đã chứng minh tầm quan trọng của việc chuẩn bị sẵn sàng trước khi tham gia Hệ thống giao dịch phát thải (ETS). Cả BP và Shell đã bắt đầu triển khai hệ thống ETS nội bộ từ những năm đầu thế kỷ XX, cho phép họ tích lũy nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, đồng thời tạo ra các tiêu chuẩn, quy trình hiệu quả trong việc quản lý phát thải và giao dịch các-bon. Doanh nghiệp dầu khí tại Việt Nam có thể xây dựng một lộ trình để triển khai và ngừng vận hành hệ thống ETS nội bộ khi đánh giá rằng các đơn vị thành viên đã đủ kinh nghiệm để tham gia thị trường các-bon bắt buộc. Điều này có thể là một cách tiếp cận hợp lý để tối ưu hóa quá trình chuyển đổi và đảm bảo sự liên tục trong việc quản lý phát thải và tham gia các thị trường phát thải khí nhà kính.

    Phát biểu kết luận Hội thảo, TS. Phạm Anh Tuấn, Phó Viện trưởng điều hành Viện Kinh tế Việt Nam cảm ơn các chuyên gia đã có bài tham luận khoa học cũng như ý kiến trao đổi, thảo luận, đóng góp của các đại biểu. Ban Tổ chức sẽ tổng hợp các ý kiến đóng góp tại Hội thảo để báo cáo kiến nghị chính sách gửi Chính phủ và Bộ, ngành Trung ương, các cơ quan liên quan.

Gia Linh

Ý kiến của bạn