08/07/2024
Chiều ngày 6/7/2024, tại Hà Nội, Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) (Hội Thủy sản Việt Nam) phối hợp với Nhãn hàng JAPIFOODS (Công ty CP WinEco Việt Nam) tổ chức Lễ ra mắt Chương trình “Blue Ocean - Blue Foods” - Hành trình xây dựng bể chứa các bon ngành thủy sản. Tham dự buổi Lễ có Lãnh đạo Cục Thủy sản Việt Nam; Cục Kiểm ngư Việt Nam; Hội Thủy sản Việt Nam; Trung tâm ICAFIS; Công ty CP WinEco Việt Nam…
Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang tác động ngày càng nghiêm trọng đến toàn cầu và Việt Nam là một trong sáu quốc gia trên thế giới tác động nặng nề nhất của BĐKH. Theo kịch bản BĐKH của Việt Nam năm 2020, nếu mực nước biển dâng thêm 100 cm, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có nguy cơ ngập khoảng 47% diện tích, khoảng 10% dân số tại khu vực ĐBSCL bị ảnh hưởng trực tiếp do mất đất. Khi mực nước biển dâng trung bình 57cm, sẽ có khoảng 8% diện tích rừng và thảm thực vật tự nhiên ở vùng ven biển có nguy cơ bị ngập. Diện tích rừng ngập mặn bị thu hẹp nghiêm trọng nhất ở các tỉnh Cà Mau, Bà Rịa - Vũng Tàu, Nam Định và TP. Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, theo Bản tin khí nhà kính (KNK) thường niên lần thứ 19, Tổ chức Khí tượng thế giới của Liên hợp quốc (VMO) cho biết, mức độ phát thải của ba loại KNK (các bon dioxide, metan và oxide nito) đều đã phá vỡ kỷ lục vào năm 2022, trong đó nồng độ trung bình toàn cầu của loại KNK quan trọng nhất - các bon dioxide (CO2) - cao hơn 50% so với thời kỳ tiền công nghiệp, đánh dấu lần đầu tiên. Năm 2022, Việt Nam phát thải 344 triệu tấn CO2/năm, xếp thứ 17 trên toàn cầu.
Phó Giám đốc Trung tâm ICAFIS Đinh Xuân Lập phát biểu tại buổi Lễ
Sự phát triển nhanh của đô thị và kinh tế - xã hội cộng hưởng với tác động của nóng lên toàn cầu, làm gia tăng nhanh hơn các hiện tượng cực đoan, cũng như rủi ro khí hậu ở các địa phương ven biển. Vì vậy, nhằm giảm thiểu tác động của BĐKH, cần có sự tăng cường liên kết và tham gia của các bên liên quan trong hỗ trợ cộng đồng ven biển.
Phát biểu tại buổi Lễ, ông Đinh Xuân Lập, Phó Giám đốc Trung tâm ICAFIS cho biết, với mục tiêu giảm thiểu các tác động của BĐKH, giảm phát thải KNK, cải thiện môi trường biển và phát triển sinh kế cộng đồng. Chương trình “Blue Ocean - Blue Foods” nhằm thúc đẩy sự tham gia có trách nhiệm về môi trường, xã hội và cộng đồng của các bên liên quan; nâng cao nhận thức cộng đồng ven biển về BĐKH và bảo vệ môi trường biển; thúc đẩy sự đồng hành của doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường biển “Blue Ocean”; thực hiện kinh tế tuần hoàn, có trách nhiệm, giảm thiểu tác động của BĐKH vùng ven biển “Blue Foods”: Huy động sự tham gia của doanh nghiệp trong chuỗi nuôi trồng thủy sản gắn với phát triển trồng rong biển tại Việt Nam; thúc đẩy hình thành liên minh thực phẩm thủy sản có trách nhiệm “Blue Foods Alliance”.
Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ giữa ICAFIS - JAPIFOODS
Theo Báo cáo tại buổi Lễ, nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam cho thấy, có hơn 887 loài rong biển, trong đó có 90 loài có giá trị kinh tế. Đến năm 2023, diện tích trồng rong biển sẽ đạt khoảng 16.500 ha, với sản lượng 150.000 tấn rong tươi. Nghề nuôi rong biển và hàu đang phát triển như một ngành kinh doanh sinh lời ở các tỉnh ven biển - được nuôi để làm thực phẩm, chế biến thực phẩm, mỹ phẩm và thuốc. Sinh kế của người dân sống ở các vùng ven biển này phụ thuộc vào chất lượng nước và môi trường sống trong các hệ sinh thái biển phong phú này. Rong biển là nguyên liệu xanh, có thể hấp thụ các bon từ khí quyển và trung hòa axit đại dương, đang được kỳ vọng trở thành giải pháp giúp làm sạch hành tinh. Rong biển có thể lưu trữ 1.500 tấn KNK trên mỗi km2, tốc độ phát triển của rong biển cao gấp 30-60 lần so với các loài thực vật trên đất liền, vì vậy, có thể hấp thụ rất nhiều CO2, hấp thụ khí cacbonic nhiều gấp 2,4 lần so với cây cối trên đất liền. Ngoài ra, các chuỗi phân tử dài trong rong biển để sản xuất các hợp chất thay thế nhựa - hiện nay một số loại nhựa sinh học đã có trên thị trường.
Rong biển và hàu có thể được trồng mà không cần đầu vào bên ngoài, loại bỏ các chất dinh dưỡng phú dưỡng khỏi nước và biến chúng thành protein, dầu, nguyên liệu hóa học xanh có giá trị và nhiều loại sản phẩm công nghiệp. Sản xuất hàng loạt rong biển và hàu làm thực phẩm cho người, thức ăn chăn nuôi, phụ gia, dược phẩm, y tế, phân bón và phụ gia thực phẩm có thể là một sự thay đổi mang tính biến đổi trong phương trình an toàn, an ninh lương thực toàn cầu.
Các đại biểu tham dự buổi Lễ
Chia sẻ về tiềm năng phát triển rong biển, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản cho biết, một số nghiên cứu về khả năng hấp thụ CO2 của rong biển cho thấy, gấp khoảng 5 lần cây rừng, một số loài rong có khả năng hấp thụ CO2 gấp 20 lần, đây là một tiềm năng rất lớn. Hiện tại, Cục Thủy sản đang phối hợp với Công ty Australis phát triển một số loại rong sau khi chiết xuất, còn lại cho vào thức ăn động vật nhai lại (bò), sử dụng 1 phần nguyên liệu thức ăn này làm cho khả năng ợ hơi tạo khí metan của trâu bò giảm rất nhiều. Đây là những vấn đề mà Cục Thủy sản sẽ có kế hoạch phát triển mạnh ngành rong biển trong tương lai.
Cam kết về sự phát triển của ngành hàng rong biển gắn với tín chỉ các bon của doanh nghiệp, đại diện Nhãn hàng JAPIFOODS, bà Nguyễn Thị Sâm, Tổng Giám đốc Công ty CP Wineco Việt Nam cho biết:“Sản phẩm mà JAPIFOODS đang sản xuất và kinh doanh là những “món quà của biển” với nguyên liệu từ bàn tay nông dân khắp miền biển Việt Nam. Đây là Chương trình có ý nghĩa với môi trường - xã hội - cộng đồng và doanh nghiệp. Đồng hành với chương trình này, chúng tôi cam kết đóng góp 10% tổng doanh thu của JAPIFOODS cho Chương trình; phối hợp cùng Trung tâm ICAFIS cung cấp giống rong biển miễn phí cho cộng đồng ngư dân ven biển và thu mua sản phẩm rong biển nhằm tạo ra chuỗi kinh tế tuần hoàn toàn diện và có trách nhiệm”.
Châu Loan